xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sống chung với nguồn ô nhiễm

LÊ PHONG - THU HỒNG

Những ngày qua, bầu trời tại TP HCM có màu trắng đục, nhiều cảnh báo đưa ra với mức độ đánh giá "không khí tại TP HCM ô nhiễm" khiến các hộ dân sống cạnh các nguồn ô nhiễm vốn đã lo nay càng thêm sợ

Việc di dời các doanh nghiệp (DN) sản xuất dễ phát sinh ô nhiễm xen cài trong khu dân cư, từ nội thành ra các khu, cụm công nghiệp ngoại thành nhằm hạn chế ô nhiễm khu vực nội đô, giúp cơ quan chức năng dễ dàng kiểm soát nguồn thải đến nay khó có thể thành hiện thực. Bởi, ngoài một số DN "chây ì" di dời thì tại các khu, cụm công nghiệp ở ngoại thành vẫn còn tình trạng lén lút xả nước thải chưa qua xử lý thẳng ra kênh, rạch.

Nước kênh như cá... bảy màu

Những ngày này, đến xã Vĩnh Lộc A và B, huyện Bình Chánh, ai cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh những con kênh "đổi màu". Ông Mai Văn Thanh (56 tuổi, sống ở xã Vĩnh Lộc A - gần Khu Di tích Nữ Công Nhân Hỏa Tuyến) than thở khi căn nhà rộng rãi thoáng mát với đầy đủ sân vườn của ông luôn trong tình trạng đóng chặt cửa vì mùi hôi thối bốc lên từ các con kênh.

Ông Thanh kể hơn 20 năm trước, cả gia đình sống cạnh kênh Tham Lương - Bến Cát (đoạn thuộc quận Bình Tân, TP HCM) với nghề chính là trồng rau. Tuy nhiên, khi con kênh này ô nhiễm nặng bởi các xưởng sản xuất xả thải không qua xử lý cũng là lúc nghề trồng rau không thể tiếp tục.

Đắn đo suy nghĩ, ông Thanh quyết định bán nhà để ra Bình Chánh tiếp tục nghề trồng rau, nuôi bò. Nhưng rồi, mấy năm nay, bò liên tục bị… vô sinh. "Các con kênh, rạch ở đây giống như cá bảy màu. Lúc đen ngòm, lúc tím, khi đỏ quạch, có ngày xanh như mực… Chỉ cần đứng trong vòng 1 giờ sẽ thấy chúng đổi màu liên tục. Nước ở đây ngấm vào cỏ, ngấm vào nước sinh hoạt thế là bò teo đi, vô sinh" - ông Thanh nói và dẫn chúng tôi đi một vòng sang xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) và Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) cứ gặp con kênh nào là thấy nước kênh liên tục đổi màu và mùi hôi thối bốc lên.

Sống chung với nguồn ô nhiễm - Ảnh 1.

Ngoài rác đặc nghẹt thì nước con kênh B liên tục bị đổi màu, bốc mùi hôi thối khiến cư dân lo lắng Ảnh: THU HỒNG

Tương tự, người dân ở xã Lê Minh Xuân, xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh) phản ánh rằng hiện họ đang phải thấp thỏm lo âu bởi sương mù bay là là khiến mùi hôi, khói bụi từ KCN và Tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân (KTTCN Lê Minh Xuân) càng tích tụ lâu, việc hít thở không khí trong những ngày này khiến nhiều người đổ bệnh.

Thật vậy, đi dọc đường Láng Le, men theo kênh B, chúng tôi tìm đến khu dân cư sát KTTCN Lê Minh Xuân. Đến nơi, chúng tôi lập tức phải hít thở bầu không khí tràn ngập mùi hôi từ con kênh B bốc lên, rất đặc trưng không lẫn vào đâu được. Người dân cho hay bao nhiêu năm nay, kênh B vẫn một màu đen kịt, nhiều đoạn ngập trong rác, một số đoạn nước có màu nâu đỏ. Không lạ gì hình ảnh nước kênh liên tục đổi màu, anh Phong (ấp 1, xã Tân Nhựt) khẳng định: "Do mấy ông trong KTTCN xả ra thôi, mấy ngày nay lúc nâu lúc đỏ, chắc từ các xưởng nhuộm bên trong".

Tiếp tục đi một vòng trong KTTCN Lê Minh Xuân, chúng tôi ghi nhận các hố ga - là nơi các xí nghiệp tranh thủ xả nước thải chưa qua xử lý xuống cống thoát nước, một số miệng hố ga ngập trong nước thải đen sì, chực trào ra ngoài. Cạnh một cơ sở chứa vật tư không tên nằm trên đường số 6, nước từ trong liên tục chảy ra theo mé tường đến miệng hố ga với màu nước đỏ nhạt bất thường.

Thấy chúng tôi đưa máy lên chụp ảnh, chị Dương Kim Ngân (sống bên nhánh kênh B) lắc đầu: Nước đổi màu hoài, khi đen khi đỏ, không có gì lạ, dù các họng xả nước mưa đã khóa lại nhưng không hiểu sao nước kênh vẫn bị nhuộm đỏ. "Chúng tôi ở đây đành phải chấp nhận chứ không biết kêu ai" - chị Ngân ngao ngán.

Đi vòng qua kênh 9, chúng tôi cũng nghe tiếng trách than, thở dài của người dân, theo họ, từ khi KTTCN Lê Minh Xuân hoạt động cũng là lúc dòng nước kênh 9 đen kịt, hôi thối và không mong ngày nó trong xanh trở lại. Bởi chỉ cách nhau con đường đất đỏ (ngăn dòng kênh 9 với các thửa ruộng của dân) đã thấy sự khác biệt "một trời một vực", bên đây ruộng đồng nước vẫn trong xanh với những cánh đồng lúa đang chờ gặt nhưng bên kia dòng kênh, mọi sự sống của cá tôm đều chết sạch.

Khói độc bủa vây cư dân

Không chỉ đầu độc kênh, mùi hôi, mùi khét từ các xưởng nấu cao su, nấu gang, hạt điều trong KCN - TTCN Lê Minh Xuân cũng đang đua nhau làm khổ cư dân. "Cứ vài ba ngày, chúng tôi lại lãnh hậu quả vì xả khói hôi, đến ngạt thở. Mỗi lúc như vậy, chúng tôi lùa hết trẻ nhỏ vào nhà đóng kín cửa lại" - anh Phong bức xúc nói.

Đi dọc đường số 6 trong KTTCN Lê Minh Xuân, chúng tôi thực sự ngộp trong đám khói đen từ các ống khói của các xí nghiệp nấu gang, đồng; xử lý tái chế chất thải nguy hại, xí nghiệp dệt, nhuộm, nấu cao su… Cột khói nào cũng đen sì, bay là đà. Như quá quen với việc này nên nhiều công nhân vô tư làm việc mà không hề trang bị khẩu trang. "Tầm sáng sớm và chiều tối thì mùi hôi từ các ống khói của KTTCN xả ra, chịu không nổi, thỉnh thoảng lại có mùi thuốc trừ sâu nồng nặc đến ngạt thở. Cách đây hơn 2 tháng, hàng chục hộ dân sống dọc kênh 8, kênh 9 phải chịu cảnh bụi than đen kịt suốt 2 tuần liền mà không biết thủ phạm là ai, lúc đó chỉ cần đi chân đất trong nhà là 2 bàn chân đen kịt" - chị Dương Kim Ngân kể.

Rời Bình Chánh, chúng tôi thẳng tiến đến xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn. Cho chúng tôi xem ống khóa bị ôxy hóa đen sì trên tay, ông Trần Văn Đại (73 tuổi; ngụ số 61/3 đường Tiền Lân 15, xã Bà Điểm) nói gia đình ông bán nhà ở nội thành dời về đây sinh sống từ năm 2000. Cứ nghĩ về ngoại ô được hít thở không khí trong lành nhưng ngờ đâu lại nơm nớp lo vì chịu đựng mùi hôi, khói thải của các xí nghiệp, nhà máy quanh khu dân cư thải ra. "Tầm 2 - 3 ngày, khu dân cư này phải hứng chịu mùi hôi thối nồng nặc từ nhà máy thuộc da H.Th nằm bên KCN Vĩnh Lộc, mùi hôi chịu không nổi, nhất là những ngày nắng nóng, người lớn, trẻ nhỏ thường xuyên bị viêm mũi, viêm họng do hít phải mùi hôi này. Chưa kể, ngay phía sau khu dân cư này có nhiều cơ sở xẻ đá của tư nhân, bụi đá liên tục bay qua khu dân cư, người dân chỉ biết thở dài chịu đựng" - ông Đại bức xúc.

Dọc đường Tiền Lân 14, 15 của xã Bà Điểm có hàng trăm hộ dân sinh sống xen kẽ với hơn 10 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, từ bao bì, sắt thép đến sửa chữa máy móc. Không chỉ chịu đựng tiếng ồn từ những cơ sở này mà bụi, khói phát ra từ các nhà xưởng khiến người dân khổ sở chịu đựng nhiều năm nay.

Tương tự, do là địa bàn giáp ranh giữa huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn, đường Phạm Văn Sáng dài 1,5 km nhưng có hơn 10 cơ sở nhỏ lẻ với những ngành nghề như phế liệu, xưởng cưa, dệt, sơn tĩnh điện hoạt động, chưa kể nhiều cơ sở không tên nằm rải rác dọc kênh thoát nước, xây dựng tạm bợ, nhếch nhác. Trong cơn mưa sáng 16-9, đi dọc đường Phạm Văn Sáng, chúng tôi phải nín thở nhiều lần bởi không khí đặc quánh mùi khói từ cột khói đen ngòm xả ra từ một xưởng cưa. Ông Sáu Thành - người dân ấp 2, xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) - bức xúc: "Trời nắng còn đỡ chứ mấy hôm trời mưa, khói đen bay là là, u ám cả khu dân cư, phải hít thở không khí ô nhiễm như thế này khiến ai cũng mệt mỏi, khó chịu". 

Khó hiểu những ống khói giữa nội thành

"Ngoại thành đã khổ nhưng sống ở nội thành cũng đâu có thoát" - bà Võ Thị Bích (ngụ tầng 4 chung cư Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP HCM) nhận xét. Bà Bích cho hay nhà bà luôn bịt kín cửa và sử dụng máy lạnh để điều hòa không khí. Bởi cạnh đó, KCN Tân Bình xuất hiện nhiều ống khói xả bay về hướng dân cư. "Lỡ mua nhà phải chịu trận. Nhưng không thể nghĩ rằng các ống khói như thế lại tồn tại trong KCN giữa nội thành, bởi lẽ, đúng ra những nhà máy như vậy phải bị buộc dời đi" - bà Bích thở dài.

6-LEGBOX

Một nhà máy chế biến thực phẩm tại KCN Tân Bình, quận Tân Phú, TP HCM vô tư thải khói, dù xung quanh nhà máy này toàn khu dân cư Ảnh: LÊ PHONG

Theo ghi nhận từ flycam của chúng tôi, KCN Tân Bình nằm lọt thỏm giữa khu dân cư đông đúc người ở. Ít nhất bắt gặp 5 ống khói từ 3 cơ sở sản xuất thực phẩm thải ra và gió lùa về hướng Tây nơi có nhiều chung cư.

"Sức khỏe của tôi và các thành viên trong gia đình ngày càng xuống cấp, bệnh liên quan đến hô hấp tìm đến liên tục nhưng không thể dời nhà đi khỏi khu vực ảnh hưởng của KTTCN Lê Minh Xuân vì điều kiện không cho phép".

Chị Dương Kim Ngân

Kỳ tới: Loay hoay tìm chỗ di dời

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo