xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhìn xa hơn, từ chiếc loa phường

A.Q

Nhớ lại thời hơn 30 năm trước, khi kinh tế hợp tác xã vận hành, ba tôi từng là "trưởng đài".

Giai đoạn ấy loa truyền thanh rất hữu dụng với người dân. Tôi theo dõi việc ông làm suốt cả chục năm, hiểu rõ điều đó. Càng về sau, khi các phương tiện truyền thông đại chúng khác phát triển, loa công cộng mất dần vai trò; đến lúc mạng xã hội bùng nổ như hiện nay, chiếc loa trở thành hình ảnh của quá vãng, bởi hệ thống chính quyền từ tỉnh xuống huyện đến xã và tận thôn/ ấp/ tổ đều lập các trang/ nhóm trên Facebook, Zalo, Viber để kết nối với người dân, điều hành - trao đổi công việc suôn sẻ, tiện lợi.

Vậy mà lần về quê gần đây nhất khiến tôi bất ngờ.

Tôi ở TP HCM đã từ lâu không nghe tiếng loa phường, sáng nọ đang ngon giấc ở quê bỗng giật mình tỉnh dậy vì tiếng loa xã ra rả, rè rè, rẹt rẹt. Thử gióng tai nghe thì thấy nội dung không mấy bổ ích, kể cả phần "tiếp sóng" cấp cao hơn là đài huyện. Chịu khó nghe cả tuần thì thấy hầu hết là thông tin người dân đã biết và... phát ca nhạc. Đem chuyện hỏi người dân địa phương, họ phàn nàn loa phát ngày 2 "cữ", nhức cái đầu lắm! Nhiều khi ông trực ban ngủ quên hoặc loa bị rè, để âm thanh khò khò suốt, người dân phải phóng xe lên trụ sở ủy ban đánh thức để tắt!

Mệt mỏi như vậy nên rất dễ hiểu thái độ của người dân Hà Nội trước thông tin "phục hồi loa phường" mới đây. Từng gây xôn xao hồi năm 2018 khi tuyên bố "khai tử" loa phường, nay, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 200/KH-UBND về việc thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn thành phố, khiến người dân lại lo sẽ bị loa phường "hành hạ".

Dù Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội lên tiếng giải thích rằng kế hoạch nói trên không phải "hồi sinh loa phường" mà là sắp xếp tổ chức lại hoạt động của hệ thống truyền thanh, song người dân vẫn chưa yên tâm. Hiện trên địa bàn thủ đô có 579 đài truyền thanh của xã, phường, thị trấn đang hoạt động. Hiệu quả cũng có, nhất là trong giai đoạn khẩn cấp, như lúc dịch giã, còn lại phần lớn thời gian là làm phiền, không hữu dụng, tức là lãng phí.

"Loa phường" không còn là chuyện riêng của Hà Nội, mà là vấn đề của cả nước. Duy trì hay bỏ hẳn một loại hình hoạt động, như loa phường, không phải chỉ căn cứ ý chí chủ quan của nhà chức trách, mà quan trọng hơn là phải dựa vào nhu cầu thực tiễn, lợi ích thực tế mang lại cho xã hội. Xét theo vế thứ hai thì nay, loa phường đã "hoàn thành sứ mệnh".

Nhìn rộng ra thì thấy lợi ích xã hội là yếu tố tiên quyết để nhà chức trách đưa ra quyết định giữ hay bỏ một công cụ quản lý điều hành, một quy định, một loại hình hoạt động nào đó. Điển hình như cuốn sổ hộ khẩu và giấy đăng ký tạm trú. Hàng chục năm khiến bao người dân khốn khổ bởi không ít quy định bất cập liên quan hộ khẩu, từ ngày 1-1-2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy sẽ không còn giá trị sử dụng, thay vào đó, người dân sẽ được quản lý bằng dữ liệu điện tử có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Rõ ràng, quyết tâm chính trị của nhà lập pháp, nhà chức trách cùng với trách nhiệm vì nước, vì dân của họ sẽ giúp đưa ra quyết định sáng suốt, đúng thời điểm, vì lợi ích cộng đồng. Người dân còn mong gì hơn những điều ấy! 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo