xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thuế nặng, nợ công tăng cao

Tô Hà

Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng khi nợ công đến năm 2020 lên tới 4,2 triệu tỉ đồng, phần trả lãi chiếm 7%-8% tổng chi ngân sách nhà nước - bình quân trả hơn 100.000 tỉ đồng/năm

Quốc hội (QH) đã dành cả ngày 31-10 để thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017, kế hoạch thực hiện năm 2018. QH cũng thảo luận phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính NSNN 3 năm 2018-2020.

"GDP tăng trưởng kỳ lạ"

Theo báo cáo của Chính phủ, dự kiến năm 2017, cả 13 chỉ tiêu QH giao sẽ hoàn thành, trong đó có 8 chỉ tiêu đạt và 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Thuế nặng, nợ công tăng cao - Ảnh 1.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (tỉnh Phú Thọ) phản ánh tình trạng nợ công tăng quá cao tại cuộc họp Quốc hội vào ngày 31-10 Ảnh: NGUYỄN NAM

Đại biểu (ĐB) Hoàng Quang Hàm (tỉnh Phú Thọ) cho biết cử tri đang thắc mắc những năm gần đây, GDP tăng trưởng rất kỳ lạ: Quý IV/2015 tăng 7,15%, sang quý I/2016 rơi thẳng xuống còn 5,48%. Quý IV/2016, GDP lại đạt mức cao là 6,68% nhưng lại đột ngột giảm còn 5,1% trong quý I/2017, sau đó tăng tốc thần kỳ 7,46% trong quý III/2017 và chưa biết sẽ ra sao trong năm 2018.

"Cử tri cho rằng tăng trưởng GDP của các quý lên xuống đột ngột, không theo logic thông thường. Nếu số liệu thống kê tốt, không có vấn đề gì thì tăng trưởng đang có những điểm nghẽn rất bất thường. Đề nghị Chính phủ làm rõ và có giải pháp khắc phục ngay, không để tiếp diễn trong năm 2018" - ĐB Hoàng Quang Hàm đề xuất.

ĐB Phạm Trọng Nhân (tỉnh Bình Dương) đánh giá hiện tượng đột ngột giảm rồi tăng GDP của cả quốc gia chỉ vì biến động sản phẩm của một vài doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là vấn đề rất đáng lo ngại cho nền kinh tế. Đã đến lúc cần phải bỏ dựa dẫm trên vai "người khổng lồ" để tự đứng vững trên đôi chân của mình.

ĐB Nguyễn Đắc Kình (tỉnh Sơn La) cho rằng mục tiêu đạt tăng trưởng 6,7% còn nhiều khó khăn, cần cách tiếp cận thực tế, chủ động, linh hoạt, nhất là đối phó với thiên tai. Bài học từ Sơn La cho thấy thiên tai cuốn phăng, vùi lấp công sức phát triển kinh tế và tính mạng nhân dân.

Giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận nguyên nhân thiệt hại nặng nề do thiên tai trong các trận lũ quét vừa qua có phần do hạn chế trong công tác dự báo. "Về định lượng mưa, đặc biệt lũ quét, sạt lở thì các nước tiên tiến cũng mới dự báo được trên diện rộng, đối với khu vực cụ thể vẫn còn khiếm khuyết, khoa học hiện nay chưa bảo đảm. Để đạt trình độ trung bình so với thế giới, Việt Nam đang tiếp tục đầu tư, bổ sung khoảng 3.000 điểm dự báo mưa, đạt 40-100 km2 có một trạm" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.

Làm 10 đồng, nộp thuế gần 4 đồng

Phản ánh tình trạng người dân và DN Việt Nam nặng gánh thuế, phí, ĐB Lê Minh Chuẩn (tỉnh Quảng Ninh) dẫn số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới về tỉ lệ huy động thuế, phí của Việt Nam hiện ở mức bình quân khoảng 20%, cao hơn so với khu vực. Có những lĩnh vực DN phải chịu 12-15 loại thuế và phí. Mỗi người dân Việt Nam phải gánh chịu khoản thuế, phí/GDP gấp 1,4-3 lần so với các nước. Tỉ lệ huy động thuế, phí đối với DN ở Việt Nam lên tới 39,4% lợi nhuận, tức là làm 10 đồng nộp thuế gần 4 đồng.

"Dù đã tăng thu tối đa với mức thuế và phí rất cao song kết quả thu NSNN không đạt được như mục tiêu, mong muốn đề ra. Phải chăng nên xem xét lại chính sách thuế, phí theo hướng chuyển sang nuôi dưỡng nguồn thu?" - ĐB Lê Minh Chuẩn băn khoăn.

ĐB Đặng Thuần Phong (tỉnh Bến Tre) cảnh báo năm 2018 cần phải cân nhắc thật hợp lý nếu dự kiến tăng thuế GTGT và thuế thu nhập DN là chưa thuyết phục, dễ bị xã hội phản ứng. Lãi suất ngân hàng cũng không nên tăng để duy trì ổn định và bảo đảm tính cạnh tranh của nền kinh tế.

"Miệng ăn núi lở"

Đề cập nợ công, ĐB Hoàng Quang Hàm quan ngại: Nợ công đến năm 2020 lên đến 4,2 triệu tỉ đồng, phần trả lãi chiếm 7%-8% tổng chi NSNN - bình quân trả lãi hơn 100.000 tỉ đồng/ năm, bằng một nửa số vốn thu được từ bán DN nhà nước trong 5 năm.

"Khả năng trả nợ khó khăn, ngân sách trung ương nhiều năm không thặng dư để trả nợ, phải vay đảo nợ làm quy mô nợ tăng nhanh, nợ chồng lên nợ. Đến năm 2020 vẫn không khắc phục được nguồn trả nợ, vẫn phải trả bằng nguồn vay mới lên đến 232.000 tỉ đồng" - ông Hàm lo ngại.

Theo ĐB Hàm, tại kỳ họp này, QH dự kiến thông qua dự án giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành và chủ trương làm đường cao tốc Bắc - Nam nhưng không bố trí vốn trong kế hoạch năm 2018, cũng không để dành phần vốn năm 2018 chờ phân bổ sau. Vì thế, không có nguồn tiền để triển khai các dự án trong năm 2018.

Theo ĐB Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, năm nào chúng ta cũng muốn tiêu tiền nhiều hơn năm trước. Với tư duy thu - chi như vậy thì bao giờ mới bảo đảm an toàn nợ công? Vấn đề cân đối NSNN là cấp bách nhưng miệng ăn núi lở, tình hình hiện nay không phụ thuộc Bộ Tài chính mà phụ thuộc vào tinh giản bộ máy.

"Chính phủ cần xây dựng chính sách cụ thể về giảm biên chế. Giao từng chỉ tiêu cụ thể tinh giản bao nhiêu người như cách Thủ tướng đặt ra đối với nhiệm vụ cắt giảm điều kiện kinh doanh đến tận cấp xã, yêu cầu thực hiện trong 2 năm" - ĐB Vũ Tiến Lộc đề xuất.

Cần tăng lương hưu cho giáo viên

ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội, Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho rằng cần nghiên cứu sửa đổi, tăng lương cho giáo viên, nhân viên làm công tác giáo dục mầm non. Bởi lẽ, giáo viên mầm non vừa sử dụng trí tuệ, kỹ năng, tình yêu thương để giáo dục trẻ vừa phải lao động chân tay để chăm lo bữa ăn, giấc ngủ và dỗ dành các bé. Họ rất xứng đáng để được nhận đồng lương cao hơn. "Chúng ta quyết không còn những trường hợp như cô giáo Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh - sau 37 năm dạy học mầm non, nay khi nhận quyết định nghỉ hưu, cô đã chết lặng với mức lương hưu sắp tới chỉ được hưởng là 1,3 triệu đồng/tháng" - ĐB Ngọ Duy Hiểu dẫn chứng.

Tranh luận về vấn đề này, ĐB Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, cho biết mức hưởng thấp phụ thuộc mức đóng và thời gian đóng. Trường hợp cô giáo Lan được hưởng lương hưu 1.263.000 đồng là đúng. "QH rất sáng suốt là tất cả những người tham gia BHXH bắt buộc mà về hưu với mức lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở thì được bằng lương cơ sở, nên chúng ta cấp bù cho cô Lan 37.000 đồng để đạt 1,3 triệu đồng. Như vậy, không phải do chúng ta làm sai mà chúng ta đang cải cách tiền lương nên sẽ tính theo cách đóng cao để hưởng cao hơn và thời gian đóng dài hơn" - ĐB Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Trong phần thảo luận sau đó, một số ĐBQH khác cũng đề cập trường hợp này. Họ cho rằng vấn đề không phải ở chỗ làm đúng quy định mà là vì lương hưu quá thấp, cần có điều chỉnh cho phù hợp để bảo đảm đời sống của giáo viên.

Mang thuốc lá lậu đến tận nghị trường

Phản ánh tình trạng nhức nhối trong buôn lậu thuốc lá, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (tỉnh Ninh Thuận) đem vào hội trường một túi lớn đựng thuốc lá. Ông giơ cao túi thuốc lá và cho biết đã dễ dàng mua được mà không gặp bất cứ trở ngại nào sau 3 ngày thị sát thuốc lá lậu ở Long An.

"Tôi chỉ mong một lần được gặp lực lượng chức năng đi kiểm tra, kiểm soát trong 3 ngày nhưng đáng tiếc là không gặp. Cần tăng cường chống tiêu cực vì buôn lậu thuốc lá sẽ còn gia tăng, đặc biệt là khi sắp đến Tết" - ĐB Nguyễn Sỹ Cương nói. Theo ông, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá lại đang có hiệu ứng ngược, thực chất là "kích cầu cho thuốc lá lậu". Bởi lẽ, giá thuốc sản xuất trong nước là 10.000 đồng/ bao trong khi thuốc lá lậu chỉ 4.000 đồng.

Tranh luận về vấn đề này, ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (nguyên Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang) cho rằng phản ánh của ĐB Cương chỉ mang tính nhất thời ở một thời điểm. Theo bà, các lực lượng chống buôn lậu của tỉnh vẫn đang kiểm soát, kiểm tra ngày đêm. Thậm chí, có cán bộ quản lý thị trường quyết tâm truy đuổi, bắt buôn lậu đường thủy và bị hành hung khiến anh tử vong.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo