xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

NHÂN VIÊN Y TẾ "DỨT ÁO" BỆNH VIỆN CÔNG (*): Kiệt quệ sau covid-19

HUY THANH - NGUYỄN THUẬN - NGỌC DUNG

Dịch Covid-19 ập tới khiến thu nhập đã thấp lại bị cắt giảm trong khi việc "ngập đầu" đã khiến hàng ngàn nhân viên y tế khu vực công suy sụp, bỏ nghề hoặc chuyển qua bệnh viện tư

Từng công tác tại một trạm y tế phường trên địa bàn Hà Nội, chị Nguyễn Thị Mai (tên nhân vật đã được thay đổi) cho biết vì khối lượng công việc quá lớn nhưng thu nhập không đủ sống nên chị viết đơn xin nghỉ việc hồi đầu năm 2022.

Làm vì đam mê (!?)

Nhớ lại thời điểm dịch Covid-19 bùng phát ở Hà Nội, chị Mai cho biết mỗi ngày chị và đồng nghiệp phải làm quần quật từ sáng sớm đến tối muộn, áp lực chồng chất nhưng chỉ được cộng thêm khoảng 500.000 đồng/tháng tiền trách nhiệm.

"Công việc quá tải, sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng đồng lương chỉ xấp xỉ 5 triệu đồng/tháng, cuộc sống tôi rất khó khăn. Tôi trăn trở và phải xin nghỉ để làm việc khác ổn định hơn" - chị Mai nói.

Cũng vừa mới nghỉ việc, anh Nguyễn Văn Đinh (tên nhân vật đã được thay đổi) từng công tác tại trung tâm y tế một quận ở Hà Nội, tâm sự: "Tôi có vợ và 2 con nhỏ trong khi thu nhập nói ra không ai tin, chỉ khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Tôi vẫn hay nói vui với đồng nghiệp mình đi làm vì đam mê".

NHÂN VIÊN Y TẾ DỨT ÁO BỆNH VIỆN CÔNG (*): Kiệt quệ sau covid-19 - Ảnh 1.

Nhân viên y tế làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 tại một bệnh viện dã chiến. Ảnh: NGUYỄN THUẬN

Ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế): “Trong đại dịch Covid-19, nhân viên y tế phải gánh vác các công việc nặng nề, vất vả nhưng phụ cấp chậm được nhận. Điều đó khiến họ thấy không còn động lực để tiếp tục làm việc, cống hiến”.

Là đàn ông, áp lực kinh tế mọi thứ đổ dồn lên vai trong khi mức thu nhập không đủ trang trải, anh Đinh quyết định chuyển hướng. "Đợt vừa rồi dịch căng thẳng, nhân viên y tế dường như không có thời gian nghỉ ngơi. Sau nhiều ngày trăn trở, tôi quyết định xin nghỉ việc ở trung tâm y tế để sang làm cho một trung tâm chăm sóc sức khỏe tư nhân với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng và được lo ăn uống" - anh Đinh kể.

Trưởng phòng y tế một quận ở Hà Nội cho biết sau đợt dịch Covid-19, tâm lý nhiều nhân viên y tế tuyến cơ sở thực sự bất an, buồn vì trải qua giai đoạn rất áp lực nhưng đồng lương lại quá thấp. Có đến 40%-50% nhân viên y tế tuyến cơ sở bị stress, bản thân ông cũng bị ảnh hưởng tâm lý. "Có lúc tôi về nhà đóng cửa một mình một phòng, rơi vào trạng thái như trên mây. Nhân viên y tế làm việc quá sức, bỏ hết việc gia đình, bị Covid-19 vẫn phải làm việc trắng đêm" - vị này chia sẻ.

Theo vị trưởng phòng y tế, mức lương trung bình nhân viên y tế tuyến cơ sở khoảng 6-8 triệu đồng/tháng, đó là có thêm chế độ phụ cấp trong phòng chống dịch. "Như bản thân tôi công tác 25 năm trong ngành hết khung bậc, lương được khoảng 10 triệu đồng/tháng. Mức lương như vậy chưa tương xứng với chức trách, nhiệm vụ của cán bộ y tế" - vị này nhận định.

Rất tiếc nhưng đành từ bỏ

Chị Thúy, 26 tuổi, kỹ thuật viên của một bệnh viện ở TP Thủ Đức (TP HCM), cho biết trước khi có dịch Covid-19, chị phải trực đêm liên tục và mỗi tháng chị nhận từ 4-6 triệu đồng tiền lương cùng vài trăm ngàn đồng tiền phụ cấp độc hại. Khi dịch Covid-19 bùng phát, khối lượng công việc tăng gấp đôi, mỗi ngày làm 12 giờ, chị sụt 5 kg nhưng thu nhập lại giảm 30%-40%. "Tôi không thể quên những ngày tháng chống dịch phải trực liên tục để tiêm thuốc cho bệnh nhân, có lúc bị say thuốc tôi ngất xỉu trên tay đồng nghiệp" - chị Thúy nhớ lại.

Chống dịch vất vả là thế nhưng chị Thúy cho biết mình không ngại công việc khó, áp lực. Đến khi nhìn lại thực tế, lương không bằng nhân viên văn phòng hay công nhân, không đủ để nuôi bản thân, vậy làm sao có thể nghĩ đến chuyện lập gia đình. Sau nhiều tháng đắn đo, một ngày giữa tháng 3-2022, chị Thúy quyết định bỏ nghề dù rất day dứt vì được làm việc trong ngành y là mơ ước từ bé. "Khi chuyển sang nghề khác, lần đầu tiên sau khi ra trường đi làm, tôi mới biết thế nào là được nghỉ chủ nhật, lễ, Tết" - chị Thúy tâm sự.

Anh Hoàng, 32 tuổi, là điều dưỡng tại bệnh viện hạng một ở quận 5 (TP HCM). Trước dịch, tổng thu nhập của anh khoảng 10 triệu đồng. Khi dịch Covid-19 bùng phát, anh làm việc mỗi ngày 12 giờ và bị cắt giảm 30% thu nhập. Với số tiền này, anh không đủ lo cho mẹ già, vợ và 2 con. Sau nhiều đêm trăn trở, căn nhắc, anh quyết định nộp đơn xin nghỉ nơi mình đã 10 năm gắn bó. Hiện anh Hoàng đã tìm được việc ở một bệnh viện khác với mức lương 10 triệu đồng/tháng. "Sau khi nghỉ việc, tôi buồn rất nhiều, tự trách mình bỏ dễ dàng thế. Nhưng tôi không còn cách nào khác ở giai đoạn đó. Con tôi cần sữa" - anh Hoàng tâm sự.

Không chỉ riêng anh Hoàng, cảm giác tiếc nuối khi phải từ bỏ nơi mình gắn bó hàng chục năm cũng canh cánh trong lòng chị Hoa, 40 tuổi, nhân viên một trạm y tế ở TP HCM. Với 16 năm làm nghề, lương của chị được 6,5 triệu đồng/tháng đã bao gồm phụ cấp. Khi dịch Covid-19 bùng phát, chị phải gửi 2 con về quê với ông bà vì gần như túc trực liên tục tại trạm. Với khoản tiền lương khiêm tốn, chị Hoa phải "thắt lưng buộc bụng", thậm chí mỗi năm, con chị chỉ được sắm 2 bộ quần áo mới. Thương con, chị Hoa nghỉ việc và chuyển sang làm tại một phòng khám tư, chỉ làm giờ hành chính, thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng. 

Chống dịch rồi rời đi

Hơn 20 năm gắn bó với nghề y nhưng tháng 5 vừa qua, ông N.T.T, công tác tại một trạm y tế xin nghỉ việc vì lương thấp không đủ trang trải cuộc sống, nhất là sau đại dịch Covid-19 công việc luôn quá tải.

"Hai vợ chồng tôi đều làm trong nghề nên với mức lương gần 6 triệu đồng/người/ tháng không đủ để chi trả tiền sinh hoạt phí, học tập cho con. Vợ chồng tôi tự động viên nhau cố gắng làm để dịch lắng xuống rồi nghỉ. Vì thời điểm căng thẳng dịch bệnh nếu nghỉ thì đồng nghiệp ở trạm càng áp lực công việc hơn" - ông T. nói.

BS N. công tác tại một bệnh viện lớn trên địa bàn TP Thủ Đức chuyển sang lĩnh vực khác vì thấy công việc của ngành y quá nhiều rủi ro nhưng thu nhập không tương xứng. "Lúc dịch bùng phát, với trách nhiệm của người nhân viên y tế, bản thân tôi và đồng nghiệp phải hết mình vì sự bình an của cộng đồng. Khi dịch đã được kiểm soát, tôi quyết định tìm cho mình đường đi khác" - BS N. nói.

H.Yến - N.Thạnh

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 1-8

Kỳ tới: Nhiều hệ lụy khó lường

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo