xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Quản lý đất đai cần được đổi mới, hoàn thiện

Thế Dũng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng việc quản lý nhà nước về đất đai cần tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện cho sát hợp với thực tế và đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới

Ngày 4-5, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (BCHTƯ) khóa XIII (Hội nghị Trung ương 5) đã khai mạc trọng thể tại thủ đô Hà Nội. Theo chương trình, Hội nghị Trung ương 5 làm việc đến ngày 10-5-2022.

Tham nhũng, tiêu cực về đất đai chậm được đẩy lùi

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc hội nghị. Về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, Tổng Bí thư cho biết đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tư liệu sản xuất cơ bản, là tài nguyên vô cùng quý giá, thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Quản lý đất đai cần được đổi mới, hoàn thiện - Ảnh 1.

Tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 5 vào sáng 4-5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu quan trọng. Ảnh: NHẬT BẮC

Tổng Bí thư nhìn nhận đây là một lĩnh vực rất rộng lớn, cơ bản, hết sức phức tạp, nhạy cảm, đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững đất nước, hiện vẫn còn không ít ý kiến khác nhau. Vì vậy, khi thảo luận, đánh giá tình hình và nguyên nhân, cần chỉ rõ nội dung của Nghị quyết đã được thể chế hóa như thế nào? Những điểm gì thể chế hóa đúng, điểm gì chưa đúng? Tình hình thực hiện trong thực tế như thế nào? Những chủ trương, chính sách gì cần bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh?... Đồng thời, cần tập trung làm rõ: Vì sao nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội? Vì sao ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi, thậm chí gia tăng? Vì sao số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp? Vì sao thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh, chưa bền vững và tiềm ẩn nhiều rủi ro... Nguyên nhân thuộc về quan điểm, chủ trương, chính sách nêu trong Nghị quyết và bất cập của Luật Đất đai năm 2013? Do các quy định dưới luật còn bất cập; có quá nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn? Do việc tổ chức thực hiện yếu kém của các cơ quan quản lý nhà nước; nhận thức chưa đầy đủ và ý thức chấp hành luật pháp chưa nghiêm?...

Trên cơ sở đó, đề xuất các chủ trương, định hướng tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai; chú ý các vấn đề đang vướng mắc hoặc gây bức xúc trong xã hội và những nội dung còn có ý kiến khác nhau. Chẳng hạn, nhận thức như thế nào cho đầy đủ, đúng đắn về sở hữu toàn dân về đất đai do nhà nước làm đại diện chủ sở hữu; quyền hạn, trách nhiệm của nhà nước với vị trí, vai trò là đại diện chủ sở hữu, thực hiện chức năng, nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai và khi là chủ thể sử dụng đất. Chủ trương, chính sách về đất đai, nhất là về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về giao đất, cho thuê đất; về hỗ trợ, bồi thường, tái định cư, thu hồi đất; về tài chính đất đai, xác định giá đất và phát triển thị trường bất động sản; về chế độ quản lý và sử dụng đất nông nghiệp, đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh và đất cho tôn giáo, tín ngưỡng; việc quản lý nhà nước về đất đai... cần tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện như thế nào cho đúng, sát hợp với thực tế và đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới...

Kinh tế tập thể chưa đạt mức phát triển như mục tiêu

Về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Tổng Bí thư đề nghị trung ương tập trung nghiên cứu, thảo luận, tạo sự thống nhất cao về tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển của thời kỳ mới - đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiếp tục phát huy những kết quả, thành tựu và bài học kinh nghiệm thành công đã đạt được; khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém tồn tại và nguyên nhân được rút ra trong quá trình tổng kết.

Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Quản lý đất đai cần được đổi mới, hoàn thiện - Ảnh 2.

Hội nghị Trung ương 5 khai mạc ngày 4-5. Ảnh: NHẬT BẮC

Về tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Tổng Bí thư đánh giá khu vực kinh tế tập thể đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể đến nay vẫn chưa đạt mức phát triển như mục tiêu, yêu cầu đề ra. Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn gặp nhiều khó khăn...

Tổng Bí thư đề nghị Trung ương tập trung thảo luận làm rõ, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân về mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và những nhiệm vụ, giải pháp lớn cần được quán triệt và triển khai thực hiện để kinh tế tập thể ngày càng phát triển mạnh hơn, đúng đắn và lành mạnh hơn, thực sự trở thành một thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Một bộ phận cán bộ, đảng viên còn suy thoái

Về Đề án Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên, Tổng Bí thư nêu rõ bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức cơ sở Đảng còn yếu, thậm chí mất sức chiến đấu; chưa đủ sức phát hiện, giải quyết những vấn đề phức tạp xảy ra ở cơ sở, nhất là những nơi có tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội phức tạp. Không ít cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị chưa vững vàng; vai trò tiên phong, gương mẫu còn hạn chế; tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình còn yếu. "Thậm chí, có một bộ phận cán bộ, đảng viên còn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", vi phạm nguyên tắc, kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng" - Tổng Bí thư nói.

Theo Tổng Bí thư, đề án đã đề cập một cách khách quan, toàn diện tình hình thực hiện Nghị quyết và Kết luận, chỉ ra những kết quả chủ yếu đã đạt được; những hạn chế, yếu kém tồn tại và phân tích rõ nguyên nhân. Từ đó, đề ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tiếp tục đổi mới, tăng cường xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong tình hình mới.

Về kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021 gắn với thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, theo Tổng Bí thư, năm 2021, trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, thách thức, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn đoàn kết, thống nhất, bình tĩnh, kiên định, sáng suốt trước khó khăn, thử thách và có nhiều đổi mới và sáng tạo, bám sát quan điểm, chủ trương, đường lối, cụ thể hóa các nội dung quan trọng của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tổng Bí thư đề nghị trung ương đánh giá đúng sự thật, xem xét, đánh giá kỹ những ưu điểm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư gắn với thực hiện Kết luận Trung ương 4 khóa XIII trên các lĩnh vực. Đặc biệt, cần chỉ rõ nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm và đề ra các giải pháp tích cực khắc phục trong thời gian tới. Tổng Bí thư nhấn mạnh những nội dung trình Hội nghị Trung ương 5 là những vấn đề rất lớn, rất khó và rất hệ trọng, đề nghị trung ương phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến để hoàn thiện và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.

Sáng cùng ngày, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc điều hành phiên khai mạc. Sau đó, BCHTƯ về tổ thảo luận Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. 

Thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Về Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư cho biết đề án đã trình bày đầy đủ, đúng đắn, có cơ sở lý luận và thực tiễn về sự cần thiết, căn cứ và nguyên tắc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cũng đã dự thảo các văn bản liên quan.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo