xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhiều bất an về đường sắt

NGỌC HÂN - GIA MINH

Ngoài nguyên nhân chủ quan do con người thì hệ thống tín hiệu, thiết bị chạy tàu của ngành đường sắt chưa đủ năng lực và thiếu đồng bộ

UBND TP HCM vừa kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải quan tâm, sớm thực hiện đầu tư phát triển các tuyến đường sắt quốc gia liên quan đến địa bàn TP HCM. Theo UBND TP, nguồn vốn để thực hiện quy hoạch đường sắt quốc gia là rất lớn trong khi ngân sách còn hạn hẹp, dẫn đến kéo dài thời gian tổ chức thực hiện quy hoạch. Đây cũng là lĩnh vực chưa có sức hấp dẫn kêu gọi xã hội hóa do còn nhiều bất cập.

Vô tư lấn chiếm đường ngang

Tại TP HCM có 26 đoạn đường ngang, trong đó 21 vị trí có gác chắn, còn lại được thiết kế cảnh báo tự động. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế tại những đường ngang này, việc lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn đường sắt hiện xảy ra phổ biến.

Điển hình như đoạn đường ngang qua ngã tư Bình Triệu (quận Thủ Đức), khi có báo hiệu tàu đến, các nhân viên đường sắt đã tiến hành kéo cần chắn nhưng nhiều người chạy xe máy vẫn liều mạng chui qua khi cần gác chưa ngăn kín. Đoàn tàu vừa chạy khỏi và đèn tín hiệu giao thông còn hiển thị màu đỏ, hàng chục phương tiện đã ùa lên, chen nhau di chuyển. Tương tự, tại đường ngang Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận), nhiều thời điểm tàu chạy, dù có chuông và đèn cảnh báo tàu nhưng rất nhiều trường hợp cố tình chạy nhanh nên khi gác chắn đóng, có những xe "lạc loài" ở bên trong, khoảng cách rất gần đoàn tàu đang lao vun vút.

Nhiều bất an về đường sắt - Ảnh 1.

Hai người chạy xe máy lọt vào đường ngang khi gác chắn đã đóng tại đường ngang cắt qua đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận) Ảnh: NGỌC HÂN

Ở những khu vực khác còn có tình trạng nhiều hộ dân sử dụng đất ven đường ray để trồng rau, nuôi gia cầm, rào chắn bị bẻ vênh để tiện chui qua… Có thể kể đến đường ray dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức), đường ngang đoạn qua đường Trương Đăng Quế (quận Gò Vấp) nối dài Thích Quảng Đức (quận Phú Nhuận)… Thậm chí có trường hợp dựng lều để ở, sinh hoạt hai bên đường ray. Trong khi đó, tại đường ngang qua phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức), một số người dân sống gần khu vực đường sắt dựng quán cóc, làm chỗ để các chậu cây cảnh… xâm lấn vào trong hàng rào an toàn. Anh Trương Minh Thành, nhân viên gác chắn tại đây, bức xúc: "Các cơ quan chức năng đã nhiều lần xuống nhắc nhở, tịch thu vật dụng lấn chiếm vào đường ngang nhưng vài ngày sau, đâu lại vào đó".

Nguy cơ tai nạn rình rập

Thống kê của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho thấy toàn tuyến đường sắt quốc gia hiện có 1.517 đường ngang hợp pháp. Tại những đường ngang này, theo quy định phải có thiết bị thông báo tự động cho nhân viên gác chắn biết khi tàu chuẩn bị tới gần. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, ngoài việc nhiều đường ngang có người gác chưa được lắp đặt thiết bị thông báo tự động thì ở một số vị trí, thiết bị này dù có nhưng thường xuyên trục trặc.

Nhiều bất an về đường sắt - Ảnh 2.

Người dân bất chấp, leo rào chắn băng qua đường sắt khi không thấy tàu Ảnh: NGỌC HÂN

Theo cơ chế đóng chắn hiện nay, khi đoàn tàu chuẩn bị chạy qua, trực ban sẽ gọi điện cho nhân viên gác chắn để chủ động bật thiết bị cảnh báo và canh thời gian đóng chắn đường ngang. Trường hợp nếu nhân viên gác chắn không nghe máy, thiết bị cảnh báo sẽ tự động reo nhưng thực tế thiết bị này thường xuyên bị lỗi. Đơn cử như tại đường ngang ở Km 1720+015 (đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh), phóng viên ghi nhận thiết bị thông báo tự động liên tục bị trục trặc kỹ thuật. Dù không có tàu chạy qua nhưng chuông báo hiệu và đèn cảnh báo vẫn liên tục nháy đỏ. Mỗi lần như vậy, nhân viên gác chắn phải đứng giữa đường ngang để ra tín hiệu cho các loại xe lưu thông tiếp. Vấn đề trên cực kỳ nguy hiểm bởi dễ gây tâm lý chủ quan cho người đi đường, trong khi các nhân viên gác chắn cũng rất dễ lơ là, đóng chắn mang tính chất cảm tính.

Để giải quyết, ngành đường sắt đang thực hiện thí điểm thiết bị nhận diện tàu từ xa nhằm cảnh báo cho nhân viên gác chắn. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng vẫn nên thực hiện đồng thời theo cơ chế liên lạc trực tiếp giữa các đơn vị đã được phổ biến kế hoạch chạy tàu, bởi nếu phụ thuộc vào thiết bị báo tàu, trường hợp có sai sót từ thiết bị này, nguy cơ gây tai họa sẽ khôn lường. 

Thiếu trầm trọng nhân viên gác chắn

Một nhân viên gác chắn ở TP HCM cho biết nhiều đồng nghiệp đã nghỉ việc do lương thấp dẫn đến lực lượng này đang thiếu trầm trọng, nhân viên phải liên tục tăng ca. Một nhân viên gác chắn cho biết theo nguyên tắc, mỗi tháng 1 người chỉ làm khoảng 20-21 ca trực (mỗi ca 12 giờ) nhưng hiện nay là 28-30 ca/tháng. Do áp lực thời gian làm việc, sức khỏe khó bảo đảm nên nhiều nhân viên gác chắn thừa nhận rất dễ ngủ quên, không tỉnh táo hoặc lơ là trong việc đóng chắn đường ngang. "Thậm chí, tại một số tổ gác do thiếu người, không đủ sức để tăng ca nên ở những trạm gác khác phải luân phiên người qua trực. Việc này gây ra nhiều bất cập" - một nhân viên gác chắn cho biết.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo