xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tách giải phóng mặt bằng khỏi dự án tổng thể

Bài và ảnh: MINH CHIẾN

Việc tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ toàn bộ dự án. Trước mắt, chỉ thí điểm ở vài dự án và phải bảo đảm phát huy hiệu quả, tránh trục lợi, gây thất thoát, lãng phí

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), dự kiến giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 31-10 là hơn 257.387 tỉ đồng, đạt 55,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nguyên nhân cố hữu dẫn đến tình trạng chậm giải ngân là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB).

Hàng ngàn dự án "tắc" do giải phóng mặt bằng

Bộ KH-ĐT đang hoàn thiện dự thảo đề án thí điểm tách phần hỗ trợ, bồi thường, tái định cư, GPMB ra khỏi dự án đầu tư, thành một dự án độc lập.

Việc tách GPMB ra khỏi dự án đầu tư được kỳ vọng là giải pháp quan trọng tháo gỡ điểm nghẽn giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ toàn bộ dự án. Theo con số mà Bộ KH-ĐT đưa ra năm 2020, khoảng 1.900 dự án đầu tư chậm tiến độ, trong đó gần 1.100 dự án gặp vướng mắc do GPMB. Năm 2021, vấn đề GPMB tiếp tục là nguyên nhân gây "tắc" vốn đầu tư công.

Ngay tại Hà Nội, không khó để kể ra vài dự án chậm tiến độ cả chục năm do khâu GPMB. Dự án đường Vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1 được UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch từ năm 2002, quyết định GPMB từ năm 2010. Sau 11 năm, việc GPMB chưa hoàn thành do còn nhiều vướng mắc, khiến dự án thi công không đạt tiến độ đề ra.

Tách giải phóng mặt bằng khỏi dự án tổng thể - Ảnh 1.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội chậm tiến độ một phần do vướng mắc giải phóng mặt bằng

Đề án mà Bộ KH-ĐT đang hoàn thiện sẽ cho phép tách riêng GPMB đối với dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tổng thể (bao gồm cả dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài). Việc này tạo điều kiện triển khai GPMB ngay sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án có phạm vi sử dụng đất rõ ràng, rút ngắn thời gian hoàn thiện dự án, giảm chi phí GPMB có thể phát sinh sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, hạn chế việc điều chỉnh dự án.

Đối với dự án do bộ, cơ quan trung ương quản lý thực hiện trên địa bàn địa phương, HĐND cấp tỉnh quyết định việc bố trí vốn ngân sách địa phương tham gia thực hiện GPMB được tách riêng từ dự án tổng thể, sau khi đã có thống nhất với bộ, cơ quan trung ương.

Cơ quan xây dựng đề án nhấn mạnh việc tách riêng GPMB thành một dự án độc lập sẽ giúp phân định, làm rõ trách nhiệm của từng cấp liên quan trong GPMB, xác định đúng chủ thể liên quan trong việc áp dụng các chế tài xử lý; nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, linh hoạt của các ngành, các cấp.

Theo Bộ KH-ĐT, việc này áp dụng thí điểm theo cơ chế chọn lựa đối tượng dự án trên cơ sở đánh giá sự cần thiết, tính hiệu quả; không triển khai rộng rãi cho tất cả các dự án. Cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án chịu trách nhiệm về việc tách riêng dự án GPMB, bảo đảm phát huy hiệu quả của chính sách, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, gây thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm.

Cần phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, GS-TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết vừa qua, một số dự án trọng điểm quốc gia đã được cấp có thẩm quyền quyết định tách riêng công tác GPMB, như dự án Sân bay quốc tế Long Thành. Việc tách GPMB ra khỏi dự án được xem như một bước trong quá trình tự thực hiện dự án tổng thể, để có mặt bằng sạch rồi triển khai xây dựng, thi công.

Trên thực tế, việc tách GPMB ra thành một dự án độc lập chưa hoàn toàn là yếu tố thúc đẩy nhanh công tác này bởi vướng mắc thường nằm ở câu chuyện bồi thường, xác định giá đất. Theo GS-TS Đặng Hùng Võ, cần có tiêu chí để xem xét, phân loại các dự án thường vướng mắc GPMB, từ đó triển khai thí điểm sẽ có hiệu quả hơn. Sau khi thí điểm ở những dự án nhóm B, C như đề xuất của Bộ KH-ĐT thì cần tổng kết, đánh giá lại.

Nhìn nhận những vướng mắc về thể chế đang là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch đề ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết bộ đang tham mưu với Thủ tướng Chính phủ kịp thời tháo gỡ, trong đó có việc cần tách đền bù GPMB ra khỏi dự án tổng thể.

Nếu gom toàn bộ việc GPMB vào trong dự án thì khi phê duyệt dự án xong mới GPMB. "Như vậy, sẽ mất hơn một năm rồi sau đó mới bắt đầu GPMB được, trong khi có rất nhiều công việc phải làm trước, như: xác định nguồn gốc đất, xây dựng đơn giá, thu hồi" - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phân tích.

Để đẩy nhanh tiến độ giải đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng cân phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho địa phương. 

Phân định trách nhiệm cụ thể

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) nhìn nhận GPMB là nguyên nhân tồn tại nhiều năm nay, ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn đầu tư công. Do đó, Quốc hội và Chính phủ cần sớm cho phép triển khai việc tách GPMB ra thành dự án riêng. Điều này phải gắn với cơ chế phân công và xác định trách nhiệm của người đứng đầu một cách rõ ràng, minh bạch.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, cho rằng việc tách GPMB ra khỏi dự án đầu tư sẽ phân định rõ trách nhiệm từng cấp liên quan, giảm áp lực về thời gian và tiến độ thực hiện dự án tổng thể. Tuy nhiên, GPMB gặp khó thời gian qua có các nguyên nhân đến từ việc xác minh nguồn gốc đất, mức giá bồi thường để thu hồi đất, việc thu hồi đất còn có tình trạng thiếu minh bạch. Các cơ quan quản lý cần quan tâm khắc phục triệt để các bất cập này để việc tách dự án thực sự mang lại đột phá trong việc đẩy nhanh công tác GPMB.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo