xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trạm thu phí BOT lắm tai tiếng: Phí cao, trạm dày đặc

Đoàn Quang Huy

Nhiều chủ đầu tư thoải mái liệt kê, nâng chi phí đầu tư nhằm tăng mức phí và thời gian thu phí, gây bức xúc dư luận

Đến thời điểm hiện tại, cả nước có 88 trạm thu phí BOT đang hoạt động. Và từ nay đến hết năm 2018, con số này sẽ là 96 trạm và dự kiến đến năm 2020, trên toàn quốc có 102 trạm, đến năm 2030 là 121 trạm.

Đủ chiêu "cơi giá"

Chỉ tính riêng trên Quốc lộ (QL) 1 hiện đã có 37 trạm thu phí BOT, trung bình 62 km có 1 trạm thu phí. Cá biệt có những đoạn như Hà Nội - Thái Bình dài khoảng 100 km nhưng có đến 4 trạm thu phí BOT. Hoặc nếu xuất phát từ ngã 3 Thái Lan (địa phận Long Thành, tỉnh Đồng Nai) đi thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) với quãng đường chỉ 30 km nhưng phải qua 4 trạm thu phí: QL51, cầu Đồng Nai, Bình Thắng, Bình Thung.

Không ai phủ nhận các dự án BOT đã góp phần thúc đẩy ngành giao thông phát triển, lưu thông thuận lợi, làm tiền đề cho các khu công nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Bù lại, các dự án BOT đã được hưởng những cơ chế ưu đãi đặc thù. Nhưng chính vì những ưu đãi kết hợp với sự quản lý lỏng lẻo, chồng chéo và chưa có một hành lang pháp luật cụ thể cho loại hình đầu tư này nên nảy sinh nhiều điều mờ ám.

Các chi phí tính toán ban đầu như giá nhân công, vật tư, chi phí quản lý trực tiếp và gián tiếp, giá thiết bị, máy móc... luôn được chủ đầu tư kê cao hơn so với thực tế, kể cả các hệ số rủi ro, trượt giá, chưa kể các chi phí lãi vay ngân hàng (chiếm tỉ lệ rất lớn trong nguồn vốn thi công) cũng được kê vào trong dự toán. Cụ thể, theo thông báo mới nhất của Thanh tra Chính phủ, trong số 27 trạm thu phí BOT được thanh - kiểm tra, đã lòi ra 11 dự án đội vốn khống so với thực tế gần 500 tỉ đồng, giảm thời gian thu phí các dự án xuống được gần 100 năm.

Trạm thu phí BOT lắm tai tiếng: Phí cao, trạm dày đặc - Ảnh 1.

Thời gian qua, giới tài xế phản ứng gay gắt trạm thu phí BOT Định An trên cao tốc Liên Khương đi Đà Lạt do thu phí quá caoẢnh: Đình Thi

Còn theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, rất nhiều chủ đầu tư khi lập dự án đầu tư bằng hình thức BOT vốn tăng gần gấp đôi so với khi được lập dự án bằng ngân sách nhà nước. Ví dụ như dự án mở rộng QL1 qua Nghi Sơn - Cầu Giát (nằm trên QL1 kéo dài từ Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) đến Cầu Giát (tỉnh Nghệ An), khi lập chi phí dự án bằng nguồn ngân sách nhà nước là gần 2.000 tỉ đồng nhưng khi chuyển qua hình thức BOT, con số này tăng lên 3.627 tỉ đồng. Hoặc có một số dự án BOT sau khi thi công xong và đưa vào khai thác, con số chi phí thực tế lại thấp hơn nhiều so với báo giá ban đầu. Ví dụ như dự án mở rộng QL1 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa (trạm thu phí BOT Cam Thịnh), báo giá chi phí đầu tư ban đầu là 2.700 tỉ đồng nhưng thực tế sau khi thi công xong, chỉ hết có 1.300 tỉ đồng.

Những dẫn chứng trên cho thấy có sự lỏng lẻo ngay từ khâu lập chi phí đầu tư dự án theo hình thức BOT. Chưa kể đến hình thức kêu gọi gói thầu, mặc dù quy định có 2 hình thức là đấu thầu công khai và chỉ định thầu nhưng theo kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ, có gần 100% các gói thầu được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu. Khi được hỏi thì giám đốc của nhiều công ty lớn trong ngành xây dựng giao thông đường bộ đều trả lời là không được thông báo mời thầu qua bất cứ hình thức nào. Chính vì thế mới có chuyện các công ty có năng lực kém, nguồn vốn thấp nhưng nhờ có "quan hệ" nên được chỉ định thầu, dẫn đến tình trạng kéo dài dự án, nâng tổng số tiền đầu tư so với dự toán ban đầu lên cao để "móc túi" người sử dụng dịch vụ.

Bức xúc là đúng!

Trước đây, khi trình độ dân trí chưa được nâng cao, nhất là internet chưa phổ biến, thì trong suy nghĩ của đại đa số người dân cứ thấy có trạm thu phí mọc lên là mặc định rằng để thu phí cho một con đường, hay cây cầu mới xây và vui vẻ móc hầu bao chi trả. Nhưng khi internet đã phổ biến như hiện nay, việc cập nhật tin tức trở nên dễ dàng thì người dân ngày càng quan tâm hơn đến đồng tiền họ bỏ ra, đó cũng là nguyên nhân dẫn tới các vụ phản đối chủ đầu tư trạm thu phí, mà mới nhất là trạm thu phí Cai Lậy - Tiền Giang.

Thử làm một bài toán đơn giản, sẽ thấy rằng người dân đang phải "chịu oan" như thế nào khi lưu thông trên tuyến QL1: Với 1 ô tô 4 chỗ lưu thông từ Hà Nội vào đến

TP HCM thì số tiền phải trả cho các trạm thu phí là 925.000 đồng cho quãng đường khoảng 1.600 km. Tính ra trung bình 1 km đường, tài xế phải đóng gần 600 đồng. Trong khi, QL1 là tuyến đường sẵn có từ bao đời nay, nói như Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu, là "con đường độc đạo, huyết mạch, ông bà tổ tiên để lại từ đời nào, bây giờ tôn tạo rồi thu tiền, bà con bức xúc là đúng rồi…". Từ năm 2013, nhà nước lại bắt đầu thu phí bảo trì đường bộ với các loại ô tô tham gia lưu thông, mục đích để duy tu, sửa chữa đường bộ hiện hữu và như vậy có phải là phí chồng phí?

Ngoài ra, nhiều tài xế chạy tuyến Bắc - Nam cho biết nếu so với thời gian của những năm 2000 thì thời gian hành trình hiện nay rút xuống không đáng kể do đa số là cải tạo lại mặt đường tuyến QL1 chứ không mở rộng thêm làn xe. Chỉ có các dự án BOT đầu tư hầm chui xuyên đèo là hữu ích nhất do giảm được thời gian leo đèo.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-8

Kỳ tới: Làm dối, ăn thật

Ông thứ trưởng quên hay không biết?

Trong một phát biểu với báo giới, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng mức thu tại các trạm thu phí BOT hiện nay của Việt Nam vào hàng thấp nhất Đông Nam Á, nên không đáp ứng được yêu cầu của các ngân hàng nước ngoài. Nhưng ông thứ trưởng lại quên nhắc đến là hiện chỉ có Việt Nam mới có tình trạng lập dự án BOT thu phí trên QL hiện hữu. Còn các quốc gia khác họ chỉ kêu gọi vốn đầu tư cho những dự án BOT giao thông mới hoàn toàn, mà đa phần là các tuyến đường cao tốc với tối thiểu 6 làn xe. Chính vì họ có chính sách minh bạch cùng với khung pháp lý vững chắc nên họ có thể kêu gọi được các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các ngân hàng nước ngoài đổ tiền vào tham gia.

Còn ở Việt Nam thì sao? Khung pháp lý cho hình thức đầu tư BOT chưa rõ ràng, luật thay đổi liên tục, chi phí "bôi trơn" cao và điều nhà đầu tư ngoại sợ nhất chính là không ai dám bảo đảm khi họ bắt tay vào thi công dự án thì bộ - ngành chức năng lại cấp phép tiếp cho một dự án khác cạnh tranh trực tiếp với họ.

Chính phủ cần chỉ đạo mở đợt thanh tra, kiểm toán toàn diện các trạm thu phí BOT đang và sắp hoạt động. Kiên quyết xử lý những vi phạm, đồng thời sớm đưa ra khung pháp lý vững chắc, rõ ràng, minh bạch để thu hút các nhà đầu tư có uy tín trong nước lẫn nước ngoài…

Chỉ có như thế thì 3 chữ BOT mới trở về đúng ý nghĩa ban đầu của nó!

Nở rộ trong giai đoạn 2011-2015

Dự án BOT giao thông đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam là dự án cầu Cỏ May (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), do Công ty TNHH Hải Châu làm chủ đầu tư, khởi công vào năm 1994 và bắt đầu thu phí năm 1997, đến 2011 thì bàn giao cho nhà nước quản lý sau 14 năm thu phí với giá trị gói thầu khoảng 120 tỉ đồng. Sau đó, hàng loạt trạm thu phí BOT ra đời trên toàn quốc.

Nở rộ nhất là trong giai đoạn 2011-2015, thời ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng GTVT. Theo đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong giai đoạn 2011-2016, Bộ GTVT đã huy động khoảng 171.308 tỉ đồng, trong đó vốn BOT là 154.481 tỉ đồng/59 dự án. Đến nay, đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác 55 dự án BOT với tổng mức đầu tư 137.819 tỉ đồng, toàn bộ là lĩnh vực đường bộ.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo