xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tiếng thở dài ở làng biển Sa Huỳnh

Bài và ảnh: TRANG THY

Bao đời, ngư dân Sa Huỳnh bủa lưới, giăng câu. Thuyền về bến giữa tiếng cười nói rộn ràng, ngã giá bán mua tôm cá. Giờ nhiều người lâm cảnh nợ nần, không giữ được cả tàu lẫn căn nhà

Trưa mùa hạ trời mây u ám thay cảnh nắng nôi oi ả. Hàng trăm tàu thuyền với lớp sơn bạc màu, loang lổ neo đậu tại bến cảng cá Sa Huỳnh (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi).

Nhiều chuyến biển thua lỗ

Ngư dân Võ Mạnh cắm cúi bơm nước từ trong khoang 2 chiếc tàu cá ra bên ngoài. Tiếng máy điện công suất nhỏ rù rì.

Tắt máy, ông lui cui kiểm tra thiết bị hoen gỉ sau hơn nửa năm tàu nằm im nơi bến đậu. Tay ông sờ nắn từng bộ phận trên tàu, bịn rịn như sắp chia tay bạn thân sau bao năm gắn bó mưu sinh. Gương mặt sạm đen vì nắng gió, ông dõi mắt nhìn ra khơi xa rồi thở dài ngao ngán.

Bốn năm trước, ông Mạnh mua thêm 1 tàu cá và cải hoán cả 2 chiếc với tổng công suất 700 mã lực, trị giá gần 1,4 tỉ đồng để hành nghề giã cào đôi. Để có được đôi tàu ấy, ông phải cầm cố căn nhà và quyền sở hữu tàu cho ngân hàng để vay hơn 800 triệu đồng.

Thời gian đầu làm ăn tạm ổn, ông trả dần cả nợ lẫn lãi đã được vài trăm triệu đồng. Hải sản ngày càng cạn kiệt nên khoản tiền thu được không đủ phí tổn ra khơi. Bạn chài ngán ngẩm vì không được chia lãi.

Tiếng thở dài ở làng biển Sa Huỳnh - Ảnh 1.

Ngư dân Võ Mạnh bần thần với thiết bị trên tàu hơn nửa năm không hoạt động

Ông Mạnh tìm kiếm bạn chài, chạy vạy vay mượn cho họ ứng tiền trước khi ra khơi. Nhưng làm ăn vẫn ngày càng lụn bại. Rồi dịch Covid-19 khiến tàu cá nằm bờ dài ngày với bao nỗi âu lo. Nợ vay sinh lãi khiến ông chới với. Hoàn cảnh bí bách nên vợ ông rời quê vào giúp việc cho một gia đình ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Con trai lớn phụ việc trên tàu cá khác, đánh bắt ở vùng biển gần đảo Bạch Long Vỹ kiếm tiền giúp cha lo cho em nhỏ đến trường.

"Tôi đã trả dần, còn hơn 500 triệu đồng nhưng nay tính luôn tiền lãi lên đến khoảng 700 triệu đồng. Do không có tiền trả nợ và lãi như cam kết nên ngân hàng neo đôi tàu tại cảng để bán thanh lý từ hơn nửa năm qua. Họ rao giá khởi điểm chỉ 270 triệu đồng nhưng chưa có người mua. Nếu bán được thì vẫn chưa hết nợ, sợ họ lấy luôn nhà thì cả gia đình không biết ở đâu" - ông than thở.

Làm ăn ngày càng thất bát, bạn chài tứ tán cũng khiến một chủ tàu khác ở Phổ Thạnh là ông Đinh Dun vô cùng lo lắng. Ông lặn lội tìm kiếm thuyền viên và vay mượn cho họ ứng tiền để cùng vươn khơi mưu sinh. Nhiều chuyến biển thua lỗ làm cho gia cảnh thêm khốn khó.

Dịch Covid-19 giữa năm 2021 khiến tàu cá nằm bờ dài ngày, vợ chồng ông đứng ngồi không yên. Giá nhiên liệu tăng nên mỗi chuyến ra khơi bị lỗ nặng, tàu cá đành phải nằm bờ. Khoản nợ ngày càng phình to và không thể chi trả nên ngân hàng kê biên ngôi nhà rao bán thu hồi vốn vay lẫn lãi.

Tiếng thở dài ở làng biển Sa Huỳnh - Ảnh 2.

Đôi tàu của ngư dân Võ Mạnh bị ngân hàng neo tại bến để rao bán thu hồi nợ vay

"Lúc trước tôi vay 3,5 tỉ đồng cùng 500 triệu đồng dành dụm đóng mới tàu cá và cải hoán chiếc sẵn có với tổng công suất 1.000 mã lực. Lúc đầu làm ăn được nên tôi trả cả gốc lẫn lãi gần 1,3 tỉ đồng. Những năm gần đây, tàu nằm bờ, không có tiền trả nên nợ và lãi còn gần 3 tỉ đồng. Giờ họ có bán nhà và cả 2 chiếc tàu cũng chưa chắc đủ trừ nợ" - ông Dun nén tiếng thở dài.

"Hai chiếc tàu đang đậu tại cảng cá ở Quảng Bình với phí thuê người trông coi mỗi ngày 150.000 đồng. Giờ không biết làm gì kiếm ra tiền để trả công cho họ" - bà Trần Thị Được, vợ ông Dun, chua xót.

15 tuổi, ông Dun làm thuê trên tàu cá với bao nỗi nhọc nhằn. Sau 7 năm dành dụm, ông mua chiếc tàu công suất 33 mã lực cùng 6 bạn chài hành nghề câu bủa trên vùng biển gần bờ. Dần dà, ông tích cóp vốn liếng, bán tàu nhỏ rồi mua chiếc lớn đủ sức bám biển dài ngày.

Rồi ông sắm được chiếc tàu công suất 60 mã lực, cùng một tàu cá của ngư dân trong làng ghép nhau hành nghề giã cào đôi với những chuyến biển bội thu. Biển gần bờ dần cạn tôm cá, ông vay ngân hàng 3,5 tỉ đồng để đóng mới và cải hoán tàu công suất lớn vươn ra khơi xa.

"Lúc đó nhiều người có đôi tàu công suất lớn đánh bắt khá lắm nên tôi mới dám vay tiền nhiều như thế. Nhưng rồi làm ăn thua lỗ, nợ ngày càng nhiều không thể trả nổi. Nếu biết như thế này thì tôi đâu có dám vay" - ông Dun bộc bạch.

Phí tổn quá lớn

Lão ngư Lê Trung Thành, nguyên Giám đốc HTX Viễn Đông - Sa Huỳnh (đơn vị chuyên đóng mới và cải hoán tàu cá), hồi tưởng thời vàng son của ngư dân Phổ Thạnh. Thời đó, mỗi đôi tàu vươn khơi gần 1 tháng sẽ đem lại khoản lãi vài trăm triệu đến cả tỉ đồng. Chủ tàu nhận 6 phần lãi, 4 phần còn lại chia cho bạn chài chung sức mưu sinh trên biển cả bao la.

Nguồn lợi quá lớn khiến ngư dân Phổ Thạnh ồ ạt vay tiền đóng tàu công suất lớn, có năm đóng gần 70 chiếc. Giá trị trung bình mỗi tàu trên dưới 2 tỉ đồng. Niềm hy vọng làm giàu từ biển nung nấu trong tâm trí bao người. Ông Thành huy động nhiều nhóm thợ làm việc cật lực để kịp ngày hạ thủy tàu cá như đã giao ước.

"Dăm bảy năm trước, ngư dân đóng tàu nhiều lắm. Vốn đóng mới hay cải hoán chủ yếu là vay ngân hàng và bà con họ hàng. Bãi đóng tàu lúc nào cũng chật kín. Nhiều tàu cá sửa chữa phải neo đậu dưới nước chứ không còn chỗ kéo lên bờ. Tàu giã cào công suất lớn nên tiêu thụ nhiên liệu hơn hẳn những chiếc khác. Khi giá xăng dầu tăng cao thì phần lớn tàu giã cào nằm bờ vì phí tổn quá lớn" - ông Thành tâm sự.

"Phổ Thạnh có khoảng 500 tàu cá nằm bờ vì nhiên liệu tăng cao. Trong đó có nhiều tàu neo đậu nơi khác chứ không về cảng cá Sa Huỳnh" - ông Nguyễn Văn Lượng, Chủ tịch UBND phường Phổ Thạnh, nói tiếp.

Tiếng thở dài ở làng biển Sa Huỳnh - Ảnh 3.

Nhiều tàu neo đậu tại cảng cá Sa Huỳnh vì nhiên liệu tăng cao nên không thể ra khơi

Cụ Phan Văn Cúc (84 tuổi, ngụ phường Phổ Thạnh) thì nhớ thời trai trẻ thường giăng câu trên vùng biển gần bờ. Thuở ấy, phương tiện đánh bắt thô sơ nhưng cá, mực nhiều vô kể. Mỗi buổi câu bủa trên chiếc ghe gắn máy công suất nhỏ, ngư dân thu được trên dưới 2 tạ cá, đủ trang trải cuộc sống gia đình.

Cuộc sống thanh nhàn, xóm làng yên vui. Rồi một ngày kia, có những đôi tàu từ nơi khác đến biển Sa Huỳnh đánh bắt giã cào. Họ buộc 2 đầu lưới dày vào thanh gỗ gắn phía đuôi tựa chiếc phễu rộng để gom bắt cá tôm khi ghe lướt trên sóng nước.

Hải sản lớn nhỏ thu được khá nhiều từ cách khai thác này khiến ngư dân Phổ Thạnh ồ ạt chuyển đổi sang phương thức đánh bắt mới. Nhiều người nối lưới dày vào 2 chiếc tàu song song lướt trên sóng nước, gọi là giã cào đôi. Cá tôm gần bờ cạn kiệt, họ vay tiền đóng tàu lớn vươn khơi xa và mầm họa nợ nần dần ập đến.

Biển xa rồi cũng vơi dần hải sản khiến nhiều chuyến tàu ra khơi bị thua lỗ, cuộc sống gia đình ngư dân rơi vào túng bấn. Nhiều người không thể trả tiền gốc và lãi vay theo ký kết nên bị xiết nợ, tàu cá dù được rao bán giá rẻ nhưng chẳng ai mua.

"Nếu tàu hành nghề khác cùng kích cỡ, khi đóng mới cần 1,5 tỉ đồng thì giã cào phải trên 2 tỉ đồng. Như vậy mới đủ độ bền chắc và đủ sức kéo. Khi bán thì rẻ hơn tàu hành nghề khác rất nhiều, thậm chí rao bán hoài nhưng không có người mua, vì bây giờ ít cá tôm mà lại tốn nhiều nhiên liệu" - cụ Cúc thở dài.

Hai con trai của cụ Cúc cũng làm ăn thua lỗ. Một đứa bị ngân hàng kê biên rồi bán cả nhà lẫn đất nhưng vẫn chưa hết nợ, giờ phải đi bạn trên tàu cá của anh vợ, vợ con phải thuê chính căn nhà của mình để ở với giá mỗi tháng 600.000 đồng. Nếu nhà nước cấm ngư dân đánh bắt giã cào trong vòng 10 năm thì tôm cá sẽ có nhiều như trước. Nhưng vậy thì những người hành nghề này làm gì để có tiền lo cho gia đình và lấy tiền đâu để trả nợ?

"Bây giờ tàu giã cào rất khó bán, vì chuyển đổi sang nghề khác sẽ tốn khá nhiều tiền. Vậy nên không có người mua" - ông Thành góp chuyện.

Xót lắm!

Khi "bão" nợ vay chưa ập đến, Phổ Thạnh có hơn 1.200 tàu cá với tổng công suất trên 389.000 mã lực. Trong đó có khoảng 1.000 tàu cá xuôi Nam ngược Bắc hành nghề giã cào. Sản lượng hải sản khai thác hằng năm trên 40.000 tấn, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế ở địa phương.

Tiếng thở dài ở làng biển Sa Huỳnh - Ảnh 4.

Ngư dân Đinh Dun (bìa phải) và ngư dân Võ Mạnh làm ăn thua lỗ nên bị ngân hàng kê biên tài sản rao bán thu hồi nợ

"Những năm trước, nghề đánh bắt hải sản tạo nguồn thu nhập cho ngư dân rất lớn. Nay, nhiên liệu tăng cao nên nhiều tàu cá nằm bờ, hơn 70 ngư dân không thể trả nợ nên bị ngân hàng hay tòa án, thi hành án kê biên tài sản để bán thu hồi nợ. Cuộc sống gia đình họ rất khó khăn. Xót lắm! Chúng tôi mong muốn được ngân hàng khoanh nợ và kéo dài thời gian trả nợ để họ làm ăn và trả dần" - ông Giả Tấn Tàu, Phó Chủ tịch UBND phường Phổ Thạnh, tâm sự.

Hấp lực giã cào khiến nhiều người thế chấp tài sản vay tiền đóng tàu công suất lớn với hy vọng đổi đời. Những giàn lưới dày từng cào hốt cá tôm lớn nhỏ, nay đang khiến nhiều người chới với. Khi thảng thốt nhận ra thì đã muộn. 

Tìm cách gỡ khó

Phổ Thạnh có hơn 26.000 dân với khoảng 70% dân số sống phụ thuộc vào ngư nghiệp. Hải sản ngày càng cạn kiệt, ra khơi đánh bắt thường lỗ vốn khiến nhiều gia đình hết sức khó khăn.

"Chúng tôi đề nghị cấp trên quan tâm đầu tư nâng cấp cảng cá Sa Huỳnh để thu hút nhiều tàu cá vào neo đậu và bán hải sản. Qua đó, góp phần phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, giải quyết việc làm cho người lao động ở địa phương. Như vậy thì người dân mới có thu nhập, ổn định cuộc sống" - ông Giả Tấn Tàu cho biết.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo