xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ly rượu của Bác Hồ và câu chuyện "kẹt" giữa quan hệ căng thẳng Xô - Trung

Dương Ngọc

(NLĐO)- Những câu chuyện thú vị trên mặt trận ngoại giao về giai đoạn Việt Nam "kẹt" trong bối cảnh quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc căng thẳng, để vừa giữ được mối quan hệ với cả hai nước lớn, vừa giữ vững độc lập chủ quyền, kháng chiến thành công và tiến tới ngày thống nhất đất nước 30-4.

Trong khi Việt Nam đang dốc sức kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước, rất cần sự trợ giúp, ủng hộ của quốc tế, đặc biệt là các nước CNXH đồng minh thì từ giữa thập niên 1960, Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc công khai mâu thuẫn, đối đầu toàn diện. "Kẹt" trong bối cảnh quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc căng thẳng, để vừa giữ được mối quan hệ với cả hai nước lớn, vừa giữ vững độc lập chủ quyền của nước ta, kháng chiến thành công và tiến tới ngày thống nhất đất nước 30-4 có đóng góp quan trọng của mặt trận ngoại giao.

Ly rượu của Bác Hồ và câu chuyện kẹt giữa quan hệ căng thẳng Xô - Trung - Ảnh 1.

GS-TS Vũ Dương Huân, nguyên giám đốc Học viện Ngoại giao, nguyên trưởng ban Nghiên cứu lịch sử, Bộ Ngoại giao - Ảnh: Minh Châu

Trao đổi bên lề cuộc tọa đàm trực tuyến "Từ Hiệp định Paris về Việt Nam đến đại thắng Mùa xuân năm 1975: Vai trò của Mặt trận Ngoại giao góp phần vào thắng lợi lịch sử 30-4" do Bộ Ngoại giao tổ chức mới đây, GS-TS Vũ Dương Huân, nguyên giám đốc Học viện Ngoại giao, nguyên trưởng ban Nghiên cứu lịch sử, Bộ Ngoại giao, đánh giá đó là chính sách vô cùng đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta. Việt Nam tiến hành chống Mỹ cứu nước, đồng thời đề ra đường lối mặt trận ngoại giao độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế; ngoại giao giải quyết 2 nhiệm vụ chiến lược: Một là làm suy yếu hậu phương quốc tế của địch, hai là củng cố hậu phương quốc tế của ta. Đồng thời, mặt trận ngoại giao thực hiện nhiệm vụ giải quyết vấn đề ta thắng địch thua.

Để thực hiện đường lối ngoại giao đó, một trong những yêu cầu cấp bách, đặc biệt của chúng ta là phải tranh thủ viện trợ, ủng hộ của nhân dân thế giới, đặc biệt là viện trợ của Liên Xô và Trung Quốc là hai nước đồng minh lớn nhất của chúng ta. Mặc dù hai nước đó có những lợi ích của họ. Tuy nhiên, nhờ đường lối đúng đắn về nguyên tắc của lãnh đạo Việt Nam nên chúng ta vẫn tranh thủ được.

Ví dụ, trong quan hệ với Liên Xô và Trung Quốc, Việt Nam đề ra nguyên tắc: Một là phải tôn trọng cả hai nước, không nhất bên nào, cân bằng quan hệ với cả Liên Xô và Trung Quốc.

Thứ hai, phải tạo cho mỗi bên Liên Xô và Trung Quốc có vị trí nhất định trong chiến tranh Việt Nam vì đó là vấn đề nóng của thế giới, các nước muốn có vai trò. Ví dụ: Tất cả thông tin của chiến trường, của đàm phán, Việt Nam đều thông báo cho phía Liên Xô và Trung Quốc qua 51 cuộc gặp giữa lãnh đạo chúng ta và lãnh đạo của hai nước.

Thứ ba, Việt Nam xác định phải có đường lối độc lập tự chủ. Đây là cái chốt. Chỉ có đường lối độc lập tự chủ thì mới có thể tranh thủ được cả Liên Xô và Trung Quốc trong bối cảnh hai nước này hết sức mâu thuẫn với nhau.

Thứ tư, Việt Nam có nghệ thuật để xử lý mối quan hệ Liên Xô - Trung Quốc.

GS-TS Vũ Dương Huân kể có nhiều mẩu chuyện rất hay về việc Bác Hồ xử lý quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc. Ví dụ như: Liên Xô đề nghị rất nhiều sáng kiến tốt cho Việt Nam như cầu hàng không, căn cứ Hoa Nam, Liên Xô - Trung Quốc phối hợp hành động giúp Việt Nam… nhưng Trung Quốc không đồng ý, thì Việt Nam cũng không triển khai sáng kiến đó.

Hoặc như Liên Xô muốn đưa cố vấn về mặt phòng không, cố vấn vào Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, muốn đưa cố vấn về tên lửa… nhưng Việt Nam đều không chấp nhận…

Trung Quốc muốn đưa cố vấn sang Việt Nam, muốn đưa bộ đội Trung Quốc vào làm đường ở Việt Nam, chúng ta cũng không chấp nhận mà chỉ chấp nhận Trung Quốc giúp ta ở miền Bắc, làm đường ở miền Bắc.

"Như vậy, chính sách của Việt Nam với Liên Xô và Trung Quốc là hết sức cân bằng, khôn khéo" - GS-TS Vũ Dương Huân đánh giá.

Ly rượu của Bác Hồ và câu chuyện kẹt giữa quan hệ căng thẳng Xô - Trung - Ảnh 3.

Chủ tịch Hồ Chí Minh duyệt đội danh dự Quân đội Liên Xô trong lễ đón đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Liên Xô ngày 12-7-1955 - Ảnh tư liệu

Quan hệ Việt Nam Trung Quốc giai đoạn đầu của năm 1968 rất căng thẳng, thậm chí Trung Quốc muốn cắt quan hệ ngoại giao với Việt Nam, không tiếp nhận những đoàn của ta cử sang trao đổi với phía Trung Quốc. Bác Hồ đã xử lý vô cùng khéo léo: Bác đề nghị Bí thư Trung ương Cục miền Nam Nguyễn Văn Linh dẫn đầu phái đoàn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam sang báo cáo với Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông. Vì phía Trung Quốc luôn giương cao ngọn cờ chống Mỹ, mà đoàn của nhân dân miền Nam sang thông báo về kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì chẳng lẽ lại không nhận. Khi phía Trung Quốc nhận đoàn thì Bác lại cử Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi cùng đoàn. Khi sang Trung Quốc, chính Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã thuyết phục được lãnh đạo Trung Quốc.

Đến 17-11-1968, khi tiếp đoàn Việt Nam, Chủ tịch Mao Trạch Đông có nói họ đã thay đổi quan điểm,  từ đó Trung Quốc đã ủng hộ Việt Nam vừa đánh vừa đàm.

Ly rượu của Bác Hồ và câu chuyện kẹt giữa quan hệ căng thẳng Xô - Trung - Ảnh 4.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn chuyên gia Liên Xô sang giúp đỡ công tác chuyên môn cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước tại Hà Nội, ngày 22-3-1960.

Liên quan đến việc Trung Quốc lôi kéo Việt Nam chống chủ nghĩa xét lại của Liên Xô. Điều đó rất rõ, nhưng xử lý thế nào là một vấn đề rất tế nhị. Bác Hồ đã xử lý rất khôn khéo. Nhân sự việc ông Bành Chân, Phó chủ tịch quốc hội, ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc thăm Việt Nam, khi tiễn ông Bành Chân, Bác đọc một câu thơ rất hay, ý nói là nếu các bạn Bắc Kinh có hỏi, chúng tôi xin trả lời là lòng chúng tôi vẫn trong như ngọc, nghĩa là không lung lay, không ủng hộ xét lại, chúng tôi vì Chủ nghĩa Mác - Lênin mà thôi.

Liên quan đến Cách mạng Văn hóa là việc xử lý rất khó. Khó ở chỗ Trung Quốc tiến hành Cách mạng Văn hóa và muốn Việt Nam ủng hộ Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc. Trong một hội nghị ngoại giao, Bác đã nói: Các chú có ai hiểu Trung Quốc bằng Bác không? Không ai hiểu à. Đã không hiểu người ta thì đừng nên phát ngôn. Ví dụ, nước này nước kia phát ngôn ủng hộ Cách mạng Văn hóa Trung Quốc, Bác nói đó là vấn đề nội bộ của người ta nên đừng nói gì.

Đồng thời, Bác thuyết phục lãnh đạo Trung Quốc là các đồng chí cứ làm việc của các đồng chí, chúng tôi làm việc chúng tôi. Đặc biệt, nhân dịp chúc mừng ngày sinh của Chủ tịch Mao Trạch Đông, Bác viết câu chúc bằng tiếng Hán, hôm sau Nhân dân nhật báo đăng lên: "Mao Chủ tịch vạn thọ vô cương", chính điều đó đã giải tỏa quan hệ, khúc mắc giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến Cách mạng Văn hóa.

Ly rượu của Bác Hồ và câu chuyện kẹt giữa quan hệ căng thẳng Xô - Trung - Ảnh 5.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu các nước sang dự Hội nghị quốc tế đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ bảo vệ hòa bình, họp tại Hà Nội, tháng 11-1964 - Ảnh Tư liệu

Một nghệ thuật nữa của Bác Hồ đã xử lý rất khéo là năm 1964, lúc đó ông Nikita Sergeyevich Khrushchyov, Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô, đồng thời giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng), tròn 70 tuổi. Trước ngày đó, Đảng ta và các đảng anh em khác đều nhận được bức thư của Đảng Cộng sản Trung Quốc nói rằng từ nay ngày sinh chẵn tròn của lãnh đạo cũng không nên chúc mừng nhau. Ý là vì Liên Xô - Trung Quốc mâu thuẫn nhau nên phía Trung Quốc muốn ngăn Đảng ta chúc mừng ông Khrushchyov 70 tuổi. Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương đều lo lắng về việc xử lý như thế nào? Bác bảo các chú cứ yên tâm, Bác sẽ xử lý.

Gần đến sinh nhật ông Khrushchyov, Bác Hồ mời Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam tới ăn cơm. Ly rượu đầu tiên chúc mừng, Bác nói chúc mừng đồng chí Khrushchyov 70 tuổi. Đại sứ báo cáo về ngay. Mấy ngày sau, Bác nhận được điện cảm ơn của ông Khrushchyov. Như vậy, Liên Xô rất hài lòng và Trung Quốc không biết vì Bác dặn không công khai với báo chí. "Rõ ràng, Cụ Hồ xử lý rất khôn ngoan, khôn khéo trong bối cảnh Liên Xô - Trung Quốc mâu thuẫn gay gắt" - GS-TS Vũ Dương Huân chia sẻ.

Nhân kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bộ Ngoại giao đã tổ chức tọa đàm trực tuyến "Từ Hiệp định Paris về Việt Nam đến đại thắng Mùa xuân năm 1975: Vai trò của Mặt trận Ngoại giao góp phần vào thắng lợi lịch sử 30-4" vào ngày 28-4 tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Tham dự tọa đàm có các vị nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tham gia trực tiếp vào quá trình đấu tranh ngoại giao đi đến Hiệp định Paris (27-1-1973), các nhân chứng lịch sử và các nhà nghiên cứu về chính trị, quân sự và ngoại giao. Đông đảo đại diện các đơn vị Bộ Ngoại giao và học viên cao học, sinh viên của Học viện Ngoại giao cũng đã tham dự Tọa đàm.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo