xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

MIỀN NAM TRONG TRÁI TIM NGƯỜI (*): Quyết thực hiện lời hứa với Bác

TS TRẦN THỊ MẠO (nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh TP HCM)

Ngày 10-3-1968, Bác Hồ viết thư gửi Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn về việc Bác vạch kế hoạch vào thăm đồng bào miền Nam. Cuối thư, Bác nhắn nhủ: Mong chờ chú trả lời"...

Đang ở miền Nam lãnh đạo phong trào cách mạng vào những ngày tháng cam go, đọc thư của Bác, đồng chí Lê Duẩn rất xúc động và hiểu nỗi hằng mong vào Nam của Bác nhưng không thể tuân theo ý Bác được. Sức khỏe của Bác mỗi ngày một yếu, biết là khó lòng để Bộ Chính trị đồng ý cho Bác vào Nam.

Niềm tin tất thắng

Thủ tướng Phạm Văn Đồng hồi ức về việc này trong cuốn "Một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp": "Mấy tháng trước khi qua đời, có lúc Bác đã mệt nhiều, tuy vậy Bác vẫn thiết tha bàn với chúng tôi điều mong muốn mãnh liệt của Bác là đi miền Nam. Lần này tôi trình bày với Bác, sức khỏe của Bác không thể cho phép thực hiện điều ấy và chúng tôi nói thêm rằng cuộc chiến tranh đang diễn biến thuận lợi cho ta, không bao lâu nữa chúng ta sẽ giải phóng miền Nam, lúc đó Bác sẽ vào thăm đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Nhưng ai có thể biết được Bác trả lời chúng tôi thế nào? Bác bảo: "Lúc đó đi miền Nam thì còn phải nói làm gì. Chính vì bây giờ lúc đồng bào và chiến sĩ miền Nam đang chiến đấu hy sinh thì đi miền Nam mới có ý nghĩa".

MIỀN NAM TRONG TRÁI TIM NGƯỜI (*): Quyết thực hiện lời hứa với Bác - Ảnh 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc ngày 28-2-1969. (Ảnh tư liệu TTXVN)

Để đủ sức khỏe đi vào Nam, hằng ngày, Bác tập đi bộ quanh vườn Phủ Chủ tịch nhiều vòng, tập ở nơi đường rộng bằng phẳng rồi tập leo núi cao. Một lần, Bác bảo ông Vũ Kỳ (thư ký riêng của Bác): "Bây giờ vào Nam có ba đường. Một là con đường công khai đi Campuchia, đường này mạo hiểm chưa cần… Thứ hai là đường đi bộ qua Trường Sơn, tuy mình có rèn luyện rồi nhưng cũng không ổn. Thứ ba là đường biển… Chuẩn bị đi đường biển, chú cải trang đi, đi theo Bác".

Từ giữa năm 1968 trở đi, sức khỏe yếu hẳn, Bác không nói nhiều đến việc đi vào Nam nữa mà tranh thủ gặp anh chị em trong Nam ra. Mỗi lần gặp, Bác thấy vui, khỏe hơn và cố gắng để cho đồng bào, đồng chí miền Nam không thấy Bác đang yếu, mệt.

Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, ngày 3-11-1968, Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi cả nước tiến lên đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Nhân dịp đầu năm 1969, Bác có thư chúc mừng năm mới đến đồng bào, chiến sĩ cả nước và các nước anh em, bè bạn trên thế giới đã hết lòng ủng hộ giúp đỡ cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Bài thơ chúc mừng năm mới 1969 rất phấn chấn: "Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên chiến sĩ đồng bào/ Bắc Nam sum họp Xuân nào vui hơn".

"Ở miền Nam, tôi là Bác Hồ"

Quân - dân miền Nam và đồng bào cả nước vô cùng phấn khởi, được khích lệ và cổ vũ bởi những vần thơ như lời hiệu triệu trước giờ xung trận. Trong những ngày đầu Xuân, Bác dành nhiều thời gian tiếp các đoàn từ miền Nam ra. Ngày 28-2-1969, Bác tiếp Đoàn Đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam do bác sĩ Phùng Văn Cung làm trưởng đoàn.

Tại buổi tiếp, Người nói: "Bây giờ, tôi hoan nghênh đoàn đại biểu miền Nam ruột thịt mà nói mấy trăm câu, mấy nghìn câu, mấy vạn câu cũng không thể nói hết được ý, tôi xin phép nói một câu: Bao giờ Nam Bắc một nhà/ Việt Nam đại thắng chúng ta vui mừng".

Ngày 14-6-1969, tại hội trường Ba Đình, Bác cùng Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng và các đồng chí lãnh đạo dự cuộc mít tinh chào mừng sự ra đời của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Cùng ngày, Bác trả lời phỏng vấn Báo Granma (Cu Ba); khi được hỏi về tình cảm của Người đối với miền Nam, Người đáp: "… Tôi chưa làm tròn nhiệm vụ cách mạng đối với đồng bào miền Nam. Mặc dù vậy, tôi biết rằng đồng bào miền Nam vẫn yêu quý tôi cũng như tôi cũng luôn yêu quý đồng bào. Ở miền Nam, tôi không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh mà là Bác Hồ".

Ngày 5-8-1969, Bác đi cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm ông bà Trịnh Đình Thảo và đoàn cán bộ Liên minh Các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình ở miền Nam ra thăm miền Bắc. Trong buổi thăm, Người hỏi luật sư: "Con đường Hồ Chí Minh trong trang trại của luật sư còn không?". Luật sư sửng sốt và xúc động, không ngờ Người biết việc này. Luật sư đặt bàn tay lên trái tim mình: "Thưa với Bác, mãi mãi vẫn còn".

Biến đau thương thành hành động

Chiều 12-8-1969, Bác đến thăm phái đoàn ta từ Hội nghị Paris về. Trên đường về, Bác bị cảm lạnh, viêm phổi, sốt cao. Từ hôm đó, sức khỏe của Người yếu hẳn.

Ngày 18-8-1969, theo đề nghị của bác sĩ, Người không làm việc ở nhà sàn nữa mà chuyển xuống Nhà 67. Trên bàn làm việc, người đặt chiếc máy thu thanh - chiến lợi phẩm của một đơn vị giải phóng miền Nam gửi ra biếu Bác - và treo tấm bản đồ theo dõi tình hình chiến sự ở miền Nam.

Bệnh tình của Bác ngày càng nặng. Các đồng chí trong Bộ Chính trị vào thăm Bác mỗi ngày, Bác đều hỏi: "Hôm nay miền Nam thắng ở đâu?", đồng thời yêu cầu thông báo tin chiến thắng mới nhất ở các chiến trường từ Bình Trị Thiên đến miền Tây Nam Bộ. Ngày 29-8-1969 là lần cuối cùng Bác nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo về tình hình miền Nam.

Tối 1-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh bảo với 2 đồng chí Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp cố gắng làm sao để Bác ra gặp đồng bào chừng 5 phút nhân ngày Quốc khánh. Đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo với Bác là buổi lễ đã được tổ chức tối qua rồi. Người lặng đi, thế là hy vọng gặp đồng bào lần chót đã không thành! Một ngày sau, Bác từ biệt chúng ta!

Như vậy là nguyện vọng, là mong ước lớn lao nhất đời Bác cũng là điều ân hận lớn nhất của Bác trước khi từ giã cõi đời là đất nước chưa được thống nhất, đồng bào Nam Bắc chưa sum họp một nhà và Người chưa trở lại được miền Nam. Đó cũng là nỗi buồn day dứt lớn lao nhất của đồng bào, chiến sĩ miền Nam hơn 60 năm trời vẫn mong ngóng Bác, chờ ngày đón Bác vào thăm mà không thực hiện được.

Biến đau thương thành hành động cách mạng, đồng bào và chiến sĩ miền Nam quyết tâm thực hiện lời hứa với Bác là đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong thời gian sớm nhất, kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30-4-1975. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 11 - 5

Kỳ tới: Học Bác qua công việc mỗi ngày

Bác luôn vững chí, lạc quan

Ngày 20-5-1968, Hồ Chủ tịch dự lễ khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa III. Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Quốc hội chúc thọ Người. Bác nói: "Lần trước tôi có nói là những thắng lợi của chiến sĩ và đồng bào hai miền làm cho tôi thấy như mình trẻ lại 20 tuổi. Nhưng nay nghe nói 78 tuổi thì tôi thấy già đi. Vì vậy tôi có bài thơ: Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm/ Vẫn vững hai vai việc nước nhà/ Kháng chiến dân ta đang thắng lớn/ Tiến bước ta cùng con em ta".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo