xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hết nhập nhèm taxi công nghệ

VĂN DUẨN - GIA MINH - NGUYỄN HẢI

(NLDO) - Các hãng công nghệ không còn được điều hành, quản lý hoạt động xe, thu tiền từ tài xế, hành khách kể từ ngày 1-4

Từ ngày 1-4, Nghị định 10/2020/NĐ-CP (thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô) có hiệu lực, thống nhất quản lý mô hình taxi công nghệ và taxi truyền thống.

Thay đổi không nhiều

Nghị định 10 nêu rõ: Ôtô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi phải có phù hiệu "XE TAXI" và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe. Xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ sẽ được quyền lựa chọn gắn hộp đèn "TAXI" hoặc dán phù hiệu xe taxi cố định ở trên xe.

Với loại hình xe công nghệ như Grab, từ ngày 1-4, các hãng công nghệ cung cấp phần mềm kết nối sẽ được xem là các hãng cung cấp phầm mềm, dịch vụ, không phải là doanh nghiệp (DN) vận tải. Do vậy, các hãng này không được phép điều hành, quản lý hoạt động của phương tiện cũng như thu tiền từ tài xế, hành khách.

Hết nhập nhèm taxi công nghệ - Ảnh 1.

Từ ngày 1-4, tương ứng với loại hình kinh doanh, xe hợp đồng, du lịch, taxi phải gắn cố định cụm từ “XE HỢP ĐỒNG”, “XE DU LỊCH”, “XE TAXI” Ảnh: GIA MINH

Đại diện các hãng xe công nghệ đều khẳng định mọi hoạt động sau ngày 1-4 vẫn diễn ra bình thường. Ông Nguyễn Hữu Tuất, người sáng lập FastGo Việt Nam, cho rằng Nghị định 10 không khác nhiều so với quy định thí điểm đã triển khai. Điểm khác cơ bản mà DN xe công nghệ phải xử lý là quy định rõ ràng công ty vận tải hay công ty phần mềm. Nếu DN là công ty phần mềm chỉ cung cấp ứng dụng, không được quyết định giá cước. Điểm khác nữa là chọn phương thức gắn hộp đèn taxi hay chọn hình thức xe hợp đồng. Để giải quyết các vấn đề trên, ông Tuất vẫn chọn FastGo là DN cung cấp ứng dụng kết nối cho các đối tác là đơn vị taxi hay HTX. Các chủ xe sẽ tự quyết định chọn chạy taxi hay chạy xe hợp đồng.

Còn ông Nguyễn Văn Sang, Tổng Giám đốc Công ty CP T.Net, khẳng định quy định mới buộc các đơn vị cung cấp giải pháp phần mềm công nghệ kết nối ứng dụng gọi xe công nghệ phải đăng ký lại với Bộ Công Thương để bộ này xác nhận đơn vị hoạt động theo sàn thương mại điện tử. Các đối tác của T.Net lâu nay vẫn là chủ xe tham gia vào các hãng taxi hoặc HTX, trong đó đối tác tham gia HTX chiếm đến 80%-90%. Ngoài ra, các đối tác có thể ủy quyền cho các hãng xe công nghệ để thực hiện các giao dịch với khách hàng.

Đại diện Grab Việt Nam cho biết đang nghiên cứu Nghị định 10 để tìm ra lựa chọn tốt nhất cho mô hình hoạt động, đồng thời tích cực làm việc với các cơ quan chức năng để tìm hiểu kỹ hơn các quy định của pháp luật dành cho mô hình hoạt động đó.

Sân chơi công bằng

Các hãng taxi truyền thống đánh giá Nghị định 10 có hiệu lực sẽ tạo sự công bằng trong các hoạt động kinh doanh vận tải, cụ thể là kinh doanh ngành nghề gì thì đăng ký ngành nghề đó. Ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh, cho biết đơn vị đang đồng thời hoạt động cả 2 loại hình taxi truyền thống cùng ứng dụng gọi xe. Từ ngày 1-4, hoạt động của Mai Linh sẽ tuân thủ chặt chẽ theo Nghị định 10.

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM, cho rằng việc thay đổi không ảnh hưởng nhiều hành khách bởi vẫn có thể gọi xe như trước. Mặt khác, việc tách bạch giữa đơn vị vận tải và bên cung cấp phần mềm sẽ thuận lợi hơn trong việc quản lý, xử phạt bởi như vậy đã định danh cụ thể về bản chất hoạt động.

Với tư cách là Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), ông Tạ Long Hỷ cũng khẳng định quyết định dừng thí điểm không ảnh hưởng đến hoạt động của Vinasun. DN đã tích hợp cả 2 hình thức là taxi tính tiền theo đồng hồ và thanh toán qua ứng dụng. Trong khi ứng dụng gọi xe, nền tảng công nghệ cũng do đơn vị xây dựng, vì vậy không bị "bất ngờ" trước quyết định mới.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội, cho rằng Nghị định 10 là một sự tiến bộ về mặt quản lý, tạo mọi điều kiện cho các loại hình kinh tế hoạt động. Taxi công nghệ, có hành lang pháp lý để phát triển.

Còn theo PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế - tài chính, Nghị định 10 phân biệt rõ DN nào tham gia ít nhất một trong các công đoạn chính như điều hành phương tiện, quyết định giá cước… thì được gọi là DN vận tải. Ngược lại, đơn vị nào không tham gia các công đoạn trên thì được xem là DN cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải.

"Với loại hình xe công nghệ, Nghị định 10 tạo khung pháp lý để bảo đảm có sự quản lý chặt chẽ hơn của cơ quan nhà nước. Nhưng theo tôi, hoạt động của loại hình này không thay đổi nhiều"- ông Ngô Trí Long bình luận. 

Đề xuất dời thời gian, tạm dừng xử phạt

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM cho biết Nghị định 10 có quy định các đơn vị vận tải khách theo hợp đồng, du lịch, taxi phải gắn cố định cụm từ "XE HỢP ĐỒNG", "XE DU LỊCH", "XE TAXI" (tương ứng với loại hình kinh doanh) làm bằng vật liệu phản quang trên kính trước và sau xe. Trước tình hình các DN vận tải đang gặp nhiều khó khăn, doanh thu sụt giảm do dịch Covid-19, Sở GTVT vừa kiến nghị lùi thời gian thực hiện gắn những bộ cụm từ nêu trên để giảm tối đa chi phí do mỗi bộ tính toán sơ bộ vào khoảng 100.000 - 120.000 đồng. Sở GTVT cũng kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét tạm dừng việc xử phạt đối với những trường hợp này.

G.Minh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo