xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sản phẩm bí đầu ra, ngư dân lao đao

NHÓM PV MIỀN TRUNG

Ngư dân đang rất cần kết nối tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm để giúp họ vượt khó, tiếp tục vươn khơi bám biển

Trong khi nhiều nơi đang thiếu nguồn cung hải sản thì tại nhiều địa phương miền Trung, giá hải sản sụt giảm nghiêm trọng khiến ngư dân lao đao.

Phí tổn tăng, giá bán giảm

Ông Mai Xuân Thủy, chủ 5 con tàu đánh bắt xa bờ ở xã Phổ Châu (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi), cho hay ở những năm trước, đây là thời điểm ngư dân ra khơi đánh bắt vì thời tiết thuận lợi, giá nhiên liệu giảm. Tuy nhiên, hiện nhiều chủ tàu ngại ra khơi vì giá hải sụt giảm.

"Trong chuyến biển vừa rồi, tàu tôi đánh bắt rất thuận lợi. Nhưng giá hải sản sụt giảm gần một nửa so với trước, chỉ đủ chia công lao động cho anh em. Chưa kể, khi đánh bắt vô, chúng tôi rất khó cập cảng vì nhiều nơi phong tỏa do dịch bệnh, bắt cách ly tập trung" - ông Thủy nói và cho biết hầu hết các loại hải sản trên thị trường đều giảm từ 30%-40% so với trước dịch Covid-19.

Không chỉ ngư dân lao đao mà các cơ sở thu mua, doanh nghiệp chế biến hải sản cũng gặp khó. Nhiều dây chuyền đã dừng hoạt động, hải sản dồn ứ, tốn kém chi phí bảo quản, người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp.

Tại cảng Kỳ Hà (Quảng Nam), ngư dân cho biết giá hải sản cũng giảm gần một nửa so với trước. Ngư dân Huỳnh Văn Tô cho biết ông đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa hơn 1 tháng. Sản lượng đánh bắt ít, giá lại giảm sâu nên sau khi trừ các chi phí, thuyền ông lỗ 40 triệu đồng. Nguyên nhân là vì hầu hết nhà hàng, quán ăn, khách sạn phục vụ khách du lịch đều tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc vận chuyển hải sản vào các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên cũng rất khó khăn nên thương lái thu mua với giá thấp, cầm chừng.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Bình Định, cho biết hiện số tàu cá cập bờ tại các cảng cá ở địa phương đã giảm hơn 50% so với trước đây. Nguyên nhân là do các cảng cá siết chặt công tác phòng chống dịch Covid-19, đồng thời phí tổn tăng, giá hải sản giảm nên nhiều ngư dân quyết định cho tàu cá nằm bờ.

Tại tỉnh Quảng Bình, trong 2 tháng qua, hàng ngàn tàu cá của ngư dân địa phương không thể ra khơi vì thua lỗ, giá hải sản thấp. Lý do: Thị trường Trung Quốc và các nước lân cận đình trệ; việc tiêu thụ hải sản trong nước cũng bị hạn chế. Hàng trăm tấn hải sản nằm dồn ứ trong kho đông lạnh hàng tháng trời, hư hỏng.

Ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) cho biết trên địa bàn có 648 tàu thuyền đánh cá với khoảng 4.000 lao động. Ngư dân ở đây chủ yếu đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, hiện nhiều tàu thuyền phải nằm bờ vì ra khơi bị lỗ vốn, hải sản giá rất rẻ nên ngư dân cũng thả neo, nghỉ đi biển trong hơn một tháng qua.

Sản phẩm bí đầu ra, ngư dân lao đao - Ảnh 1.

Hàng chục tấn hải sản của ngư dân xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch không thể xuất khẩu Ảnh: Hoàng Phúc

Cần chính sách hỗ trợ

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội nghề cá TP Đà Nẵng, cho biết do cảng cá đóng cửa nên tàu cá không thể ra khơi. Hiện nhiều quy định về giãn cách phòng chống dịch tại địa phương khiến ngư dân gặp khó.

Hội nghề cá TP Đà Nẵng cũng đã xin phép cho một số tàu cá đủ điều kiện được ra khơi và cập bến lân cận, tuy nhiên vẫn khó tiêu thụ được thủy hải sản. Ông Lĩnh đề xuất địa phương cần tạo điều kiện nới lỏng cho ngư dân được ra khơi đánh bắt và sớm có kế hoạch mở cửa trở lại cảng cá Thọ Quang.

Bà Đỗ Thị Thu Đông, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi, cho biết lâu nay việc tiêu thụ hải sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu phụ thuộc vào các thương lái, đầu nậu. Mặt bằng giá thường do đội ngũ thu mua quyết định. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, các thương lái tìm cách ép giá thu mua hải sản của ngư dân khiến ngư dân gặp khó khăn.

"Hiện nay, nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ giá tiêu thụ hải sản cho ngư dân trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, để hỗ trợ người dân, Quảng Ngãi vừa thành lập Tổ kết nối tiêu thụ nông lâm thủy sản. Qua tổ này, chúng tôi sẽ tìm đầu mối kết nối các doanh nghiệp trong cả nước, tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm cho người dân nói chung và thủy sản cho ngư dân nói riêng" - bà Đông cho biết.

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, sở này đã phối hợp Sở Công Thương xây dựng phương án tiêu thụ thủy sản cho nông dân và ngư dân trong tình hình dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, Bình Định đã chủ động hơn trong nắm bắt tình hình sản lượng thủy sản, nhất là các loại sản phẩm có khả năng tồn ứ. Qua đó, kịp thời tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai các phương án vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm phù hợp trong tình hình dịch bệnh… Đồng thời, rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất, kho chứa hàng, nhằm chủ động trong bảo quản, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm, nhất là các loại có sản lượng lớn, tươi sống, dễ hư hỏng, nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu. Bên cạnh đó, tăng cường các phương thức xúc tiến thương mại để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, thủy sản trong và ngoài tỉnh. 

3-Hình BOX 3

Ngư dân TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đang mong tiếp tục ra khơi


Khánh Hòa: Nỗ lực hỗ trợ ngư dân ra khơi

Sau hơn 2 tháng phải tạm dừng hoạt động vì có các ca F0 trong cộng đồng thì từ ngày 15-9, cảng Hòn Rớ - chợ cá Nam Trung Bộ (đóng tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) được phép mở cửa hoạt động trở lại. Đây là tín hiệu tích cực giúp các ngư dân được ra khơi trở lại.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban Quản lý cảng Hòn Rớ - chợ cá Nam Trung Bộ, cho biết theo phương án đã được thống nhất, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19, cảng Hòn Rớ chỉ hoạt động tối đa 30% công suất cho đến khi có thông báo mới của cơ quan chức năng. Trong thời gian này, cảng sẽ làm thủ tục cho khoảng 20-25 tàu cá xuất bến, 20-25 tàu cá cập cảng để lên cá và bố trí tối đa 5-7 tàu cập cảng cùng 1 đợt; cho phép 10 lượt phương tiện vận tải vào cảng để vận chuyển hải sản đi tiêu thụ. Cũng trong thời gian này, cảng chỉ cho phép tàu cá bốc dỡ hải sản lên xe chứ không cho tổ chức phân loại hải sản, họp chợ tại cảng; không đăng ký và làm thủ tục cho tàu cá khai thác ở tỉnh ngoài cập cảng. Tàu cá công suất nhỏ, có chiều dài dưới 15 m trong tỉnh cũng không được phép tổ chức bốc dỡ thủy sản tại cảng; không giải quyết cho các trường hợp sửa chữa tàu cá, may lưới, dịch vụ chở khách. Các tàu cập cảng, tất cả thuyền viên phải được test nhanh Covid-19 âm tính mới được bố trí để cập cảng bốc dỡ hàng hóa.

Đối với tàu cá làm thủ tục xuất bến, chủ tàu và thuyền viên phải đăng ký danh sách; tất cả người trong danh sách đăng ký phải sống trong khu vực đã được công bố là "vùng xanh", có giấy xác nhận của chính quyền địa phương; cung cấp được giấy test nhanh kháng nguyên hoặc PCR âm tính trước khi làm thủ tục xuất bến; thực hiện đánh dấu tàu cá theo quy định; hoàn thiện các thủ tục để xuất bến tại Văn phòng thanh tra kiểm soát nghề cá.

"Hiện nay, nhiều tàu bắt đầu đăng ký ra khơi sau khi cảng Hòn Rớ hoạt động trở lại. Điểm tích cực, đáng ghi nhận là các ngư dân đều được tiêm 1 mũi vắc-xin, có giấy xác nhận "vùng xanh"..., song vẫn thiếu một số thủ tục cần thiết. Cảng Hòn Rớ đang đề nghị Biên phòng và Chi cục Thủy sản tiếp tục hỗ trợ cho ngư dân các thủ tục, giấy tờ để ra khơi" - ông Hiếu nói.

Ông Võ Cường, chủ tàu KH-92818TS, cho biết gần 3 tháng qua ông không được ra khơi, tàu cá phải nằm bờ vì giãn cách xã hội. Các ngư dân muốn đi biển phải tiêm vắc-xin hoặc phải test âm tính thì mới ra khơi nên việc tìm bạn thuyền cũng gặp rất nhiều khó khăn.

"Nay dịch bệnh đã ổn, chúng tôi cũng được tiêm 1 mũi vắc-xin, sắp tới tiêm đủ 2 mũi thì phải ra khơi thôi. Phải gắng vay mượn tổn phí để ra khơi" - ông Cường nói.

Theo thuyền trưởng Cao Văn Thơ (Nghiệp đoàn Nghề cá Vĩnh Trường, TP Nha Trang) cho biết hiện lao động biển thiếu hụt rất trầm trọng, kết hợp ngư trường hạn hẹp và nguồn hải sản không dồi dào như trước. Bởi vậy, khi thuyền viên xuống tàu ra khơi không ăn chia sản phẩm như trước đây mà đòi lương cố định từ 8-14 triệu đồng/chuyến đi 20 đến 22 ngày nên các chủ tàu rất vất vả. Thêm vào đó, giá nhiên liệu tăng, trước đây chỉ 9.000 đồng/lít dầu nay đã hơn 16.000 đồng. Tình hình dịch Covid-19 khiến giá hải sản thì giảm đáng kể mất khoảng 40% so với trước.

"Ngư dân rất mong các cấp xem xét kỹ để tìm biện pháp tháo gỡ giúp ngư dân được sống với nghề cũng như góp phần nhỏ bé để tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo" - ông Thơ trải lòng.

Bài và ảnh: Kỳ Nam

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo