xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tham nhũng vẫn tinh vi, phức tạp

Thế Dũng

Công cuộc đấu tranh chống tham nhũng gặp không ít khó khăn do một số đơn vị, địa phương chưa thực hiện nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu

Ngày 14-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) họp phiên thứ 48 cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2020 của TAND Tối cao, VKSND Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2020.

64 người bị xử lý hình sự

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Lê Minh Khái trình bày báo cáo của Chính phủ, cho biết qua 2.944 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn của các cơ quan, đơn vị, đã xử lý kỷ luật 56 người, 64 người bị xử lý hình sự.

Qua 4.706 cuộc thanh tra hành chính và 150.560 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện vi phạm về kinh tế 64.551 tỉ đồng, 7.077 ha đất; kiến nghị thu hồi 26.007 tỉ đồng và trên 1.174 ha đất. Trên 89.915 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân, với tổng số 6.423 tỉ đồng đã được lực lượng thanh tra ban hành; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 124 vụ, 118 đối tượng...

Tham nhũng vẫn tinh vi, phức tạp - Ảnh 1.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết một số địa phương chưa nghiêm túc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng Ảnh: NGUYÊN NAM

Đáng chú ý, các cấp, các ngành đều chú trọng triển khai thực hiện quy định của Luật PCTN về tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí khác đối với những trường hợp cần điều chỉnh theo đúng quy định. Nhiều trường hợp cán bộ đã được tạm đình chỉ kịp thời để phục vụ việc điều tra các vụ án, trong đó có cả cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý như Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến...

Báo cáo cũng nêu có 81 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; đã kỷ luật 62 người (tăng 66,1% so với năm 2019); trong đó có 12 người bị xử lý hình sự khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Dẫn đầu danh sách có số người bị kỷ luật là tỉnh Bình Thuận: 23 người, An Giang: 6 người, Thái Nguyên: 5 người, Bộ Xây dựng: 4 người...

Tổng TTCP Lê Minh Khái cho biết quá trình đấu tranh gặp một số khó khăn, vướng mắc do một số đơn vị, địa phương chưa thực hiện nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình.

Trình bày thẩm tra sơ bộ báo cáo PCTN của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết có biểu hiện "nhóm lợi ích", móc ngoặc giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước và doanh nghiệp; tình trạng người có chức vụ, quyền hạn "bảo kê", bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật vẫn diễn ra đã được báo chí nêu như vụ Hồ Đình Tuấn, trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng Đak Rơ Nga (thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đak Tô, tỉnh Kon Tum), để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng trong thời gian dài...

Với kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, Ủy ban Tư pháp cho rằng "còn chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng". Đáng lưu ý, vẫn còn đối tượng phạm tội tham nhũng bỏ trốn gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý, gây bức xúc trong dư luận.

Đấu tranh, triệt phá chưa quyết liệt

Trình bày báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, nêu rõ dịch Covid-19 đã góp phần làm gia tăng tỉ lệ thất nghiệp, tạo áp lực gia tăng tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là tại các thành phố lớn, các khu đô thị.

Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết đã xảy ra một số vụ cướp tiệm vàng, cướp ngân hàng với thủ đoạn liều lĩnh, manh động. Cụ thể như vụ 2 đối tượng cướp gần 900 triệu đồng tại chi nhánh của Ngân hàng BIDV trên đường Huỳnh Thúc Kháng, TP Hà Nội; vụ cướp 200 triệu đồng tại một chi nhánh của Ngân hàng Vietconmbank tại tỉnh Quảng Nam...

Theo Bộ Công an, 6 tháng đầu năm đã xuất hiện vi phạm liên quan lĩnh vực y tế là các vụ đầu cơ, nâng khống giá trị thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19. Vụ điển hình đã bị Cơ quan CSĐT - Bộ Công an khởi tố là vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thuộc Sở Y tế TP Hà Nội...

Kết quả nổi bật, theo Bộ Công an, là đầu năm đến nay đã triệt phá 2.485 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại, trong đó trấn áp mạnh tội phạm liên quan hoạt động "tín dụng đen". 436 vụ/766 bị can đã bị khởi tố về các tội danh liên quan hoạt động "tín dụng đen", bảo kê, đòi nợ thuê, trong đó đã khởi tố 214 vụ án/497 bị can về tội cho vay lãi nặng. Tuy nhiên, tại một số địa phương, có thời điểm có dấu hiệu buông lỏng công tác chỉ đạo, đấu tranh triệt phá chưa quyết liệt dẫn đến một số băng nhóm hoạt động trong một thời gian dài nhưng chưa được phát hiện, đưa vào diện quản lý hoặc chưa bị triệt phá. Vẫn còn tình trạng các băng nhóm tụ tập dùng hung khí để giải quyết mâu thuẫn gây lo ngại trong nhân dân.

Thẩm tra báo cáo của Bộ Công an, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng bảo kê cho "xã hội đen", buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm diễn ra phức tạp... Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu bày tỏ băn khoăn về "tín dụng đen", băng nhóm so với năm 2019 và đến nay thì xu hướng giảm hay tăng?

"Vụ việc Thái Bình là một điển hình. Băng nhóm nằm ngay TP Thái Bình, có quan hệ với các viên chức ở địa phương bây giờ đem ra xét xử, người dân bức xúc là phải. Không phải từ nơi xa xôi, vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao mà nằm ngay ở đó, dân bất bình là đúng" - ông Giàu chất vấn.

Cùng quan điểm, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - hỏi thẳng: "Băng nhóm giải quyết mâu thuẫn công khai ở các thành phố lớn, chúng ta đã chặt chẽ chưa mà để như thế? Việc này đặt ra vấn đề là quản lý nhà nước về mặt hình sự như thế nào?".

Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng công tác PCTN đã quyết liệt, với nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt đã đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng lớn. Tuy nhiên, số vụ án tham nhũng được phát hiện còn chưa phản ánh đúng tình hình, hành vi tham nhũng có diễn biến tinh vi, phức tạp hơn.

Đáng lưu ý, ông Uông Chu Lưu băn khoăn "có hay không việc hình sự hóa vấn đề dân sự?", đồng thời cho biết nhiều vụ xảy ra cách đây hàng chục năm, thời điểm đó hoàn cảnh, điều kiện khác hiện nay. Nếu áp vào hoàn cảnh, điều kiện hiện tại thì sẽ xuất hiện những vấn đề không hợp lý. "Thị trường như chiến trường làm sao mà trăm trận trăm thắng. Đây là vấn đề cần đặt ra. Cần có một cách nhìn tổng thể, đánh giá một cách tổng thể" - Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Thu hồi tài sản tham nhũng 74.539 tỉ đồng

Tổng TTCP Lê Minh Khái cho biết riêng những vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo, tính đến cuối tháng 7, các cơ quan thi hành án dân sự địa phương đã tổ chức thi hành 58 vụ việc, trong đó 15 vụ thi hành xong. Tổng số tiền phải thi hành là hơn 74.539 tỉ đồng. Số đã thi hành xong là hơn 19.261 tỉ đồng. Riêng những tháng đầu năm 2020 đã thi hành được hơn 10.442 tỉ đồng, tỉ lệ 54%.

Đối thoại với người dân Thủ Thiêm khi đủ điều kiện

Cùng ngày, UBTVQH tiếp tục họp cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020. Trình bày báo cáo giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020 của Chính phủ, Tổng TTCP Lê Minh Khái cho biết TTCP đã chủ trì, phối hợp UBND TP HCM và các bộ, ngành liên quan để tổ chức đối thoại với người dân Thủ Thiêm theo chỉ đạo của Thủ tướng.

"TTCP đã thành lập Tổ công tác phục vụ tổ chức đối thoại với người dân khu đô thị mới Thủ Thiêm, ban hành kế hoạch và phối hợp tổ chức thực hiện. Thời gian tổ chức đối thoại dự kiến vào ngày 6-8. Tuy nhiên, do cuối tháng 7 dịch Covid-19 bùng phát trở lại, có nguy cơ lây lan cao tại nhiều địa phương, trong đó có TP HCM, nên TTCP đã hoãn buổi đối thoại và sẽ tổ chức trở lại ngay khi đủ điều kiện" - ông Lê Minh Khái cho biết.

Theo TTCP, trong năm 2020, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 24.275 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỉ lệ 83,5%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 42,1 tỉ đồng, 72,7 ha đất; khôi phục, bảo đảm quyền lợi cho 1.020 tập thể, cá nhân; kiến nghị xử lý vi phạm 541 người (đã xử lý 386 người), chuyển cơ quan điều tra 12 vụ, 13 đối tượng. Ông Lê Minh Khái dự báo năm 2021 tình hình "khiếu nại, tố cáo sẽ vẫn diễn biến phức tạp".

"Cần nghiên cứu triển khai rộng mô hình phối hợp với luật sư tư vấn pháp luật miễn phí cho công dân trong quá trình thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo ở địa phương" - ông Lê Minh Khái nói.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo