xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Một hành trình tìm đồng đội khó quên

TIỂU LINH

Từ những hành trình, tôi được chứng kiến rất nhiều cuộc đoàn tụ vô cùng cảm động, để từ đó hiểu hơn về giá trị của hòa bình hôm nay

Tháng 1-2015, số đầu tiên của chương trình "Đi tìm đồng đội" ra mắt trên kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam. Mục đích của chương trình là hỗ trợ các thân nhân tìm kiếm và đưa liệt sĩ đoàn tụ với gia đình. Tôi may mắn được làm việc trong những ngày đầu của chương trình ý nghĩa này.

Quy tập về nghĩa trang nhưng chưa tìm được người thân

Sau khi "Đi tìm đồng đội" lên sóng, hồ sơ liệt sĩ gửi về chương trình rất nhiều. Đường dây nóng của chương trình cũng nhận được rất nhiều cuộc gọi của các cựu chiến binh (CCB) cung cấp thông tin về nơi hy sinh của đồng đội. Các bác mong muốn chương trình có thể hỗ trợ tìm kiếm và đưa liệt sĩ về với gia đình.

Trong số những cuộc gọi của các CCB, tôi nhớ mãi cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Khánh - nguyên cán bộ hậu cần Tiểu đoàn 24, Sư đoàn 325. Sau chiến tranh, ông Khánh vào TP HCM lập nghiệp nhưng trong lòng luôn canh cánh về đồng đội mình - liệt sĩ Nguyễn Văn Thơi, hy sinh ngày 29-12-1974 tại Quảng Trị.

Một hành trình tìm đồng đội khó quên - Ảnh 1.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Khánh

Theo CCB Nguyễn Văn Khánh, cuối năm 1974, Tiểu đoàn 24 vượt sông Hiếu (đoạn qua xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ) thì đồng đội Nguyễn Văn Thơi bị đuối nước và hy sinh. Thi hài liệt sĩ Thơi được an táng ở một bãi đất gần sông với sự chứng kiến của nhiều người dân địa phương.

Sau cuộc chiến, cuộc sống của người lính còn nhiều khó khăn nên ông Khánh tập trung lo cho sinh kế gia đình. Sau khi nghỉ hưu vào năm 2010, ông cùng những người lính năm nào quyết tâm trở lại thăm chiến trường xưa Quảng Trị. Khi gặp lại các nhân chứng từng tham gia an táng liệt sĩ Nguyễn Văn Thơi, ông bất ngờ khi biết đồng đội đã được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS) xã Cam Hiếu nhưng vẫn chưa tìm được người thân.

CCB Nguyễn Văn Khánh kể lại: "Theo lời các nhân chứng tham gia cất bốc liệt sĩ, tôi tìm đến NTLS xã Cam Hiếu, trên bia mộ chỉ có dòng chữ Nguyễn Thới, ngoài ra không có thông tin gì thêm. Tôi nói với bác quản trang rằng đồng đội mình quê ở Thanh Hóa và tên là Nguyễn Văn Thơi chứ không phải Nguyễn Thới. Tôi mong muốn chương trình hỗ trợ tìm kiếm người thân cho anh Thơi để anh sớm được đoàn tụ với gia đình".

Tôi liên hệ ông Nguyễn Văn Tuấn - Trưởng Ban Chính sách, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa - đề nghị cung cấp hồ sơ quân nhân Nguyễn Văn Thơi. Ngay sau đó, ông Tuấn chuyển cho tôi trích lục của liệt sĩ. Theo hồ sơ, liệt sĩ Nguyễn Văn Thơi sinh năm 1951 ở thôn Phú Ngọc, xã Lộc Tân, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa; hy sinh ngày 29-12-1974 do đuối nước. Đối chiếu thông tin từ hồ sơ quân nhân và nguồn tin CCB Nguyễn Văn Khánh cung cấp cho thấy các dữ liệu hoàn toàn trùng khớp.

Ký ức không phai của người lính

Ngay lập tức, tôi về huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa và tìm đến gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Thơi. Lúc này, tôi mới biết bố mẹ và 2 người anh của liệt sĩ đều đã mất, chỉ còn em gái út là Nguyễn Thị Hoa đang sinh sống tại địa phương, hoàn cảnh rất khó khăn.

Khi nghe nói về phần mộ liệt sĩ Thơi ở NTLS xã Cam Hiếu, bà Nguyễn Thị Hoa vô cùng bất ngờ bởi gia đình đã từng nhận một phần mộ ở NTLS xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Để chứng minh, bà Hoa cho tôi xem bức ảnh chụp phần mộ ở NTLS xã Hải Phú, trên bia mộ có đầy đủ thông tin: "Liệt sĩ Nguyễn Văn Thơi, Tiểu đoàn 24, Sư đoàn 325, quê quán: Lộc Tài, Hậu Lộc, Thanh Hóa".

Một hành trình tìm đồng đội khó quên - Ảnh 2.

Bà Vũ Thị Hải, vợ cựu chiến binh Nguyễn Văn Khánh (bìa phải) và bà Nguyễn Thị Lan, em gái ông Khánh, bên mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Thơi (bia mộ ghi là Nguyễn Thới)

"Phần mộ này chúng tôi nhận từ năm 1999, vì huyện Hậu Lộc không có xã Lộc Tài nên gia đình tôi tin tưởng đó là mộ anh Thơi. Vì điều kiện khó khăn nên đến nay, tôi vẫn chưa thể thu xếp đưa hài cốt anh trở về quê nhà. Giờ nghe tin mộ anh ở nơi khác, tôi rất lo lắng" - bà Hoa bày tỏ.

Nhận tin từ bà Nguyễn Thị Hoa, tôi liên hệ CCB Nguyễn Văn Khánh. Nghe điều này, ông rất buồn. Chiến tranh đã qua gần nửa thế kỷ nhưng hậu quả để lại hết sức nặng nề. Hơn nửa thế kỷ trăn trở tìm người thân cho đồng đội, kết quả lại là sự nhầm lẫn này.

Ông Khánh khẳng định phần mộ ở NTLS xã Hải Phú không phải của đồng đội mình bởi nhiều nhân chứng cùng vượt sông Hiếu ngày 29-12-1974 đến nay còn sống và nhớ rất rõ. Ông băn khoăn: "Một gia đình nhận nhầm liệt sĩ sẽ có 2 gia đình mất người thân. Nỗi đau ấy chỉ thân nhân liệt sĩ mới hiểu được".

Nhờ sự kết nối của ông Nguyễn Văn Khánh, tôi tìm đến các CCB cùng vượt sông Hiếu với liệt sĩ Thơi năm xưa. Tất cả đều khẳng định phần mộ ở NTLS xã Hải Phú chắc chắn có sự nhầm lẫn bởi liệt sĩ Thơi hy sinh ở xã Cam Hiếu thì khi quy tập chỉ đưa về an táng ở NTLS trên địa bàn huyện Cam Lộ, rất hiếm có chuyện đưa sang địa bàn huyện khác.

Qua đời trước khi hoàn thành tâm nguyện

Để có căn cứ xác nhận phần mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Thơi, tôi liên hệ Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho phép lấy mẫu sinh phẩm của cả 2 ngôi mộ để giám định ADN theo Đề án 150 (sau này là Đề án 515) của Thủ tướng Chính phủ. Mẫu phẩm đối chứng là của bà Nguyễn Thị Hoa.

Cuối năm 2016, kết quả giám định ADN cho thấy mẫu phẩm được lấy từ phần mộ liệt sĩ ở NTLS xã Cam Hiếu có quan hệ ruột thịt với bà Nguyễn Thị Hoa. Tôi gọi điện cho CCB Nguyễn Văn Khánh thông báo, ông bật khóc. Vậy là sau gần nửa thế kỷ trăn trở, cuối cùng ông cũng tìm được người thân cho đồng đội mình.

Một hành trình tìm đồng đội khó quên - Ảnh 3.

Tác giả (bên trái) và bà Nguyễn Thị Lan (em gái cựu chiến binh Nguyễn Văn Khánh). Ảnh: TIỂU LINH - TƯ LIỆU GIA ĐÌNH

Hôm đó, chúng tôi đã có những chia sẻ rất nhiều về chiến tranh, về sự hy sinh và khát khao tìm đồng đội của những người lính may mắn được trở về sau cuộc chiến. Ngoài ra, tôi cũng lên kế hoạch để đưa liệt sĩ Nguyễn Văn Thơi về đoàn tụ với gia đình trong dịp Tết Nguyên đán 2017.

CCB Nguyễn Văn Khánh rất vui, ông thu xếp việc gia đình để ra Bắc chuẩn bị cùng tôi đi đón đồng đội. Tiếc thay, khi vừa ra đến Hà Nội thì ông đổ bệnh và ra đi. Di nguyện lớn nhất của ông trước khi đi xa là cùng những đồng đội năm xưa vào Quảng Trị đón liệt sĩ Nguyễn Văn Thơi trở về quê nhà.

Tháng 4-2017, chương trình "Đi tìm đồng đội" đã hỗ trợ gia đình bà Nguyễn Thị Hoa vào Quảng Trị đón liệt sĩ Nguyễn Văn Thơi. Trong hành trình ấy có các đồng đội năm xưa ở Tiểu đoàn 24, Sư đoàn 325. Ngoài ra, còn có sự đồng hành của vợ, em gái và cháu ruột CCB Nguyễn Văn Khánh.

Để thực hiện di nguyện của chồng, bà Vũ Thị Hải đã ôm theo di ảnh CCB Nguyễn Văn Khánh vào Quảng Trị. Khi có mặt ở NTLS xã Cam Hiếu, bà đã bật khóc và hiểu hơn về hành trình thầm lặng của chồng trong những năm qua. Với bà Nguyễn Thị Lan, em gái CCB Nguyễn Văn Khánh, đây là một chuyến đi ý nghĩa vì có thể thực hiện di nguyện của anh mình, để ông ra đi thanh thản.

Bây giờ, tôi đã chuyển đơn vị công tác nhưng vẫn không quên những hành trình đi tìm đồng đội trên mọi miền Tổ quốc. Ở mỗi hành trình, tôi được chứng kiến rất nhiều cuộc đoàn tụ vô cùng cảm động, để từ đó hiểu hơn về giá trị của hòa bình hôm nay. 

Mong trả lại đúng tên cho liệt sĩ

Với những người làm công tác tìm kiếm và kết nối liệt sĩ như chúng tôi, hồ sơ quy tập là căn cứ khoa học để xác minh tính chính xác của một hài cốt liệt sĩ. Với trường hợp liệt sĩ Nguyễn Văn Thơi, tôi không chỉ xác minh qua đồng đội mà còn tìm kiếm những người từng tham gia cất bốc hài cốt liệt sĩ ở bên ngoài nghĩa trang trước khi đưa vào NTLS xã Cam Hiếu. Ngoài ra, tôi còn liên hệ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cam Lộ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị để tìm kiếm hồ sơ quy tập.

Mong muốn của tôi là không chỉ xác minh về phần mộ liệt sĩ Thơi ở NTLS xã Cam Hiếu mà còn tìm kiếm thông tin và trả tên cho liệt sĩ có tên là Nguyễn Văn Thơi ở NTLS xã Hải Phú. Tuy nhiên, thời điểm tổ chức cất bốc hài cốt liệt sĩ những năm 1980 - 1990 ở Quảng Trị có nhiều biến động nên biên bản bàn giao hồ sơ quy tập không còn lưu giữ.

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ, ĐỒNG HÀNH

Một hành trình tìm đồng đội khó quên - Ảnh 5.
Một hành trình tìm đồng đội khó quên - Ảnh 6.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo