ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội:
Tịch thu và xử lý hình sự
Từ thực tế nhiều năm qua, việc thu hồi tài sản tham nhũng, chứng minh nguồn gốc những khối tài sản "khủng" rất khó khăn nên có thể đề xuất đánh thuế 45% đối với tài sản không giải trình được nguồn gốc đã được đưa ra trong dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Việc đánh thuế 45% có thể coi là "thuế đặc biệt" và cũng là biện pháp khả thi trong bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên, con số 45% trong trường hợp này cần phải xem xét lại vì dựa trên cơ sở nào, có căn cứ pháp luật hay không?
Trong trường hợp tài sản che giấu, tài sản không giải trình được nguồn gốc vì tham nhũng hoặc do vi phạm pháp luật nhưng chưa bị phát hiện mà đánh thuế 45% là hợp thức hóa cho hành vi tham nhũng. Đặc biệt, nếu mức thuế cao hơn 45% thì những người vi phạm, tham nhũng vẫn có lợi. Do vậy, trường hợp này phải tịch thu và xử lý hình sự.
Quy định đánh thuế 45% đối với tài sản giải trình không hợp lý cũng chỉ là biện pháp phòng ngừa, răn đe trong công tác phòng chống tham nhũng chung. Gốc rễ của công tác này vẫn là phải quản lý được nguồn thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai tài sản.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng:
Không thể hợp thức hóa
Tài sản mà những người thuộc diện phải kê khai không giải trình được nguồn gốc thực chất là tài sản bất minh, tài sản tham nhũng. Đã là tài sản bất minh thì không thể nộp thuế rồi công nhận nó được. Do vậy, quy định đánh thuế 45% là không phù hợp.
Nhiều năm qua, số lượng người thuộc diện phải kê khai tài sản là rất lớn nhưng qua kiểm tra, xác minh chỉ phát hiện vài trường hợp vi phạm về việc kê khai. Điều đó cho thấy việc kê khai tài sản chỉ là hình thức, tốn kém tiền của trong khi hiệu quả về phòng, chống tham nhũng không đạt được. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là các thông tin về kê khai tài sản, các bản kê khai tài sản chưa được công khai, đang thuộc diện "bí mật". Trong khi đó, báo chí, người dân chưa thể tiếp cận được các thông tin này để đánh giá, thực hiện vai trò giám sát.
LS Bùi Tuấn Anh (Đoàn LS TP Hà Nội):
Rất phi lý!
Không thể quy định như dự thảo được. Đã là tài sản không chứng minh được nguồn gốc thì phải bị coi là tài sản bất hợp pháp. Nhà cửa, xe cộ, tiền, vàng... của các đối tượng buôn bán ma túy, rửa tiền... thì bị tịch thu; nay tài sản người có chức vụ, quyền hạn (chủ thể của việc thực hiện hành vi tham nhũng) không chứng minh được nguồn gốc là hợp pháp chỉ bị đánh thuế 45% thì rất phi lý!
Nếu dự thảo này được thông qua sẽ xảy ra nhiều hệ lụy. Thứ nhất, mục tiêu chống tham nhũng không đạt được; chống tham nhũng theo kiểu nửa vời, vừa đánh vừa xoa. Đối tượng tham nhũng sẽ an tâm vì đã đánh thuế là thừa nhận tới 55% tài sản bất hợp pháp, còn lại là tài sản hợp pháp. Do đó, không thể quy định đánh thuế với tài sản bất hợp pháp mà phải tịch thu toàn bộ. Đối với chủ sở hữu thì xem xét xử lý theo quy định, đồng thời truy xét nguồn thu nhập để xử lý hình sự về các tội tham nhũng tương ứng với các hành vi đã thực hiện.