xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phạt kịch khung vi phạm giao thông

VĂN DUẨN - GIA MINH

Tăng nặng mức phạt đối với những nhóm hành vi vi phạm giao thông gây nguy cơ tai nạn cao được xem là biện pháp cần thiết giảm thiểu những vụ thảm khốc

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất tăng nặng mức xử phạt hàng loạt hành vi vi phạm giao thông nhằm tăng sự răn đe khi sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Tăng nặng hàng loạt hành vi

Ông Hoàng Thế Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT), cho biết chỉ tính trong lĩnh vực đường bộ, dự thảo sửa đổi 21 điều với 39 hành vi, nhóm hành vi được sửa đổi, mô tả lại; 55 hành vi, nhóm hành vi được bổ sung; 21 hành vi, nhóm hành vi được bổ sung, mô tả lại. Đặc biệt, dự thảo tăng mức xử phạt đối với 50 hành vi, nhóm hành vi vi phạm.

Đáng chú ý, đối với nhóm hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy, dự thảo đề xuất tăng mức xử phạt tối đa đối với vi phạm quy định về nồng độ cồn (mức 3), ma túy. Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn mức 1 đối với môtô theo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia; bổ sung quy định xử phạt đối với doanh nghiệp vận tải sử dụng tài xế trong người có chất ma túy.

Cụ thể, trường hợp lái ôtô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3 - người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở), Bộ GTVT đề xuất phạt từ 34-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) 22-24 tháng (hiện nay mức phạt chỉ từ 16-18 triệu đồng và tước GPLX 4-6 tháng). Đối với người điều khiển ôtô trong cơ thể có chất ma túy, Tổng cục Đường bộ cũng đề xuất tăng mức phạt tương tự như trên.

Phạt kịch khung vi phạm giao thông - Ảnh 1.

Tới đây, lái xe vi phạm nồng độ cồn mức 1 cũng bị phạt nặng Ảnh: GIA MINH

Đối với người điều khiển môtô, điểm đáng chú ý là dự thảo bổ sung mức phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng cả ở mức 1 (hiện nay chưa xử phạt ở mức này). Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đề xuất tăng nặng ở mức 3 là phạt từ 7-8 triệu đồng và tước GPLX 22-24 tháng (hiện nay phạt từ 3-4 triệu đồng và tước GPLX 3- 5 tháng). Với người chạy xe máy chuyên dùng, mức phạt cũng được đề xuất tăng lên từ 18-20 triệu đồng và tước GPLX 22-24 tháng đối với vi phạm nồng độ cồn ở mức 3.

Riêng nhóm hành vi trên đường cao tốc, theo ông Hoàng Thế Tùng, dự thảo Nghị định 46 sửa đổi đang xây dựng theo hướng tăng mức xử phạt một số hành vi vi phạm liên quan như quay đầu trên đường cao tốc tăng từ 400-600.000 đồng lên 5-7 triệu đồng, tước GPLX 2-4 tháng; lùi xe trên đường cao tốc tăng từ 400-600.000 đồng lên 16-18 triệu đồng, tước GPLX 5-7 tháng; đi ngược chiều trên đường cao tốc tăng từ 2-3 triệu đồng lên 16-18 triệu đồng, tước GPLX 5-7 tháng...

Không xuề xòa, nương tay

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, một số hành vi uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn giao thông cần nâng mức xử phạt ngay ở mức 1 với mức xử phạt cao. Đối với vi phạm nồng độ cồn mức 3, có thể báo cáo Chính phủ đề nghị Hội đồng thẩm phán chuyển sang phạt theo điều 260 khoản 4 Bộ Luật Hình sự.

"Với tâm thế của dư luận hiện nay hoàn toàn có thể làm được, không chỉ đối với vi phạm nồng độ cồn, ma túy mà cả những hành vi khác. Cần tập trung vào những hành vi vi phạm quy tắc giao thông đã được quy định trong luật là chế tài bước đầu phải nặng" - ông Hùng nói và dẫn chứng như đi vào đường cấm hiện đang phạt rất nhẹ, trong khi vi phạm này không chỉ mất an toàn mà còn gây ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, các hành vi vượt đèn đỏ, gây tai nạn bỏ chạy, không chấp hành hiệu lệnh, nghe điện thoại khi đang lái xe… nếu không tăng chế tài sẽ không bảo đảm tính răn đe.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng nhấn mạnh lần sửa Nghị định 46 này, mức phạt phải kịch khung luật cho phép để xử lý đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. "Chúng ta không mong muốn có vi phạm nhưng những hành vi vi phạm như không đội mũ bảo hiểm, vi phạm quy tắc giao thông đã đến giai đoạn phải nghiêm khắc xử phạt thật nặng. Chúng ta không lo tình trạng thỏa thuận, chung chi. Công an vi phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nghị định phải nghiêm, không xuề xòa, nương tay" - ông Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Đề cập trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ, Bộ trưởng GTVT cho rằng cần sòng phẳng trong xử lý sai phạm của cơ quan quản lý nhà nước khi để ổ voi, ổ gà, biển báo không đồng bộ. Theo ông, trừ những điểm đã được đề nghị nhưng chưa có vốn sửa chữa thì không xem xét, đoạn đường nào còn tồn tại mà không phát hiện phải xử phạt để nâng cao trách nhiệm trong quản lý hệ thống hạ tầng cũng như bất cập về tổ chức giao thông. Hay như trong đường sắt có trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phát sinh lối đi tự mở. "Cần nghiên cứu đưa vào nghị định để xử phạt cả cán bộ vi phạm, không thể chỉ phạt dân mà không phạt cán bộ làm sai" - ông Nguyễn Văn Thể nêu quan điểm.

Phải quy trách nhiệm các bên liên quan

Theo ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Hàng hóa TP HCM, việc tăng mức phạt đối với các vi phạm như sử dụng ma túy, nồng độ cồn, chở quá tải, là hoàn toàn phù hợp. Lý do đây là những nhóm hành vi ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông cũng như hệ thống cầu đường. Tuy nhiên, mức phạt hiện nay được xem là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Ông Quản còn cho rằng đối với hành vi như sử dụng ma túy, ngoài việc tăng mức phạt cần áp dụng thêm các hình thức phạt bổ sung như lao động công ích hoặc xử lý hình sự. "Nếu đã phát hiện nhưng chỉ xử lý hành chính xong rồi cho đi thì tài xế, doanh nghiệp vẫn rất dễ tái phạm, thậm chí tìm cách né luật và vấn đề không được giải quyết. Do đó, cần phải mạnh tay hơn đối với hành vi này" - ông Quản nói.

Mặt khác, để hiệu quả hơn trong việc xử lý những nhóm hành vi có nguy cơ gây tai nạn lớn, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh vận tải thì cần quy trách nhiệm cho những bên liên quan là chủ xe, chủ hàng. Dẫn ví dụ tình trạng chở quá tải, ông Quản đánh giá hiện nay chỉ quy trách nhiệm cho tài xế và chủ xe, còn chủ hàng không bị ảnh hưởng, trong khi đối tượng này là một trong những nguyên nhân chính phát sinh nhu cầu trên. "Chủ hàng thường tìm những xe sẵn sàng nhận chở quá tải để thuê nhằm giảm giá thành, từ đó bán hàng rẻ hơn những doanh nghiệp khác. Vấn đề này gây ra nhiều tiêu cực, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cầu đường do chở quá tải, dễ gây tai nạn mà còn làm sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp không lành mạnh. Do đó, khi các bên liên quan đều phải chịu trách nhiệm rõ ràng thì họ sẽ tự động thỏa thuận, kiềm chế và giảm thiểu các hành vi vi phạm" - ông Quản đề xuất.

Theo PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban MTTQ TP HCM, một trong những nguyên nhân chính là do áp lực công việc lớn, tài xế rất dễ bị kéo vào việc sử dụng chất kích thích, nhất là lái xe đường dài. Vì sao có áp lực như vậy? Ông cho rằng hiện nay có tình trạng một số doanh nghiệp hạn chế thuê lái xe, từ đó gây áp lực cao cho những tài xế đang làm việc bằng cách đánh vào lợi ích kinh tế. "Nếu muốn chạy nhanh, được thưởng nhiều thì phải tăng ca, đồng nghĩa sức khỏe khó bảo đảm và phải sử dụng chất kích thích. Chưa kể, trước tình trạng thiếu tài xế, nhiều doanh nghiệp cũng sẵn sàng sử dụng lái xe sử dụng bằng giả. Do đó, với nhiều hành vi vi phạm, chủ xe không thể vô can" - ông Ninh nói.

Mặt khác, PGS-TS Nguyễn Lê Ninh cho rằng tình trạng tiêu cực trên đường hiện nay cũng không ít, nếu không kiểm soát và xử lý chặt những bộ phận thực thi thì khó hiệu quả dù có tăng mức phạt hay không. 

Vi phạm trên đường cao tốc diễn biến phức tạp

Thống kê trong quý I/2019, cả nước xảy ra hơn 4.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết trên 1.900 người, bị thương trên 3.000 người. Đáng chú ý, tình trạng vi phạm trên đường cao tốc diễn ra phức tạp, đặc biệt như hành vi lùi, đỗ xe..., gây nguy cơ tai nạn lớn và thực tế đã có trường hợp xảy ra, gây bức xúc. Mặt khác, các vi phạm về nồng độ cồn, ma túy cũng tăng cao và chỉ tính từ cuối năm 2018 đến nay, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng.

Theo ông Hoàng Thế Tùng, một hành vi mới đáng chú ý khác là dự thảo bổ sung quy định điều khiển xe chưa gắn thẻ đầu cuối đi vào làn đường dành riêng thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí, bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX từ 1-3 tháng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo