xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tăng tốc tiêm vắc-xin phòng Covid-19

NHÓM PHÓNG VIÊN

Virus SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính nguy hiểm của các biến thể. Trong khi đó, vắc-xin phòng Covid-19 có miễn dịch không bền vững, cần tiếp tục đẩy mạnh tiêm phòng trong bối cảnh xuất hiện nhiều biến thể mới

Sở Y tế TP HCM cho biết sau 2 tuần phát động đợt cao điểm tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em, tỉ lệ trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm mũi 1 đã vượt mốc 50%. Tuy nhiên, TP HCM vẫn nằm trong danh sách những tỉnh, thành có tỉ lệ tiêm thấp nhất cả nước cho trẻ em thuộc nhóm tuổi này.

TP HCM: Rất ít phụ huynh không đồng thuận

Trước tình hình trên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) đã khảo sát nhanh đợt 2 về việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi với 2.792 phụ huynh.

Kết quả khảo sát ghi nhận đối với nhóm từ 5 đến dưới 12 tuổi, tỉ lệ chưa tiêm vắc-xin là 33%, tỉ lệ tiêm 1 mũi đạt 34% và tỉ lệ tiêm 2 mũi đạt 33%. Đối với nhóm từ 12 đến dưới 18 tuổi, chỉ có 2% chưa tiêm vắc-xin, 4% tiêm 1 mũi, 49% trẻ tiêm 2 mũi và 45% tiêm 3 mũi.

Khảo sát cũng ghi nhận còn rất ít phụ huynh không đồng thuận cho trẻ tiêm vắc-xin mà không có lý do cụ thể. Lý do phổ biến là trẻ đang mắc các bệnh cấp tính (21%), trẻ đang trong thời gian nghỉ hè nên không có mặt tại TP HCM (19%) và trẻ đã mắc Covid-19 trước đó (16%). Tuy vậy, vẫn còn tỉ lệ nhất định phụ huynh không đồng thuận do cảm nhận chủ quan về vắc-xin phòng Covid-19.

Tăng tốc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 - Ảnh 1.

Người dân tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 4 tại Trạm Y tế phường Tân Định, quận 1, TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tại Hà Nội, theo ghi nhận của phóng viên, một số trường hợp cũng đắn đo về việc tiêm các mũi nhắc lại, bổ sung. Chị Phạm Bích Diệp (ngụ quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) cho biết những ngày qua, chị liên tục nhận được thông báo về lịch tiêm vắc-xin trong nhóm Zalo của tổ dân phố và trên loa phường. Nhân viên y tế phường cũng gửi thông tin tuyên truyền về việc hiệu quả của vắc-xin giảm theo thời gian và lợi ích khi tiêm mũi nhắc lại, bổ sung trong bối cảnh xuất hiện các biến chủng mới. Dù vậy, bản thân chị vẫn chần chừ bởi cho rằng mình mắc Covid-19 và đã có kháng thể sau khi tiêm 2 mũi.

Chị Nguyễn Lan Anh (ngụ quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) cũng bày tỏ lo ngại những phản ứng phụ của vắc-xin phòng Covid-19 tới sức khỏe của trẻ em về sau này. Do vậy, dù đã nhận được thông báo của giáo viên chủ nhiệm về việc cho con trai 10 tuổi đi tiêm vắc-xin, chị vẫn còn đắn đo.

Hiểu đúng về vắc-xin phòng Covid-19

PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, khẳng định tiêm các mũi vắc-xin phòng Covid-19 nhắc lại là cần thiết, nhất là trong bối cảnh vắc-xin vẫn có tác dụng với chủng Omicron vốn đang chiếm ưu thế.

Theo ông Trần Đắc Phu, đặc điểm của virus SARS-CoV-2 là liên tục tiến hóa, khó xác định tính nguy hiểm của các biến thể. Trong khi đó, vắc-xin có miễn dịch không bền vững, thường giảm sau khi tiêm khoảng 4-6 tháng.

"Ai chưa tiêm đủ thì nên đi tiêm đủ, ai đã trì hoãn việc tiêm thì cũng nên đi tiêm lại khi bảo đảm điều kiện sức khỏe, nhất là người già, mắc bệnh nền. Điều này không chỉ có ý nghĩa phòng bệnh mà còn hạn chế tử vong, giúp hệ thống y tế không quá tải" - PGS-TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cũng lưu ý đến nay, sau 4-6 tháng hoàn thành tiêm mũi cơ bản, đa số người dân đã giảm miễn dịch. Trong đó, người có bệnh nền, người lớn tuổi... suy giảm miễn dịch nhiều hơn và cần tiêm nhắc lại đúng lịch, đúng liều.

"Chúng tôi mong lãnh đạo các doanh nghiệp, các khu công nghiệp nhận thức đúng đắn, triển khai tiêm vắc-xin cho công nhân để duy trì sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp" - bà Dương Thị Hồng bày tỏ.

Về thông tin cho rằng tiêm vắc-xin phòng Covid-19 sẽ khiến suy giảm trí nhớ, rụng tóc, ảnh hưởng khả năng sinh sản, TS-BS Lê Nguyễn Thanh Nhàn, Trưởng Phòng Chỉ đạo tuyến - Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), khẳng định là không chính xác. "Đã có số liệu chứng minh phụ nữ mang thai mắc Covid-19 nếu không được tiêm vắc-xin đầy đủ sẽ ảnh hưởng đến thai nhi, gây sẩy thai. Còn biểu hiện rụng tóc, giảm trí nhớ có nhiều nguyên nhân và một trong số đó là hậu quả của bệnh Covid-19 bởi người mắc có thể bị stress, thiếu dinh dưỡng" - bác sĩ Lê Nguyễn Thanh Nhàn giải thích.

Không để dịch bùng phát trở lại

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết tình hình dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp. Do vậy, cần tiếp tục chỉ đạo sát sao việc phòng chống dịch; "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" trong việc tiêm vắc-xin.

Theo Bộ Y tế, tỉ lệ tiêm vắc-xin mũi 3 ở nhóm trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi mới đạt gần 45%; tỉ lệ tiêm vắc-xin ở nhóm từ 5 đến dưới 12 tuổi vẫn khá thấp. Vẫn còn gần chục tỉnh, thành đạt tỉ lệ tiêm thấp. Thậm chí, có địa phương tiêm mũi 2 cho trẻ trong độ tuổi này vẫn chưa đạt đến 16%. Như vậy, chỉ còn 14 ngày nữa để đạt mục tiêu đề ra của Chính phủ, của Thủ tướng đối với nhóm trẻ này trước khi bước vào năm học mới.

Sau khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội có công điện về tăng cường tiêm vắc-xin phòng Covid-19, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn đã triển khai nhiều giải pháp. Tại quận Hoàn Kiếm, bác sĩ Phạm Thị Mai Hoa, Phó Trạm trưởng Trạm Y tế phường Trần Hưng Đạo, cho hay nhiều điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động đã tổ chức tiêm tất cả các ngày trong tuần để phục vụ người dân. Đa số người dân sau khi được vận động đều sẵn sàng tiêm vắc-xin mũi bổ sung.

Tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, Trung tâm Y tế quận đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị về tăng cường tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi. Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục triển khai mạnh đến các nhà trường về việc tiêm vắc-xin cho nhóm từ 5 đến dưới 12 tuổi để các em có môi trường học an toàn.

Ở TP Cần Thơ, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố, đã giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị rà soát, lập kế hoạch và tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 ngay cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Sở Y tế sẽ tham mưu cho UBND TP Cần Thơ về việc giao chỉ tiêu tiêm chủng với từng cấp chính quyền nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm để cơ bản hoàn thành mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 8; tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên và mũi 4 cho các đối tượng có chỉ định.

"Chủ tịch UBND quận, huyện chịu trách nhiệm trước UBND TP Cần Thơ nếu để xảy ra tình trạng vắc-xin quá hạn phải hủy bỏ trong khi vẫn còn đối tượng có chỉ định nhưng chưa được tiêm chủng, để xảy ra dịch..." - ông Trần Việt Trường nêu rõ.

Tại Tiền Giang, ngành y tế thời gian tới cũng sẽ cùng địa phương các cấp tiếp tục tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; rà soát trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi chưa tiêm mũi 2 đến tiêm ngay khi đủ thời gian theo quy định; rà soát người lớn chưa tiêm mũi 1, mũi 2, mũi bổ sung, nhắc lại để tổ chức tiêm. 

Điều cần biết về hạn sử dụng vắc-xin Covid-19

HCDC thông tin rõ vắc-xin Covid-19 không có hạn sử dụng cố định. Đây là vắc-xin được cấp phép sử dụng khẩn cấp nên nhà sản xuất lựa chọn hạn sử dụng theo dữ liệu nghiên cứu, cho thấy vắc-xin vẫn giữ được tính ổn định trong điều kiện bảo quản đúng. Khi có thêm thời gian và dữ liệu về tính ổn định của vắc-xin, nhà sản xuất sẽ trình các cấp có thẩm quyền cho phép gia hạn sử dụng để tránh phải tiêu hủy trong khi chất lượng vẫn ổn định.

Thử nghiệm trong nhiều trường hợp đã chỉ ra rằng một số sản phẩm y tế được bảo quản đúng cách có thể được sử dụng sau ngày hết hạn đã in trên nhãn nếu vẫn giữ được tính ổn định.

WHO: Đẩy mạnh tiêm chủng để giảm tử vong

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 18-8 (giờ Việt Nam) cho thấy trong tuần qua, toàn cầu có 5,46 triệu ca Covid-19 mới, trong đó 15.000 người đã tử vong.

Nhấn mạnh con số tử vong này là "không thể chấp nhận được", Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khuyến khích mọi người nhanh chóng tiêm chủng nếu vẫn chưa tiêm và tiêm ngay mũi tăng cường nếu đã đến lúc. Ông cũng kêu gọi các chính phủ bảo đảm bình đẳng trong việc tiếp cận vắc-xin và các công cụ khác nhằm chống lại Covid-19.

Báo cáo của WHO tổng hợp từ nhiều nghiên cứu ở 15 quốc gia cũng chỉ rõ trong vòng 3-6 tháng sau khi tiêm mũi thứ 3, hiệu quả của vắc-xin mRNA (như Pfizer, Moderna...) trong việc chống lại bệnh có triệu chứng giảm chỉ còn trên 50%. Với vắc-xin công nghệ khác, hiệu quả chỉ còn dưới 50%.

Tuy nhiên, một nghiên cứu trước đó của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho thấy ở nhóm bệnh nhân trên 50 tuổi, chỉ cần 1 tuần sau khi tiêm mũi tăng cường thứ 2 (mũi 4) vắc-xin mRNA, hiệu quả chống bệnh nặng tới mức nhập viện đã cải thiện từ mức 55% (sau 4 tháng kể từ mũi 3) lên 80%.

A.Thư

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo