xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TP HCM khan hiếm đất nghĩa trang

Bài và ảnh: Lê Phong

Diện tích đất nghĩa trang ở TP HCM dần thu hẹp. Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM, cần quy hoạch đất cho nghĩa trang để bảo đảm nhu cầu của người dân TP

"Hồi tháng 1-2021, con trai tôi mất vì ung thư. Chi phí chôn cất quá cao mà cũng không dễ tìm nghĩa trang trong TP HCM, chúng tôi chọn hỏa táng. Thế nhưng, đi hỏi đến 6 ngôi chùa gần nhà xin gửi tro cốt vẫn không ở đâu nhận. Cuối cùng, chúng tôi phải gửi tạm tro cốt con trai ở một tịnh thất tại quận 8" - ông Nguyễn Một (ngụ đường 47, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) kể.

Hết đất chôn, gửi chùa cũng không dễ

Ông Phối Ngọc Thành, chủ dịch vụ mai táng Công Thọ Phúc (quận 5), cho biết Nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) từng là nghĩa trang lớn nhất TP HCM với quy mô hơn 100.000 phần mộ nhưng đã tạm ngưng chôn cất, chính quyền đẩy mạnh công tác di dời, giải tỏa mộ. Nghĩa trang Đa Phước (huyện Bình Chánh) hiện được xem là nghĩa trang lớn nhất TP HCM - rộng 67 ha nhưng các ngôi mộ đã phủ kín 7,5 ha.

"So với nghĩa trang tư nhân, giá đất kèm dịch vụ xây dựng từ 350 triệu đến 2,5 tỉ đồng, thì chi phí chôn cất ở Nghĩa trang Đa Phước là thấp. Dù vậy, so với thu nhập trung bình của người dân thì mức đó vẫn cao. Cụ thể, giá đất ở đây dao động 5-10 triệu đồng/m2, nếu tính chi phí xây dựng ốp gạch men và đá granite thì 50-150 triệu đồng/phần mộ. Sau khi an táng tại đây, tính từ năm thứ 7, thân nhân phải đóng phí bảo quản mộ, chăm sóc cây xanh với giá 350.000 đồng/năm. Cho nên, phần lớn người dân chọn chôn cất người thân ở một số nghĩa trang tại các tỉnh lân cận như TP Thuận An (tỉnh Bình Dương), huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai), huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An)..., chi phí thấp nhất khoảng 50 triệu đồng" - ông Thành nói.

Theo ông Thành, hơn một nửa khách hàng thuê dịch vụ mai táng từ cơ sở của ông có nhu cầu chôn cất, số còn lại chọn hỏa táng nhưng việc gửi tro cốt gặp nhiều khó khăn bởi nhiều chùa không có chỗ thờ. Nơi lưu trữ tro cốt lớn nhất TP HCM là Công viên Hỏa táng tháp Long Thọ (huyện Củ Chi), chi phí gửi tro cốt cũng từ 500.000 đồng đến hàng chục triệu đồng, tùy thời hạn gửi và vị trí đặt tro cốt. Hằng năm, nơi này có thêm chi phí lau chùi, kiểm tra và ghi hình gửi cho thân nhân. Một số nghĩa trang tư nhân tại quận 12, TP Thủ Đức và huyện Bình Chánh có chi phí lưu giữ hũ cốt dao động từ 5 triệu đến 80 triệu đồng/10 năm.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, hiện TP không cho phép chôn cất người chết trong khu dân cư. Các khu nghĩa trang tư nhân đã được quy hoạch có quy mô nhỏ, số lượng được phép chôn cất rất ít. Một số khuôn viên chùa, nhà thờ từng quy hoạch làm đất nghĩa trang nhưng hiện không được phép chôn cất nữa vì dân cư đông đúc...

TP HCM khan hiếm đất nghĩa trang - Ảnh 1.

Nghĩa trang Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP HCM đã có 7,5 ha phủ kín mộ

Quy hoạch nghĩa trang 30 ha ở huyện Cần Giờ

Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM vừa có văn bản gửi UBND TP về quy hoạch nghĩa trang 30 ha thuộc ấp Bình Lợi, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ.

Huyện Cần Giờ hiện có 2 nghĩa trang tại xã Long Hòa và Bình Khánh. Nghĩa trang Long Hòa đã đóng cửa khoảng 5 năm nay, còn nghĩa trang hiện hữu Bình Khánh chỉ còn khoảng 150 hố mộ để giải quyết nhu cầu mai táng trên địa bàn huyện. Với nhu cầu cấp thiết về chôn cất người mất, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP cho rằng cần thành lập nghĩa trang sớm để bảo đảm nhu cầu cho người dân, đồng thời đúng với định hướng phát triển huyện Cần Giờ.

Trước đó, UBND huyện Cần Giờ kiến nghị UBND TP HCM xem xét thực hiện quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 nghĩa trang Bình Khánh với quy mô 30 ha (trên cơ sở nghĩa trang hiện hữu khoảng 2,4 ha) theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng huyện Cần Giờ đã được duyệt. Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP đề xuất UBND TP cho phép UBND huyện Cần Giờ nghiên cứu lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch này.

Có thể thủy táng, thạch táng

Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM, cho biết hiện cả nước có trên 18.000 ngôi chùa. Nhiều ngôi chùa hiện nay không còn chỗ để tro cốt, dự báo sẽ có thời điểm chùa quá tải nơi lưu trữ. Hằng năm, một số ngôi chùa cùng với thân nhân sẽ thực hiện việc thủy táng, tức thả tro cốt ra sông cùng với nghi thức cầu siêu.

"Người Việt Nam có tục lệ thổ táng nhưng hiện giá đất cao nên người dân cũng đã dần chuyển sang hỏa táng và thủy táng. Đây là cách làm văn minh, bảo đảm vệ sinh môi trường. Ngoài ra, nhiều nơi còn thực hiện việc thạch táng, tức dùng ít tro cốt làm khô như đá để thờ cúng" - Thượng tọa Thích Nhật Từ cho biết. 

Bốc mộ vắng chủ ở Nghĩa trang Bình Hưng Hòa

Theo Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Tân, đến nay, Nghĩa trang Bình Hưng Hòa đã giải tỏa 12 ha diện tích đất; tiến hành bốc khoảng 6.880 phần mộ vắng chủ, chưa có thân nhân đăng ký di dời thuộc khu 10 ha (thuộc phường Bình Hưng Hòa). Giai đoạn tới, quận sẽ tiếp tục di dời và bốc hơn 21.500 phần mộ nằm ở khu vực đường Tân Kỳ Tân Quý (thuộc phường Bình Hưng Hòa A).

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo