xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lời giải cho bài toán công chức ở TP HCM (*): Những việc cần làm ngay

NHÓM PHÓNG VIÊN

Ngoài kiến nghị khẩn của UBND TP HCM gửi Bộ Nội vụ, nhiều địa phương, cơ quan chuyên môn cũng đề xuất hàng loạt đầu việc cần làm ngay để giảm áp lực cho viên chức, công chức

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong vừa ký văn bản khẩn, đề xuất Bộ Nội vụ thay đổi phương pháp thẩm định, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ghi nhận biên chế thực có của TP và giao biên chế hằng năm cho TP sát với thực tế hơn. Đồng thời xem xét, thẩm định lại số lượng người làm việc và số lượng lao động hợp đồng cho TP.

Cần sát thực tế hơn

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, đề xuất trên là để đáp ứng thực tiễn khối lượng công việc tại TP, nhằm bảo đảm chất lượng phục vụ nhân dân, giữ ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được trung ương, Chính phủ giao.

TP HCM ước tính giai đoạn năm 2021- 2025, TP cần giữ nguyên số lượng biên chế hành chính như năm 2021 là 11.031 công chức hành chính và 111.927 người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Lý do UBND TP đưa ra đề xuất trên là số lượng biên chế công chức hằng năm Chính phủ giao cho TP HCM đều thiếu rất nhiều so với nhu cầu thực tế. UBND TP dẫn chứng, vào năm 2015 và 2020, biên chế công chức được Bộ Nội vụ giao (không bao gồm hợp đồng lao động theo Nghị định 68) lần lượt là 8.313 người và 7.227 người. Trong khi đó, số biên chế công chức được HĐND TP phê duyệt thực tế năm 2015 và năm 2020 là 13.049 người và 11.612 người. Tính đến thời điểm 30-4-2020, số công chức, hợp đồng lao động theo Nghị định 68, biên chế sự nghiệp trong cơ quan hành chính, hợp đồng chuyên môn, nghiệp vụ đang làm việc thực tế tại các sở - ban - ngành và UBND quận - huyện là 10.969 người, trong đó biên chế công chức là 9.394 người; hợp đồng lao động theo Nghị định 68 là 657 người… Như vậy, so với số biên chế Bộ Nội vụ giao năm 2020 là 7.227 người thì TP thiếu 3.742 biên chế chung và và thiếu 2.167 biên chế công chức.

UBND TP cũng cho biết trường hợp Bộ Nội vụ không tăng số lượng biên chế công chức cho TP HCM thì có thể xem xét, điều chỉnh theo hướng giảm biên chế viên chức và tăng bù lại biên chế công chức nhưng bảo đảm tổng biên chế chung của TP HCM không tăng cho phù hợp với chủ trương chung của Chính phủ. Cụ thể, TP đề xuất giảm biên chế viên chức năm 2021 tại TP từ 111.927 người còn 108.185 người làm việc (giảm 3.742 người) và chuyển số biên chế viên chức cắt giảm nói trên sang biên chế công chức. Khi đó, lượng biên chế công chức từ mức 7.227 người tăng lên hơn 10.900 người.

Xem xét tách phường, tạm ngưng tinh giản

Là lãnh đạo phường đông dân nhất TP HCM, ông Trần Hoàng Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân), nói mỗi cán bộ nơi đây phải phụ trách hồ sơ từ 30.000-40.000 người dân. Theo ông, rất nhiều lần Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM xuống trực tiếp phường để khảo sát. Lần nào địa phương cũng kiến nghị xem xét được tách phường. "Tôi nghĩ việc này các cấp cũng nên bắt tay vào làm ngay, bởi ngoài dân số đông thì cứ tưởng tượng trường hợp một cán bộ mới về phường này công tác thì phải mất đến 6 tháng mới thuộc chính xác ranh giới 27 khu phố trên địa bàn, là biết phường rất rộng" - ông Dũng nói. Đại diện UBND quận Bình Tân thì cho rằng quận đã từng kiến nghị tạm ngưng tinh giản biên chế và áp dụng cơ chế đặc thù để có thể hỗ trợ thêm số lượng cán bộ bán chuyên trách nhằm san sẻ gánh nặng cho từng lĩnh vực đang quá tải.

Lời giải cho bài toán công chức ở TP HCM (*): Những việc cần làm ngay - Ảnh 1.

Bộ phận một cửa của UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP HCM luôn trong tình trạng quá tải Ảnh: LÊ PHONG

Đồng quan điểm, bà Võ Minh Hoàng, Trưởng Phòng Nội vụ UBND huyện Hóc Môn, cho biết việc tinh giản biên chế theo Nghị định 34 của Chính phủ và Nghị quyết 06 của HĐND TP HCM khiến áp lực về bố trí cán bộ cũng như sắp xếp công việc tại các xã, thị trấn trong thời gian tới rất khó khăn. "Toàn huyện có 12 xã, thị trấn đều thuộc xã loại 1 với 542.000 dân trong đó 9 xã, thị trấn có dân số từ 30.000 đến cao nhất là 85.000 dân trong khi chỉ có 561 cán bộ phụ trách (trong số này có 309 cán bộ không chuyên trách). Nếu tinh giản theo yêu cầu thì chỉ còn 420 cán bộ, chắc chắn áp lực công việc, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính sẽ căng thẳng hơn. Chưa kể việc bố trí công việc cho 141 cán bộ không chuyên trách sau tinh giản cũng là chuyện không đơn giản" - bà Hoàng tính toán. Bà dẫn chứng thêm hiện tại, để giải quyết kịp thời nhu cầu của người dân cũng như giám sát chặt tình trạng vi phạm về đất đai, xây dựng, UBND huyện thường xuyên phải tăng cường cán bộ từ Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) về cho các xã "nóng". Thế nhưng, nhân sự của Phòng TN-MT huyện cũng đang thiếu hụt, bởi dù biên chế là 23 nhưng hiện chỉ có 19 cán bộ phụ trách cả chục đầu việc.

Từ những thực tế trên, đại diện huyện Hóc Môn đề xuất TP kiến nghị trung ương cho cơ chế đối với các xã, thị trấn có trên 30.000 dân thì được bổ sung 1 cán bộ, cứ thêm 3.000 dân thì bố trí thêm 1 cán bộ. Về chế độ cho nhóm cán bộ bổ sung thì đề xuất chế độ như công chức vì khối lượng công việc của họ tương đương nhau, cụ thể được nâng lương niên hạn, được đóng BHXH theo mức lương được hưởng, phụ cấp chức danh và trợ cấp theo trình độ…

Tương tự, ông Lê Đình Thịnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Thượng (1 trong 4 xã có số dân đông nhất huyện Hóc Môn), đề xuất TP kiến nghị trung ương áp dụng cơ chế đặc thù đối với TP HCM, giữ nguyên số lượng cán bộ không chuyên trách tại các xã như hiện nay.

Đẩy nhanh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ

Là xã chịu nhiều áp lực trong quản lý môi trường, đất đai xây dựng vì mật độ dân số đông, ông Lôi Đại Phong, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), đề xuất để hỗ trợ cán bộ thực hiện tốt nhiệm vụ, các bộ - ngành cần sớm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực đất đai, môi trường, tinh gọn các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, đồng thời sử dụng vệ tinh viễn thám hỗ trợ cán bộ giám sát, theo dõi, xử lý, thẩm tra hồ sơ. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch nông thôn mới phải đồng bộ.

Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, viện này từng tiến hành khảo sát ý kiến và ghi nhận một số quận - huyện về khối lượng công việc, trong đó ghi nhận chỉ tính riêng lĩnh vực nhà đất của Sở TN-MT TP HCM luôn trong cảnh quá tải. Mỗi ngày, các lãnh đạo Sở TN-MT chỉ việc ký giấy tờ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã lên đến hơn 1.000 hồ sơ. Từ đó, dẫn đến tình trạng hồ sơ trễ hẹn lên đến trên 50%. "Tuy nhiên gần đây, Sở TN-MT TP đã áp dụng việc quản lý số bằng phần mềm và ủy quyền cho Văn phòng Đăng ký đất đai tại quận - huyện tự giải quyết nên hồ sơ trễ hẹn giảm đáng kể" - một chuyên viên Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, kể.

Từ dẫn chứng trên, theo vị chuyên viên này, để giảm tải áp lực công việc cho công chức, viên chức cũng như giảm sự phiền hà khi người dân làm thủ tục hành chính, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM đưa ra 2 đề xuất. Đó là đẩy nhanh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính. Kế đến là đẩy mạnh hình thức dịch vụ hành chính công theo hướng có thu phí phục vụ. Mục tiêu này vừa san sẻ công việc vừa giảm áp lực ngân sách và gia tăng thu nhập cho cán bộ. "Hai đề xuất trên phải thực hiện song song thì mới hiệu quả. Bởi nếu chỉ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để làm việc trực tuyến thì chỉ giúp giảm bớt việc đi lại của người dân trong khi cán bộ xử lý hồ sơ vẫn như cũ" - vị chuyên viên Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM phân tích. 

“Tôi đồng tình với đề xuất tăng công chức của TP HCM gửi Bộ Nội vụ. Tuy nhiên để thuyết phục, TP nên tính toán số lượng cán bộ, công chức thực cần theo vị trí công việc như Nghị định 62/2020 về vị trí việc làm và biên chế công chức, có hiệu lực từ ngày 20-7-2020” - ông Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực phía Nam Bộ Nội vụ, nói.

Xin cơ chế thực hiện hợp đồng tạm tuyển

Để bổ sung công chức, bà Võ Minh Hoàng kiến nghị TP xem xét cho cơ chế thực hiện hợp đồng tạm tuyển 6 tháng đến 1 năm đối với những chức danh công chức còn thiếu tại các xã, thị trấn (số công chức tạm tuyển vẫn nằm trong giới hạn 22 cán bộ công chức tại 1 xã).

Đối với tuyển dụng công chức cấp xã thì kiến nghị TP cho phép cán bộ chuyên trách đủ điều kiện xét chuyển công chức không qua thi tuyển. "Qua rà soát 12 xã, thị trấn của huyện thì có khoảng 22 cán bộ đủ điều kiện xét chuyển" - bà Hoàng cho hay.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-8

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo