xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Siết chặt các trung tâm ngoại ngữ

Yến Anh

Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết tâm siết lại hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ bằng hàng loạt quy định mới

Tình trạng bát nháo, "treo đầu dê bán thịt chó" ở các trung tâm ngoại ngữ ngày càng khiến người học ngán ngẩm vì thật - giả khó lường. Sau clip giáo viên (GV) của MST English mắng học viên là "óc lợn" khiến dư luận dậy sóng, nhiều người mới biết trung tâm này có đến 3 cơ sở ở Hà Nội chưa được cấp phép vẫn ngang nhiên hoạt động trong thời gian dài.

Bát nháo

Cách đây vài ngày, lại thêm một Trung tâm Langmaster English (có 10 cơ sở tại Hà Nội) bị một GV tiếng Anh người nước ngoài tố chuyên đi đạo bản quyền bài giảng của nhiều tổ chức nổi tiếng như BBC Learning English, Internationl University of Japan, AJ.Hoge… và nhiều nguồn khác. GV này tìm được tới 100 video mà trung tâm này copy từ nhiều nơi khác.

Sau khi bị tố đạo bài giảng, ông Nguyễn Tiến Dũng - người sáng lập, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Langmaster English - thừa nhận vấn đề này và cho biết đã hạ toàn bộ các video được phản ánh, các video có liên quan đồng thời rà soát lại toàn bộ các video khác.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội (nay là ĐH Hà Nội), cũng khẳng định Trung tâm Langmaster English đã lợi dụng tên tuổi của ông để quảng cáo sai sự thật, tự ý đưa hình ảnh lên trang web với vai trò cố vấn.

Theo ông Hùng, nếu là cố vấn hay chuyên gia độc quyền của trung tâm ngoại ngữ này thì hai bên phải có hợp đồng và ông được trả lương. Tuy nhiên, ông không hề ký kết văn bản gì hay nhận thù lao từ trung tâm. Đã hơn 4 năm nay, ông Hùng và Trung tâm Langmaster English không hề có liên lạc hay cuộc gặp mặt nào.

Trước tình trạng bát nháo trên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Hữu Độ vừa ký văn bản yêu cầu tăng cường quản lý đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học. Theo đó, Bộ GD-ĐT đề nghị các sở GD-ĐT, các trường ĐH phải rà soát, đánh giá tổng thể hoạt động của các trung tâm đang hoạt động trên địa bàn hoặc thuộc phạm vi quản lý.

Đồng thời, phối hợp ban, ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về thành lập, cấp phép hoạt động, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ GV, đào tạo, bồi dưỡng của các trung tâm và có biện pháp xử lý kiên quyết sai phạm.

Siết chặt các trung tâm ngoại ngữ - Ảnh 1.

Một buổi học tại Trung tâm Langmaster English (Ảnh: Trung tâm Langmaster English)

Phải có nghiệp vụ sư phạm

Dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học cũng đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến trước khi ban hành vào cuối tháng 6-2018 với các quy định chặt chẽ hơn hẳn quy chế hiện hành. Cụ thể, giám đốc và phó giám đốc trung tâm phải có nhân thân tốt, đã tốt nghiệp ĐH ngoại ngữ hoặc tin học hoặc tốt nghiệp ĐH và có chứng chỉ đào tạo ngoại ngữ, tin học; đã hoạt động trong lĩnh vực giáo dục trong nước hoặc quốc tế ít nhất 3 năm... Theo quy chế hiện hành, chức danh phó giám đốc chỉ cần tốt nghiệp CĐ.

GV Việt Nam dạy ngoại ngữ phải tốt nghiệp CĐ sư phạm ngoại ngữ trở lên và chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tối thiểu từ bậc 4, theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và tương đương hoặc có bằng CĐ ngoại ngữ trở lên. GV muốn đứng lớp bắt buộc phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Giảng viên là người nước ngoài phải có bằng tốt nghiệp ĐH (quy chế hiện hành không có quy định này). Để tránh tình trạng cãi cọ như vụ cô giáo chửi học viên là "óc lợn", dự thảo quy chế cũng quy định hành vi, ngôn ngữ ứng xử của GV phải mẫu mực, có tác dụng giáo dục đối với học viên.

Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cho rằng việc quản lý các trung tâm ngoại ngữ, tin học đang bị buông lỏng. Có vẻ như chính quyền địa phương đang lờ đi nhiệm vụ của mình. Siết chặt các trung tâm ngoại ngữ là điều bắt buộc. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý cần có những quy định sát với thực tế. "Tôi thấy GV của các trung tâm tiếng Anh mà phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là yêu cầu khá cao!" - ông Khuyến nhận định.

Công khai các trung tâm được cấp phép

Ông Kiều Văn Minh, Trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên - Sở GD-ĐT TP Hà Nội, cho biết đơn vị này vừa công khai danh sách các trung tâm ngoại ngữ, tin học đã được cấp phép trên website chính thức của sở. Theo đó, sở đã cấp phép cho 513 trung tâm ngoại ngữ, tin học gồm 264 trung tâm ngoại ngữ có yếu tố nước ngoài, 202 trung tâm ngoại ngữ, tin học không có yếu tố nước ngoài và 47 trung tâm ngoại ngữ, tin học và nghiệp vụ chuyên ngành ngắn hạn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo