xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nối biển với rừng

NHÓM PHÓNG VIÊN

Các quốc lộ được mở rộng, hệ thống đường sắt từ duyên hải Nam Trung Bộ lên Tây Nguyên được đưa vào quy hoạch sẽ dần mở toang cánh cửa nối 2 vùng kinh tế này, tạo động lực phát triển

Ngày 11-4, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết UBND tỉnh này vừa ban hành kết luận sau buổi làm việc với đại diện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và các bên liên quan về dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) - Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).

Thêm nhiều cung đường sắt

Tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt là dự án quy mô quốc gia với kinh phí trên 10.000 tỉ đồng, do Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng đề xuất, thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Tuyến đường sắt dài 84 km được khôi phục dựa trên cơ sở tuyến đường sắt cũ với các tiêu chuẩn kỹ thuật tương tự tuyến đường do người Pháp xây dựng và khai thác từ năm 1932 với 12 nhà ga, 5 hầm chui (tổng chiều dài 1.090 m), đặc biệt có 2 đoạn răng cưa dài gần 14 km vượt đèo Ngoạn Mục cao 1.500 m. Ông Phạm S đã đề nghị Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng sớm hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình Bộ GTVT và Chính phủ.

Nối biển với rừng - Ảnh 1.

Ga Đà Lạt sẽ là trung tâm kết nối tuyến đường sắt giữa Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ Ảnh: ĐÌNH THI

Trước đó, vào tháng 8-2018, làm việc với UBND 2 tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã đồng ý xây dựng tuyến đường sắt Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) - Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) sau năm 2020. Cung đường sắt này dài hơn 160 km, xuất phát từ ga Phú Hiệp (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) đi qua các huyện Tây Hòa và Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) sang địa phận huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) với 8 ga trên toàn tuyến để lên Buôn Ma Thuột. Tuyến đường sắt này sẽ nối với tuyến đường sắt dọc Tây Nguyên từ Kon Tum sang Đà Lạt (đã được đưa vào quy hoạch).

"Đây là tuyến đường sắt thuận lợi nhất từ duyên hải lên Tây Nguyên vì địa hình tương đối bằng phẳng, dốc thoải, không bị núi cao chia cắt nên chỉ cần thiết kế thông thường như đường sắt Bắc Nam chứ không cần đường ray răng cưa" - ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Phú Yên, đánh giá.

Mở rộng các quốc lộ trục Đông - Tây

Không chỉ có hệ thống đường sắt, các quốc lộ (QL) theo trục Đông - Tây nối các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ lên Tây Nguyên cũng đang được xây dựng, mở rộng, dần xóa mọi ngăn cách giữa 2 vùng này. Tại Gia Lai, 2 QL nối với duyên hải là QL19 đi Bình Định và QL25 đi Phú Yên. QL19 vừa được Chính phủ bố trí 160,8 triệu USD để đầu tư nâng cấp, mở rộng từ cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) đến cửa khẩu Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai), dự kiến năm 2020 sẽ triển khai. Với QL25, Chính phủ cũng đã bố trí nguồn vốn 850 tỉ đồng để nâng cấp, mở rộng.

Tỉnh Phú Yên cũng đang đầu tư một con đường khác nối huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) và Kông Chro (tỉnh Gia Lai) dài hơn 61 km với tổng vốn đầu tư 1.500 tỉ đồng. Con đường này đã hoàn thành 80% khối lượng, dự kiến cuối năm nay sẽ đưa vào sử dụng.

Từ Đắk Lắk, có 2 QL nối với duyên hải là QL29 đến Phú Yên và QL26 đến Khánh Hòa. QL26 được đầu tư 860 tỉ đồng để mở rộng theo hình thức BOT. Còn QL29, UBND tỉnh Đắk Lắk đề xuất Chính phủ bố trí nguồn vốn trên 1.800 tỉ đồng để nâng cấp, mở rộng.

Ngoài QL20 đến các tỉnh miền Đông Nam Bộ, từ Đà Lạt còn có QL27 đi Ninh Thuận và QL27C đi Khánh Hòa. QL27C được mệnh danh là con đường "nối biển và hoa", sau 12 năm sử dụng cho thấy hiệu quả cao khi nối 2 trung tâm du lịch lớn là Nha Trang và Đà Lạt.

Mở rộng giao thương, liên kết

"Khi được khôi phục, tuyến đường sắt răng cưa Phan Rang - Đà Lạt sẽ không chỉ đẩy mạnh giao thoa văn hóa giữa vùng đồng bằng và cao nguyên mà còn có giá trị kinh tế rất lớn do ngành du lịch mang lại cho 2 tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng" - bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Lâm Đồng, tâm đắc về dự án đường sắt lên Đà Lạt.

Khi tuyến đường sắt Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột được xây dựng và hoàn thành thì ông Nguyễn Thành Quang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, có lẽ là người vui nhất bởi ông là "cha đẻ" của ý tưởng này. "Không chỉ giao thương hàng hóa thuận lợi từ vùng nông sản lớn Tây Nguyên đến cảng Vũng Rô, Vân Phong mà tuyến đường này còn là cơ hội để đẩy mạnh liên kết vùng trong du lịch" - ông nói.

Ông Phạm Văn Bảy, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Yên, cho biết 4 tỉnh Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk đã liên kết du lịch, kết nối các tour theo hình thức bay đến duyên hải, bay về từ Tây Nguyên và ngược lại. Hai năm qua, lượng khách du lịch từ Tây Nguyên về Phú Yên và ngược lại tăng khá cao nhưng chưa xứng với tiềm năng vì giao thông chưa thuận lợi. Việc mở rộng các cung đường chắc chắn nâng cao hiệu quả liên kết du lịch giữa 2 vùng.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, cho biết Khánh Hòa đón trung bình 6,3 triệu lượt khách mỗi năm, trong khi khách có nhu cầu tiếp tục đến các điểm du lịch ở những tỉnh lân cận nên sẽ là điều kiện rất tốt để liên kết du lịch vùng duyên hải và Tây Nguyên. "Chỉ riêng Đà Lạt, mỗi năm có khoảng 20.000 khách từ Khánh Hòa lên đây. Chúng tôi đang xúc tiến để hình thành tuyến "1 điểm đến, 2 điểm đi" cho du khách. Hành trình lên rừng, xuống biển chắc chắn sẽ là tour du ngoạn lý tưởng, không chỉ với khách quốc tế mà cả với du khách trong nước" - bà Thanh đánh giá.

Việc xóa mọi ngăn cách giữa Tây Nguyên và duyên hải là khát vọng từ ngàn xưa. Câu ca xưa "Ai về nhắn với nậu nguồn/ Măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên" đã nói lên điều ấy. Ông Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho rằng đó là sự kết nối bổ sung các giá trị văn hóa từ đại ngàn xuống duyên hải và ngược lại. Đó là sự hấp dẫn qua lại về văn hóa giữa 2 vùng để phát triển du lịch.

"Xưa nói Tây Nguyên và duyên hải thấy xa lắm nhưng thực tế thì rất gần. Nếu các tuyến đường bộ và đường sắt được mở thêm nữa thì sự ngăn cách ấy gần như không còn" - ông Phùng nhìn nhận.

Thành phố trung tâm

Khi xóa mọi ngăn cách giữa Tây Nguyên và duyên hải sẽ tạo thuận lợi rất lớn trong việc xây dựng Buôn Ma Thuột thành TP trung tâm vùng.

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cần phải có những đột phá trong việc thu hút các doanh nghiệp đến với Buôn Ma Thuột, mà muốn như vậy thì phải mở rộng tất cả cửa ngõ đến với TP này. "Phải xác định Buôn Ma Thuột là TP trung tâm dẫn dắt, trung tâm liên kết và trung tâm lan tỏa. Phải xây dựng TP này theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế" - ông Thiên đề xuất.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo