xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết "Từ trong ký ức": Nhớ những ngày xóa mù chữ ở A Lưới

TÔN THẤT THỌ

Học viên của tôi tuổi từ 30-40, nói tiếng Kinh chưa rành nhưng dù nhiều đêm mưa lạnh, giá rét, lớp học lúc nào cũng đông đủ

Tháng 2 năm 1977, lúc đó tôi đang giảng dạy ở một xã đồng bằng của huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, do yêu cầu công tác nên được điều động lên vùng đồng bào dân tộc ở huyện miền núi A Lưới để giảng dạy xóa nạn mù chữ theo chủ trương diệt "giặc dốt" của Đảng và Nhà nước.

Bỡ ngỡ trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại

Huyện A Lưới nằm ở phía Tây của dãy Trường Sơn. Đây là vùng đất cách mạng của người dân tộc Pa Kô, là căn cứ kháng chiến của quân và dân Trị Thiên trong thời gian chiến đấu chống đế quốc, giành độc lập cho dân tộc. Hồi đó, do chưa khắc phục được hậu quả nặng nề của chiến tranh nên từ Huế, muốn lên A Lưới phải đi ngược ra Đông Hà (tỉnh Quảng Trị), rẽ sang đường 9 huyền thoại, qua các địa danh như Cam Lộ, Hướng Hóa... rồi mới chạy dọc theo đường Hồ Chí Minh bên dãy Trường Sơn hùng vĩ.

Cuộc thi viết Từ trong ký ức: Nhớ những ngày xóa mù chữ ở A Lưới - Ảnh 1.

A Lưới những năm sau ngày thống nhất đất nước 1975. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Cuộc thi viết Từ trong ký ức: Nhớ những ngày xóa mù chữ ở A Lưới - Ảnh 2.

A Lưới ngày nay đã thay da đổi thịt. Trong ảnh: Học sinh đi học về trên đường phố ở thị trấn A Lưới .Ảnh: QUANG NHẬT

Đoàn công tác của chúng tôi chừng 40 người, được phân về cho các bản làng ở vùng sâu. Buổi sáng lên đường, trời Huế rất lạnh. Trước đó, chúng tôi được dặn dò là mùa này, khí hậu ở núi rất lạnh nên phải mang theo đủ áo ấm, chăn màn... Khi chiếc xe cam-nhông chở chúng tôi vượt qua cầu Đắkrông - chiếc cầu treo đầy ấn tượng dẫn vào khu vực A Lưới thì trời đổ mưa rất lớn. Bầu trời u ám, những đám mây đen giăng trước mặt. Không khí lạnh ập đến, buốt giá không như khi đang ở đồng bằng. Dãy Trường Sơn hùng vĩ ẩn hiện sau màn mây mờ ảo. Những hố bom lớn và sâu, dày đặc trên đường Hồ Chí Minh là hậu quả của những cuộc ném bom của kẻ địch. Hố nào cũng đầy nước lên đến nửa bánh xe. Những dòng suối nhỏ cắt ngang mặt đường làm cho chiếc xe không ngừng nghiêng ngả. Hai bên đường, thấp thoáng những ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc thu mình trong gió lạnh.

Khởi hành từ 7 giờ sáng mà mãi đến 5 giờ chiều, đoàn công tác của chúng tôi mới đến trung tâm huyện. Sau một đêm nghỉ ngơi ở khu nhà tập thể của trường trung học nội trú, sáng hôm sau, tôi cùng với 3 đồng nghiệp khác được phân công về một xã cách trung tâm huyện gần 80 km. Đó là xã Hồng Vân, một xã nằm sâu trong lòng dãy Trường Sơn.

Đến xã, tôi được một anh thanh niên tên Hồ Tâu dẫn vào ấp 4. Anh Tâu cũng là giáo viên dạy tại trường tiểu học của xã. Bằng giọng nói lơ lớ của người dân tộc nói tiếng Kinh, anh nói: "Mình phải đi qua một đoạn đường rừng dài khoảng 5 cây số thì mới đến chỗ ở của đồng bào. Vào làng mình chỉ có một con đường mòn này mà thôi, thầy cố gắng ghi nhớ để nếu có việc cần ra xã sẽ không lạc đường". Nghe anh nói vậy tôi cũng hơi ái ngại, đường rừng Trường Sơn mà lỡ đi lạc thì biết hỏi ai.

Tôi được anh Tâu đưa đến ở tại một căn nhà sàn khá dài của vợ chồng chú Hồ Hạ. Chú Hạ phụ trách văn hóa của ấp. Căn nhà của chú dài và rộng, được phân ra chừng 5-6 căn nhỏ cho từng thành viên trong gia đình ở và sinh hoạt. Ở giữa mỗi căn đều có một cái bếp lửa với những thanh củi rất to lúc nào cũng đỏ lửa được vùi trong tro. Căn của tôi ở phía ngoài cùng. Căn giữa của ngôi nhà là của vợ chồng chú Hạ, đây cũng là nơi tôi "đứng lớp". Lớp học kê bởi 6-7 cái bàn liền ghế, được đóng bằng gỗ thông lấy từ các thùng đạn.

Sau khi nhận chỗ ở, việc đầu tiên là tôi gởi chú mấy cái tem gạo, tem thực phẩm của thương nghiệp cấp nhưng chú Hạ từ chối. Chú nói: "Gia đình mình ăn chi thì thầy ăn nấy. Mấy cái này thầy cứ để dành sau vậy!".

Những buổi dạy học xóa mù

Đêm đầu tiên giảng dạy, tôi được chú Hạ cung cấp một cây đèn bão, tấm bảng đen và hộp phấn. Buổi học đầu tiên bắt đầu chừng 7 giờ tối. Sau tiếng kẻng của chú Hạ, từ các con đường mòn xuất hiện nhiều ánh đèn dầu nhỏ leo lét, đó là những học viên mang đèn, tập, bút đến "khai giảng". Khi nhận danh sách học viên, tôi rất bất ngờ vì tất cả đều mang họ Hồ. Thì ra để tỏ lòng kính yêu Bác, người dân ở đây đã lấy họ của Bác làm họ của mình.

Lớp học của tôi chừng 10 học viên, đa số là phụ nữ có độ tuổi từ 30-40, chỉ vài người là nam giới, hầu hết nói tiếng Kinh không rành và hơi khó nghe. Do được dặn dò từ trước, tôi cố gắng giảng bài thật chậm, cách nói đơn giản, dễ hiểu. Buổi học đầu tiên rất vui với giọng đọc đồng thanh lơ lớ của các cô, các chú. Bơ (bờ), bơ a ba. Cơ, cơ a ca. Dơ, dơ a da... Sau đó là những tràng cười rất vui nhộn. Cứ thế, cho dù mưa lạnh, đêm nào lớp học cũng đông đủ.

Vào những buổi sáng rảnh rỗi, tôi thường đi theo các học viên trỉa lúa, hái bắp, đào sắn (củ mì)... Lúa vùng cao mỗi năm chỉ trồng được một vụ do không có nước. Người dân ở đây canh tác trên thửa đất rộng đã được dọn sạch, một người đi trước, hai tay cầm hai cây gậy vót nhọn, vừa đi vừa thọc cọc nhọn vào đất. Người đi sau lấy hạt lúa từ cái giỏ nhỏ mang trên người bỏ vào lỗ rồi lấp đất lại.

Nhưng có lẽ thú vị nhất là theo chú Hạ đi săn các con vật nhỏ như mễn, thỏ rừng, nhím... hay có khi cả heo rừng về quấy phá nương rẫy. Mỗi lần săn được con nào, chú đều chia cho hàng xóm để cùng nhau cải thiện bữa ăn.

Thức ăn ở đây chủ yếu là bắp, củ mì, các loại rau, thịt khô... nấu chung với nhau trong một nồi. Thời điểm đó, cả nước đang trong thời kỳ khắc phục hậu quả của chiến tranh nên cuộc sống đồng bào ở đây rất khó khăn. Công tác chỉ 3 tháng mà tôi đã chứng kiến hai học sinh ở xóm bên thương vong khi đào trúng bom đạn còn sót lại.

Theo quy định, vào mỗi thứ bảy cuối tháng, nhóm giáo viên chúng tôi phải ra UBND xã để họp, báo cáo những khó khăn và thuận lợi trong quá trình làm việc. Tháng đầu tiên đi họp, do phải đi một mình từ sớm nên tôi có phần lo lắng. Nhưng rồi đi sâu vào cánh rừng râm mát theo con đường mòn mà anh Hồ Tâu đã dẫn vào nên rất tự tin và tha hồ ngắm cảnh núi rừng.

Qua tháng thứ ba, chương trình học đi đến phần cuối. Học viên có thể tự ghép vần để đọc và viết. Thời gian đó, vợ tôi chuẩn bị sinh con đầu lòng nên tôi xin nghỉ 2 đêm để về thăm nhà. Chú Hạ tặng tôi 1 bao bắp tươi để mang về bồi dưỡng cho vợ. Nghe tin, anh Tâu nói: "Cho mình về theo với, từ nhỏ đến lớn, mình chưa biết phố ở đâu!".

Sáng hôm đó, tôi dậy sớm, anh Tâu đến và mang cho tôi mấy củ mì bọc trong lá chuối để ăn sáng dằn bụng rồi cả hai ra quốc lộ đón chuyến xe cam-nhông chở khách về Huế.

Về đến phố, tôi dẫn anh Tâu đi chợ Đông Ba ăn bún bò Huế. Thấy cái gì anh cũng thích thú, nhìn ngắm chăm chú. Tôi mua tặng anh cái áo ấm, mấy cái khăn quàng cổ. Anh tặng lại cho tôi con dao găm mà anh luôn thủ sẵn trong người khi đi đường.

Thấm thoát ba tháng giảng dạy ở đây cũng kết thúc. Ngày chia tay tôi rất buồn vì biết rằng sẽ hiếm khi có dịp tái ngộ mọi người. Tôi cũng biết rằng do hoàn cảnh và cuộc sống ở đây, nếu học viên chỉ học cho biết mà không có điều kiện trau dồi thì nguy cơ tái mù chữ có thể xảy ra. Biết là vậy nhưng làm sao được!

Huyện A Lưới hiện nay không còn như ngày trước nữa. Con đường lên đây bây giờ đi thẳng từ Huế, khoảng cách chỉ còn lại 1/3 so với đoạn đường mà chúng tôi phải đi hơn 40 năm trước. Nay người dân A Lưới không còn ở nhà sàn mà thay vào đó là những căn nhà gạch lợp ngói đỏ. Bản làng đã được quy hoạch ngăn nắp hơn. Đèn điện chiếu sáng khắp các vùng sâu. Nhiều nơi đã trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn. Nhờ cơ khí hóa và mở mang thủy lợi nên việc canh tác hiệu quả hơn nhiều. Ở hai bên quốc lộ, nhiều hàng quán bán đủ các món hàng không thiếu thứ gì như ở phố thị. Sự hồi sinh của vùng đất này đã thấm đẫm biết bao xương máu, mồ hôi, nước mắt của người dân nơi đây. 

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Cuộc thi viết Từ trong ký ức: Nhớ những ngày xóa mù chữ ở A Lưới - Ảnh 3.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo