xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tan hoang sau lũ dữ

HOÀNG PHÚC - LÊ PHONG - ĐỨC NGHĨA

Lũ cuốn đi gần như tất cả tài sản của người dân và để lại những đống đổ nát, rác rến cùng ngập ngụa bùn non

Trong ngày 21-10, ở tỉnh Quảng Bình mưa đã tạm ngưng, nước lũ rút xuống để lộ cảnh hoang tàn khắp nơi.

Mất tất cả

Xã miền núi Ngư Hóa của huyện Tuyên Hóa là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề trong đợt lũ vừa qua. Ngồi thất thần bên đống đổ nát, anh Nguyễn Tiến Khang (ngụ xã Ngư Hóa) cho biết sau 2 ngày chạy lũ trở về, anh bàng hoàng khi không còn thấy căn nhà đâu nữa, chỉ trơ lại phần móng. "Mất tất cả rồi. Không còn gì để gầy dựng lại cuộc sống nữa rồi. Từ sáng đến giờ hàng xóm cho bát cơm, gói mì tôm ăn vội chứ không cả nhà tôi chết đói" - anh Khang nói.

Tan hoang sau lũ dữ - Ảnh 1.

Nhà sập sau lũ, một người dân ở xã Ngư Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình che tạm một túp lều để nấu ăn. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã Ngư Hóa, cho biết dù là vùng núi nhưng toàn xã có 76/166 nhà dân bị ngập, hư hỏng, trong khi những thiệt hại về gia súc, gia cầm và hoa màu thì không kể xiết. "Lũ đã rút nhưng hậu quả của nó để lại còn hết sức nặng nề. Trên địa bàn xã vẫn mất điện do nhiều cột điện bị gãy đổ, nguồn lương thực, thực phẩm đã cạn kiệt" - ông Phong lo lắng.

Chiến đấu với bùn non

Trong khi đó, tại huyện Quảng Trạch của tỉnh Quảng Bình, dù nước sông Gianh đã rút dần nhưng vẫn còn hơn 1.000 nhà dân tại các xã Phù Hóa, Cảnh Hóa, Quảng Phương bị ngập. Sau 3 ngày bị ngâm trong nước lũ, lượng rác thải, bùn đất trôi từ khắp nơi về vây lấy thôn làng, trường học...

Từ sáng sớm 21-10, các trường học ở xã Phù Hóa, giáo viên, phụ huynh tất bật dọn dẹp bùn non, rác thải để chuẩn bị cho học sinh đi học trở lại. Thầy Hoàng Quốc Nga, Hiệu trưởng Trường THCS xã Phù Hóa, cho biết trong lũ, trường này bị nước dâng cao ngập hơn 2 m. Khi nước rút, ngôi trường ngập trong rác và bùn non.

Tại Trường Mầm non xã Quảng Thanh, do ngập sâu đến 3 m nên nhiều tài liệu, sách vở và thiết bị dạy học bị hư hỏng. Sân trường bùn non đặc quánh, dày hơn 30 cm. Cô Nguyễn Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quảng Thanh, buồn bã nói: "Mới 10 ngày trước, trường bị nước ngâm mấy ngày liên tiếp, các cô phải còng lưng dọn dẹp, khi trường lớp sạch sẽ thì đón thêm trận lũ mới. Nước đi qua mọi thứ hư hết, không còn chi nữa".

Ông Phan Thanh Xuân, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quảng Trạch, cho biết toàn huyện có 13 trường học bị ngập nước hư hỏng nhiều tài sản, thiệt hại ước tính trên 7 tỉ đồng.

Tình hình tương tự cũng diễn ra ở 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh. Dù mưa đã ngưng, nước đã rút dần nhưng một số xã vẫn còn ngập nên học sinh chưa thể trở lại trường.

Lo chuyện nước sạch và cái ăn

Đến chiều 21-10, Tỉnh lộ 8, đoạn qua xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, vẫn còn bị nước chia cắt. Tuy nhiên, so với 2 ngày trước, mực nước không còn xâm lấn vào nhà dân. Người dân đang nỗ lực dọn dẹp bùn non.

Ông Trần Viết Chiến (45 tuổi, ngụ xã Hải Dương) cho biết đây là trận lũ lịch sử và kéo dài hơn 8 ngày. Nước lũ rút đi thì người dân phải đối mặt việc thiếu nước sạch bởi giếng ngập ngụa bùn đất. "Suốt đêm qua tôi thức trắng và vắt kiệt sức để dọn dẹp bùn. Bởi nước lũ khi hạ xuống bao nhiêu thì tranh thủ dùng chổi quét ra bấy nhiêu. Bùn và rác thải cao hơn nửa mét. Nếu muốn dọn phải mất 2-3 ngày" - ông Chiến than thở.

Tại xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, nhiều xe gắn máy không thể đi lại vì bùn cao hơn nửa bánh xe. Có một số chỗ, xác động vật chết nằm vắt ngang đường, bốc mùi hôi thối. Mấy hôm trước nước lũ dâng cao, người dân chạy đến nơi an toàn và nay quay về dọn dẹp và bắt đầu chạy lo miếng ăn. 

Nhiều xã ở Hà Tĩnh vẫn ngập sâu

Trong ngày 21-10, mặc dù trời không mưa, nước đã rút nhiều nhưng tại nhiều xã ở 2 huyện Cẩm Xuyên và Thạch Hà của tỉnh Hà Tĩnh vẫn bị nước lũ cô lập, nhà dân vẫn ngập sâu hơn 1 m. Lội giữa nước lũ nhận ít hàng cứu trợ sống qua ngày, nhiều người bật khóc. "Nước lên nhanh quá, mấy mẹ con chỉ biết ôm nhau trèo lên gác thoát thân. Tài sản lớn nhất của gia đình là đàn lợn gần chục con và mấy tấn lúa bị nước cuốn trôi đi hết. Sắp tới, mẹ con tôi không biết lấy gì ăn sống qua ngày đây" - chị Lê Thị Hường, ngụ xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên nghẹn ngào.

Ông Lê Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên - cho biết hiện phần lớn người dân đang sống trong cảnh thiếu thốn quần áo mặc, cơm ăn, nước uống. "Rất mong nhận được sự sẻ chia, giúp đỡ của cơ quan chức năng, cộng đồng để người dân có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này".

Trận mưa lũ lịch sử vừa qua tỉnh Hà Tĩnh có 90 xã với 31.000 hộ/105.373 người bị ngập sâu. Trong đó, những địa phương bị ngập nặng như TP Hà Tĩnh và các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà…

Trong ngày 21-10, ông Trần Tiến Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, đã có mặt trực tiếp tại những khu vực ngập lụt ở huyện Thạch Hà, TP Hà Tĩnh kiểm tra tình hình khắc phục lũ lụt và thăm hỏi, tặng quà cho người dân. Ông Hưng khẳng định tỉnh sẽ nỗ lực hết sức để tiếp cận với tất cả vùng ngập lụt, cứu trợ lương thực, thực phẩm, không để người dân nào phải chịu đói rét.

Đức Ngọc

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo