xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tín dụng "đen" giăng bẫy đủ kiểu (*): Phải ngăn chặn từ gốc!

Nhóm phóng viên

Khắc phục những lỗ hổng pháp lý, đẩy mạnh tuyên truyền, mở rộng các đối tượng và hình thức tín dụng... là một trong những giải pháp căn bản để ngăn chặn tận gốc hoạt động tín dụng "đen"

Theo báo cáo của Bộ Công an, sau khi có Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng "đen" (TDĐ), các bộ, ngành, đoàn thể, lực lượng công an các cấp đã đồng loạt triển khai biện pháp phòng ngừa, đấu tranh. Nhờ đó, tình trạng treo biển, dán tờ rơi liên quan đến hoạt động cho vay tại nơi công cộng giảm. Tuy nhiên, hoạt động cho vay trực tuyến hay hoạt động TDĐ núp bóng cho vay ngang hàng (P2P lending) diễn ra tinh vi hơn.

Đủ chiêu núp bóng

Với cho vay trực tuyến, các đối tượng, trong đó có người nước ngoài sử dụng website, ứng dụng di động (app) để tiếp cận, quảng cáo cho vay tài chính thủ tục đơn giản, số tiền vay có thể từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng. Các đối tượng quy định biến tướng về lãi suất bằng cách thu các khoản phí dịch vụ, nếu cộng cả lãi suất và phí có thể lên đến 1.400%/năm.

Tín dụng đen giăng bẫy đủ kiểu (*): Phải ngăn chặn từ gốc! - Ảnh 1.

Nhà một nữ giám đốc ở quận Tân Bình (TP HCM) bị tạt sơn để đòi nợ. (Ảnh do nạn nhân cung cấp)

Một trong những hiện tượng TDĐ núp bóng nổi bật thời gian qua là cho vay ngang hàng. Trên thị trường hiện có khoảng 100 công ty trong lĩnh vực này nhưng nhiều công ty hoạt động không đúng bản chất P2P lending mà cấu kết với các cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính bán các dữ liệu, thông tin cá nhân của những người vay để môi giới, tiếp thị theo hình thức cho vay nặng lãi truyền thống. Các chủ sở hữu công ty này đồng thời là chủ tiệm cầm đồ, kinh doanh tài chính để cho vay…

"Một số ứng dụng cho vay ngang hàng cũng sử dụng thủ đoạn lách lãi suất bằng cách thu thêm khoản phí dịch vụ; lãi suất và phí dịch vụ có thể lên đến 700%/năm. Hoạt động cho vay ngang hàng ở Việt Nam hiện chưa có quy định pháp luật để quản lý, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong khi các công ty này phần lớn là người nước ngoài (chủ yếu Trung Quốc) điều hành, không đặt máy chủ ở Việt Nam nên khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát rủi ro về an ninh mạng, an toàn thông tin" - báo cáo của Bộ Công an nêu.

Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (CSHS) - Bộ Công an, cũng cho biết tình trạng cho vay nặng lãi qua app biến tướng, diễn biến phức tạp. Các đối tượng cho vay nặng lãi bằng các hợp đồng biến tướng để lách luật và trốn tránh sự điều tra, thu thập chứng cứ của cơ quan công an như: ghi lãi suất thấp hơn rất nhiều so với thực tế trong hợp đồng hoặc ghi lãi suất theo thỏa thuận trong một loại giấy tờ khác như giấy vay tiền, giấy viết tay để có thể tiêu hủy, thay đổi dễ dàng; yêu cầu bị hại viết giấy bán tài sản. Sau đó, thuê lại chính tài sản mình đã bán để sử dụng làm bằng chứng tố cáo với cơ quan công an là con nợ chiếm đoạt tài sản, nếu không trả nợ đúng hẹn…

Mạnh tay trấn áp

Theo Bộ Công an, khó khăn trong quá trình đấu tranh phòng ngừa TDĐ là do các đối tượng hoạt động với nhiều thủ đoạn, lợi dụng các nền tảng công nghệ thông tin để hoạt động với sự hậu thuẫn của chủ đầu tư là người nước ngoài. Thế nhưng, việc phát hiện, kiểm tra các cơ sở kinh doanh lợi dụng mạng internet, mạng xã hội, công nghệ để cho vay còn hạn chế. Thông tin cá nhân, dữ liệu liên quan đến hoạt động tài chính bị mua bán, trao đổi là một trong các yếu tố làm tăng tính phức tạp của loại tội phạm về TDĐ. Ngoài ra, quy định về việc định danh cá nhân đối với các sim số điện thoại, tài khoản mạng xã hội… chưa đáp ứng yêu cầu của công tác bảo vệ an ninh trật tự, bao gồm đấu tranh với TDĐ khiến việc phát hiện, ngăn ngừa còn gặp khó.

Theo Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Bộ Công an đã giao các đơn vị đấu tranh đẩy lùi tội phạm lợi dụng hình thức huy động vốn, lợi dụng các hoạt động tài chính ngân hàng (NH) để thực hiện hành vi tội phạm. Cùng với đó, lực lượng CSHS trấn áp tất cả đối tượng có hành vi lợi dụng cho vay qua app để đòi nợ thuê, đe dọa người dân... Bên cạnh đó, tăng cường rà soát, điều tra, xác minh xử lý nghiêm các hoạt động biến tướng, vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân cho vay tiền qua mạng, trấn áp mạnh đối với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan TDĐ.

Để tránh bị rơi vào "bẫy" TDĐ, Cục CSHS khuyến nghị người dân nên tìm đến các tổ chức tín dụng chính thống, cẩn thận với các ứng dụng, website cho vay trên mạng, đọc kỹ thông tin nhằm tránh bị các đối tượng lừa. Không cho các ứng dụng, website này được quyền truy cập vào danh bạ, các tài khoản mạng xã hội cá nhân…

"Nếu bị các đối tượng cho vay lãi quá 100% và thu lời bất chính trên 30 triệu đồng thì đã có dấu hiệu tội phạm và báo ngay cho cơ quan công an. Bên cạnh đó, người dân phát hiện đối tượng đe dọa, đập phá đồ đạc, gây thương tích, bắt cóc, bắt giữ người trái pháp luật để đòi nợ thì lập tức báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để giải quyết" - đại diện Cục CSHS khuyến cáo.

Thượng tá Trần Văn Phó, Phó trưởng Phòng CSHS Công an TP HCM, cũng thông tin: "Trong thời gian tới, để ngăn chặn loại tội phạm cho vay qua app, Phòng CSHS phối hợp với các phòng nghiệp vụ và công an địa phương nắm tình hình hoạt động của các đối tượng cho vay, kiên quyết kiểm tra, thu giữ tài liệu chứng minh hành vi cho vay lãi nặng. Đặc biệt, Công an TP HCM kiên quyết bắt bằng được những đối tượng cho vay, không để xảy đối tượng nào, ít nhất là đối tượng cầm đầu tại Việt Nam".

Theo Công an TP HCM, để triệt phá các băng nhóm cho vay nặng lãi qua ứng dụng, cần tăng cường phối hợp với các đơn vị kiểm tra, thu thập chứng cứ những nơi nghi vấn. Khi phát hiện các băng nhóm thì nhanh chóng củng cố chứng cứ, khai thác triệt để những tài liệu thu được. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-1

Tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn

Ở góc độ ngành NH, NH Nhà nước cho biết thời gian qua đã chủ động khảo sát tại một số tỉnh, TP là điểm nóng về TDĐ; tổ chức các hội nghị bàn về các giải pháp nhằm mở rộng tín dụng, hạn chế TDĐ; phối hợp với các tổ chính chính trị - xã hội nhằm tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn chính thức cho người dân. Không ngừng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động cho vay, chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến...

"Các tổ chức tín dụng đã đa dạng hóa những sản phẩm phù hợp với nhu cầu sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng chính đáng, đặc biệt là người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa như cho vay liên vụ, cho vay qua sổ tín dụng, vay vốn thông qua các tổ, nhóm của các tổ chức chính trị - xã hội; cho vay, thu nợ ngay tại địa bàn của người vay, triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ôtô chuyên dụng..." - đại diện NH Nhà nước thông tin.

Để góp phần hạn chế TDĐ, bên cạnh các giải pháp ngành NH cung cấp vốn qua kênh tín dụng chính thức, lãnh đạo NH Nhà nước cho rằng cần sự tham gia của các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội; đề ra giải pháp đồng bộ trong công tác phát hiện, thu thập, củng cố chứng cứ và đánh giá chứng cứ; có chế tài đủ sức răn đe đối với đối tượng tham gia đường dây, có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến TDĐ hoặc các đối tượng tham gia giới thiệu, tuyên truyền cho TDĐ.

Tọa đàm "Nhận diện, đẩy lùi hoạt động TDĐ"

Để góp phần làm giảm thiểu tình trạng TDĐ đang hoành hành, sáng nay (20-1), Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm "Nhận diện, đẩy lùi hoạt động TDĐ".

Tọa đàm có sự tham dự của các lãnh đạo NH Nhà nước, LĐLĐ TP HCM, Phòng CSHS Công an TP HCM, ĐHQG TP HCM và đại diện lãnh đạo các NH, công ty tài chính, chuyên gia pháp lý...

Thông qua tọa đàm, người dân sẽ nhận diện được "bẫy" TDĐ, hiểu thêm các quy định của nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh tài chính, các gói tín dụng chính thức phù hợp với nhu cầu sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng chính đáng... Từ đó, nâng cao nhận thức pháp luật để người dân tự phòng tránh cũng như tích cực tham gia tố giác tội phạm liên quan đến hoạt động TDĐ.

"Từ tháng 4-2019 đến tháng 4-2020, Bộ Công an đã tiếp nhận tin báo, phát hiện 1.152 vụ, 2.423 đối tượng liên quan đến tín dụng “đen”; khởi tố 602 vụ, 1.427 bị can và đang tiếp tục xác minh nhiều vụ việc khác.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo