xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Không tổ chức lễ hội bạo lực, phản cảm

Yến Anh

Để hạn chế tối đa việc tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, giành lộc, chiều 18-1, Bộ VH-TT-DL đã tổ chức hội nghị triển khai công tác quản lý, tổ chức cho mùa hội tới

Tại hội nghị, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), đánh giá công tác tổ chức lễ hội năm 2018 còn nhiều hạn chế cần rút kinh nghiệm, khắc phục trong mùa lễ hội 2019.

Hạn chế tối đa "điểm nóng"

Những lễ hội thường xảy ra tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, giành lộc được kể đến như: lễ hội Làm chay tại đình Tân Xuân, Linh Phước tự, chùa Ông và chợ Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An; lễ hội Đúc Bụt tại thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc; Hội làng Sơn Đồng (lễ hội Giằng Bông) ở xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội; Hội Phết Hiền Quan tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ… Việc khai ấn, phát ấn không đúng nguồn gốc lịch sử của hồ sơ, di tích vẫn còn tồn tại ở một số lễ hội.

Không tổ chức lễ hội bạo lực, phản cảm - Ảnh 1.

Tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm để lễ hội không bạo lực, phản cảm Ảnh: HOÀNG HÀ

Đặc biệt, một số cơ quan còn buông lỏng quản lý, để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vi phạm kỷ luật, đi lễ hội trong giờ hành chính. Chẳng hạn, lãnh đạo và công chức Kho bạc Nhà nước TP Nam Định (tỉnh Nam Định), Điện lực Bình Lục (tỉnh Hà Nam) đi lễ Đền Trần ở Nam Định; hiệu trưởng, hiệu phó Trường THCS Mỹ Lương (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) đi lễ ở Đền Bà Chúa Kho.

Ông Nguyễn Việt Trung, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Thọ, cho rằng đa số lễ hội của tỉnh Phú Thọ (có 369 lễ hội) diễn ra an toàn, lành mạnh nhưng vẫn tồn tại những "điểm nóng" như Hiền Quan với những màn cướp phết phản cảm. Lễ hội Cầu Trâu (xã Hương Nha, huyện Tam Nông) vẫn tổ chức đập trâu với hình ảnh bạo lực… Mùa hội năm 2019, mọi thứ sẽ thay đổi, thay vì đập trâu phản cảm thì chỉ tiến hành nghi lễ theo dạng mô phỏng. Lễ hội chọi trâu Phù Ninh (tỉnh Phú Thọ) tạm dừng để tiếp tục hoàn thiện đề án đổi mới, trong đó làm rõ yếu tố truyền thống để trình các cấp phê duyệt.

Đối với một lễ hội "nóng" khác là cướp Phết Hiền Quan, trong năm 2019 sẽ chỉ có 2 đội với khoảng 100 người tham gia. Huyện Tam Nông cũng đã đề nghị công an tỉnh tăng cường lực lượng bảo đảm an ninh trật tự tại lễ hội này.

Những "điểm nóng" của lễ hội ở tỉnh Vĩnh Phúc như chọi trâu, cướp chiếu cũng có nhiều thay đổi trong năm 2019. Theo ông Quảng Đức Hạn, Trưởng Phòng Nếp sống Sở VH-TT-DL tỉnh Vĩnh Phúc, lễ hội chọi trâu Hải Lựu giảm chỉ còn 16 cặp. Từ năm 2020 trở đi sẽ giảm lượng trâu chọi còn 10 cặp. Bên cạnh đó, không tổ chức bán vé vào lễ hội, không huy động xã hội hóa bù đắp chi phí. Năm 2019, lễ hội Đả cầu Cướp phết cũng chỉ tổ chức diễn phết mà không cướp phết nhằm tránh tranh cướp, chen lấn quá đà.

Lễ hội thì phải... tả tơi

PGS-TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa - Viện Hàn lâm KHXH, cho rằng hội năm nào cũng có và đi hội thì đương nhiên phải... tả tơi. Từ xưa, dân gian đã có câu "Vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội". Đó là nhu cầu văn hóa của cộng đồng, ngày hội khác với ngày thường nên thăng hoa hơn để từ đó cân bằng đời sống tâm linh.

PGS-TS Nguyễn Thị Phương Châm cũng cho rằng để quản lý tốt lễ hội thì cần kết hợp chặt chẽ hơn nữa với công tác nghiên cứu. Chỉ có thể quản lý được khi hiểu rõ về lễ hội, mà muốn hiểu thì phải nghiên cứu. Những hành vi mà được cho là "không thuận mắt" như báo chí nêu cũng do chưa hiểu, còn đã hiểu rồi thì sẽ không có vấn đề gì.

"Có tín ngưỡng phồn thực đương nhiên có lễ hội phồn thực. Đó là điều giúp Việt Nam khác với những nền văn hóa khác, vì vậy không nên đánh giá là phản cảm. Thực tế, không có lễ hội nào phản cảm, chỉ có hành vi mang tính chất không thuận mắt mà thôi. Nếu cấm là mất đi bản sắc văn hóa, vì thế quản lý thế nào thì quản lý, nếu mất đi màu sắc riêng là thất bại" - bà Châm nhìn nhận.

Ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL, cho rằng lễ hội bao giờ cũng tồn tại tính chất phức tạp của nó, vì thế đừng tuyệt đối hóa lễ hội. "Cả dòng người đổ về tham gia lễ hội trong một khoảng thời gian ngắn mà lại tin sẽ vô cùng ngay ngắn và trật tự trong khi ban tổ chức lại không có bất cứ biện pháp gì thì rất khó, thậm chí là không kiểm soát được" - ông Phúc nói.

Phó chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL cho rằng rất khó để kiểm soát được về trình độ dân trí, tuổi tác, giới tính… của người tham gia lễ hội. Vì thế, nếu không quản lý mà cứ nói trả lễ hội để diễn ra tự phát thì không thể nào làm được. 

Không để trục lợi cá nhân

Bộ VH-TT-DL nhấn mạnh phương hướng trong năm 2019 là không để xảy ra tình trạng lợi dụng tổ chức lễ hội nhằm trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm. Không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội. Kiên quyết không cho phép tổ chức lễ hội có tính chất bạo lực, phản cảm.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo