xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Không nên tạm hoãn dự án buýt nhanh BRT số 1?

THU HỒNG

Dù Sở Giao thông Vận tải TP HCM khẳng định đã cân nhắc, rà soát rất kỹ trước khi đề xuất tạm hoãn dự án tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 nhưng không ít chuyên gia cảnh báo là vội vàng

Đại diện Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM cho biết ngay từ khi đề xuất thực hiện dự án tuyến xe buýt nhanh BRT số 1, đơn vị này xác định yếu tố góp phần tạo nên hiệu quả của dự án gồm: Độ phủ của khu đô thị mới Thủ Thiêm, tuyến metro số 1 đưa vào hoạt động đồng bộ, đường Vành đai 2 khép kín để phương tiện xe tải nặng tách ra khỏi đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ nhường cho xe buýt nhanh. Đặc biệt, tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 sẽ kết nối khách giữa Bến xe Miền Tây mới với Bến xe Miền Đông mới.

Dừng vì hiệu quả không cao

Thế nhưng, đường Vành đai 2 ít nhất 5 năm nữa mới khép kín, tuyến Quốc lộ 1 chưa mở rộng, Bến xe Miền Tây mới chưa xây dựng, khu đô thị mới Thủ Thiêm dân cư thưa thớt, tuyến metro số 1 chưa vận hành vào năm 2022. Cộng thêm tình hình dịch bệnh còn phức tạp, ảnh hưởng lớn đến thói quen đi lại bằng phương tiện công cộng của người dân nên Sở GTVT TP HCM mới đưa ra đề xuất nêu trên.

Phân tích cụ thể hơn, đại diện Sở GTVT TP HCM cho rằng sản lượng hành khách dự kiến năm 2022 khi tuyến BRT số 1 đưa vào sử dụng là 28.086 người/ngày sẽ không bảo đảm khi tuyến metro số 1 chưa hoạt động, ảnh hưởng đến việc trung chuyển hành khách từ nhà ga Rạch Chiếc về Bến xe Chợ Lớn và An Lạc. Chưa kể, rút kinh nghiệm từ việc tuyến xe buýt nhanh tại Hà Nội khi đưa vào khai thác vẫn chưa đạt được mục tiêu do hạn chế kết nối với các bến xe lớn, chưa có tuyến xe buýt gom và tuyến xe buýt kết nối, sản lượng hành khách chỉ đạt 13.302 người/ngày sau 8 tháng đưa vào hoạt động.

Không nên tạm hoãn dự án buýt nhanh BRT số 1? - Ảnh 1.

Để đạt được mục tiêu vận tải công cộng đáp ứng 20% nhu cầu đi lại giai đoạn 2021-2025, TP HCM phải tăng tốc đầu tư mở rộng mạng lưới xe buýt, đưa BRT vào hoạt động. Ảnh: TẤN THẠNH

"Là đơn vị chịu trách nhiệm tham mưu, sử dụng vốn ngân sách thành phố để phát triển giao thông, chúng tôi phải cân nhắc sao cho dự án đi vào hoạt động phải phát huy hiệu quả. Do đó, với các lý do nêu trên, Sở GTVT đề xuất UBND TP HCM xem xét tạm thời hoãn dự án cho đến khi bảo đảm các điều kiện, bảo đảm thực hiện đồng bộ với các dự án khác để hình thành một hệ thống vận tải công cộng khối lượng lớn đúng nghĩa của BRT" - đại diện Sở GTVT TP HCM nhấn mạnh.

Cho rằng đề xuất tạm hoãn tuyến BRT số 1 của Sở GTVT TP HCM là hợp lý, TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên - Môi trường TP, phân tích mục đích của tuyến BRT là vận chuyển hành khách công cộng khối lượng lớn và giảm ùn tắc giao thông khu trung tâm. Thế nhưng, với điều kiện hạ tầng như hiện nay - thiếu trạm dừng, bến bãi, chưa hình thành các tuyến xe buýt gom, xe buýt kết nối từ các khu dân cư dọc hành lang tuyến cũng như kết nối các khu vực trung tâm TP HCM đến các trạm dừng tuyến BRT - thì khó đạt được sản lượng như mong muốn. Chưa kể, tuyến BRT muốn hiệu quả phải kết nối đồng bộ với tuyến metro số 1, mà ngay cả metro số 1 cũng chưa hình thành các tuyến đầu nối đồng bộ, khả năng đến năm 2023 mới đi vào hoạt động thì cả 2 mục tiêu của BRT đều khó đạt được.

Hạ tầng phải đi trước

Trái ngược với ý kiến trên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cũng như đô thị cho rằng TP HCM cần sớm có tuyến xe buýt nhanh vì nguyên tắc khi hệ thống xe buýt phát triển cực đại thì cần chuyển sang BRT, metro. Ngoài ra, đầu tư BRT sẽ nhanh chóng, tiết kiệm hơn metro mà vẫn bảo đảm vận chuyển hành khách khối lượng lớn. Hơn cả, ai cũng thấy hạ tầng cần phải đi trước một bước, chứ không thể đợi các khu đô thị lấp đầy rồi mới có tuyến xe buýt nhanh.

Là chuyên gia phản đối đề xuất tạm hoãn thực hiện dự án BRT số 1, TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, nhấn mạnh về tầm nhìn và chiến lược lâu dài, TP HCM không nên tạm hoãn mà phải thực hiện ngay. Thậm chí, phải xem yếu tố dịch bệnh là cơ hội chứ không phải là thách thức. Bởi lẽ, thi công dự án trong thời gian chống dịch không chỉ kích thích phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết công ăn việc làm mà còn tạo sự lan tỏa tích cực.

Cũng như Hà Nội, phát triển giao thông công cộng là điều bắt buộc đối với một thành phố hơn 10 triệu dân như TP HCM nhằm hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường. Các đô thị lớn trên thế giới phải trải qua từng bước mới đạt được mục tiêu giao thông công cộng chuyên chở 50% - 60% nhu cầu người dân.

Đến nay, TP HCM đi được bước 1, cơ bản đã có hệ thống giao thông công cộng với 90 tuyến xe buýt, 1 tuyến metro sắp vận hành. Như vậy, để tiến lên bước 2 - đạt được mục tiêu vận tải công cộng đáp ứng 20% nhu cầu đi lại, phải tăng tốc đầu tư hạ tầng giao thông như mở rộng mạng lưới xe buýt, đưa BRT vào hoạt động, đầu tư hệ thống metro như quy hoạch…

"Không có lý do gì để TP HCM tạm hoãn dự án này. Phát triển hạ tầng phải đi trước một bước so với phát triển đô thị. Không cần phải chờ khu đô thị mới Thủ Thiêm đạt 70% dân cư hay phải chờ Bến xe Miền Tây mới xây dựng xong rồi mới đưa BRT vào hoạt động. Thành phố đã tốn nhiều thời gian, chất xám của các chuyên gia với nhiều cuộc họp để hiện thực hóa tuyến BRT này, đến lúc phải triển khai rồi" - TS Vũ Anh Tuấn bày tỏ.

Lo ngại nhiều hệ lụy

Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (chủ đầu tư dự án buýt nhanh BRT số 1), trong giai đoạn 2021-2025, nhiệm vụ tái cấu trúc mạng lưới xe buýt hiện hữu, phát triển hệ thống buýt truyền thống, các tuyến buýt trục liên vùng, hình thành mạng lưới "buýt - buýt trục - metro" cần được TP HCM ưu tiên và khẩn trương thực hiện nhằm hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường. Trong đó, việc hình thành 1 trục giao thông công cộng khối lượng lớn nối liền phía Đông và phía Tây TP HCM (huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và TP Thủ Đức) là một nhu cầu thực tế, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân miền Tây đến TP Thủ Đức, sân bay Long Thành và ngược lại.

Ông Lương Minh Phúc cho hay đến nay, dự án tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 đã được trình thẩm định các gói thầu xây lắp. Dự kiến các gói thầu này thi công từ tháng 7-2022 và khai thác cuối năm 2023.

"Nếu TP HCM tạm hoãn tuyến buýt nhanh BRT số 1, Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ hủy dự án và chấm dứt vốn tài trợ... Điều này đồng nghĩa sẽ dừng luôn dự án hỗ trợ kỹ thuật (SECO) với nguồn vốn viện trợ không hoàn lại 10,5 triệu USD để hỗ trợ dự án chính; đồng thời sẽ chấm dứt việc ký kết hợp đồng với tư vấn nghiên cứu lập quy hoạch khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP HCM (quy hoạch chung TP Thủ Đức)" - ông Lương Minh Phúc lo ngại. Chưa kể, việc tạm hoãn dự án sẽ tác động đến mối quan hệ giữa TP HCM với WB và Chính phủ Thụy Sĩ, nhất là trong việc hình thành các chương trình, dự án hợp tác trong tương lai.

Ông Lương Minh Phúc cho biết để hạn chế các hệ lụy tác động đến mối quan hệ giữa TP HCM với WB, chủ đầu tư đề xuất UBND TP HCM dừng tuyến BRT số 1 nhưng thương thảo với WB và SECO, tiếp tục dùng vốn của nhà tài trợ để xây dựng mạng lưới xe buýt chất lượng cao. Cụ thể, phát triển tuyến xe buýt chất lượng cao với lộ trình kết nối tương tự tuyến BRT số 1 dự kiến hoạt động; đầu tư hệ thống buýt nhánh từ Rạch Chiếc qua các trung tâm đô thị ở TP Thủ Đức, tuyến buýt chất lượng cao kết nối TP Thủ Đức đến sân bay Tân Sơn Nhất. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai gói thầu tư vấn tổ chức mạng lưới xe buýt toàn TP HCM từ vốn của nhà tài trợ; tiếp tục sử dụng nguồn vốn này để triển khai gói thầu BRT1-SC9… 

Tổng quan dự án Phát triển giao thông xanh

Dự án Phát triển giao thông xanh TP HCM có 2 hợp phần. Trong đó, hợp phần 1 là phát triển hành lang xe buýt nhanh ( BRT), xây dựng tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 trên hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ và các hạ tầng hỗ trợ như trạm dừng, cầu đi bộ, ga đầu - cuối, bãi hậu cần kỹ thuật, hệ thống quản lý hiện đại. Hợp phần 2 là tăng cường thể chế, thực hiện các hoạt động giám sát và đánh giá, bao gồm các nội dung đánh giá sự thành công của hệ thống BRT.

Dự án được phê duyệt năm 2013, do Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là gần 156 triệu USD, được điều chỉnh giảm còn 143 triệu USD, trong đó 121 triệu USD từ vốn WB, còn lại là vốn đối ứng của TP HCM.

Ngoài ra, để triển khai hiệu quả dự án, TP HCM bổ sung dự án hỗ trợ kỹ thuật từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Thụy Sĩ thông qua tổ chức SECO với tổng vốn khoảng 10,5 triệu USD. Dự án này được bổ sung để thực hiện nghiên cứu quy hoạch chung TP Thủ Đức, kết nối trạm dừng BRT và đào tạo nhân lực quản lý, vận hành hệ thống buýt BRT...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo