xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nắn dòng Vu Gia để đủ nước cho Đà Nẵng

VĨNH QUYÊN

Một đập ngăn mặn dự kiến được đắp bằng bao cát trên đỉnh đập Quảng Huế nhưng không đắp quá cao trình cũ nhằm tránh tình trạng thiếu nước cho hạ lưu

Ngày 20-11, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết UBND TP vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam cho đắp tạm đập trên đỉnh đập Quảng Huế để giảm lượng nước chảy về sông Quảng Huế, tăng lượng nước về sông Vu Gia nhằm giải quyết tình trạng nhiễm mặn, thiếu nước tại hạ du sông Vu Gia, nhất là tại Nhà máy Nước Cầu Đỏ (TP Đà Nẵng) đang xảy ra rất gay gắt.

Mực nước thấp bất thường

Sáng cùng ngày, phóng viên khảo sát dọc sông Quảng Huế, đoạn qua 2 xã Đại An và Đại Cường (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Đang mùa mưa nhưng mực nước sông đoạn chảy qua cầu Quảng Huế chỉ trên dưới 1 m.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, cán bộ HTX Đại An, xác nhận hiện có 30% diện tích (khoảng 12 ha) rau ở đây đang thiếu nước tưới do nước sông xuống thấp bất thường. Năm ngoái, mực nước tại khu vực này luôn trên 3-4 m. Mỗi năm, khu vực này chỉ có các tháng 6, 7 và 8 là thiếu nước. Nay, tình trạng thiếu nước kéo dài thêm 3 tháng khiến người dân càng lo lắng.

Nắn dòng Vu Gia để đủ nước cho Đà Nẵng - Ảnh 1.

Đoàn công tác của Cục Quản lý tài nguyên nước kiểm tra thực tế tại Nhà máy Nước Cầu Đỏ, (TP Đà Nẵng), ngày 15-11 Ảnh: Bích Vân

Một cán bộ nông nghiệp của huyện Đại Lộc cho biết cách đây 4-5 năm, đỉnh đập Quảng Huế từng được đắp đập ngăn nhưng sau đó đã xuống cấp và bị cuốn trôi sau khi hạ lưu được xây dựng kè chống sạt lở.

Tại đỉnh đập Quảng Huế (xã Đại An), nơi nhìn ra ngã ba sông Vu Gia - Quảng Huế, mực nước sông đang ở mức dưới 50 cm. Bà Nguyễn Thị Phúc, ngụ xã Đại An, cho biết sông cạn nên có thể lội bộ qua đập để về bờ bên kia. Nhiều bãi bồi cạnh đó cũng nứt chân chim. Mọi năm, vào tháng này là nước từ nguồn chảy về cuồn cuộn.

Cần đập ngăn mặn

Ngày 15-11, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã làm việc với Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (DAWACO), đại diện các hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia và Thu Bồn (tỉnh Quảng Nam) cùng các đơn vị liên quan về tình trạng thiếu nước sạch tại Đà Nẵng.

Ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, cho rằng các chủ hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia và Thu Bồn, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi tỉnh Quảng Nam và DAWACO cần phối hợp chặt chẽ, thông tin kịp thời để bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.

Về nguyên nhân thiếu nước tại Đà Nẵng thời gian qua, ông Huỳnh Vạn Thắng, chuyên gia quản lý tài nguyên nước và lưu vực sông Vu Gia và Thu Bồn, nhận định nguyên nhân không phải do thiếu nước từ thượng nguồn chảy về đập dâng An Trạch. Theo ông Thắng, nguồn nước tại đập dâng An Trạch vẫn dư, số liệu quan trắc mực nước tại đây (do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng cung cấp) luôn trên 1,6 m và có mở 1 cửa van cho nước về nhằm đẩy mặn. Khi đóng cửa van, mực nước tại An Trạch luôn trên 1,8 m.

Theo ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc DAWACO, khi nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn trên 1.000 mg/l, việc cung cấp nguồn nước thô cho 2 nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân Bay phụ thuộc vào trạm bơm phòng mặn tại An Trạch. Tuy nhiên, tuyến ống chuyển tải nước từ trạm bơm phòng mặn An Trạch được xây dựng từ năm 2007 và chuyển tải với công suất khoảng 210.000 m3/ngày đêm, trong khi công suất sản xuất nước và nhu cầu sử dụng nước của người dân lên đến khoảng 280.000 m3/ngày đêm, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nước sạch.

Ông Hương xác nhận hiện lượng nước sạch được sản xuất tại nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân Bay là khoảng 310.000 m3/ngày đêm, trong khi nhu cầu sinh hoạt của toàn TP Đà Nẵng là khoảng 260.000 m3.

Còn theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng, để bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho TP trong thời gian tới, đơn vị sẽ tham mưu cho TP có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ thủy điện trên lưu vực Vu Gia và Thu Bồn theo hướng vận hành xả nước (phát điện) luân phiên giữa các hồ thủy điện, bảo đảm dòng chảy liên tục trên sông Vu Gia. Trước mắt, cho phép đắp đập tạm bằng bao cát tại cửa sông Quảng Huế để ngăn nước sông Vu Gia chảy về sông Thu Bồn.

Ông Hồ Hương khẳng định nếu được các bên đồng ý về việc đắp tạm đập ngăn mặn tại đỉnh đập Quảng Huế, mực nước chảy về khu vực Cầu Đỏ sẽ tăng khoảng hơn 50 cm. "Chúng tôi muốn khôi phục đập cũ đã hư hỏng nhưng không đắp cao quá so cao trình cũ nhằm tránh tình trạng thiếu nước cho khu vực hạ lưu sông Quảng Huế" - ông Hương thông tin. 

Nâng cao trình đỉnh đập Quảng Huế

Cùng với việc đề nghị cho đắp tạm đập bằng bao cát trên đỉnh đập Quảng Huế, TP Đà Nẵng cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan chuyên môn của tỉnh này phối hợp các sở, ngành, cơ quan chuyên môn của TP Đà Nẵng nghiên cứu đánh giá toàn diện tại khu vực sông Quảng Huế và các công trình chỉnh trị đã xây dựng. Trên cơ sở đó, hai địa phương sẽ xây dựng giải pháp điều tiết, nâng cao trình đỉnh đập sông Quảng Huế góp phần nâng cao lượng nước về hạ du sông Vu Gia. Các giải pháp trên sẽ khôi phục lại trạng thái tự nhiên, phục vụ việc đẩy mặn, cấp nước cho sinh hoạt, nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng.

B.Vân

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo