xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hủy thầu quốc tế đường cao tốc Bắc - Nam: Việt Nam không phạm luật

Văn Duẩn

Khi mời thầu 8 dự án thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, trong hồ sơ mời sơ tuyển của Bộ Giao thông Vận tải có nội dung bên mời thầu có quyền hủy sơ tuyển mà không phải nêu bất kỳ lý do nào

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan - nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ - khẳng định việc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thông báo hủy sơ tuyển đấu thầu quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư (NĐT) thực hiện 8 dự án PPP thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, là không vi phạm công ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Không vướng về pháp lý

Việt Nam không tham gia hiệp định và không phải là thành viên hiệp định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về mua sắm chính phủ (GPA) mà chỉ là quan sát viên. Vì vậy, Việt Nam không có nghĩa vụ mở thầu cho tất cả các nước khác tham gia đấu thầu trong các dự án có tính chất công ở Việt Nam. Đường cao tốc Bắc - Nam là đầu tư công mà Chính phủ mở theo hình thức BOT thì cũng không có nghĩa vụ mở cho các nước khác tham gia.

Hủy thầu quốc tế đường cao tốc Bắc - Nam: Việt Nam không phạm luật - Ảnh 1.

Đường cao tốc đoạn La Sơn - Túy Loan qua tỉnh Thừa Thiên - Huế được thiết kế để nối vào quy hoạch đường cao tốc Bắc - Nam Ảnh: QUANG NHẬT

Việt Nam mới chỉ ký hiệp định về mua sắm chính phủ của CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương). Ngay trong hiệp định này, Việt Nam vẫn có điều khoản bảo lưu 5 năm đối với các dự án BOT. "Do đó, ngay cả với 10 quốc gia thành viên của CPTPP cũng phải 5 năm nữa mới có quyền tham gia bình đẳng các dự án BOT ở Việt Nam như các nhà thầu trong nước. Với việc hủy sơ tuyển vừa qua, chúng ta cũng không vi phạm gì" - chuyên gia Phạm Chi Lan cho hay.

Ngoài ra, Việt Nam cũng ký Hiệp định GTA nằm trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Tuy nhiên, hiệp định này đang còn chờ Quốc hội hai bên phê chuẩn, chưa có hiệu lực nên cũng không vướng gì về mặt pháp lý.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 25-9, ông Nguyễn Viết Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư, Bộ GTVT - cho biết khi mời thầu, tất cả yêu cầu Bộ GTVT đã đưa vào hồ sơ mời sơ tuyển, trong đó có nội dung bên mời thầu có quyền hủy sơ tuyển mà không phải nêu bất kỳ lý do nào. "Đây là cuộc chơi công bằng, NĐT phải tìm hiểu kỹ hồ sơ mời sơ tuyển trước khi tham gia" - ông Huy nói.

Khoản 2 điều 17 Luật Đấu thầu năm 2013 đã quy định rõ các trường hợp hủy thầu do thay đổi mục tiêu, phạm vi đầu tư đã ghi trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Với dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, việc hủy đấu thầu quốc tế do thay đổi mục tiêu của dự án.

Cơ hội cho nhà đầu tư nội

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư, trong bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, Bộ GTVT hủy đấu thầu quốc tế dự án đường cao tốc Bắc - Nam nhằm bảo đảm an ninh, quốc phòng; đặc biệt để phát huy nội lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư dự án và phát triển năng lực trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng. Quyết định của bộ dựa trên đánh giá trách nhiệm pháp lý quy định tại hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế đã phát hành và Luật Đấu thầu, trên cơ sở thống nhất của các cơ quan liên quan.

Trả lời về việc dù quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế là phù hợp chính sách trong nước nhưng liệu với quốc tế, đây là điều không hay khi chúng ta thất tín với nhà thầu nước ngoài hay không, ông Nguyễn Viết Huy cho biết lãnh đạo Bộ GTVT cũng suy nghĩ về vấn đề này. "Tuy nhiên, cái gì cũng có tính chất hai mặt. Được trong nước thì mất quốc tế và ngược lại. Nhưng vì đại cục, chúng ta phải lựa chọn phương án phù hợp nhất" - ông Nguyễn Viết Huy khẳng định.

Sau khi hủy đấu thầu quốc tế, tới đây sẽ có rất nhiều NĐT trong nước nộp hồ sơ tham gia đấu thầu bởi trước đó, NĐT còn e ngại sẽ không vượt qua được năng lực tài chính của NĐT nước ngoài. Về quản lý năng lực, chất lượng của NĐT trong nước khi tham gia dự án, ông Nguyễn Viết Huy cho biết đã được quy định rõ dù công trình ấy làm bằng nguồn vốn nhà nước hay BOT. Theo đó, những tiêu chí hàng đầu được quan tâm là các NĐT phải đáp ứng được các điều kiện cụ thể về năng lực về chất lượng, vốn chủ sở hữu, kinh nghiệm, chất lượng dự án đã thực hiện. 

Ý kiến

Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư NGUYỄN VIẾT HUY:

Không lặp lại bất cập BOT

Việc đấu thầu trong nước rộng rãi sẽ phát huy nội lực, tạo công ăn việc làm cho NĐT nội, trao cơ hội làm các dự án lớn cho NĐT Việt Nam và giúp doanh nghiệp trong nước lớn mạnh hơn. Những bất cập, tồn tại trong quá trình thực hiện các dự án BOT giao thông trước đây đã được chỉ rõ và những bất cập đó chắc chắn sẽ được đặt ra và đưa vào hồ sơ, để không lặp lại khi đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

PGS-TS TRẦN CHỦNG, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng):

Không dại gì thuê nhà thầu kém!

Khi để các nhà thầu trong nước làm dự án này, có ý kiến lo ngại chất lượng công trình không đạt, không được như nhà thầu các nước tiên tiến. Tuy nhiên, cần hiểu rõ đấu thầu ở đây không phải là đấu thầu nhà thầu mà là đấu thầu NĐT (người bỏ tiền). Khi lựa chọn NĐT, 60% tiêu chí chấm điểm liên quan đến vốn, kinh nghiệm đầu tư các công trình lớn, chỉ 10% về năng lực tổ chức. Sau đó, NĐT mới chọn các nhà thầu thiết kế, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát...

Năng lực tư vấn giám sát của Việt Nam cũng tốt, quan trọng là vấn đề kiểm soát như thế nào. Với các công trình đường cao tốc, Việt Nam đã làm 700 km rồi, lực lượng thi công đủ, vấn đề là chọn giám sát đủ năng lực. Hy vọng chủ đầu tư thắng thầu sẽ giám sát chặt chẽ hơn vì họ bỏ đồng tiền bát gạo của mình ra, rồi quản lý, khai thác 10, 20 năm thì không dại gì thuê các nhà tư vấn không đạt năng lực.

V.Duẩn - H.Ánh ghi

Nhà đầu tư trong nước vừa mừng vừa lo

Việc Bộ Giao thông Vận tải hủy sơ tuyển đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển 8 dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông tạo cơ hội cho các nhà đầu tư (NĐT) trong nước thu hút sự chú ý của nhiều doanh nghiệp (DN). Đại diện một DN lớn chuyên đầu tư các công trình giao thông đường bộ nhìn nhận dự án đường cao tốc Bắc - Nam mang tính trọng điểm quốc gia nên năng lực tài chính cũng như kỹ thuật, kinh nghiệm đòi hỏi khá cao.

Với các tiêu chí bắt buộc trong hồ sơ mời sơ tuyển và cách thức triển khai dự án, nhiều bất cập chưa được tháo gỡ khiến NĐT trong nước khó tham gia.

Theo DN này, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông yêu cầu vốn chủ sở hữu của NĐT là 20%, các NĐT trong nước phải liên danh mới có thể đáp ứng. Trong khi đó, hồ sơ cũng yêu cầu NĐT phải chứng minh đã có toàn bộ số vốn nêu trên tại thời điểm chấm thầu và không được xét đến lộ trình tăng vốn. "Ngoài ra, hồ sơ sơ tuyển yêu cầu NĐT phải có văn bản cam kết cung cấp tài chính của ngân hàng (NH) hoặc tổ chức tín dụng. Trong khi hiện nay, các NH thương mại đang siết chặt các điều kiện cho vay, mức giới hạn tài trợ vốn cho các dự án PPP đã chạm trần. Mặt khác, các dự án của đường cao tốc Bắc - Nam có sự xung đột với các dự án BOT trên Quốc lộ 1 đang khai thác để hoàn vốn, dẫn đến các NH không chấp thuận tài trợ vốn hoặc chỉ đồng ý nhưng yêu cầu nhiều điều kiện khắt khe" - đại diện DN trên nêu.

Một bất cập khác trong hồ sơ sơ tuyển là yêu cầu về năng lực kinh nghiệm. Hồ sơ mời sơ tuyển yêu cầu NĐT từng thực hiện dự án có tổng vốn đầu tư bằng 50% tổng vốn đầu tư dự án đang xét và vốn chủ sở hữu đã góp bằng dự án đang xét (20% tổng vốn đầu tư). Mặt khác, hồ sơ cũng yêu cầu trường hợp NĐT đã làm nhà thầu thì phải có kinh nghiệm trực tiếp thi công 2 dự án, trong đó tổng giá trị thực hiện của mỗi dự án tối thiểu phải bằng 20% tổng vốn đầu tư dự án đang xét (tương đương 1.100 - 3.000 tỉ đồng). Rất hiếm nhà thầu Việt Nam có thể trúng thầu nhiều gói trong cùng một dự án có giá trị lớn như vậy. Nếu các DN có liên danh thì cũng không thể đáp ứng được yêu cầu trên do không được tính cộng về năng lực kinh nghiệm.

Tổng giám đốc một DN trong ngành xây dựng giao thông chia sẻ cơ chế hiện nay còn nhiều rào cản cho hầu hết các DN tham gia. Các DN đã có kinh nghiệm thì hạn chế về tài chính, lo ngại về cơ chế không nhất quán, dễ gặp rủi ro. Các yếu tố chính để thực hiện dự án BOT là tài chính, cơ chế... Tuy nhiên, DN tư nhân có vốn thường ngán ngại khi các cam kết giữa các bên không theo đúng hợp đồng như thời gian thu phí, mức phí, tăng vốn...

Trước các bất cập trên, các DN cho rằng cần tổ chức các hội thảo để đánh giá năng lực của các NĐT, các NH trong nước, từ đó điều chỉnh những tiêu chí còn bất cập trong hồ sơ mời thầu cho phù hợp hơn. Bên cạnh đó là chuyển vai trò chủ trì tổ chức đấu thầu và quản lý dự án về UBND các tỉnh - nơi dự án đi qua nhằm chủ động hơn trong việc kiểm soát, giải quyết kịp thời những phát sinh. Ngoài ra, cũng cần ưu tiên tỉ lệ vốn nhà nước tham gia hỗ trợ dự án nhằm chia sẻ với các NĐT và NH trong nước cũng như phát huy được lợi ích từ nguồn vốn trong nước, người lao động...

Gia Minh - Sơn Nhung

GÓC NHÌN

Minh bạch và hợp lòng dân

Dự án đường cao tốc Bắc - Nam có thể coi là dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng BOT lớn nhất về giao thông tính tới thời điểm hiện nay, khác với các dự án BOT trước đây chỉ mang tính địa phương, cục bộ. Dự án được đưa vào khai thác sẽ làm thay đổi hoàn toàn phương diện lưu thông hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế trục Bắc - Nam. Khi đường sắt đã đang dần trở nên lỗi thời, lạc hậu, đường thủy thì bất cập do vị trí cảng biển, đường hàng không chi phí lại quá cao thì đường bộ vẫn là hình thức lựa chọn tối ưu hiện nay.

Ưu điểm lớn nhất khi để các nhà thầu trong nước tham gia, đó chính là nguồn nhân lực địa phương dồi dào, các nhà thầu trong lĩnh vực giao thông trong nước hiện nay cũng đã chứng tỏ được năng lực về trình độ kỹ thuật, công nghệ hiện đại. Nếu dự án này thành công về mặt tiến độ, chất lượng, dịch vụ thì sau này, coi như chúng ta đã có thể tự làm chủ được các công nghệ thi công giao thông hiện đại, tránh được các vướng mắc nảy sinh không cần có như đối với các nhà thầu quốc tế trước đây. Còn khó khăn lớn nhất ở đây chính là các nhà thầu trong nước phải làm sao chứng minh năng lực, uy tín để xóa đi dư luận vốn không mấy thiện cảm về các dự án BOT trước đây.

Hiện nay, khi nhắc tới các dự án BOT, dư luận sẽ liên tưởng tới các dự án "tay không bắt giặc", là nghi vấn về sân sau của một nhóm lợi ích nào đó, chưa kể đến trách nhiệm trước và sau khi hoàn thành. Cho nên, đối với dự án cao tốc Bắc- Nam lần này thì tính minh bạch, dân chủ phải được đưa lên hàng đầu. Người dân đòi hỏi quyền được biết, được bàn, được giám sát. Mọi thứ cần phải công khai tuyệt đối. Bởi cuối cùng, chính người dân trực tiếp đứng ra trả lại nguồn vốn kêu gọi này thông qua hình thức thu phí sử dụng dịch vụ.

Với quyết định lần này của Bộ GTVT, dư luận nói chung hoàn toàn ủng hộ. Bắt nguồn từ tâm lý tự hào dân tộc, là người Việt Nam, ai cũng muốn được sử dụng những công trình chất lượng mang tầm vóc quốc gia, quốc tế được thực hiện bởi các đơn vị trong nước. Tất nhiên, cũng có ý kiến lo ngại chúng ta hiện nay về cơ bản đã xác định không kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài cho dự án này nhưng có đặt ra hay không trường hợp các nhà thầu trong nước sau khi trúng thầu sẽ kêu gọi liên doanh với các nhà thầu nước ngoài, đặc biệt là các nhà thầu đến từ Trung Quốc với ưu điểm giá cả. Có hay không các cơ chế tư vấn, giám sát độc lập từ các nhà tư vấn thiết kế có uy tín từ nước ngoài. Vì hiện nay, trên thế giới, kể ở các nước phát triển, với các dự án có quy mô lớn mang tầm vóc quốc gia thì thông thường họ vẫn sử dụng các công ty tư vấn, thiết kế, giám sát nước ngoài do tính trung lập, khách quan.

Không thể không đặt ra tính cấp bách, cần thiết hiện nay. Dự án sớm triển khai ngày nào thì thời gian hoàn thành đưa vào khai thác sớm ngày đó, tránh các vấn đề dây dưa, đội vốn, lạm phát...nhưng cũng không thể vì thế mà có thể quyết định vội vàng, để rồi sau đó quay lại sửa sai như từng có tiền lệ.

Và điều quan trọng nhất đối với các dự án PPP nói chung, cũng như các dự án BOT giao thông nói riêng, thì cần nhất vẫn là tính "hợp lòng dân", vì chỉ khi dự án nào "hợp lòng dân" thì mới hy vọng có thể để người dân tin tưởng mà tự nguyện móc hầu bao chi trả. Đó cũng là tiền đề để nhà nước có thể triển khai các dự án BOT có quy mô tương tự trong tương lai.

Còn làm như thế nào để lấy được lòng dân, thiết nghĩ đó cũng là thử thách, là phương thuốc thử cho các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các đơn vị trúng thầu đợt này. Đúng như câu nói mà Bác Hồ vẫn thường nhắc nhở : "Dễ vạn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong".

Đoàn Quang Huy

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo