xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sự thật khó tin ở các cơ sở gây ô nhiễm: Những giải pháp sát sườn

Bài và ảnh: THU HỒNG

Trong quá trình xử lý các cơ sở gây ô nhiễm, có địa phương đã đưa ra giải pháp thiết thực để bảo đảm an toàn cho khu dân cư nhưng không quá ảnh hưởng đến doanh nghiệp

Xử lý vi phạm đất đai, xây dựng của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường khi xây dựng không phép, sai phép nằm trong tầm tay của các địa phương nhưng nhiều địa phương cho rằng thực hiện rất nan giải. Thế nhưng, trước việc Báo Người Lao Động liên tục phản ánh, UBND huyện Bình Chánh (TP HCM) - điểm nóng với hàng trăm cơ sở gây ô nhiễm từ nội thành chuyển ra - thông tin đã có giải pháp và đề xuất khá phù hợp với tình hình thực tế.

Phân loại tỉ mỉ, xử lý dứt khoát vi phạm đất đai

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, chia sẻ cũng giống như các địa phương khác, quá trình kiểm tra, xử lý các vi phạm về lĩnh vực môi trường, UBND huyện đã gặp không ít khó khăn, trở ngại như chủ cơ sở không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (chỉ đạt 42,56%), chủ cơ sở đối phó liên tục thay đổi pháp nhân để hoạt động, thay đổi thời gian hoạt động vào ban đêm...Ngoài ra, các văn bản pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể về tổ chức cưỡng chế đối với trường hợp không chấp hành thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Trước thực trạng trên, để công tác xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường có hiệu quả, giải tỏa bức xúc của người dân, ông Nguyễn Văn Tài cho hay cuối năm 2019, UBND huyện đã thống nhất chỉ đạo các xã, thị trấn xử lý các vi phạm đất đai song hành với vi phạm môi trường thông qua rà soát 289 cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm. Qua 2 tháng rà soát, có 185/289 cơ sở (và tiếp tục cập nhật) được phân loại và chia làm 4 nhóm.

Sự thật khó tin ở các cơ sở gây ô nhiễm: Những giải pháp sát sườn - Ảnh 1.

Một công ty nấu nhớt không tên trên đường Trần Thị Ly, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn thường xuyên xả khói đen ra môi trường

Nhóm 1 có 77 trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp, trong đó 8/77 trường hợp tạo lập trước ngày 1-7-2004, UBND xã đã lập biên bản xử phạt vi phạm 4/8 trường hợp, chưa tiến hành cưỡng chế; 35/77 trường hợp tạo lập sau ngày 1-7-2004, UBND xã lập biên bản xử phạt vi phạm 10/35 trường hợp (trong đó quy hoạch đất ở 7/35, 12/35 trường hợp quy hoạch là đất nông nghiệp; còn lại là quy hoạch công trình công cộng, công viên, đường, khu dân cư mới); chưa xác định thời điểm tạo lập 34/77 trường hợp.

Nhóm 2 có 16 công trình xây dựng trên đất ở và một phần đất nông nghiệp, trong đó 6/16 trường hợp tạo lập trước ngày 1-7-2004 và 2/16 trường hợp tạo lập sau thời điểm này; số còn lại chưa xác định thời điểm tạo lập.

Nhóm 3 có 67 trường hợp xây dựng công trình trên đất ở, trong đó 25/67 trường hợp tạo lập trước ngày 1-7-2004 (trong đó 2 trường hợp quy hoạch là công viên cây xanh và công trình công cộng); 21/67 trường hợp tạo lập sau thời điểm trên; số còn lại chưa xác định thời điểm tạo lập.

Nhóm 4 có 25 trường hợp xây dựng công trình trên đất sản xuất, gồm 10/25 trường hợp tạo lập trước ngày 1-7-2004 (trong đó 2 trường hợp quy hoạch là đất nông nghiệp, 3 trường hợp quy hoạch là đất ở); 8/25 trường hợp tạo lập sau thời điểm trên; số còn lại chưa xác định thời điểm tạo lập.

Theo ông Nguyễn Văn Tài, sau khi phân loại, địa phương đã đưa ra giải pháp xử lý cụ thể. Theo đó, ở nhóm 1 và 2, đối với các trường hợp xây dựng trước ngày 1-7-2004 và phù hợp quy hoạch sẽ được hướng dẫn chuyển đổi ngành nghề, công nghệ, không gây ô nhiễm môi trường; các công trình xây dựng sau thời điểm trên, nếu không phù hợp quy hoạch sẽ xử lý vi phạm đất đai và vi phạm môi trường theo đúng quy định, thời gian thực hiện trong năm 2020. Ở nhóm 3 và 4, dù là đất ở hay đất sản xuất, nếu bảo đảm quy hoạch thì địa phương sẽ hướng dẫn các cơ sở đầu tư công nghệ, thay đổi ngành nghề bảo đảm môi trường, nếu chủ cơ sở không chấp hành thì buộc di dời ra khỏi khu dân cư.

Ngoài 4 nhóm trên, ông Nguyễn Văn Tài còn thông tin UBND huyện này đã thống kê 41/289 trường hợp có ngành nghề phù hợp để di dời vào KCN An Hạ và KCN Lê Minh Xuân 3.

Địa phương phải chủ động

Chia sẻ về câu chuyện di dời các cơ sở nhỏ lẻ vào KCN, cụm công nghiệp, đại diện Ban Quản lý Các KCX-KCN TP (HEPZA) cho rằng thực tế không dễ thực hiện nhưng nếu địa phương quyết tâm thì sẽ làm được.

Phân tích lý do không dễ di dời, đại diện HEPZA nói có không ít chủ cơ sở không đủ năng lực tài chính cũng như không bảo đảm các điều kiện, yêu cầu về diện tích thuê đất của các KCN (trung bình diện tích đất thuê tại KCN là từ 5.000 m2, trong khi các cơ sở nhỏ lẻ chỉ cần thuê vài trăm đến 1.000 m2). Bằng chứng ở đây là việc thí điểm di dời hơn 20 cơ sở giặt, nhuộm tại quận 12. Qua 4 năm thực hiện, đến nay chỉ có 16 doanh nghiệp (DN) đang xây dựng nhà xưởng tại KCN Lê Minh Xuân 3, số còn lại vẫn bám trụ vì chưa thỏa thuận được giá cấp hơi khi vào KCN này.

"Đấy là khi thực hiện thí điểm, UBND TP có chính sách ưu đãi về giá thuê đất, giảm còn 80 USD/m2 thay vì 120 USD/m2 như giá thị trường, chưa kể 16 DN trên hầu hết có khả năng tài chính nhưng khi vận động di dời vào KCN Lê Minh Xuân 3 vẫn gặp nhiều khó khăn vì vấp phải bài toán tài chính. Bởi khi vào KCN, các DN phải trả thêm chi phí nước cấp, chi phí xử lý nước thải và chi phí cấp hơi (thay vì trước đây chỉ khai thác nước ngầm, không tốn phí cấp hơi mà sử dụng nguyên liệu đốt...)" - vị đại diện HEPZA phân tích. Vị này nhấn mạnh với hàng ngàn cơ sở sản xuất nhỏ lẻ xen cài trong khu dân cư thì việc di dời vào KCN càng nan giải hơn.

Tuy nhiên, nan giải không đồng nghĩa với không làm được. Theo đại diện HEPZA, để giải quyết bài toán này, địa phương phải chủ động, bằng cách liên tục rà soát, vận động, nhận định tiềm lực của DN, nếu thấy DN đủ điều kiện vào KCN thì HEPZA sẽ hỗ trợ.

"Câu chuyện của huyện Bình Chánh là một điển hình. Vừa rồi, huyện Bình Chánh đã chủ động rà soát và đề xuất HEPZA hỗ trợ đưa 41 DN vào KCN. Đây là giải pháp khá căn cơ" - vị đại diện HEPZA nói và đề xuất các địa phương cũng nên chủ động thành lập cụm công nghiệp để đưa các DN nhỏ lẻ gây ô nhiễm vào để quản lý tập trung, xử lý dứt điểm ô nhiễm thay vì cứ đẩy đuổi từ nơi này qua nơi khác như hiện nay. 

Giám sát chặt kết quả thực hiện

Ông Nguyễn Văn Tài cho rằng so với diện tích và dân số thì cán bộ của huyện Bình Chánh quá ít, khối lượng công việc nhiều. Vì vậy, để thực hiện kế hoạch trên, phải mất từ 1 đến 2 năm, trước mắt tập trung giải quyết các nhóm 1 và 2. "Ngoài ra, để thực hiện nghiêm và tránh trường hợp các xã rà soát không đúng, không đủ, mỗi tuần UBND huyện đều họp giao ban với các xã, thị trấn báo cáo tiến độ thực hiện, xử lý các công trình vi phạm, cập nhật trường hợp mới. Trên cơ sở đó, huyện sẽ chỉ đạo giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn. Không chỉ lãnh đạo các xã mà MTTQ, công an khu vực và các trưởng ấp cũng vào cuộc cùng giám sát kết quả thực hiện" - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh nhấn mạnh.

Cần xem xét sửa quy định cắt điện, nước

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM, quy định xử phạt hiện nay đối với các cơ sở gây ô nhiễm chủ yếu là phạt tiền, ngoài ra có các hình thức phạt bổ sung và khắc phục hậu quả như tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, tịch thu tang vật, tạm đình chỉ hoạt động... Tuy nhiên, Luật Xử phạt vi phạm hành chính chỉ quy định biện pháp cưỡng chế đối với việc thu tiền phạt; cưỡng chế một số biện pháp khắc phục hậu quả, cưỡng chế biện pháp xử phạt bổ sung đối với tịch thu tang vật, tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề mà chưa quy định về cưỡng chế thi hành biện pháp đình chỉ hoạt động. Chính điều này đã gây khó khăn trong quá trình xử lý cơ sở gây ô nhiễm, bởi các cơ sở này chỉ chấp hành nộp phạt nhưng không chấp hành các biện pháp khắc phục hậu quả hay đình chỉ hoạt động.

Để xử lý hiệu quả, Sở TN-MT nhìn nhận việc ngừng cung cấp điện, nước là biện pháp hữu hiệu buộc cơ sở gây ô nhiễm chấp hành để khắc phục hậu quả. Do đó, sở này đã kiến nghị UBND TP kiến nghị Bộ TN-MT xem xét sửa đổi các quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng bổ sung biện pháp ngừng cung cấp điện, nước để các cơ sở gây ô nhiễm chấp hành nghiêm quyết định xử phạt. Ngoài ra, kiến nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, bổ sung các quy định ràng buộc trong việc cung cấp điện, nước đối với ngành điện, nước cho các cá nhân, tổ chức hoạt động sản xuất - kinh doanh khi những đơn vị này vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị đình chỉ hoạt động.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 3-3

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo