Ông Châu Huy Quang - luật sư điều hành Hãng luật Rajah & Tann LCT, trọng tài viên VIAC:
Đãi ngộ toàn diện, tương xứng
Câu chuyện thu hút chất xám, thu hút giới đầu tư, giới trí thức từ kiều bào nước ngoài về làm việc trong nước không chỉ của riêng TP HCM mà là vấn đề chung của nhiều tỉnh, thành. Thực tế cho thấy số lượng trí thức Việt kiều quay về định cư, làm việc ở Việt Nam khá khiêm tốn. Theo thống kê, mới có khoảng trên dưới 200 chuyên gia người Việt ở nước ngoài về nước tham gia giảng dạy, làm việc hằng năm trong tổng số khoảng 400.000 Việt kiều trí thức hiện diện khắp nơi trong mạng lưới khoa học công nghệ toàn cầu.
Chúng ta đã có chủ trương, chính sách thu hút trí thức Việt kiều nhưng tính minh bạch dường như vẫn là điểm hạn chế trong chính sách cầu hiền tài này. Tôi cho rằng cần phải có môi trường để trí thức Việt kiều trở về có đất "dụng võ", cũng như các đãi ngộ cần toàn diện và tương xứng.
Các yếu tố quyết định sự thành bại của chính sách cầu hiền tài đều phải xuất phát từ đặc điểm công việc cần thu hút, được đối đãi công bằng, có môi trường phát triển cho bản thân và gia đình; được trao quyền, có sự trọng thị, công nhận, tưởng thưởng tương thích.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương:
Cần có đột phá
Không phải đợi đến bây giờ mà hơn 30 năm trước, Việt Nam đã có chính sách thu hút trí thức Việt kiều. Nếu thời gian đầu chỉ có 10 Việt kiều hưởng ứng chính sách này về Việt Nam làm việc trong các lĩnh vực, trong đó có tôi, thì nay đã có hàng chục ngàn người Việt ở khắp nơi trở về Việt Nam. Chủ trương trải thảm đỏ thu hút Việt kiều không mới nên muốn thành công thì phải có những đột phá.
Việt Nam đã mở toang cửa, gần như không còn khái niệm Việt kiều hay trong nước, cũng không có kỳ thị hay phân biệt đối xử, thậm chí trong vài trường hợp Việt kiều còn được ưu ái hơn. Bản thân tôi đã về nước hơn 30 năm, sống và làm việc tại Việt Nam nên hiểu rõ, tin tưởng và đã đưa gia đình về. Các con tôi cũng đã nhập quốc tịch Việt Nam. Vấn đề là chính quyền làm sao tuyên truyền rộng rãi hơn để những trí thức Việt kiều đang độ tuổi lao động biết Việt Nam đã đổi mới, mở cửa thế nào và trải thảm đỏ chào đón họ ra sao. Về thu hút nhân tài người Việt ở nước ngoài về nước, trong khi chưa có điều kiện đãi ngộ họ như các nước họ đang sống (tiền lương, chính sách xã hội) thì nên có chính sách phù hợp để khuyến khích họ đem phát minh, sáng chế hoặc những tiến bộ khoa học kỹ thuật chuyển giao về nước.
Ông Nguyễn Anh Phương - nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP HCM:
Phải nhất quán trong chính sách
Đi du học ở Canada năm 1970, về nước năm 1996, tôi là người mang hệ đào tạo tín chỉ về Trường ĐH Bách khoa TP HCM và sau này áp dụng rộng rãi ở các trường ĐH. Nay TP HCM có chính sách trải thảm đỏ đón trí thức Việt kiều, mời gọi họ vào các cơ quan nghiên cứu khoa học, tôi tin rằng nếu có chính sách phù hợp thì việc này không quá khó. Bà con Việt kiều sẽ ủng hộ hết mình, thậm chí tự nguyện tham gia mà không cần trả công. Đặc biệt, những trí thức về hưu còn minh mẫn, khỏe mạnh luôn khát khao đem kinh nghiệm, chuyên môn của mình góp phần xây dựng đất nước, giúp đất nước bắt kịp những tiến bộ khoa học công nghệ trên thế giới.
Nhưng muốn kéo họ trở về chung tay xây dựng TP thì ngoài việc khơi gợi tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, TP cần cho họ thấy rõ thiện chí, sự nhất quán trong chính sách thu hút, đãi ngộ và đặc biệt tạo ra môi trường làm việc thuận lợi nhất cho họ làm việc.
T.NHÂN ghi