xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

MẢNH ĐẤT "THÀNH ĐỒNG TỔ QUỐC"

PGS HÀ MINH HỒNG (Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP HCM)

Thành phố (TP) Anh hùng - một danh hiệu vinh dự trao tặng cho địa phương xuất sắc thể hiện tinh thần yêu nước ở đỉnh cao trong quá trình lịch sử. Nhưng giá trị lịch sử của TP Anh hùng - TP HCM không thể chỉ định vị thuần túy theo tiêu chí luật định, bởi thực tế lịch sử suốt mấy trăm năm khai phá, nhất là từ hơn 150 năm nay, có nhiều đặc điểm rất riêng của mảnh đất Thành đồng Tổ quốc.

BA LẦN "ĐI TRƯỚC"

Ngày nay, cụm từ "đi trước về sau" được nhiều nơi, nhiều ngành sử dụng rộng rãi để chỉ sự phát triển nhanh, đột phá, muốn vượt trội, vọt lên, thậm chí muốn bỏ chữ "về sau" và thay vào chữ "đi nhanh", "về trước", "đến sớm"… Cứ ngược lại giữa thế kỷ trước và xa hơn đến giữa thế kỷ XIX, cụm từ 4 chữ có nghĩa một hành trình lịch sử "đi trước về sau" ấy, thực ra chỉ dành riêng cho một Sài Gòn - TP HCM mà thôi.

MẢNH ĐẤT THÀNH ĐỒNG TỔ QUỐC - Ảnh 1.

TP HCM vào thời khắc giao thừa. Ảnh: KHÁNH PHAN

Cuộc "Đi trước" đầu tiên là khi chủ nghĩa thực dân phương Tây mở mặt trận mới ở Gia Định đầu tháng 2-1859, xuất hiện người Sài Gòn giương cao cờ nghĩa chống quân xâm lược. Suốt từ tháng 2-1859 đến tháng 2-1861, cho dù có hay không có quân đội triều đình hỗ trợ, nghĩa binh Sài Gòn - những "Dân ấp, dân lân mến nghĩa làm quân chiêu mộ" theo tiếng gọi của Nguyễn Đình Chiểu, Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân vẫn chiến đấu "Quyết đánh cả triều lẫn Tây". Bất chấp thành Gia Định thất thủ (ngày 17-2- 1859), không sợ việc đại đồn Chí Hòa lọt vào tay quân Pháp và chủ tướng Nguyễn Tri Phương bị trọng thương (ngày 25-2-1861), chẳng nao núng khi triều đình ký Hiệp ước Nhâm Tuất (ngày 6-5-1862), cờ nghĩa của nhân dân và sĩ phu, văn thân Nam Bộ trên mảnh đất Sài Gòn vẫn phất cao, làm hao binh tổn tướng quân thực dân phương Tây suốt mấy chục năm cuối thế kỷ XIX.

Đầu thế kỷ XX, trong khuôn khổ thuộc địa, Sài Gòn "Đi trước" với những chuyển biến phát triển mới, được coi là "Hòn ngọc Viễn Đông" theo mô hình phương Tây và dán khẩu hiệu "Tự do, Bình đẳng, Bác ái". Người dân miền ngoài vào Sài Gòn thấy "lạ" nhưng vẫn rất gần gũi vì toàn người An Nam giúp đỡ người An Nam. Anh thanh niên Văn Ba được người Sài Gòn giúp đỡ và ngày 5-6-1911 xuống làm phụ bếp dưới tàu Pháp để đi tìm đường cứu nước. Một bộ phận người dân thuộc địa ở Sài Gòn nhập tịch "Làng Tây" nhưng dù đi Pháp học làm bác sĩ, luật sư, khi trở về cũng mở phòng mạch, lập văn phòng để làm cơ sở hoạt động yêu nước và cách mạng. Chẳng thế mà Sài Gòn sớm thành lập tổ chức Công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam (năm 1920), sớm nổ ra cuộc đấu tranh đầu tiên ở Ba Son đánh dấu phong trào công nhân Việt Nam chuyển từ tự phát sang tự giác (năm 1925). Cả 5 xứ thuộc địa chỉ có Sài Gòn là nơi dễ hoạt động công khai, vì thế Sài Gòn là nơi Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đặt trụ sở và đứng chân chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước suốt 8 năm trước Chiến tranh Thế giới thứ hai; những năm 1936-1939, Sài Gòn khởi phát các hoạt động đấu tranh công khai sôi nổi và mạnh mẽ nhất trong cao trào vận động dân chủ; khi Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra, Sài Gòn sớm hội tụ các yếu tố dẫn đến cuộc khởi nghĩa duy nhất toàn xứ Nam Kỳ (năm 1940) chớp thời cơ để đứng lên, nhân dân quật khởi. Thực tế cuộc quật khởi ấy phải đợi cùng cả nước; và ngày 25-8-1945, Sài Gòn khởi nghĩa giành chính quyền đã kéo theo toàn Nam Bộ giành chính quyền về tay nhân dân.

Bước "Đi trước" thứ 3 kéo dài suốt 30 năm, mở đầu là ngày 23-9-1945, Sài Gòn phát động kháng chiến trước khi Toàn quốc kháng chiến. Trong 30 năm ấy, Sài Gòn là sào huyệt lớn nhất của chế độ thực dân đồng thời là trọng điểm chỉ đạo cách mạng ở phía Nam; vì thế nơi đây sớm bùng nổ và phất cao ngọn cờ đấu tranh của học sinh - sinh viên (ngày 9-1-1950), sau đó bùng nổ phong trào Toàn quốc chống Mỹ (ngày 19-3-1950). Trong 20 năm đất nước bị chia cắt, Sài Gòn khởi đầu Phong trào bảo vệ hòa bình sau Hiệp định Genève (ngày 1-8- 1954), nơi chính thức nổ súng cho cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân, đưa chiến tranh cách mạng vào tận sào huyệt địch (ngày 31-1-1968), nơi nổ tiếng súng mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (ngày 26-4-1975) và cũng là nơi kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến trường kỳ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (ngày 30-4-1975).

MẢNH ĐẤT THÀNH ĐỒNG TỔ QUỐC - Ảnh 2.

Khối Đặc công - Quân đội Nhân dân Việt Nam diễu hành trong lễ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ở TP HCM năm 2015. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

"VÌ CẢ NƯỚC, CÙNG CẢ NƯỚC"

Khi mỗi địa phương là một bộ phận của quốc gia dân tộc, cùng đấu tranh vì mục tiêu chung tự do, độc lập, giải phóng và thống nhất Tổ quốc, lại cùng dưới sự lãnh đạo của một đảng cầm quyền, một chính phủ đề ra quyết sách chung, đương nhiên địa phương nào cũng phát triển vì cả nước và cùng cả nước. Nhưng chỉ từ ngày 8-11-1983, cả nước mới nghe thấy lời Tổng Bí thư Lê Duẩn phát biểu trước Đại hội Đảng bộ TP câu tổng kết: "Vì cả nước, cùng cả nước, TP Sài Gòn hôm qua đã được giải phóng. Vì cả nước, cùng cả nước, TP HCM hôm nay nhất định xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội".

Trước đó, từ trong những ngày bão táp Cách mạng Tháng Tám 1945, Sài Gòn đã cùng cả nước đứng lên lật đổ chế độ thuộc địa, dựng lên chế độ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam. Trong 30 năm kháng chiến, cả nước có mặt ở Sài Gòn để cùng Sài Gòn đấu tranh giải phóng TP này, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; Sài Gòn cùng cả nước đấu tranh không nề hy sinh gian khổ đi đến kết thúc thắng lợi ngày 30-4-1975, Bắc - Nam sum họp một nhà.

Từ sau ngày 30-4-1975, Sài Gòn - TP HCM vẫn giữ phong thái tự nhiên của "người đi trước" và thêm trách nhiệm "Vì cả nước, cùng cả nước". Những năm 1978-1979, giữa lúc chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc căng kéo, TP HCM vừa dồn sức ra tiền tuyến vừa giúp nước bạn Campuchia, lại vừa trăn trở tìm tòi, thử nghiệm tháo gỡ khó khăn, góp phần quan trọng kiến tạo đường lối đổi mới của Đảng. Từ năm 1987 trở đi, TP HCM thường nảy nở, phát sáng nhiều phong trào mới, mô hình mới, cách làm mới trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Những năm từ 1997, TP HCM vẫn đi đầu trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển và hội nhập quốc tế... TP cũng đi đầu trong cả nước về phổ cập giáo dục, đã hoàn thành phổ cập giáo dục bậc trung học; khởi xướng và duy trì các phong trào xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, chương trình bảo trợ bệnh nhân nghèo; nụ cười cho trẻ thơ; chăm lo cho công nhân, người lao động, không quên chăm lo cho người bất hạnh, người lầm lỡ... Cho tới bây giờ, TP HCM tiếp tục là đầu tàu kinh tế của cả nước…

MẢNH ĐẤT THÀNH ĐỒNG TỔ QUỐC - Ảnh 3.

Dinh Độc Lập nay là Hội trường Thống Nhất - một địa chỉ lịch sử của TP HCM. Ảnh: THU HUYNH

HỘI TỤ VÀ LAN TỎA

Mấy trăm năm phát triển, nhất là khoảng hơn một thế kỷ nay, Sài Gòn - TP HCM thay đổi diện mạo, trở thành "đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước".

Những thế hệ người Sài Gòn - TP HCM hình thành trên cơ sở hội tụ cư dân từ mọi miền đất nước. Không phân chia Đàng Ngoài, Đàng Trong nữa, không phân biệt vùng miền văn hóa - chính trị, tất cả những người tụ họp về đây, sinh trưởng trên mảnh đất Sài Gòn - Gia Định - TP HCM đều chung một ngôn ngữ tiếng Việt, cùng điều kiện, hoàn cảnh mưu sinh và phát triển sản nghiệp. Người Sài Gòn từ già đến trẻ, từ công chức đến trí thức, nhà giáo, nhà báo, từ nhà tư sản đến chị tiểu thương, từ anh kỹ sư đến người đạp xích lô... đều mang trong mình lòng yêu nước nồng nàn, niềm tin sắt son vào hòa bình, thống nhất, độc lập, đã tạo nên những căn cứ lòng dân vững chắc, hình thành nên những vùng lõm chính trị như Bảy Hiền, Bàn Cờ ngay trong lòng địch vẫn âm thầm ngọn lửa đấu tranh yêu nước và cách mạng. Trong mọi hoàn cảnh và điều kiện cụ thể, những con người ấy luôn sáng tạo, đi tiên phong, tháo gỡ khó khăn, chung tay, chung ý thức tìm tòi cách thức mới, không chịu sự rập khuôn máy móc và bảo thủ, luôn có nhiều chương trình đột phá vì sự phát triển và hội nhập, nâng cao chất lượng sống của nhân dân; vừa phát huy vai trò động lực cho toàn vùng và cả nước vừa đem các nguồn lực và giá trị tốt đẹp của TP lan tỏa ra khắp vùng và cả nước.

Cho đến những thập niên đầu thế kỷ XXI này, TP HCM không chỉ có 7-8 triệu dân ngụ cư mà còn hàng triệu người cộng cư sinh sống ở đô thị năng động và phát triển. Không chỉ người của 63 tỉnh - thành Việt Nam có mặt ở đây, nhiều bộ phận dân cư của các quốc gia Đông Nam Á và nhiều quốc gia, châu lục trên thế giới cũng đến đây sinh sống, học tập và làm việc. Sài Gòn - Gia Định hôm qua và TP HCM hôm nay vẫn luôn hội tụ những sĩ phu, văn thân, nhà nho, nhân sĩ, trí thức, học giả, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nông dân, công nhân, lao động, tiểu thương, tiểu chủ, nhà tư sản, nhà buôn, sinh viên, học sinh… tứ xứ tụ về, ba miền hợp lại trên mảnh đất trọng nghĩa, vị tha, giàu lòng yêu nước, tâm huyết và trí tuệ. Lãnh đạo TP qua các thời kỳ đều có những người tâm huyết, máu lửa và vì dân, vì sự phát triển cùng cả nước, vì cả nước. Trong đấu tranh cách mạng cũng như trong hòa bình xây dựng và bảo vệ TP, nhiều cán bộ, Đảng viên, chiến sĩ trung kiên của Đảng bộ TP được tôi luyện trưởng thành và cống hiến, trong đó nhiều người xuất thân từ nhiều miền quê trên cả nước, chung tay góp sức làm nên sức mạnh và truyền thống đoàn kết, thống nhất của TP suốt chiều dài lịch sử cách mạng.

TP Hồ Chí Minh, tháng 4-2019

Sài Gòn từng là nơi tập trung cơ quan đầu não của địch, trung tâm điều hành bộ máy chiến tranh xâm lược, căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Đông Nam Á; nhưng Sài Gòn có Biệt động Thành với những trận đánh "xuất quỷ nhập thần" diễn ra chớp nhoáng, làm kẻ thù kinh hồn bạt vía, niềm kiêu hãnh của cả dân tộc anh hùng chống đế quốc toàn cầu. Ngày nay, TP HCM mở tứ phía những đại lộ, hầm vượt sông Sài Gòn, cầu Sài Gòn mới, cầu Phú Mỹ, cầu vượt khắp các tuyến đường huyết mạch, tạo thuận lợi cho TP phát triển mạnh mẽ, năng động; các cao ốc, trung tâm thương mại, chung cư cao cấp liên tiếp mọc lên để chuyển thành đô thị hiện đại, văn minh; các công viên, đường kênh, tượng đài, phố đi bộ mỗi ngày một nhiều theo nhu cầu đời sống nhân văn…

Suy cho cùng, cái danh "Hòn ngọc Viễn Đông" và cái thực TP "Đi trước về sau", TP Thành đồng, TP Năng động, TP Nghĩa tình đã quyện vào nhau trong mối quan hệ bản chất của văn hóa - lịch sử TP Anh hùng: Sài Gòn - TP HCM.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo