xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19

Nhóm phóng viên

(NLĐO)- Vào lúc 20 giờ 19-11, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và UBND TP HCM với sự phối hợp của TP Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19.

Buổi Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 diễn ra tại điểm cầu TP HCM và Thủ đô Hà Nội, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam và đài truyền hình các tỉnh, thành phố tiếp sóng. Điểm cầu chính là Hội trường Thống Nhất, Quận 1, TP HCM, với khoảng 1.000 đại biểu tham dự, bao gồm nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đại diện 50 gia đình có thân nhân mất vì Covid-19.

Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Cùng với đó là một số điểm cầu truyền hình tại thành phố Thủ Đức, các quận, huyện của TPHCM, các địa phương như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh...

Điểm cầu thành phố Hà Nội tại sân khấu đa năng, Công viên Thống Nhất, phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng), với khoảng 300 đại biểu.

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, các đại biểu tham dự Lễ tưởng niệm được yêu cầu thực hiện nghiêm túc quy định về 5K; đảm bảo đã tiêm đủ liều vắc-xin, liều sau cùng tối thiểu phải đủ 14 ngày, tính đến hết ngày tham gia buổi lễ; có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 tiếng, tính đến hết thời điểm tổ chức lễ tưởng niệm.

Mục đích của buổi lễ nhằm tưởng niệm hơn 2,3 vạn đồng bào tử vong và tri ân, biểu dương cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng đã hy sinh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đây là hoạt động đầy ý nghĩa thể hiện sự chia sẻ, động viên của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam trước những mất mát, đau thương của các gia đình, người thân và lan tỏa tình nhân ái cộng đồng.

Đồng thời, buổi lễ cũng nhằm tiếp tục động viên tinh thần các lực lượng tuyến đầu và nâng cao ý thức trách nhiệm của Nhân dân trong tham gia phòng, chống dịch Covid-19; khích lệ tinh thần đại đoàn kết, ý chí quật cường của toàn dân tộc để mỗi người cùng đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Dự kiến, tại TP HCM sau khi xem một số hình ảnh, phóng sự về những ngày tháng chống dịch, các đại biểu thực hiện nghi thức mặc niệm và thắp nến tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch.

Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Bên cạnh đó còn có các hoạt động như dâng hương, hoa tại hai điểm cầu, thả đèn hoa đăng trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (trước chùa Pháp Hoa, quận 3) và trên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé (gần cầu Mống, quận 4). Xen kẽ chương trình, Ban tổ chức sẽ phát các phóng sự mang tên "Cuộc chiến sinh tử" và "Vượt lên đau thương" tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch, chia sẻ mất mát với những gia đình có người thân mất vì dịch bệnh, niềm tin bước vào giai đoạn bình thường mới.

Trong tinh thần hiệp thông của lễ tưởng niệm, lúc 20 giờ 30, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP HCM khuyến nghị tất cả các chùa và cơ sở tự viện trên địa bàn dành một phút tưởng niệm với nghi thức thỉnh đại hồng chung, dừng mọi hoạt động để hưởng ứng.

Tòa Tổng giám mục Tổng giáo phận TP HCM cũng thông báo các nhà thờ và nhà nguyện trong Tổng giáo phận đồng loạt đổ chuông sầu khoảng 5 phút, để cầu nguyện và tưởng nhớ đồng bào đã tử vong trong đại dịch.

Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TPHCM đã gửi văn bản đến Cảng vụ Hàng hải và Cảng vụ Đường thủy nội địa thông báo các phương tiện như tàu, thuyền, sà lan… đang lưu đậu trên tuyến kênh, sông, luồng hàng hải trên địa bàn kéo hồi còi tưởng niệm. TP HCM kêu gọi người dân tắt đèn và thắp nến vào thời điểm 20 giờ 30 ngày 19-11 tại các nơi công cộng, đường đi bộ, công viên, khu dân cư, căn hộ, khách sạn, văn phòng, nhà dân tưởng niệm đồng bào đã mất.

Tại Hà Nội cũng sẽ có những hoạt động và hình thức tưởng niệm phù hợp như đánh (thỉnh) chuông tại các cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ...) trên địa bàn; tắt đèn và thắp nến tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19.

Tính đến tối 18-11, Việt Nam ghi nhận 23.476 người tử vong vì Covid-19, trong đó TPHCM là 17.347 người.

21:29 ngày 19/11/2021

Trang nghiêm, thành kính

undefined - Ảnh 1.
undefined - Ảnh 2.
undefined - Ảnh 3.
undefined - Ảnh 4.
undefined - Ảnh 5.

21:26 ngày 19/11/2021

Tưởng niệm người cha đã mất vì Covid-19

undefined - Ảnh 1.

Em Nguyễn Công Thành tưởng niệm người cha đã mất vì Covid-19

Tại chùa Pháp Hoa (quận 3, TP HCM), em Nguyễn Công Thành (SN 2007, ngụ quận 11) chọn một chiếc đèn hoa đăng có đính thêm mảnh giấy nhỏ, ghi thông tin của người ba đã khuất vì Covid-19, kèm theo lời nguyện cầu của em dành cho ba: "Cầu cho ba được hồi hướng, siêu thoát về miền Tây phương cực lạc". 

21:23 ngày 19/11/2021

Công tác chuẩn bị Lễ tưởng niệm sẵn sàng

Tại TP Hà Nội, Công viên Thống Nhất, phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng) là nơi tổ chức Lễ tưởng niệm với khoảng 300 đại biểu. Công tác chuẩn bị đã sẵn sàng.

undefined - Ảnh 2.
undefined - Ảnh 3.
undefined - Ảnh 4.

21:06 ngày 19/11/2021

Xúc động nhớ về người chồng mất do Covid-19 tại Lễ tưởng niệm

Bà Lê Thị Liễu (59 tuổi, ngụ phường Long Trường, TP Thủ Đức) có mặt rất sớm tại Nhà văn hoá TP Thủ Đức để cùng nhiều người thân nạn nhân khác dự Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19. 

undefined - Ảnh 1.

Bà xúc động kể bà làm công nhân, còn chồng bà là ông Lê Văn Trương (61 tuổi) hành nghề chạy xe ôm. Hai ông bà có 3 người con nay đã xây dựng gia đình. Tháng 7-2021, thời điểm TP HCM đang giãn cách xã hội, ông Trương không may mắc Covid-19. Đến ngày 12-8, do bệnh bị nặng nên ông Trương tử vong. 

Những ngày đầu chồng ra đi mãi mãi, bà Liễu không tin đó là sự thật, bà khóc đến cạn nước mắt. Rồi mọi việc cũng nguôi đi, nhưng khi nhìn đến di ảnh của ông Trương, bà Liễu lại khóc nức nở. "Ông ấy ra đi cũng đau đớn như cuộc đời của ông vậy. Cứ nhìn thấy di ảnh của ông ấy là tôi bật khóc vì thương và nhớ. Dịch bệnh đã cướp đi rất nhiều sinh mạng khiến bao nhiêu người đau đớn. Ông ấy mất tôi không thể ở bên cạnh" - bà Liễu chia sẻ. 

 Xúc động tại Lễ tưởng niệm, bà Liễu gửi lời cảm ơn đến Đảng và nhà nước, lãnh đạo Trung ương, TP HCM đã tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19 để bà và những người thân khác nhớ lại và tưởng nhớ đến người chồng đã khuất.

20:59 ngày 19/11/2021

Tưởng niệm tại chùa Quán Sứ

Các phật tử, tu sĩ, người dân tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 tại Chùa Quán Sứ (Hà Nội).

undefined - Ảnh 1.
undefined - Ảnh 2.

20:53 ngày 19/11/2021

Biến đau thương thành hành động, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam phát biểu tại Lễ tưởng niệm, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho biết trong niềm xúc động và tiếc thương vô hạn, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, xin bày tỏ lòng thành kính, chia buồn sâu sắc với các gia đình có người hy sinh và tử vong trong đại dịch Covid-19; xin nguyện cầu cho các linh hồn người đã mất được siêu thoát, yên giấc ngàn thu, nơi cõi vĩnh hằng.

undefined - Ảnh 1.

Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam phát biểu tại Lễ tưởng niệm

Ông Đỗ Văn Chiến nêu rõ trong gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 bùng phát, gây tổn thất nặng nề cho cả thế giới, trong đó có nước ta. Trong bối cảnh đó, thực hiện lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cán bộ, chiến sỹ và đồng bào cả nước không phân biệt thành phần, tuổi tác, giới tính, dân tộc, tôn giáo đã đoàn kết một lòng, chung một ý chí "chống dịch như chống giặc".

Phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc "thương người như thể thương thân", "bầu ơi thương lấy bí cùng", trong khó khăn hoạn nạn, đã xuất hiện nhiều nghĩa cử cao đẹp, thấm đậm tình đồng chí, nghĩa đồng bào, chan chứa yêu thương, lay động lòng người: Những ATM gạo, ATM ô xy, "chợ 0 đồng", "siêu thị 0 đồng", "suất ăn miễn phí", nhường cơm xẻ áo cho nhau trong lúc khó khăn, thiếu thốn, thật là trân quý.

Hàng triệu "phần quà đại đoàn kết", "túi an sinh", hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, hàng ngàn tấn trang thiết bị y tế của đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài đã được vận chuyển vào vùng dịch, chia sẻ khó khăn với nhân dân TP HCM và các tỉnh phía Nam; cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước đã ủng hộ hàng chục ngàn tỉ đồng để mua vắc-xin tiêm miễn phí cho người dân.

Nhân dân ở vùng phong tỏa, các khu cách li, giãn cách xã hội trong một thời gian dài đã khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn, chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước; đồng lòng, chung sức để phòng chống dịch.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết hàng vạn cán bộ, nhân viên y tế, chiến sĩ các lực lượng vũ trang đã khắc phục mọi khó khăn, bất chấp nguy hiểm, xông pha vào tâm dịch, với những tháng ngày làm việc quên mình, dành hết tâm lực để chăm sóc, chữa trị người bệnh như người thân yêu, ruột thịt của mình; nhiều cán bộ, chiến sĩ hoãn ngày cưới, gác lại hạnh phúc riêng để lên đường làm nhiệm vụ; có những người khi bố mẹ qua đời không thể về chịu tang, thật là xót thương.

Trong cuộc chiến cam go, ác liệt ấy, đã có hàng ngàn thầy thuốc, cán bộ, chiến sỹ, Tổ Covid cộng đồng, tình nguyện viên, các nhà thiện nguyện, cán bộ cơ sở… bị nhiễm bệnh. Trong đó, hàng trăm người đã qua đời, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, đồng đội, đồng chí.

Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, trực tiếp là Đảng bộ, chính quyền, MTTQ, lực lượng vũ trang, nhân dân TP HCM và các tỉnh, thành phố trong vùng dịch đã "chiến đấu kiên cường", làm hết sức mình chăm lo, bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Nhưng do dịch bệnh chưa có tiền lệ, lây lan nhanh, cực kỳ nguy hiểm, đã có hơn 1 triệu người nhiễm Covid-19, dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 23 ngàn đồng bào, đồng chí thân yêu của chúng ta, đó là những công dân mẫu mực, những người lao động rất đỗi yêu thương, những cán bộ, thầy thuốc, nhân viên tận tụy với công việc, những chiến sĩ dũng cảm, những nhà thiện nguyện, tình nguyện viên nhiệt huyết, hết lòng, hết sức vì cộng đồng.

Nỗi đau đến tột cùng khi nhiều người đến lúc "nhắm mắt xuôi tay" không có người thân ở bên cạnh, không có một lời trăng trối; nhiều gia đình có 2 - 3 người tử vong, có những người đại dịch đã cướp đi cả cha mẹ và những người ruột thịt; có những em bé sinh ra không được nằm trong vòng tay yêu thương của mẹ, không được uống giọt sữa đầu đời - thật là đau xót!

Đại dịch tàn ác đã phá vỡ hạnh phúc của biết bao gia đình đang êm ấm: Cháu mất ông bà, cha mẹ mất con, vợ chồng mất nhau, con mất cha mẹ. Đại dịch "tràn qua", để lại hàng ngàn người già yếu không còn nơi nương tựa, hơn 2.600 trẻ em mất cha mẹ, nhiều em còn quá nhỏ, trên đầu chít khăn tang nhưng vẫn hồn nhiên, thơ dại, chưa cảm nhận được sự mất mát quá lớn trong cuộc đời - thật là xót thương, nhói lòng, rơi lệ.

Do dịch bệnh quá ác liệt, nguy hiểm nên mặc dù rất cố gắng, nhưng có nhiều người khi mất chưa được tổ chức lễ tang chu đáo theo phong tục, tập quán, để lại nỗi day dứt trong lòng người thân và đồng đội, đồng chí.

"Trong giờ phút thiêng liêng này, xin thắp nén tâm nhang tưởng nhớ và kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt đồng bào, đồng chí và kiều bào ta ở nước ngoài đã tử vong và hy sinh vì dịch bệnh; nguyện cầu cho các linh hồn được siêu thoát; dịch bệnh Covid-19 sớm được tiêu trừ để nhân loại không phải gánh chịu thêm đau thương, mất mát nữa"- Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam bày tỏ.

Một lần nữa, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ đau thương, mất mát với người thân những người quá cố, mong các gia đình nén đau thương, vượt qua sự mất mát quá lớn này, cần trở lại cuộc sống bình thường, trong điều kiện mới. Nhất là các cháu bị mất cha, mẹ là một biến cố lớn trong cuộc đời. Đảng, Nhà nước, bà con lối xóm, họ hàng thân thích, sẽ đồng hành cùng với các cháu trên con đường bước vào đời. Tuy sẽ gặp không ít khó khăn, nhưng tin tưởng với sự giúp đỡ, chăm lo của Nhà nước, sự quan tâm, sẻ chia của cộng đồng, sự yêu thương của họ hàng, thân tộc, các cháu sẽ được bù đắp một phần về tinh thần và vật chất; rất mong các cháu sẽ chăm ngoan, học tập tốt, trở thành những người có ích cho xã hội.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết đến nay, cơ bản nước ta đã kiểm soát được dịch bệnh, Đảng và Nhà nước đã và sẽ ban hành nhiều quyết sách quan trọng để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Cả nước đang nỗ lực cao nhất để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và khắc phục hậu quả nặng nề do dịch bệnh để lại.

"Trong bối cảnh, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tôi tha thiết kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, đề cao ý thức phòng chống dịch bệnh, không được lơ là, chủ quan nhưng cũng không hoang mang, hốt hoảng. Mọi nhà, mọi người chủ động, tự giác thực hiện tốt hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bản thân và cộng đồng" - ông Đỗ Văn Chiến nói.

Những em bé sinh ra trong thời kỳ bùng phát đợt dịch thứ ba, thứ tư đã biết lẫy, biết ngồi; cuộc sống tiếp tục sinh sôi, nảy nở; đang dần trở lại trạng thái bình thường trong điều kiện mới.

Chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng với sự nỗ lực cao độ của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, quân và dân cả nước sẽ biến đau thương thành hành động, chung sức, đồng lòng, khắc phục mọi khó khăn, trở ngại, vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa nỗ lực khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết hậu quả nặng nề của dịch bệnh. Nhất định đất nước ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn, thử thách, tiếp tục phát triển hơn nữa, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

"Thời khắc thiêng liêng đã đến, chúng ta sẽ thực hiện nghi thức tưởng niệm, tôi đề nghị đồng bào, đồng chí trên mọi miền đất nước hãy dành những giây phút lắng đọng nhất thành kính dâng hương, dâng hoa, tắt đèn, thắp nến, rung chuông, thả hoa đăng tưởng nhớ, tri ân và tiễn biệt đồng bào, cán bộ, chiến sĩ hy sinh và tử vong trong đại dịch Covid-19; cùng nhau cầu nguyện cho các linh hồn được siêu thoát, yên giấc ngàn thu"- Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nói.

20:28 ngày 19/11/2021

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ tưởng niệm

Đến dự Lễ Tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19", tại điểm cầu TP HCM có sự hiện diện của các vị: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Cùng các vị nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước. 

undefined - Ảnh 1.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Lễ tưởng niệm

Tại điểm cầu Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài. Cùng tham dự buổi lễ có: Các ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ, lãnh đạo các sở, ban, ngành, quân huyện của TP Hà Nội và TP HCM; các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch, các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam; lãnh đạo một số địa phương; đại diện các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch; đại diện các tổ chức tôn giáo, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế. 

undefined - Ảnh 2.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên tại Lễ tưởng niệm

Đặc biệt là sự có mặt của đại diện thân nhân, gia đình của đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19...

20:23 ngày 19/11/2021

Nỗi đau mất mẹ

Ông Võ Đăng Thành (sinh năm 1972) có mẹ mất vì Covid-19 chia sẻ nỗi đau mất mẹ là quá lớn. 

undefined - Ảnh 1.

"Mẹ mình đang rất mạnh khỏe, bà mới 73 tuổi, không may mắc Covid-19, dù được các y, bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng mẹ mình không qua khỏi. Khi mẹ mất, không có người thân bên cạnh chăm sóc. Mình rất đau xót" - ông Thành nghẹn lời.

20:20 ngày 19/11/2021

Những ngọn nến tại Hội trường Thống Nhất

Tại điểm cầu Hội trường Thống Nhất (TP HCM), đúng 20 giờ, nến trên tay các đại biểu tham dự được thắp lên. Khi phóng sự Cuộc chiến sinh tử được phát lên, không khí cả hội trường lặng đi. Nhiều đại biểu không cầm được nước mắt trước sự mất mát của đồng bào mình.

20:14 ngày 19/11/2021

Đông đảo người dân tới dự lễ tưởng niệm

Từ sớm, đông đảo người dân tới Công viên Thống Nhất (TP Hà Nội) dự Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, tử vong trong dại dịch Covid-19. Lực lượng chức năng đã có mặt tại đây, hướng dẫn người dân di chuyển vào khu vực Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, tử vong trong dại dịch Covid-19

undefined - Ảnh 1.
undefined - Ảnh 2.
undefined - Ảnh 3.
undefined - Ảnh 4.

Nguyễn Văn Trọng (SN 1985), vợ đã qua đời do dịch Covid-19

undefined - Ảnh 5.
Lên trên
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo