xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khôi phục đường bay nội địa

Thế Dũng

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đồng ý tổ chức thí điểm đường bay nội địa từ ngày 10 đến 20-10, mỗi đường bay chỉ tổ chức một chuyến khứ hồi trong ngày và sử dụng 50% số ghế

Chiều 8-10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc về việc triển khai phục hồi các chuyến bay thương mại vận chuyển hành khách nội địa trong nước. Tham dự có lãnh đạo các bộ: Giao thông Vận tải (GTVT), Y tế, Quốc phòng, Công an; đại diện 63 tỉnh, thành phố và các hãng hàng không: Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet Air, Pacific Airlines.

Đề xuất khôi phục 23 đường bay

Trình bày dự thảo Đề án tạm thời về triển khai các đường bay nội địa chở khách thường lệ bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn nêu rõ sẽ khai thác các chuyến bay thí điểm từ ngày 10 đến hết ngày 20-10 với 23 chuyến khứ hồi/ngày (46 chuyến/ngày), gồm 10 chuyến khứ hồi từ TP HCM đi các địa phương, 6 chuyến khứ hồi từ Hà Nội, 4 chuyến từ Đà Nẵng và 3 chuyến từ Thanh Hóa.

Trong thời gian thí điểm, sẽ tiếp nhận vận chuyển hành khách có nhu cầu đi lại phục vụ quá trình phục hồi kinh tế. Điều kiện là phải tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khỏe điện tử/PC-Covid hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc-xin của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19). Đồng thời, có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay...

Trong quá trình di chuyển từ cảng hàng không về nơi cư trú, lưu trú, hành khách luôn thực hiện 5K, sử dụng ứng dụng PC-Covid, hạn chế dừng và không tiếp xúc nơi đông người. Chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú. Tự theo dõi sức khỏe tại nơi cư trú, lưu trú ít nhất 7 ngày (theo quy định cụ thể của từng địa phương) kể từ ngày về địa phương và luôn thực hiện 5K. Đối với địa phương nơi hành khách cư trú, lưu trú, tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ hai kể từ khi về nơi cư trú, lưu trú đối với hành khách về từ vùng dịch (được công bố tại trang thông tin điện tử Bộ Y tế).

Nơi "cởi mở", nơi thận trọng

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến các địa phương thể hiện nhất trí với chủ trương mở lại các chuyến bay thương mại nội địa, đồng thời kiến nghị một số nội dung như bổ sung chuyến bay, mở thêm đường bay, thời gian thí điểm, vấn đề cách ly...

Đại diện tỉnh Kiên Giang bày tỏ mong muốn bổ sung tỉnh này tham gia kế hoạch tổ chức đường bay thí điểm với các chuyến bay từ TP HCM đến Phú Quốc, TP HCM - Rạch Giá, Hà Nội - Phú Quốc, Hà Nội - Rạch Giá. Tỉnh này đang lên kế hoạch thí điểm đón khách du lịch đến Phú Quốc nên việc mở đường bay có ý nghĩa quan trọng đối với kế hoạch này. Đại diện tỉnh Gia Lai cũng đăng ký một chuyến khứ hồi mỗi ngày Hà Nội - Pleiku. Đại diện UBND tỉnh Thanh Hóa nêu thực tế người dân đi từ phía Nam về Thanh Hóa bằng đường bộ rất lớn và đã có phát sinh ca lây nhiễm. Tỉnh đang tính phương án đón người dân về quê bằng đường sắt. Theo dự thảo, Thanh Hóa có 4 đường bay với tần suất 1 chuyến/ngày, tuy nhiên tỉnh đề xuất chỉ bay tuyến Thanh Hóa - TP HCM với tần suất 2 chuyến/tuần.

Khôi phục đường bay nội địa - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp về triển khai phục hồi các chuyến bay thương mại. Ảnh: ĐỨC TUÂN

Đại diện tỉnh Quảng Bình đồng tình với phương án thí điểm bay nhưng nêu vấn đề thiếu nhân lực ngành hàng không để bảo đảm các biện pháp an toàn bay. Do đó, đại diện tỉnh Quảng Bình đề nghị giao cảng vụ hàng không phối hợp, chỉ đạo cảng hàng không, các hãng hàng không để hỗ trợ.

Tuy nhiên, đại diện tỉnh Quảng Ninh cho rằng việc thí điểm bay phải kỹ lưỡng, thận trọng, nhất là khâu xét nghiệm trước khi lên máy bay; phải quy định cụ thể về đối tượng trong thời gian thí điểm, hành khách phải tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, có xét nghiệm PCR; đồng thời cũng phải phân loại đối tượng khách từ "vùng xanh", vùng nguy cơ cao, vùng nguy cơ thấp. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị cho phép thành phố cách ly 7 ngày đối với hành khách tại khu cách ly của thành phố hoặc tại các khách sạn do thành phố chỉ định. Thành phố sẽ thông báo cụ thể các khách sạn được đón người cách ly.

Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng khẳng định Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để trao đổi thông tin kịp thời về danh sách, các thông số liên quan đến hành khách đi như: tên tuổi, số điện thoại, nơi đi, nơi đến và địa chỉ nơi cư trú... để thường xuyên theo dõi và có điều chỉnh kịp thời. Cơ bản đồng tình với dự thảo quy định của Bộ GTVT về các điều kiện bảo đảm an toàn phòng chống dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng các địa phương nên tạo điều kiện để hành khách (đã tiêm đủ liều vắc-xin, xét nghiệm âm tính trong 72 giờ) lên máy bay.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ việc khôi phục các chuyến bay là cần thiết trong tình hình hiện nay để từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương. "Trước mắt, tổ chức thí điểm từ ngày 10 đến 20-10 với mỗi đường bay chỉ tổ chức một chuyến khứ hồi trong ngày. Mỗi chuyến chỉ sử dụng 50% số ghế. Phải rất thận trọng để kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện đề án, sớm ban hành để làm cơ sở thực hiện thí điểm từ ngày 10 đến 20-10; sau đó sẽ tổng kết rút kinh nghiệm, có điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với tình hình thực tiễn. 

Bóc tách kịp thời F0 nếu có

Chiều cùng ngày, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại hội nghị. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành và địa phương là từng bước phục hồi đường bay, chuyến bay, bảo đảm thận trọng, an toàn, kiểm soát chặt chẽ sự lây lan của dịch bệnh thông qua kiểm soát hành khách tại sân bay đi - đến, trên tàu bay và quá trình di chuyển về địa phương, bảo đảm các địa phương nắm chắc tình hình, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, bóc tách kịp thời F0 nếu có, không để lây lan và bùng phát thành các ổ dịch.

Mở cửa hàng không là đòi hỏi bức thiết của xã hội

Tại tọa đàm "Điều kiện mở lại các chuyến bay an toàn" do Báo Giao thông tổ chức diễn ra ngày 8-10 theo hình thức trực tuyến, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho rằng việc mở cửa hàng không đang là đòi hỏi bức thiết của xã hội, các địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn để từng bước mở lại các đường bay, chủ động đưa ra các biện pháp mở cửa trở lại, tạo hành lang an toàn để người dân, doanh nghiệp đi lại.

Ông Võ Huy Cường nhấn mạnh: "Chúng tôi không thể làm thay các địa phương mà chỉ có thể hỗ trợ về phòng chống dịch bằng cách vận chuyển người có nhu cầu đi lại; đáp ứng yêu cầu của địa phương về tiêu chuẩn kiểm soát dịch; sẵn sàng cung cấp thông tin về lịch trình đi lại của hành khách và dự báo số lượng hành khách trong từng ngày để các địa phương chủ động tính toán. Từ đó, địa phương có thể cùng chúng tôi tăng hay giảm tần suất các chuyến bay cho phù hợp với thực tiễn dịch bệnh".

Lãnh đạo Cục Hàng không cho rằng việc mở lại các chuyến bay đi và đến sân bay Nội Bài là vô cùng quan trọng khi có nhiều người mong muốn từ phía Nam ra phía Bắc để tái hòa nhập cuộc sống bình thường.

Theo ông Cường, về khía cạnh an toàn, ngành hàng không đang có các cơ sở hậu cần kỹ thuật lớn tập trung ở sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Nếu chỉ có Tân Sơn Nhất mở cửa, rõ ràng chỉ có một cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng hiệu quả trong hoạt động khai thác. Các đường bay khác sẽ phải về Nội Bài và nếu phải bay mà không có hành khách thì chắc chắn không có hiệu quả, không thể bền vững.

Về lo lắng của hành khách rằng số lượng chuyến bay ít, giá cả có tăng, ông Võ Huy Cường nhấn mạnh theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về hàng không dân dụng, giá vé bằng chi phí đi lại của ngành hàng không và các hãng không được phép bán quá mức giá đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước. "Khi mở cửa lại, cơ quan chức năng và các hãng sẽ có sự tính toán nhưng với tinh thần hỗ trợ người dân thì mức giá cũng sẽ đa dạng" - ông Cường khẳng định. Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân cho rằng mở lại các chuyến bay thời điểm này chắc chắn sẽ không đạt được doanh thu. "Bây giờ không phải là mục tiêu doanh thu mà là tìm ra các giải pháp thực hiện mục tiêu phòng chống dịch nhưng mở cửa từng bước" - ông Quân nói.

"Tôi cũng mong Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT, các hãng hàng không cùng đưa ra giải pháp để ngành hàng không hoạt động hiệu quả, cạnh tranh sòng phẳng với các hãng hàng không nước ngoài, tạo dấu ấn riêng cho hàng không Việt Nam sau đại dịch" - Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Trịnh Hồng Quang đề nghị. Còn ông Nguyễn Bác Toán, Giám đốc thương mại Vietjet, cho biết: "Vietjet không có giá độc quyền. Với các đường bay như Đà Nẵng - Cần Thơ , Đà Lạt - Vinh, Vietjet đưa ra giá để mọi người có thể bay, không đặt ra giá sàn trong tình cảnh khó khăn do dịch bệnh hiện nay".

D.Ngọc

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo