xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sợi dây ái quốc

Khi anh không cảm thấy liên quan tới đồng bào mình thì đừng nói là anh yêu nước.

TỪ BÀI VĂN CỦA ILYA EHRENBURG

Rất dễ, nhưng cũng thật khó định nghĩa thế nào là lòng yêu nước. Hồi nhỏ, khi tôi mới học lớp 4 ở trường học sinh miền Nam Phương Trung (Hà Đông), chúng tôi đã được học bài văn của văn hào Xô-viết Ilya Ehrenburg, bài văn khi dịch ra tiếng Việt - một bản dịch tuyệt vời của nhà văn, nhà báo Thép Mới - mang tên "Lòng yêu nước". Chúng tôi đã học thuộc lòng đoạn văn này. Lớn lên, rồi già đi, bộ nhớ có nhiều vấn đề nhưng vẫn còn nhớ được đoạn mở đầu:

"Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu con phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùi cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh".


Sợi dây ái quốc - Ảnh 1.

Bảo tàng ngầm thuộc Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma là một công trình biểu tượng cho 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988 Ảnh: T.L

Thuở bé, thực sự bọn trẻ con chúng tôi chưa thật hiểu thế nào là lòng yêu nước. Bài văn của Ehrenburg giúp chúng tôi hiểu một cách giản dị nhất nhưng cũng cốt lõi nhất lòng yêu nước là thế nào. Khi đã là người trưởng thành, khi đã vượt Trường Sơn trong chiến tranh chống Mỹ, tôi lại hiểu lòng yêu nước bắt đầu từ tình yêu mẹ mình. Yêu mẹ là tình yêu của đứa con. Vẫn là một tình yêu cụ thể, với người thân yêu nhất trong cuộc đời.

Nhưng khi đã nhiều năm sống trong chiến tranh, chia sẻ vô vàn cực khổ với đồng đội, với những người kháng chiến như mình, tôi lại hiểu tình yêu nước bắt đầu từ tình đồng đội. Rồi, khi đã thực sự sống trong lòng nhân dân vùng chiến sự, được nhân dân nuôi nấng, đùm bọc, sẻ chia từng bữa cơm, tôi lại nghĩ phải chăng lòng yêu nước bắt đầu từ tình yêu đồng bào mình, nhân dân mình.

Nói tất cả những tình yêu đó hợp lại thành tình yêu nước cũng đúng, mà nói trong từng tình yêu riêng lẻ ấy đều ẩn chứa tình yêu nước, cũng đúng.

HAI TIẾNG "ĐỒNG BÀO"

Tôi mới đọc một bài viết của giáo sư toán học Ngô Bảo Châu cũng về chủ đề lòng yêu nước. Anh viết: "Chắc chắn mỗi người yêu nước, hoặc không, theo một cách khác nhau. Nhưng tôi cho rằng yêu nước, về cơ bản, là cảm thấy "liên quan" đến số phận của đồng bào mình".

Tôi nghĩ đó chính là lòng yêu nước trong thời hiện đại, khi đất nước không có chiến tranh nhưng luôn bị ngoại bang đe dọa, khi những sự "liên quan" giữa cá nhân với đồng bào mình không còn quá sâu nặng như hồi trước, quá máu thịt như thời chiến tranh, khi mỗi số phận có thể tồn tại riêng lẻ giữa cuộc sống đầy những xô bồ này. Khi những người Việt phải lìa xa quê hương bản xứ, lìa xa Tổ quốc mình đi kiếm những cơ hội sống còn ở những quốc gia xa xôi và xa lạ không còn bị coi là "từ bỏ Tổ quốc" nữa, thì chính sợi dây "liên quan" giữa người Việt với nhau có thể gọi là tình yêu nước.

Vì tình yêu nước không bao giờ tách khỏi tình cảm, sự gắn bó với đồng bào mình. Nhiều người ở nước ngoài lâu năm, có khi gần cả cuộc đời, kể với tôi rằng mỗi khi nghe có người nói tiếng Việt, tự nhiên thấy gần gũi, thấy xốn xang, thấy như đó là một phần quê hương đang hiện hữu rất gần mình.

Thật khó giải thích những sợi dây liên quan nhiều khi rất tình cờ như thế. Mùa đông năm 1977, mấy anh em chúng tôi đi Lạng Sơn chơi. Sau khi nghe thanh niên nam nữ người dân tộc thiểu số hát trên tàu chợ, rồi uống rượu men lá rừng với món vịt quay lừng lẫy trong chợ Lạng Sơn, đêm ấy, chúng tôi ngủ lại ở một quán rượu khá bình dân tranh tre vách đất. Chủ quán rất ân cần cho chúng tôi ngủ nhờ miễn phí. Rượu say, nằm ổ rơm ấm, mấy anh em ngủ tít thò lò. Sáng ra, muốn đi bơi ở sông Kỳ Cùng, nhưng trời lạnh quá, nên thôi.

Quán rượu ấy, ông chủ quán vui tính ấy, vào năm 1979 đã bị quân Trung Quốc tràn qua Lạng Sơn đốt quán và giết hại. Tại sao chúng lại đốt quán và giết chủ quán thì chúng tôi không biết. Có thể, ông chủ quán không kịp chạy hoặc cứ nghĩ mình chẳng hại ai, chỉ bán rượu, chắc không ai nỡ hại mình. Vậy mà...

"Nơi tôi qua một lần

Ngủ một đêm nhà trọ

Những góc phố vôi phai loang lổ

Bỗng một ngày giặc thù xóa tan khi tôi ở xa"

("Thị xã Lạng Sơn", thơ tôi - Thanh Thảo)

Khi tôi biết tin về cái chết của ông chủ quán rượu hiền lành tốt bụng ấy ở Lạng Sơn tháng 2-1979, tự nhiên cảm giác như đó là cái chết của người có liên quan tình cảm với mình.

Sự liên quan là như thế. Và có thể chăng, từ đó dẫn tới lòng yêu nước?

Khi tôi tới viếng nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang), biết rằng trong số hơn 1.700 ngôi mộ ở nghĩa trang này, đã có tới 30 tỉnh, thành gửi xương máu con em mình góp vào. Nhìn những ngôi mộ ghi tên các liệt sĩ chỉ 18-20 tuổi, tôi và những người trong đoàn đã rơi nước mắt. Không liên quan sao được, khi họ là con em đồng bào mình!

Còn ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, với 10.000 ngôi mộ thì có đủ 63 tỉnh, thành của Việt Nam; mỗi tỉnh, thành có một khu vực riêng, nơi những người lính quê hương mình chết bên trong và cả bên ngoài Tổ quốc, về an nghỉ tại đây. Các anh quản trang kể đêm đêm họ vẫn nghe mồn một tiếng quân đi rầm rập, tiếng những người hô khẩu lệnh tập hợp, cùng những âm thanh quen thuộc của một đoàn quân. Thực lòng, tôi không thấy sợ mà chỉ thấy đau. Có liên quan không, khi họ đã từng là đồng đội mình, dù bây giờ họ ở một thế giới khác?

Nếu không có chiến tranh, chưa chắc tôi và hàng triệu người lính Việt đã biết tới Trường Sơn, đã một lần đi qua Trường Sơn.

Nhưng dân tộc chúng ta đã buộc phải liên quan tới dãy Trường Sơn hùng vĩ đó, cả Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây.

Chợt nhớ bài thơ Phạm Tiến Duật và ca khúc phổ bài thơ ấy của nhạc sĩ Hoàng Hiệp mà chúng ta quen gọi là bài hát "Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây". Bấy giờ, Tổ quốc là núi. Còn từ ngày thống nhất năm 1975, Tổ quốc còn là biển, biển Đông, nơi 50 người con của Lạc Long Quân - Âu Cơ đã giong thuyền, giong bè lập nghiệp, mở ra cánh cửa đến với thế giới. Và nay thì những người lính Việt lại tiếp tục dùng xương máu mình bảo vệ từng tấc biển đảo, nơi họ mới tới lần đầu, và có thể, như các chiến sĩ Gạc Ma, mãi mãi không còn trở về đất liền. Có liên quan không giữa mảnh đất hình chữ S với biển Đông thuộc chủ quyền, thuộc đặc quyền của đất nước?

Những gì thuộc về Việt Nam, thuộc về "đồng bào" - hai từ không thể dịch chính xác sang ngoại ngữ khác - đều liên quan đến mỗi chúng ta, đều khiến chúng ta yêu thương, lo nghĩ hay nhức nhối.

Như thế, vẫn có một mẫu số chung của lòng yêu nước Việt Nam qua tất cả các thời đại, nó hoàn toàn dễ hiểu và không có gì khó lý giải.

Nếu luật pháp mỗi quốc gia bảo vệ quyền cá nhân, riêng tư của mỗi con người thì luật pháp quốc tế bảo vệ chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia.

Nhưng ở giữa những quyền ấy thì người Việt Nam còn nghe tha thiết vang lên hai tiếng "đồng bào". Hai tiếng thân thương ấy kết nối người Việt lại với nhau, dù họ đang ở quê nhà mình hay đang ở bất cứ nơi đâu trên thế giới này. Khi có những người Việt Nam vì sinh kế phải liều thân kiếm tiền nuôi gia đình và chết thảm ở xứ người, lòng chúng ta quặn đau dù chúng ta không có họ hàng bà con gì với họ. Nhưng họ là đồng bào của chúng ta. Khi nghe tin họ chết, không thể buông một câu hững hờ: "Đáng tiếc, không liên quan!". Khi anh không còn cảm thấy liên quan với đồng bào mình thì đừng nói là anh yêu nước.

* * *

Có thể hàng triệu người Việt Nam chưa từng có dịp ra thăm bãi Tư Chính thuộc chủ quyền, đặc quyền Việt Nam nhưng chưa ra không có nghĩa là không liên quan. Và bây giờ, bãi Tư Chính này chính là điểm nhấn cụ thể của lòng yêu nước. Đó là tình yêu thương những người lính đang chịu vô vàn gian khổ bảo vệ chủ quyền vùng lãnh thổ trên biển này của Việt Nam. Chúng ta liên quan tới họ bằng tình yêu nước, nghĩa đồng bào, bằng dòng máu Việt bất khuất trước mọi kẻ thù.

Liên quan là như vậy.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo