xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Khám bệnh" cho cây trước mùa mưa

Bài và ảnh: Lê Phong

Hầu hết những khuyết tật từ cây xanh không thể phát hiện bằng mắt thường, phải kiểm tra qua hệ thống đo sóng âm và khoan dò trong thân cây

"Cứ đến mùa mưa là ám ảnh tai nạn cây xanh ngã đổ. Nó còn đáng sợ hơn cả chuyện ngập nước, kẹt xe. Bởi đôi khi chỉ cần cây gãy nhánh cũng gây chết người, sập nhà" - bà Lê Thị Trú (ngụ 187 Trần Phú, quận 5, TP HCM) nói.

Lo sợ là phải

Chỉ vào cây dầu trước nhà có tuổi đời trên 50 năm, gốc bị gạch lát vỉa hè bao phủ có dấu hiệu bật ngã bất cứ lúc nào, bà Trú cho biết chỉ tính riêng tháng 4-2021, đã xảy ra 4 đợt nhánh cây bị gãy do các cơn mưa trái mùa. Hơn 10 năm sống tại đây, bà Trú chứng kiến 3 vụ cây đè trúng người đi đường, trong đó có vụ khiến 1 người bị thương.

Cơn mưa ngày 16-4 cũng làm cho ông Lê Minh, chủ quán cà phê Star trên đường Đỗ Thừa Luông (quận Tân Phú), suýt bị cây đè. Lúc đó rạng sáng, ông Minh đang ngủ ở quán, sau tiếng sấm chớp, một cây xanh bật gốc, thân quật vào mái nhà khiến phía trước quán sập đổ, cách nơi ông ngủ chừng 2 m. Sự cố đã làm hư hỏng nhiều vật dụng bên trong quán, may mắn ông Minh không bị gì.

Khám bệnh cho cây trước mùa mưa - Ảnh 1.

Cây sọ khỉ 100 năm tuổi ở Công viên Tao Đàn (quận 1, TP HCM) bị bật gốc dù được sinh trưởng ở môi trường thuận lợi

Theo thống kê từ Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM, từ đầu tháng 4-2021 đến nay, đã có 5 đợt mưa giông gây ngập, cây ngã khắp nơi. Ông Lê Công Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP HCM, cho biết tính riêng trận mưa đầu tiên vào ngày 13-4, có tổng cộng 18 cây xanh bị sự cố. Trong đó, số cây ngã đổ chiếm gần một nửa, 2 người bị thương và hư hỏng một phương tiện. "Số liệu cây ngã chỉ tính dựa trên các tuyến đường do công ty quản lý. Thực tế, nhiều khu dân cư nội bộ và các tuyến đường do UBND quận quản lý, cây đổ ngã rất nhiều" - ông Phương thông tin.

Một cán bộ phụ trách kỹ thuật thuộc Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật TP cho biết tình trạng cổ thụ có rễ bị mục, thân sam bọng rất nhiều. Năm 2020, giới kỹ sư bất ngờ khi cây sọ khỉ hơn 100 năm tuổi nằm giữa Công viên Tao Đàn (quận 1) bật gốc. Qua kiểm tra, cây có diện tích đất rộng để bám rễ nhưng khi "khám bệnh" bên trong cho thấy bộ rễ bị thối, thân mục do tác động của sâu và bệnh.

Từ sự cố này, Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật TP đã giao Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP HCM phải tổ chức tổng kiểm tra các loại cây trên vỉa hè và công viên trước mùa mưa. Bởi hầu hết các khuyết tật từ cây không thể phát hiện bằng mắt thường. Cần kiểm tra bằng các hệ thống đo sóng âm và khoan dò trong thân cây để loại trừ nguy cơ sâu, bệnh.

Phải luôn đề phòng

Nhiều năm quan sát trong lĩnh vực khí tượng, thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó trưởng Phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, nhận định mỗi năm vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 là thời điểm chuyển mùa, giông sét và lốc xoáy xuất hiện nhiều hơn, cường độ nguy hiểm hơn.

Ông Lê Đình Quyết, Phó trưởng Phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, lưu ý mùa mưa năm nay đến sớm 5-10 ngày, lượng mưa có xu hướng giảm hơn so với các năm và từ đây đến thời điểm mùa mưa sẽ xảy ra chừng 5 đợt giông nguy hiểm.

Nói về công tác duy tu, bảo dưỡng cây xanh trước mùa mưa bão, ông Lê Công Phương khẳng định từ tháng 2 và 3, công nhân và kỹ sư đã tổng kiểm tra bằng mắt thường và hệ thống siêu âm - đo vận tốc sóng âm bên trong thân cây. Nếu vận tốc sóng âm giảm 5 lần so vận tốc sóng âm trung bình của cây thì sẽ tìm hiểu, làm rõ thêm, từ đó chọn phương án tỉa cành hoặc chặt luôn cây. Quy trình đốn hạ cây được giám sát và ghi chép hình ảnh.

"Tuy nhiên, dù đã làm mọi cách nhưng tình trạng gãy nhánh, bật gốc vẫn diễn ra nên chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để giảm thiểu thiệt hại. Khi sự cố cây xanh xảy ra, quy trình của đơn vị là bố trí lực lượng có mặt kịp thời để khắc phục hậu quả. Nếu có chuyện xảy ra ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người, công ty sẽ phối hợp với các đơn vị y tế gần nhất để cấp cứu. Ngoài ra, tính toán việc hỗ trợ các trường hợp cụ thể theo mức độ thiệt hại của người dân" - ông Lê Công Phương nói.

Trồng cây theo phong thủy, coi chừng rước họa

Theo Công ty TNHH Công viên Cây xanh TP HCM, mặc dù công ty đưa ra những giống cây phù hợp với thời tiết, điều kiện đô thị cho người dân tham khảo lựa chọn nhưng số lượng cây do người dân trồng tự phát thuộc danh mục cấm trồng và những cây không phù hợp tiêu chí trồng trên đường phố vẫn còn rất lớn.

Hiện nay, 50 loài thuộc danh mục cây cấm trồng, trong đó phần lớn là những cây có tính chất phong thủy như: lộc vừng, sala, bàng, sung, bã đậu, trứng cá, hoa sữa, sọ khỉ, các loại cây ăn trái... Những cây này được trồng trong các tuyến dân cư nội bộ hoặc đường dân sinh. Khi xảy ra sự cố đổ ngã thì trách nhiệm do người dân tự chịu.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo