xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Làng Na bấp bênh mùa dịch

Bài và ảnh: Hoàng Phúc

Bất kể nắng mưa, hễ có khách gọi là những con thuyền sẽ ngược sông Son, đưa du khách vào tham quan động Phong Nha. Có người đã ngót hàng chục năm kiếm sống bằng nghề này

Khác mọi năm, khung cảnh ở bến thuyền Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) nay vắng vẻ lạ thường vì ít người tới, dù đang vào hè là mùa "ăn nên làm ra" của ngành du lịch. Hàng chục thuyền chờ khách. Ánh mắt những chủ thuyền rõ vẻ đượm buồn, thấy nao lòng.

Mỗi tháng chỉ mong 5-7 chuyến

Họ nói với tôi cứ gọi họ là những "phu thuyền" như dân ở đây vẫn gọi thế.

Lúc ấy tinh mơ, ông Hoàng Văn Huê (56 tuổi, ngụ làng Na, thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã đến chiếc thuyền của mình. Ông dùng bàn tay chai sạn xếp lại mấy chiếc áo phao chơi vơi bên mạn thuyền, lau chùi ghế ngồi sạch sẽ rồi khoanh tay ngồi chờ khách.

Làng Na bấp bênh mùa dịch - Ảnh 1.

Ông Hoàng Văn Huê ngồi trên thuyền của mình mỏi mòn chờ khách

Cứ khoảng 2 ngày thì ông Huê mới ra thăm thuyền và ngó về bến xem có đoàn khách nào lui tới không. Năm ngoái, dù dịch Covid-19 đã hoành hành nhưng thi thoảng cũng có đoàn khách nên cứ vài hôm thuyền ông cũng được phân công một chuyến chở khách. Nay số chuyến chỉ đếm trên đầu ngón tay.

"Mấy năm trước khách nhiều, chạy toát mồ hôi, cơm còn không kịp ăn. Hai năm nay, dịch bệnh cứ phức tạp dần, khách ít đi nên mỗi tháng tui chỉ mong được 5-7 chuyến, kiếm ít đồng rau cháo qua ngày là mừng rồi" - ông Huê trầm ngâm.

Trong bến Phong Nha, ông Huê được xem là người có thâm niên nhất, bởi đã trên 20 năm làm ở đây. Ông kể, năm 1999 sắm được chiếc thuyền gỗ để đánh cá, sau cải tạo lại để chở khách. Thời ấy, thu nhập khoảng 45.000 đồng/chuyến. Đó là mức thu nhập mơ ước của nhiều người lúc bấy giờ.

Thị trấn Phong Nha thời điểm đó đang là xã Sơn Trạch, khung cảnh còn hoang sơ, dân cư thưa thớt nên hàng quán chẳng có bao nhiêu. Số tiền này với ông Huê được xem là mức thu nhập khá lớn. Ngoài ra, đội thuyền chỉ lác đác hơn chục chiếc nên công việc cũng khá suôn sẻ. Đặc biệt, một người quanh năm bám bùn đất như ông Huê mà bây giờ ngày nào cũng được gặp "Tây" nên hào hứng lắm.

Quyết gắn bó với nghề

Năm 2016, tích góp được chút đỉnh cộng thêm số tiền vay mượn người thân, ông đầu tư đóng chiếc thuyền mới chắc chắn hơn. Thuyền có đầy đủ ghế ngồi, mái che và bảo đảm tiêu chuẩn an toàn khi chở khách tham quan.

"Nếu khách cứ nườm nượp lui tới như 2-3 năm trước thì chẳng bao lâu gia đình tui thu hồi vốn nhưng dịch bệnh đến rồi kéo dài như rứa, tháng vài chuyến thì phải mất 2 năm nữa" - ông Huê trải lòng.

Kể về lý do quyết định nâng cấp chiếc thuyền gỗ, ông cho biết năm 2015, khi những hình ảnh của hang Sơn Đoòng xuất hiện trên chương trình "Good Morning America" của hãng truyền hình ABC (Mỹ), du khách nước ngoài đến Phong Nha tăng vọt. Đội thuyền đưa đón khách tham quan khi đó chưa nhiều nên nhiều lúc khách phải đứng đợi mới có thuyền vào động. Thấy vậy, ông quyết định đóng chiếc thuyền mới, to lớn hơn và quyết chí gắn bó với nghề này.

Làng Na bấp bênh mùa dịch - Ảnh 2.

Các thuyền chở khách tham quan động Phong Nha

"Đóng thuyền mới chắc chắn hơn, chở được nhiều người hơn mà còn an toàn cho cả mình với du khách nữa. Lúc đó công việc suôn sẻ, có ngày kiếm gần triệu bạc, cả gia đình đều dựa vào con thuyền cả" - ông Huê kể tiếp.

Từ khi dịch lan ra cả nước, Phong Nha - Kẻ Bàng rơi vào cảnh "vắng như chùa Bà Đanh". Hàng chục công ty lữ hành đóng cửa, nhà hàng, homestay vắng hẳn bóng người. Lao động lái thuyền du lịch mất việc đồng loạt. Gia đình ông Huê cũng rơi vào cảnh buồn chưa từng thấy.

Không có tiền, công việc ngày có ngày không, gia đình 6 người của ông Huê phải sống dựa vào mảnh ruộng nhỏ và khoảnh vườn lâu nay chi chít cỏ dại sau nhà. Chưa lúc nào gia đình rơi vào cảnh éo le như hiện tại. Ông Huê nói trong nghẹn ngào: "Bây chừ có cơm mà ăn no bụng là hạnh phúc rồi".

Như ngồi trên lửa

Bà Nguyễn Thị Lý (43 tuổi, ngụ làng Na) đưa tay gạt những giọt mồ hôi dưới cái nắng gắt của những ngày đầu hè, cho biết dân ở đây chủ yếu sống dựa vào việc chở khách.

Thời điểm khách tăng cao vào năm 2015-2019, dân nghèo như bà chớp cơ hội đánh liều vay hàng chục triệu đồng để đóng cho được chiếc thuyền. Ai cũng tin "có thuyền ắt có tiền". Mà thật, lượng khách mỗi năm càng tăng, thu nhập cũng khấm khá lên.

Bà Lý kể những năm trước, mỗi chuyến chở khách vào động Phong Nha, bà thu được 380.000 đồng, trừ chi phí thì thu nhập được 250.000 đồng. Từ đầu năm 2020, chi phí chở khách mỗi chuyến được cơ quan quản lý điều chỉnh lên 555.000 đồng, trừ chi phí thì bà được khoảng 400.000 đồng. Ngày cao điểm, mỗi thuyền được 3-4 chuyến. Cứ ngỡ mọi chuyện sẽ êm đẹp như vậy nhưng từ tháng 2-2020 đến nay, khách chẳng đến nên hàng trăm lái thuyền mất việc, trong đó không ít người như bà đang phải gánh khoản tiền vay đóng thuyền.

"Ban đầu, khi dịch mới bùng phát, công việc ít nhưng vẫn có khách để đưa đón. Thu nhập đủ mua bó rau, con cá. Ai cũng hy vọng sang năm 2022 mọi chuyện sẽ tốt hơn. Nhưng đâu ngờ Tết xong, dịch bùng lên mạnh hơn, những người như tôi cảm giác ngồi trên lửa" - bà Lý bộc bạch.

Không có việc làm nhưng nợ vẫn phải trả. Hàng trăm lao động ở làng Na dứt áo vào miền Nam làm thuê kiếm tiền trả nợ. Con cái ở nhà cần tiền ăn học, cha mẹ già cần được chăm sóc, áp lực của những lao động nghèo ở làng Na theo đó cũng nặng nề hơn.

Ở làng Na, không chỉ đàn ông chèo thuyền mà phụ nữ có sức vóc cũng sắm thuyền. Xưa thì chèo thuyền trên sông rất vất vả, nay thuyền được gắn máy nên họ khỏe hơn, chỉ còn một đoạn phải khi vào động rồi trở ra. Cứ mỗi thuyền phải có một lái thuyền, một phụ thuyền, họ chủ yếu là những cặp vợ chồng hoặc anh em trong gia đình.

Gặp chị Tuyết ở làng Na lúc chị đang sửa soạn mái chèo, lấy khăn lau từng ghế ngồi cho khách. Hỏi về nghề chèo thuyền, chị bẽn lẽn nói từ khi lấy chồng về đây thì theo chồng làm nghề chèo thuyền chở khách du lịch trên sông Son. Thoáng cái mà cũng hơn 5 năm rồi.

"Xưa chồng tui làm nghề đi rừng tìm trầm. Thấy công việc giữa rừng núi gian nan, nguy hiểm nên chồng tui bỏ nghề. Từ đó, vay thêm ít vốn mua thuyền để chở khách, hai vợ chồng hằng ngày tà tà kiếm cơm nhưng cũng lo được cho cuộc sống, cho con cái ăn học. Nếu dịch bệnh cứ kéo dài, chắc phải tính đường khác chứ bấp bênh lắm" - chị Tuyết trải lòng.

Công việc của các thuyền viên ở đây thường bắt đầu từ sáng sớm, kết thúc sau mỗi chuyến lái thuyền đưa khách trở về.

Chỉ mong dịch sớm qua

Nghề lái thuyền ở Phong Nha xưa là công việc mong ước của nhiều người dân trong vùng, dẫu đằng sau đó là những ẩn họa, nhọc nhằn. Hàng chục năm qua, thuyền của người dân làng Na chưa bao giờ phải nằm bến dài ngày cùng lúc như hiện nay. Đây thực sự là cú sốc lớn với họ. Ước muốn duy nhất của những "phu thuyền" là dịch bệnh sớm đi qua, cuộc sống quay về như những ngày bình yên trước đó.

Ông Hoàng Minh Thắng, Giám đốc Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, cho biết những thuyền viên chủ yếu là diện hợp tác với đơn vị này. Nguồn thu nhập chính của họ đến từ việc chở khách du lịch tham quan. Không có khách đồng nghĩa với không có tiền để trang trải cuộc sống hằng ngày.

Để giúp đỡ các lái thuyền, Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng đã tìm cách điều phối thuyền một cách phù hợp, bảo đảm gia đình nào cũng có thu nhập trong mùa dịch. Tuy nhiên, nhiều thời điểm vắng tanh, không có khách để điều phối.

"Bây giờ du khách cũng không còn e ngại như trước. Quảng Bình cũng đã tiến hành nhiều biện pháp để kích cầu du lịch, du khách đến tham quan thích ứng, an toàn và linh hoạt. Kỳ vọng mùa hè này du khách dần quay lại Phong Nha. Lúc ấy các thuyền viên sẽ có công ăn việc làm. Việc điều phối thuyền chở khách tham quan sẽ được cân nhắc kỹ càng, bảo đảm ai cũng có chuyến, không bỏ sót người nào" - ông Thắng tâm sự. 

Bảo đảm an toàn mỗi chuyến đi

Bến thuyền Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng có hơn 403 thuyền của người dân hoạt động đưa đón khách vào tham quan động Phong Nha. Toàn bộ các thuyền hoạt động ở đây đều đáp ứng những quy định, tiêu chuẩn bắt buộc, từ việc mặc áo phao cho khách, dụng cụ bảo hộ, kiểm định phương tiện...

Hiện các phương tiện chuyên chở du khách tham quan đều do UBND thị trấn Phong Nha quản lý, Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng giám sát, kiểm tra để bảo đảm an toàn mỗi chuyến đi.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo