xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

NÔNG DÂN BÁM ĐẤT LÀM GIÀU: Tỉ phú ở vùng đất nhiễm phèn

Bài và ảnh: NHA MÂN

Hai nông dân cần cù lao động, cải tạo đất bị nhiễm phèn giữa Đồng Tháp Mười nay đã được người dân trong vùng gọi là "đại gia"

Hai nông dân có trong tay hàng chục công đất ruộng, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm và trở thành tấm gương điển hình nông dân vượt khó, thoát nghèo bền vững.

Áp dụng khoa học tiên tiến vào đồng ruộng

Ông Trần Đức Vĩnh (50 tuổi; ngụ ấp B, xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) sau 3 năm thi hành nghĩa vụ quân sự thì xuất ngũ trở về địa phương. Đến năm 1992, ông cưới vợ, sau đó được cha mẹ chia cho 3 công đất ruộng để vợ chồng làm kế sinh nhai.

Cưới vợ được một năm, gia đình đón đứa con trai đầu lòng chào đời. Ba năm sau, con trai thứ hai tiếp tục ra đời. Lúc ấy, cuộc mưu sinh của vợ chồng giữa ruộng đất bị nhiễm phèn nặng, từng được mệnh danh "muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội tợ bánh canh, cỏ mọc thành tinh, rắn đồng biết gáy" càng khó khăn.

Với 3 công đất ruộng của ba mẹ chia cho, hằng ngày, vợ chồng ông Vĩnh cần mẫn cải tạo đất trồng lúa, tranh thủ đi làm cỏ thuê, cắt lúa mướn để kiếm thêm thu nhập. "Đêm về nằm ngủ, tôi bàn đi tính lại với vợ là phải chịu khó làm ăn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chi tiêu tiết kiệm thì mới mong thoát cảnh nghèo khó" - ông Vĩnh chia sẻ.

NÔNG DÂN BÁM ĐẤT LÀM GIÀU: Tỉ phú ở vùng đất nhiễm phèn - Ảnh 1.

Ông Trần Đức Vĩnh khoe tấm ảnh lưu niệm tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc

Nhờ chí thú làm ăn, năm nào gia đình ông Vĩnh cũng "hốt bạc". Mỗi năm, vợ chồng ông đều có vốn dư để mua sắm thêm vài công đất ruộng cho gia đình. Đến giữa năm 2016, ông Vĩnh tạo được cơ ngơi thật đáng nể với một căn nhà tường khang trang, tiện nghi sinh hoạt trong gia đình đắt tiền và có trong tay 250 công đất ruộng, thuê thêm 50 công đất ruộng. Mỗi năm, nguồn lợi nhuận thu về hơn 1 tỉ đồng.

Không dừng lại, thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp, ông Vĩnh nghĩ ngay đến chuyện "làm ăn lớn" là tích tụ ruộng đất để xây dựng cánh đồng mẫu lớn. "Thời gian tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục mua thêm đất ruộng và đổi các thửa đất nhỏ, lẻ để tập trung về một điểm thành cánh đồng lớn. Tôi cũng ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp để liên kết vật tư, phân bón, giống lúa đầu vào, tiêu thụ sản phẩm lúa đầu ra ổn định, bền vững" - ông Vĩnh cho hay.

Năm 2015, ông Vĩnh vinh dự được chọn là một trong 5 nông dân tiêu biểu của tỉnh Đồng Tháp tham dự Đại hội Thi đua yêu nước và biểu dương nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc tại TP Hà Nội. Ông Phùng Công Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tam Nông, nhận xét vợ chồng ông Vĩnh rất chịu khó. Cả hai làm bất kể chuyện gì, từ làm thuê, làm mướn đến giăng câu, thả lưới để vượt qua khó khăn. Vợ chồng biết tích lũy, tiết kiệm và có phương án làm ăn khả thi nên ngày càng giàu có ở xứ đất phèn.

Anh Tư Lách xứ kiệu

"Hai Lúa" là biệt danh của nông dân sản xuất giỏi Võ Văn Lách (43 tuổi; ngụ ấp K12, xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp). Từ thời thơ ấu đến bây giờ, ông luôn gắn chặt với ruộng đồng. Ông nói: "Tôi rất thích mọi người gọi bằng biệt danh "Hai Lúa". Cho dù tôi có đổi đời giàu sang phú quý hay phát triển cỡ nào đi nữa thì vẫn xuất thân từ Hai Lúa mà ra".

Ông Lách là con thứ tư trong gia đình nông dân có 6 anh em. Học chưa hết lớp 9, ông phải nghỉ học ở nhà phụ giúp ba mẹ sản xuất lúa, trồng kiệu, làm rẫy để có tiền lo cho các em ăn học. Năm 1994, ông cưới vợ và vẫn chung sống với ba mẹ lo việc ruộng rẫy. Đến khi 2 người anh và người em học hành thành đạt, có việc làm ổn định, gia đình ông cất nhà ra sống riêng, rồi được mẹ chia cho 10 công đất ruộng để làm ăn, sinh sống.

NÔNG DÂN BÁM ĐẤT LÀM GIÀU: Tỉ phú ở vùng đất nhiễm phèn - Ảnh 2.

Nông dân Võ Văn Lách

Giờ người anh thứ hai của ông Lách làm cán bộ xã, người anh thứ ba làm bác sĩ, người em thứ năm đang công tác trong ngành công an, em thứ sáu là cán bộ cấp xã. Cuộc sống đã khấm khá hơn, ông tích cóp mua thêm một vài công đất ruộng và lâu ngày "tích tiểu thành đại". Ông Lách cho biết 4 tiêu chí trong làm ăn, tăng gia sản xuất của ông là: "Uy tín và chất lượng; thiên thời, địa lợi, nhân hòa; sản xuất theo chương trình ba giảm, ba tăng và cuối cùng là phải quyết đoán".

Năm năm gần đây, trung bình mỗi năm, ông Lách có nguồn lợi nhuận từ 2,5 ha đất rẫy nhà và thuê 2 ha rẫy trồng kiệu, khoai thu lãi khoảng 500 triệu đồng. Ông Nguyễn Đờ Lál, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hiệp, cho biết xã đã hoàn tất hồ sơ đề nghị cấp trên khen thưởng Võ Văn Lách đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. 

Theo nông dân Võ Văn Lách, làm nghề gì cũng phải chuyên cần, có uy tín, chất lượng và quyết đoán mới thành công. Vì vậy, vấn đề chủ yếu là phải tích tụ được ruộng đất đủ lớn, áp dụng đồng bộ các khâu, từ chọn cây giống tốt canh tác đến việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, phòng trừ dịch bệnh theo khoa học kỹ thuật để giảm chi phí đầu tư, hạ giá thành trong sản xuất tạo ra sản lượng lớn, chất lượng và thu lãi cao. “Muốn làm giàu không khó, khó là ở chỗ mình có đủ nghị lực và bản lĩnh để có thể làm giàu chính trên mảnh đất của mình hay không mà thôi!” - ông Lách nói.

Kỳ tới: "Kỹ sư chân đất" sáng chế máy cày

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo