xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ông Tốt mê ghe

Bài và ảnh: TRƯƠNG THANH LIÊM

Đau đáu với làng nghề, ông quyết chế tác ghe, xuồng thu nhỏ để quảng bá sản phẩm một thời của quê hương, vừa để giáo dục tình yêu quê hương cho lớp trẻ thông qua sản phẩm đặc trưng

Tiếp chúng tôi bằng nụ cười rất "lúa" và hào sảng, "nghệ nhân" không chuyên Nguyễn Văn Tốt (58 tuổi; ngụ xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) hài hước kể về cơ duyên đến với mình: "Tôi là dân tay ngang. 15 tuổi đã nối nghiệp cha làm nghề đóng xuồng, ghe ở quê tôi, ngay cái rạch Bà Đài vang danh cả nước. Gia đình tôi đã 4 đời theo nghề rồi. Vậy mà, tự nhiên tôi có thêm cái nghề chế tác xuồng, ghe thu nhỏ, tính đến nay cũng đã 7 năm".

Lũ về, làng nghề rôm rả

Kể về chuyện cũ, nông dân này cho biết làng đóng xuồng, ghe Bà Đài đã có mặt hơn 100 năm với bao thăng trầm. Dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng hiện vẫn còn gần 100 hộ quyết trụ bám nghề với trên 300 lao động. Đặc điểm rất riêng của làng nghề này là phụ thuộc theo nước lũ hằng năm. Năm nào lũ dâng cao, về sớm, rút muộn thì năm đó làng nghề rôm rả suốt đêm ngày. Năm nào không lũ thì làng nghề vắng lặng đến nao lòng.

Ông Tốt mê ghe - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Tốt (đi đầu, bìa trái) bàn giao sản phẩm cho khách hàng

Theo xu hướng phát triển của xã hội và tiến bộ kỹ thuật, làng nghề này đã dần vắng bóng những chiếc ghe bầu bằng gỗ sao với trọng tải hàng trăm, hàng chục tấn để thay vào đó là những tàu sắt, ghe composite vừa rẻ vừa gọn nhẹ lại an toàn, tuổi thọ cao. Từ đó, làng nghề chỉ còn duy trì, đóng mới một số loại xuồng, ghe truyền thống có tải trọng nhỏ, chủ yếu dùng trong sinh hoạt, đánh bắt quy mô nhỏ, di chuyển cự ly ngắn hoặc các loại ghe mang tính nghệ thuật, thể thao như ghe tam bản, ghe Bến Tre, ghe và xuồng Bà Đài, xuồng cui An Giang, xuồng Cần Thơ, xuồng cá chạch, thuyền phụng, thuyền rồng, ghe ngo…

Đau đáu với nghề, tiếc cho làng nghề có thể rơi vào quên lãng theo thời gian, ông Tốt nghĩ đến việc chế tác những ghe, xuồng thu nhỏ của làng nghề, vừa để quảng bá đến mọi người những sản phẩm đã một thời có mặt tại quê ông vừa để giáo dục tình yêu quê hương cho lớp trẻ thông qua những hình tượng, sản phẩm đặc trưng vừa có thêm thu nhập cho gia đình và những ai còn tâm huyết với nghề.

Nghĩ là một chuyện nhưng khi bắt tay vào làm khó hơn rất nhiều. Làm như thế nào? Giá cả ra sao? Đầu ra sản phẩm ở đâu? Vậy là ông phải gác bỏ ý định của mình rất nhiều phen trong sự tiếc nuối vô chừng.

Không đụng hàng

Bà Nguyễn Ngọc Đen, vợ ông Tốt, tiếp lời chồng: "Năm đó, vì thương con nên ông Tốt mày mò làm một chiếc thuyền nhỏ bằng gỗ sao trong vườn để con tham gia cuộc thi tại trường học trong huyện. Tưởng làm chơi, ai ngờ đoạt giải nhất. Từ đó, nhiều người biết ông có hoa tay nên tìm đến đặt hàng. Một… hai… rồi nhiều người đến tìm. Nhiều người từ các địa phương khác như Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, TP HCM, Hà Nội… đến tham quan, tìm hiểu và đã đặt hàng với số lượng ngày càng nhiều. Để đáp ứng đơn hàng, ông Tốt phải huy động lao động tại chỗ có năng khiếu, chủ yếu bắt đầu từ trong dòng tộc, rồi tranh thủ dạy nghề cấp tốc cho họ".

Ông Tốt mê ghe - Ảnh 2.

Những sãn phẩm tâm huyết của ông Nguyễn Văn Tốt

Ông Nguyễn Văn Tới, anh họ của ông Tốt, kể: "Ông Tốt rất cần cù, sáng tạo, luôn tìm tòi cái mới. Từ đó mà cho ra đời nhiều sản phẩm xuồng, ghe thu nhỏ dạng sản phẩm lưu niệm rất độc đáo, không đụng hàng. Thấy "lù khù" vậy chớ lên mạng phà phà. Hồi đầu định giao lưu với ổng vài tháng nhưng làm riết đâm ghiền luôn. Ổng rất cao tay trong nghệ thuật này".

Trong một lần cử đoàn ra thăm thủ đô Hà Nội, UBND tỉnh Đồng Tháp đã nhờ ông Tốt thiết kế một sản phẩm rất đặc trưng cho sông nước quê hương làm quà tặng cho khu lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với bàn tay tài hoa và lòng kính yêu Bác Hồ vô hạn, ông Tốt đã hoàn thành sản phẩm thật chất lượng, được người xem ở thủ đô đánh giá rất cao. Mới đây, một cơ quan ở tỉnh Đồng Tháp đã đặt ông Tốt làm nguyên một bộ xuồng, ghe thu nhỏ gồm 16 chiếc để trưng bày và giới thiệu với bạn bè cả nước.

Niềm vui nhân đôi trong lòng ông Tốt và hàng trăm lao động trọn đời gắn bó với làng nghề xuồng, ghe rạch Bà Đài là khi làng nghề này được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trao quyết định công nhận danh hiệu "Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia" vào tháng 4-2015.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tốt xúc động: "Tôi và hàng trăm người theo nghề luôn ý thức được việc phải gìn giữ giá trị văn hóa của địa phương, tạo mọi điều kiện không để mai một dù với bất kỳ nguyên nhân nào".

Ông Tốt tâm sự: "Dù đang rất bận với nhiều đơn đặt hàng sản phẩm thu nhỏ, tất nhiên, nguồn thu nhập sẽ cao hơn so với làm nghề truyền thống nhưng tôi chọn cả hai bởi nếu chạy theo lợi nhuận để chăm bẵm cho sản phẩm nghệ thuật thì mình sẽ lụt nghề mà ông cha đã truyền dạy tại đây qua nhiều thế hệ".

Nghĩ là làm. Hiện nay, ngoài việc huấn luyện cho các lao động về nghệ thuật điêu khắc gỗ, ông Tốt vẫn tất bật với những đơn đặt hàng là sản phẩm truyền thống ở nhiều địa phương. Hôm chúng tôi đến thăm, gặp dịp ông đang bàn giao 20 chiếc xuồng cui loại 2 và 3 người bơi cho Khu Du lịch Phương Nam (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) với chất lượng được khách hàng không chê vào đâu được.

Chính xác từng li

Tranh thủ chút thời gian quý báu, ông Tốt kể cho chúng tôi nghe nguyên liệu làm xuồng, ghe thu nhỏ phải là gốc và rễ cây sao được ngâm, phơi đủ nắng, bào, mài cẩn thận, sau đó cất giữ để tránh mối mọt làm hại. Để có sản phẩm hoàn thiện, đẹp mắt thì phải qua các công đoạn cưa ván, bỏ mực, rọc dọn, vô vỏ, ráp cong, dằn, chà nhám rồi sơn dầu, bảo đảm các chi tiết sản phẩm sắc sảo nhưng vẫn giữ được nét dân dã, thân quen của xuồng, ghe miền sông nước. Từng mũi đinh, đường cưa đều phải cẩn thận, chính xác từng li từng tí. Trong tất cả sản phẩm, khó nhất là ghe ngo, thuyền rồng, thuyền phụng...

Hỏi về số lượng ghe, xuồng thu nhỏ chính tay ông đã hoàn thành, ông nói rất thật lòng là chỉ biết đã nhiều trăm sản phẩm rồi. Chúng có mặt khắp nơi, ra cả thế giới. Giá bán có cái chỉ 400.000 đồng nhưng có cái hàng triệu đồng, tùy kích cỡ và sự công phu khi thực hiện. Sản phẩm càng nhỏ thì càng khó làm và tất nhiên là càng bán có giá.

Ông Tốt mê ghe - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Tốt với một mẫu sản phẩm đang được nhiều nơi đặt hàng

Chia tay chúng tôi tại rạch Bà Đài, ông Nguyễn Văn Tốt dặn theo: "Mai mốt về đây phải nhậu với tôi một bữa, không say không về. Nhậu ba mớ rồi tôi kể tiếp chuyện tự nhiên làm nghệ nhân ngang hông nghe chơi".

Nhìn nụ cười hài hước lẫn tự tin của ông Nguyễn Văn Tốt trong buổi chiều dần xuống, tôi hiểu và thương quá tấm lòng chân chất của một người đã, đang và sẽ gắn bó trọn đời với một làng nghề.

Mong nhà nước ủng hộ lâu dài

Nói về hướng đi mới để các hộ dân tham gia chế tác sản phẩm như hiện nay, ông Nguyễn Văn Tốt nói: "Chắc chắn là mong nhà nước vào cuộc nhiệt tình, ủng hộ quyết liệt, lâu dài chứ tụi tôi tay ngang, có học hành bài bản gì đâu. Thấy tức tức thì làm đại theo suy nghĩ của mình thôi". Nói rồi ông cười khà khà. Nụ cười rất "lúa" miền Tây.

CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:

Ông Tốt mê ghe - Ảnh 6. Ông Tốt mê ghe - Ảnh 6. Ông Tốt mê ghe - Ảnh 6. Ông Tốt mê ghe - Ảnh 6.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo