xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Làm liều ăn nhiều" tại CDC Hà Nội

Nguyễn Hưởng - Ngọc Dung - Trọng Đức

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội đã mua hệ thống máy xét nghiệm Covid-19 với giá 7 tỉ đồng, trong khi giá nhập về chỉ 2,3 tỉ đồng

Ngày 23-4, một lãnh đạo Cơ quan CSĐT Tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) cho biết đơn vị vẫn đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội (CDC Hà Nội) và một số đơn vị liên quan.

Quảng Ninh rà soát tổng thể công tác mua sắm

Theo lãnh đạo C03, trong quá trình điều tra, bước đầu cơ quan công an xác định hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống dịch Covid-19 khi nhập về Việt Nam có giá 2,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi CDC Hà Nội mua vào lại có giá lên tới 7 tỉ đồng, cao hơn 3 lần.

"Việc nâng giá hệ thống Realtime PCR tự động được các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau. Sau đó, Công ty Cổ phần Định giá và Bán đấu giá tài sản Nhân Thành căn cứ vào đó để đề xuất mức giá và CDC Hà Nội mua vào" - lãnh đạo C03 nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một chuyên gia trong lĩnh vực này phân tích kể cả khi đã tính cả chi phí lắp đặt, đào tạo và bảo hành thì cũng chỉ thêm khoảng 15% tổng giá trị thực của máy. Nếu căn cứ theo giá mà cơ quan công an công bố về giá trị thực của hệ thống xét nghiệm Realtime PCR về Việt Nam vào khoảng 2,3 tỉ đồng thì giá của hệ thống máy này cũng chỉ khoảng 3 tỉ đồng.

Làm liều ăn nhiều tại CDC Hà Nội - Ảnh 1.

Nhân viên y tế kiểm tra mẫu thử trên hệ thống xét nghiệm SARS-CoV-2 Ảnh: NGÔ NHUNG

Theo một nguồn tin, không chỉ CDC Hà Nội mua hệ thống máy này với giá 7 tỉ đồng mà Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh mua loại máy này với giá còn cao hơn: 8,4 tỉ đồng. Thiết bị này được nhập từ Đức do Công ty Cổ phần Thiết bị y tế Ánh Sao cung cấp. Hợp đồng mua bán được ký ngày 1-3, do Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh ký, đứng tên đơn vị cung cấp máy. Tuy nhiên, đến ngày 23-3, hai bên đã đàm phán giá và lùi còn 7 tỉ đồng, giảm 1,4 tỉ đồng. Hình thức mua bán này không thông qua đấu thầu mà thực hiện theo cách thức chỉ định thầu.

Trong khi đó, ông Vũ Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, phủ nhận khi nói rằng không có việc Quảng Ninh mua hệ thống máy xét nghiệm Covid-19 với giá nâng khống như vậy. "Bọn anh mua giá rất rẻ, các thủ tục bọn anh thực hiện rất chuẩn" - ông Diện khẳng định.

Cũng theo ông Diện, sau khi xảy ra vụ việc tại CDC Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có công văn đề nghị thanh tra, rà soát tổng thể công tác mua sắm trang thiết bị y tế trên toàn tỉnh. "Đợi sau thanh tra rà soát thì sẽ có thông tin chính thức cho báo chí" - ông Diện tự tin.

Kẽ hở chỉ định thầu

Nói về việc chỉ định thầu, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), cho rằng Luật Đấu thầu cho phép chỉ định thầu đối với gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách. Trên cơ sở đó, Chính phủ chủ trương cho phép chỉ định thầu mua hệ thống xét nghiệm trên trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp là đúng đắn, kịp thời. Rất tiếc, chủ trương này đã bị lợi dụng để trục lợi.

"Trong khi cả hệ thống chính trị, Chính phủ, người dân chung sức, chung lòng cùng nhau phòng chống dịch Covid-19, cơ quan y tế, cán bộ y tế đang thực hiện rất tốt, được người dân trong nước và bạn bè quốc tế ghi nhận thì việc nâng giá thiết bị vật tư y tế lên để trục lợi của CDC Hà Nội là hành vi phi đạo đức, trái luật, không thể chấp nhận được. Các đối tượng phạm tội phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật" - ông Hòa nói.

Để hạn chế tình trạng trục lợi trong chỉ định thầu mua bán thiết bị vật tư y tế, ông Phạm Văn Hòa cho rằng cơ quan quản lý giá, hội đồng thẩm định giá phải có trách nhiệm cao, khách quan, vô tư. Ngoài ra, phải công khai mức giá vật tư để cộng đồng, chuyên gia cùng giám sát.

Trước đó, ngày 22-4, C03 đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại CDC và các đơn vị liên quan. Ngoài ra, C03 còn ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và lệnh bắt bị can để tạm giam, áp dụng các biện pháp ngăn chặn về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng đối với ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội; Nguyễn Vũ Hà Thanh, trưởng phòng và Lê Xuân Tuấn, nhân viên Phòng Tài chính - Kế toán CDC Hà Nội; Đào Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST); Nguyễn Trần Duy, Tổng giám đốc Công ty CP Định giá và Bán đấu giá tài sản Nhân Thành; Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech; Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông.

Sở Y tế Hà Nội ngày 23-4 đã phân công PGS-TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc sở này, điều hành hoạt động của CDC Hà Nội, sau khi ông Nguyễn Nhật Cảm bị bắt tạm giam, nhằm bảo đảm duy trì tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Ông Hoàng Đức Hạnh có nhiều năm phụ trách lĩnh vực y tế dự phòng, hiện cũng là thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo