xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tăng tốc dự án Vành đai 3 và 4

THU HỒNG

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh dự án Vành đai 3 và 4 rất quan trọng nên các bộ, ngành và địa phương phải tập trung cao độ, chủ động thực hiện vì tiến độ đến nay còn quá chậm

Sáng 29-12, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có buổi làm việc tại TP HCM về tình hình triển khai dự án đường Vành đai 3 và 4 với sự tham gia của các bộ, ngành và lãnh đạo các địa phương liên quan. Khẳng định vai trò huyết mạch của đường Vành đai 3 và 4, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ dự án.

Nan giải chuyện vốn

Báo cáo về tiến độ đường Vành đai 3, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết đường Vành đai 3 là tuyến đường huyết mạch không chỉ giúp kinh tế TP HCM phát triển mà còn cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cần sớm hoàn thành để phát huy hiệu quả. Chủ tịch TP HCM ví von chăm sóc tuyến đường này giống như chăm sóc con gà đẻ trứng vàng.

Tăng tốc dự án Vành đai 3 và 4 - Ảnh 1.

Dự án đường Vành đai 3 hiện chỉ có đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn đi qua Bình Dương, dài hơn 15 km đầu tư hoàn thành với 6 làn xe .Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tuy nhiên, theo Chủ tịch TP HCM, khi tiếp nhận hồ sơ từ Ban Quản lý Mỹ Thuận (thuộc Bộ Giao thông Vận tải), các địa phương đánh giá việc đầu tư dự án này theo hình thức đối tác công tư (PPP) không khả thi vì theo quy định, vốn nhà nước chỉ góp không quá 50%, còn lại là doanh nghiệp mà kinh phí xây dựng Vành đai 3 quá lớn, thời gian thu hồi vốn đến 28-29 năm, khó thu hút nhà đầu tư.

Vành đai 3 TP HCM dài hơn 90 km chạy qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, chia làm 4 đoạn lớn: Tân Vạn - Bình Chuẩn, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - Quốc lộ 22 và Quốc lộ 22 - Bến Lức. Trong đó, hiện chỉ đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn đi qua Bình Dương, dài hơn 15 km đầu tư hoàn thành với 6 làn xe. Ngoài ra, trên đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch hiện dự án thành phần 1A, dài 8,75 km từ Tỉnh lộ 25B (Đồng Nai) đến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP Thủ Đức), dùng vốn ODA sắp khởi công. Tổng chiều dài các đoạn còn lại khoảng 76 km, được nghiên cứu khi hoàn thiện sẽ có 8 làn cao tốc, vận tốc 100 km/giờ và đường song hành hai bên. Giai đoạn một, dự án ước tính tổng mức đầu tư hơn 83.000 tỉ đồng, xây dựng trước 4 làn trên tuyến chính và đường song hành hai bên. Việc giải phóng mặt bằng sẽ thực hiện từ giai đoạn này theo quy mô hoàn chỉnh, tổng kinh phí gần 47.000 tỉ đồng.

Cùng với TP HCM, các tỉnh, thành có đường Vành đai 3 đi qua đã có văn bản đề xuất Chính phủ hỗ trợ vốn từ ngân sách Trung ương trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch bệnh để xây dựng đường Vành đai 3 bởi dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề cả 4 địa phương. Trường hợp vốn ngân sách Trung ương không cân đối đủ toàn bộ kinh phí, các địa phương đề xuất Trung ương hỗ trợ toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng. Riêng phần xây lắp các địa phương sẽ chủ động nghiên cứu đầu tư phù hợp với tình hình thực tế.

Với dự án Vành đai 4, tuyến đường được quy hoạch dài gần 200 km, đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện trên tuyến có một số đoạn ngắn đã được địa phương đầu tư nhưng không liên tục. Đơn cử như Bình Dương đã đầu tư khoảng 21 km trong tổng 48 km đi qua địa bàn. Địa phương này đánh giá hiện quỹ đất trên tuyến còn nhiều. Đây là thuận lợi nên dự án cần sớm được đầu tư, hạn chế lặp lại khó khăn như triển khai dự án Vành đai 3 nhưng cũng cần sự hỗ trợ từ trung ương. Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, nói nếu có một nhà đầu tư thực hiện trọn tuyến Vành đai 4 thì đề xuất Trung ương giao hẳn cho nhà đầu tư thực hiện.

Xã hội hóa càng nhiều càng tốt

Trước đề xuất Trung ương hỗ trợ vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư dự án đường Vành đai 3, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết rất khó vì nguồn vốn quá lớn. Chưa kể, những dự án đưa vào chương trình trên phải là dự án cấp bách, triển khai hoàn thành trong thời gian ngắn để kích thích kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, với dự án Vành đai 3, hiện các thủ tục cần triển khai nhiều, khó đưa vào diện được hỗ trợ từ chương trình dù việc đầu tư dự án là vô cùng cấp thiết.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo giao UBND các tỉnh, thành là cơ quan có thẩm quyền đầu tư dự án đường Vành đai 4. "Các địa phương phải chủ động thực hiện các công việc trên đoạn tuyến đi qua, trong đó cần đẩy nhanh tiến độ khảo sát, thiết kế, lập dự án đầu tư, kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP có hỗ trợ từ ngân sách" - Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Khẳng định vai trò huyết mạch của đường Vành đai 3, ông Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương cần đặc biệt quan tâm để lập tức đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Tuy nhiên theo ông, kinh phí đầu tư 76 km còn lại của Vành đai 3 khoảng 83.000 tỉ đồng, tức mỗi km hơn 1.000 tỉ đồng là quá cao. Phó Thủ tướng phân tích chi phí xây dựng đường Vành đai 3 khoảng 400 tỉ đồng mỗi km, nếu tính cả phần giải phóng mặt bằng sẽ lên khoảng 1.000 tỉ đồng, trong khi mỗi km cao tốc Bắc - Nam khoảng 140 tỉ đồng. Vì vậy, các bên cần tính toán lại, bởi không cẩn thận dẫn tới việc dự trù sai, không đúng chủ trương đầu tư.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh Trung ương đã chủ trương phân cấp mạnh mẽ cho địa phương và tập trung huy động nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư các công trình. Đặc biệt, hiện UBND TP HCM được Chính phủ giao chủ trì chuẩn bị trình dự án đường Vành đai 3, trong đó sẽ làm việc trực tiếp với đơn vị tư vấn thông qua hợp đồng để rà soát lại, bao gồm tổng vốn giải phóng mặt bằng, kinh phí xây dựng.

Về nguồn vốn cho dự án đường Vành đai 3, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết sẽ sử dụng ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương với tỉ lệ nhất định. "Đoạn nào có thể kêu gọi vốn xã hội hóa theo hình thức PPP thì địa phương phải tính toán, đề xuất, rồi đoạn nào đầu tư 100% vốn ngân sách. Trong hơn 83.000 tỉ đồng nếu kêu gọi xã hội hóa được 20.000 tỉ đồng thì quá tốt" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Ông yêu cầu các bên cần phấn đấu hoàn tất hồ sơ và trình Chính phủ vào tháng 2-2022 trước khi trình Quốc hội. 

TP HCM đã bố trí đủ vốn cho dự án thành phần 1A

Mới đây, UBND TP HCM đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định về chi phí giải phóng mặt bằng dự án thành phần 1A (đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch) của đường Vành đai 3 dài 8,75 km từ Tỉnh lộ 25B (Đồng Nai) đến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP HCM). Theo đó, TP HCM đã cân đối bố trí đủ vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án thành phần trên với khoảng 1.600 tỉ đồng cho 2,45 km đi qua địa bàn.

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, cho biết dự án đã được phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán, hiện nay Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đang đang đánh giá hồ sơ dự thầu Tư vấn giám sát và mời thầu xây lắp, dự kiến khởi công quý I/2022.

Về tình hình giải phóng mặt bằng dự án thành phần 1A, ông Trần Văn Thi cho biết tổng diện tích đất thu hồi tại TP HCM là 38,1 ha với 80 hộ dân và 1 tổ chức bị ảnh hưởng. Đến nay, UBND TP HCM đang rà soát thủ tục để bàn giao phần đất công ở nông trường dừa (chiếm khoảng 50% diện tích) trước tháng 3-2022 và chi trả bồi thường các hộ còn lại để sớm bàn giao mặt bằng. Riêng tỉnh Đồng Nai, diện tích thu hồi khoảng 49,1 ha với 457 hộ và phần đất công 3,44 ha, tổng kinh phí giải phóng mặt bằng là 651,3 tỉ đồng. Hiện chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng là UBND huyện Nhơn Trạch đang hoàn thiện thủ tục phê duyệt tiếp theo để chi trả cho các hộ dân, dự kiến bàn giao mặt bằng trước tháng 3-2022.

Nhiều cách để giải phóng mặt bằng

Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, đề xuất tách giải phóng mặt bằng ra thành dự án riêng khi thực hiện đường Vành đai 3, theo đó Chính phủ hỗ trợ một phần chi phí giải phóng mặt bằng, còn chi phí xây lắp thực hiện theo hình thức PPP, BOT. Riêng tuyến Vành đai 4 với 72 km đi qua địa bàn tỉnh Long An, dài nhất so với các địa phương, lãnh đạo tỉnh này cho biết đã giao một tập đoàn nghiên cứu tiền khả thi đồng thời kiến nghị tách giải phóng mặt bằng ra thành dự án riêng như Vành đai 3.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, đề xuất việc giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3 nên thực hiện một lần cho toàn tuyến và thực hiện xây dựng đồng bộ để khai thác cùng lúc, nhằm phát huy hiệu quả.

"Theo lãnh đạo các tỉnh, thành, chi phí giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 3 cao dẫn tới tổng mức đầu tư dự án lớn là do Vành đai 3 đi qua đô thị, băng qua nhiều nút giao phải đầu tư đồng bộ...”
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo