xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những vùng đất hồi sinh sau bão lũ: Làng mới cho người dân Trà Leng

Bài và ảnh: PHÚC HUY

Cơn bão tan rồi, cây bí lại vàng bông - câu thơ của nhà thơ Tạ Nghi Lễ đã khái quát phần nào tinh thần lạc quan, ý chí mạnh mẽ của người dân miền Trung đi qua bão lũ...

Nỗi đau của người dân Trà Leng bởi thảm họa sạt lở đất cướp đi sinh mạng hàng chục người trong đợt bão lũ tháng 10-2020 đang dần nguôi ngoai. Họ bắt đầu cuộc sống mới trong ngôi làng mới, khang trang

Mảnh đất Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) chịu nhiều đau thương mất mát trong đợt thiên tai, bão lũ tháng 10-2020 đã hồi sinh. Những ánh mắt đã vui tươi bên những ruộng lúa, rừng keo, bên đàn vật nuôi nung núc trong chuồng và bên những căn nhà mới kiên cố được dựng lên trên phần đất bằng phẳng ở khu dân cư (KDC) Bằng La.

Những vùng đất hồi sinh sau bão lũ: Làng mới cho người dân Trà Leng - Ảnh 1.

Khu dân cư Bằng La được xây dựng khang trang

Làng mới, cuộc sống mới

Dưới cái nắng oi bức của những ngày giữa tháng 7-2021, chúng tôi trở lại vùng sạt lở Trà Leng. Dọc hai bên đường dẫn vào KDC Bằng La, những cây gạo trổ bông khoe sắc. Từ bên này sông Leng nhìn qua, KDC Bằng La hiện lên với hàng chục ngôi nhà mới khang trang, mái tôn sáng rực giữa bầu trời, ghi dấu một cuộc hồi sinh nơi miền rừng xanh thẳm.

Tại vùng đất này, quế là cây thoát nghèo của bà con, từng bị lũ quật tơi bời nay cũng đã xanh ngắt tựa thuở nào. Gà, lợn từng bị lũ cuốn trôi đã được người dân gây đàn và đang sinh sôi. Xa xa, trên từng quả đồi, những ruộng lúa bậc thang, đồi sắn, vườn chuối xanh mướt vươn mình đón ánh nắng ban mai. Khung cảnh ấy khiến nhiều người vẫn nghĩ nơi đây thực sự yên bình như chưa hề có trận sạt lở đất đá kinh hoàng vào tháng 10-2020, khiến hàng chục ngôi nhà bị cuốn trôi, cướp đi sinh mạng của 9 người, 13 người đến nay vẫn còn mất tích.

Những hình ảnh tang thương sau đợt thiên tai là nỗi ám ảnh và xót xa của không chỉ người dân Trà Leng mà còn với cả đồng bào cả nước. Đau thương mất mát là thế nhưng với tình yêu thương, đùm bọc của toàn xã hội, người dân Trà Leng đã gượng dậy vượt qua để xây dựng cuộc sống mới ở KDC Bằng La.

Những vùng đất hồi sinh sau bão lũ: Làng mới cho người dân Trà Leng - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Ngọc Thà thu hoạch quế

Ngồi trong căn nhà mới còn mùi vôi vữa, ông Nguyễn Thanh Sơn (48 tuổi) cho biết vụ sạt lở kinh hoàng ấy đã cướp đi người vợ của ông, đến nay vẫn chưa tìm thấy thi thể. Vết thương trong lòng vẫn còn nhưng ông phải cố gắng vượt qua nỗi đau đó để làm chỗ dựa vững chắc cho 4 người con của mình.

"Được Đảng, nhà nước và các nhà hảo tâm quan tâm hỗ trợ, tôi cùng những người dân khác bị mất nhà cửa có chỗ ở mới khang trang. Chúng tôi vui mừng lắm. Cha con tôi nay đã có nhà để đi về. Cuộc sống mới khiến tôi vơi đi phần nào nỗi đau mất người thân" - ông Sơn thổ lộ.

Bà Đỗ Thị Kim Phượng (39 tuổi) cho biết vẫn nhớ như in cái ngày sạt lở kinh hoàng ấy. Nhà bị sập, toàn bộ tài sản của gia đình cuốn trôi, không còn thứ gì. Hơn nửa năm sau ngày định mệnh ấy, bà đã chuyển về căn nhà mới khang trang tại KDC Bằng La do nhà nước xây dựng. Khi được chính quyền địa phương giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở, bà vui mừng không kể xiết.

"Nhà cửa, đồ đạc tích cóp bao năm trời cứ thế trôi theo dòng nước lũ. Chứng kiến cảnh đó, lòng tôi đau như cắt nhưng chẳng biết làm gì ngoài lo chạy thoát thân. May thay khi bão lũ qua đi, người dân chúng tôi được chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng nhà mới. Giờ tôi tính mở quán tạp hóa để kinh doanh, bắt đầu cuộc sống mới" - bà Phượng bày tỏ.

Bà Hồ Thị Diều (41 tuổi) cũng cho biết cuộc sống của gia đình bà đang đi vào ổn định. Hằng ngày, bà đi làm rẫy, trồng chuối, nuôi heo. Thời gian rảnh, hễ ai thuê việc gì là bà nhận làm để kiếm thêm thu nhập, lo cho con. Hiện mỗi ngày, bà kiếm được 200.000 đồng từ việc phát rẫy keo.

"Công việc tuy vất vả nhưng nhìn thấy các con vui đùa trong căn nhà mới, không phải lo lắng cái nắng cái mưa, tôi vui mừng lắm. Cảm ơn sự quan tâm của nhà nước, nhà hảo tâm đã giúp đỡ xây dựng cho tôi được ngôi nhà mới khang trang như vậy" - bà Diều thổ lộ.

Những vùng đất hồi sinh sau bão lũ: Làng mới cho người dân Trà Leng - Ảnh 3.

Những đám ruộng xanh tốt của người dân gần bờ sông Leng

Hỗ trợ người dân sản xuất, phát triển kinh tế

Sau biến cố thiên tai, tinh thần tương thân tương ái lan tỏa, sự đoàn kết và chia sẻ của xã hội đã mở ra hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp cho người dân Trà Leng. Nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã quan tâm hỗ trợ lương thực, thực phẩm để người dân ở đây bảo đảm cuộc sống. Bên cạnh đó, bà con còn được hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi; khôi phục diện tích nương rẫy bị đất đá bồi lấp để trồng lúa, trồng keo và đặc biệt là quế - loài cây thoát nghèo của người dân nơi đây.

Dưới cái nắng oi ả của mùa hè, anh Nguyễn Ngọc Thà (32 tuổi) đang phơi vỏ quế vừa thu hoạch ở nương rẫy về. Theo anh, cây quế một năm thu hoạch được 2 vụ, thường là vào tháng 4 và tháng 8 âm lịch. Nhận thấy cây quế mang lại giá trị kinh tế cao, người dân đã chuyển sang phương pháp trồng gối vụ để quế cho thu hoạch đều.

"Hiện gia đình tôi có 3 ha quế, từ đầu tháng 6 đến nay đã thu hoạch khoảng 30 tạ vỏ quế khô. Với giá bán tại chỗ là 70.000 đồng/kg, chúng tôi có nguồn thu nhập để lo cho cuộc sống của gia đình" - anh Thà bộc bạch.

Ông Phan Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Leng, cho biết thời gian qua, chính quyền xã đã hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng, nhất là cây quế - loại cây chủ lực của địa phương - để giúp bà con tái thiết cuộc sống. Địa phương cũng hỗ trợ khôi phục diện tích nương rẫy bồi lấp để trồng lúa. Những diện tích đất nào không thể khôi phục được thì chuyển đổi qua cây trồng khác. "Thời điểm này, bà con đã cơ bản ổn định tâm lý và bắt đầu sản xuất trở lại" - ông Cường phấn khởi. 

Xây dựng 74 ngôi nhà cho người dân

Theo UBND huyện Nam Trà My, đến nay, huyện đã hỗ trợ người dân xây dựng lại 74 ngôi nhà vốn bị trôi, sập hoàn toàn tại 5 xã trên địa bàn với mức kinh phí 180 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, huyện đã hỗ trợ kinh phí cho 55 hộ dân sửa chữa nhà bị hư hỏng do thiên tai. Bên cạnh đó, huyện Nam Trà My đã hỗ trợ giống lúa, ngô, 18.000 con gà giống, 1.000 cây giống sầu riêng cho bà con khôi phục sản xuất.

Nguồn kinh phí đã phê duyệt và cấp kinh phí hỗ trợ khắc phục thiệt hại nông nghiệp đến thời điểm này cho các xã Trà Don, Trà Mai, Trà Vinh, Trà Dơn, Trà Leng là hơn 1,24 tỉ đồng. UBND huyện Nam Trà My đề nghị các cấp, ngành hỗ trợ 10.000 cây ăn quả (5.000 cây sầu riêng, 5.000 cây măng cụt) để người dân khôi phục sản xuất, chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế.

Tr.Thường

Kỳ tới: Cuộc sống mới nơi rốn lũ

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo