xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Làm sân bay hay chiếm đất?

Hồ Phi

Công ty TNHH Hồ Tràm đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chấp thuận cho xây dựng sân bay Lộc An nhằm phục vụ nhu cầu giải trí tại khu du lịch của công ty này.

Sân bay rộng đến 244 ha chứ chẳng phải là sân bóng hay… trạm xe buýt. Đất để xây sân bay này đã được "nhắm" chuẩn xác vào đất của người dân ở 2 xã Lộc An và Láng Dài, huyện Đất Đỏ. Trong cơn sốt đất xình xịch hiện nay, nhất là gắn với các khu du lịch ở khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu, kiếm thêm được diện tích đất lớn như thế quả là thơm tho.

Xây dựng một sân bay nào phải đơn giản. Nó phải gắn với quy hoạch chung của địa phương, của khu vực. Cần hệ thống kiểm soát kín kẽ, liên quan đến an ninh, quốc phòng của cả quốc gia. Chưa hết, cách dự án này vài chục cây số, đã có dự án sân bay Gò Găng tại TP Vũng Tàu. Đó là chưa kể sân bay Côn Đảo. Về phía Đồng Nai không xa đã có dự án sân bay quốc tế Long Thành đang triển khai. Trong vòng bán kính 50 km có đến chừng ấy sân bay quả là chuyện lạ và Hồ Tràm là doanh nghiệp thế nào mà dễ dàng được sự đồng thuận của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vậy?

Hãy tưởng tượng khi các dự án hoàn thành, tại Lộc An, máy bay cất cánh thì cùng lúc đó cách vài mươi cây số có một máy bay khác đang đáp xuống sân bay Gò Găng. Còn tại sân bay quốc tế Long Thành thì máy bay lên xuống nườm nượp. Đó là máy bay, nguy cơ trùng trùng chứ nào phải vài chiếc xe máy có thể chen nhau tại ngã tư đường. Ngay cả những sân bay hoạt động bài bản, hệ thống điều khiển không lưu đã hoàn chỉnh từ mấy chục năm qua mà vẫn xảy ra sự cố cực kỳ nguy hiểm như đáp nhầm đường băng, máy bay đáp bằng bụng vì trục trặc kỹ thuật, lịch bay quá dày phải đáp xuống sân bay khác… Chấp thuận xây sân bay chỉ để phục vụ riêng cho một doanh nghiệp kiểu này quả là hào phóng trong bối cảnh đất đai đắt xắt ra miếng.

Theo số liệu thống kê gần đây, trong nước hiện có đến 21 sân bay dân dụng đang hoạt động, 24 sân bay khác đang "đắp chiếu". Đã có thời tỉnh nào cũng muốn xây sân bay. Chẳng phải vì mục tiêu phát triển kinh tế rõ ràng mà chủ yếu là muốn có dự án để "bằng chị, bằng em". Từ đó, nhiều dự án ngốn hàng trăm hecta đất đang để hoang trong khi quỹ đất ngày càng eo hẹp. Ngay dự án sân bay Lộc An, Sở Giao thông Vận tải tỉnh này cũng không chấp thuận bởi quỹ đất ít, khu vực này đã có 2 dự án sân bay lớn nhưng ý kiến này sớm bị bỏ qua.

Tư duy ao làng lấn ra rất nhiều lĩnh vực. Cách đây nhiều năm, các tỉnh, thành ùn ùn lập khu công nghiệp. Có tỉnh xây dựng cả chục khu công nghiệp nhưng chỉ có lèo tèo dăm bảy doanh nghiệp hoạt động. Đất đai bị thu hồi ồ ạt, người dân thiếu đất sản xuất trong khi khu công nghiệp vắng tanh, chỉ toàn bò gặm cỏ. Rồi đất nông nghiệp cũng biến thành dự án sân golf giao cho doanh nghiệp; đất ven biển biến thành khu du lịch…

Không phải vô lý mà người dân luôn nghi ngại và ngán ngẩm đối với các dự án đầu tư phải thu hồi đất với diện tích lớn. Lợi ích từ đất mang lại chảy vào túi số ít người chứ không phải vào người dân bị thu hồi đất.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo