xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hết cháy rừng lại lo lũ quét

NHÓM PHÓNG VIÊN

Dự báo hôm nay (2-7) ở miền Trung có mưa sẽ dập tắt được các đám cháy rừng nhưng đồng thời kéo theo nguy cơ lũ quét, sạt lở do thảm phủ suy giảm

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 1-7, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết đến 5 giờ 30 phút ngày 1-7, tất cả các điểm cháy rừng ở 7 huyện của Hà Tĩnh đã tắt lửa sau các nỗ lực cứu rừng của hơn 15.000 cán bộ, chiến sĩ, kiểm lâm viên và dân quân tự vệ.

Cháy rừng khắp các tỉnh miền Trung

Tuy nhiên, theo ông Sơn, lửa vẫn âm ỉ ở dưới gốc rừng và có nguy cơ bùng phát trở lại. "Điểm cháy ở xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ nằm trên triền núi cao, không thể dùng máy bơm và vận chuyển nước lên dập được nên phương thức dập lửa vẫn là dùng cành cây để dập và máy thổi để khoanh vùng cháy. Đến chiều 1-7, đang có khoảng 400 người tham gia dập lửa" - ông Sơn nói.

Khoảng 14 giờ ngày 1-7, dù thời tiết ở Quảng Nam đã hạ nhiệt, không còn nắng nóng như những ngày trước nhưng một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại khu rừng keo ở khối phố Trà Cai (phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam).

Nhận tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu hộ, cứu nạn Công an tỉnh Quảng Nam đã huy động nhiều xe chữa cháy cùng hàng chục chiến sĩ đến phối hợp với người dân địa phương dập lửa. Gần 1 giờ sau, ngọn lửa được dập tắt hoàn toàn nhưng diện tích lớn rừng keo đã bị thiêu rụi. Trước đó, trong các ngày 27 và 29-6, tại huyện Thăng Bình và TP Tam Kỳ cũng liên tiếp xảy ra 3 vụ cháy rừng keo của người dân địa phương, gây thiệt hại khoảng 10 ha rừng.

Cùng ngày, ông Nguyễn Tăng Bính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết đến chiều 1-7, lực lượng chức năng đã khống chế được đám cháy ở khu vực rừng sản xuất của người dân xã Phổ Cường và rừng phòng hộ hồ Diên Trường (xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi).

Theo thông tin ban đầu, trưa 30-6, một số hộ dân có rừng sản xuất ở xã Phổ Cường đốt thực bì, sau đó ngọn lửa cháy lan qua rừng phòng hộ. Các lực lượng đã chữa cháy xuyên đêm mới tạm thời khống chế ngọn lửa, không để cháy lan ra diện rộng. Thiệt hại cụ thể đang được các cơ quan chức năng thống kê nhưng ước tính có khoảng vài chục hecta rừng bị tàn phá.

Ngay sau đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi có công điện khẩn chỉ đạo phát dọn đường băng, khoanh vùng cản lửa trong phạm vi 30 ha của rừng phòng hộ.

Ông Ngô Trường Chinh, Phó Phòng Quản lý Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi Cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng), ngày 1-7 cho biết trong 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn TP đã xảy ra 4 vụ cháy rừng trên diện tích khoảng 4,4 ha. Diện tích rừng bị cháy chủ yếu là rừng trồng keo, bạch đàn tái sinh của người dân.

Qua kiểm tra tình hình, các hạt kiểm lâm đã xử phạt 8 trường hợp vi phạm hành chính về an toàn trong phòng cháy chữa cháy rừng đối với chủ rừng và người vi phạm, với số tiền gần 20 triệu đồng. Ngoài ra, đơn vị đang xác minh, xử lý vi phạm đối với một vụ cháy gây thiệt hại rừng trồng tại địa bàn xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang).

Trong khi đó, theo Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, thời gian qua trên địa bàn liên tiếp xảy ra 11 vụ cháy rừng khiến gần 55 ha rừng bị thiêu rụi, 1 người dân tử vong khi tham gia chữa cháy. Đặc biệt, trong những ngày cuối tháng 6-2019, do nắng nóng kéo dài nên đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng lớn tại 2 xã Nam Kim và Khánh Sơn của huyện Nam Đàn. Để khống chế các đám cháy, tỉnh Nghệ An đã huy động gần 5.000 người tham gia chữa cháy.

Hết cháy rừng lại lo lũ quét - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kiểm tra việc chữa cháy rừng ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh ngày 1-7Ảnh: Thành Chung

Hết cháy rừng lại lo lũ quét - Ảnh 2.

v

Hỗ trợ dân trồng lại rừng

Tiếp tục chuyến công tác tại Hà Tĩnh, trong ngày 1-7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đi thị sát, kiểm tra tình hình chữa cháy rừng ở xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ. Tại đây, Phó Thủ tướng yêu cầu Hà Tĩnh nói riêng và các tỉnh miền Trung có rừng bị cháy nói chung, rà soát, xác định và phân loại các loại rừng đã bị cháy để tính toán phương án hỗ trợ cho bà con trồng rừng. Phó Thủ tướng cũng lưu ý Hà Tĩnh tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân không được đốt rơm rạ trong nắng nóng vì trên đường đi thị sát vào xã Trường Sơn, ông vẫn thấy người dân đốt rạ trên đồng.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, chiều 1-7, vùng áp thấp trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và dự báo có thể mạnh lên thành bão trong khoảng 2-3 ngày tới.

Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp đi qua khu vực Bắc Bộ nên ngày 2-7, ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và giông; riêng khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Sau thời gian dài nắng nóng, cháy rừng đã xảy ra ở khu vực Bắc Trung Bộ, bề mặt thảm phủ bị suy giảm, mưa lớn trên diện rộng gây nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ do nghẽn dòng, lũ bùn và sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình.

Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các lực lượng cứu hộ, cứu nạn nói chung và tỉnh Hà Tĩnh nói riêng giữ vững tinh thần sẵn sàng để ứng phó với mưa lũ, biển động vì áp thấp nhiệt đới trong những ngày tới. 

Khởi tố đối tượng gây ra vụ cháy rừng

Liên quan đến vụ cháy rừng thông Hồng Lĩnh ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh (diễn ra từ ngày 28 đến 30-6) chiều 1-7, Công an huyện Nghi Xuân đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Phan Đình Thành (46 tuổi) về tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy. Tại cơ quan điều tra, ông Thành khai trưa 28-6 đã đốt rác trong vườn nhà. Nắng nóng và gió lớn đã khiến đám cháy bùng phát và nhanh chóng lan rộng. Ông Thành vừa dập lửa vừa hô hoán mọi người đến giúp đỡ nhưng ngọn lửa cháy lan sang rừng thông. Sau gần 3 ngày, đám cháy ở rừng thông Hồng Lĩnh mới được dập tắt.

Đ.Ngọc

Khó đưa trực thăng tham gia chữa cháy rừng

Liên quan đến nhiều ý kiến cho rằng cần tính đến phương án sử dụng máy bay trực thăng tham gia chữa cháy rừng, chiều 1-7, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - người trực tiếp có mặt tại Hà Tĩnh để cùng lãnh đạo địa phương chỉ huy công tác chữa cháy rừng, cho biết ở Việt Nam chưa từng áp dụng phương pháp này. Ngoài ra, do đặc thù địa hình ở nhiều địa phương, nếu dùng máy bay trực thăng chữa cháy sẽ không hiệu quả.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho biết Chính phủ đã nhận được ý kiến này nhưng thấy rằng chữa cháy bằng trực thăng cần sử dụng liên tiếp từ 3 đến 5 chiếc dội nước liên tục cho một điểm cháy, trong khi tình trạng cháy rừng phủ rộng trên nhiều huyện của nhiều tỉnh nên việc huy động trực thăng là khó khăn. Không chỉ vậy, tình hình gió phơn Tây Nam thổi mạnh trong suốt thời gian qua cũng ảnh hưởng tới khả năng tháo nước trúng điểm cháy, đặc biệt là ảnh hưởng tới an toàn bay nên Chính phủ chưa điều động trực thăng chữa cháy rừng.

"Với tình hình cháy ở các điểm diện rộng như vậy thì huy động các lực lượng tại chỗ và dập lửa bằng các thiết bị máy thổi, cưa xăng là hiệu quả hơn cả. Trong tháng 7 này, thời tiết tiếp tục nắng nóng gay gắt, các tỉnh không được chủ quan, phải tính toán nhu cầu sử dụng thiết bị chữa cháy này để báo cáo Chính phủ duyệt chi đột xuất" - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo