xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TRỌN ĐỜI BÁM BIỂN (*): Không còn là chuyện mưu sinh

Bài và ảnh: Ngọc Giang

Ông Lê Văn Lầu, người tiên phong đưa thuyền thúng vào khai thác tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, được ngư dân làng chài Phước Hải kính trọng. Ông luôn nhắc nhở bà con phải cùng nhau giữ ngư trường, bảo vệ biển đảo

Trải qua biết bao thăng trầm cùng nghề biển, có những lúc tưởng đã bỏ mạng giữa biển khơi nhưng trong suy nghĩ của những ngư dân Phước Hải (thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chưa bao giờ tồn tại 2 chữ "bỏ cuộc".

TRỌN ĐỜI BÁM BIỂN (*): Không còn là chuyện mưu sinh - Ảnh 1.

Một góc làng chài Phước Hải

Cờ Tổ quốc đong đầy ký ức

Với ông Lê Văn Lầu (71 tuổi; ngụ khu phố Phước An, thị trấn Phước Hải), mỗi hành trình vươn khơi, trên đường biên của Tổ quốc là một câu chuyện đầy tự hào mà ông muốn kể lại cho các thế hệ con cháu mai sau.

Lê Văn Lầu là tên trong giấy khai sinh, còn người dân Phước Hải vẫn gọi ông với cái tên thân mật là Mười Lạng. Sinh ra và lớn lên ở làng chài Phước Hải, mới 10 tuổi, Mười Lạng đã theo cha giong thuyền ra khơi câu mực. Thời đó, biển đầy ắp tôm, cá. Dáng người nhỏ, Mười Lạng lọt thỏm giữa từng rổ cá, rổ mực.

Lớn lên làm ngư phủ, Mười Lạng đóng tàu rồi đi đánh bắt xa bờ, từ vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, ra tận Trường Sa, các nhà giàn ở thềm lục địa phía Nam của đất nước. Mỗi vùng biển đều gắn với những kỷ niệm về một thời trai trẻ của ông.

Cả cuộc đời gắn với biển cả, ông Mười Lạng không thể nhớ hết được những chuyến biển từng đi, cũng không nhớ hết những vùng biển đã từng đánh bắt. "Nhưng hình ảnh mãi đọng trong ký ức là lá cờ Tổ quốc trên những con tàu ở khơi xa. Lúc đó, thấy cờ Tổ quốc, thấy tàu Việt Nam, cứ ngỡ như đang được ở trên quê nhà, làng chài của mình vậy" - ông Mười Lạng bộc bạch.

TRỌN ĐỜI BÁM BIỂN (*): Không còn là chuyện mưu sinh - Ảnh 2.

Ông Mười Lạng bên những chiếc thuyền thúng

Người dân Phước Hải biết nhiều đến Mười Lạng vì ông là người đầu tiên đưa thuyền thúng về với người dân làng chài này, từ năm 1978. Thời điểm đó, khi câu mực ở những vùng biển khác, thấy người dân ở đó sử dụng thuyền thúng đánh bắt cá nên ông gom góp tiền mua được 10 chiếc đưa về Phước Hải. Thấy ông đánh bắt bằng thuyền thúng hiệu quả, người dân xóm chài Phước Hải và nhiều vùng khác làm theo.

Ở mỗi nơi người ta lại dùng thuyền thúng theo những cách khác nhau. Có vùng dùng để lặn sò, có nơi dùng câu mực xa bờ... nhưng với Mười Lạng, mỗi chiếc thúng mang theo một câu chuyện, gắn với sinh mạng của mỗi ngư dân. Nhiều năm qua ông đã chứng kiến biết bao vụ tai nạn thương tâm giữa biển khơi khi sóng to gió lớn. Nhiều người xấu số mãi nằm lại dưới biển sâu. Trận bão kinh hoàng vào một đêm tháng 11-1997, ông suýt mất cậu con trai Lê Thái Hòa (khi đó mới 15 tuổi).

Cậu bé Hòa ngày nào giờ đây cùng với hai người anh em ruột trở thành những "sói biển" dạn dày kinh nghiệm, rong ruổi khắp các vùng biển mà cha mình đã qua. Nhìn các con trưởng thành, kế tục truyền thống gia đình, ông Mười Lạng rất đỗi tự hào. "Mỗi con tàu đạp sóng ra khơi là một cột mốc chủ quyền trên biển. Các con tôi cũng ý thức được điều đó. Nghề biển không còn là chuyện mưu sinh, muốn giữ kế sinh nhai thì phải cùng nhau giữ ngư trường, giữ biển đảo của đất nước" - ông Mười Lạng bày tỏ.

Khó khăn luyện can trường

Chúng tôi đến thăm ngư dân Nguyễn Văn Lợi (48 tuổi; ngụ khu phố Phước Điền, thị trấn Phước Hải), lúc ông chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới. Màu da rám nắng, trông ông Lợi già hơn so với tuổi của mình nhưng sự tháo vát thì thanh niên khó bì.

Lênh đênh với biển từ năm 12 tuổi, từ thời ông nội, cha rồi đến đời mình, ông Lợi lấy biển làm nhà, chưa bao giờ nghĩ sẽ bỏ tàu, bỏ làng chài để tìm kiếm một công việc khác. Ông trải lòng: "Sống ngoài biển đã quen, vào bờ tôi lại thấy thiếu thiếu. Tôi nghĩ nghề này đã chọn mình rồi, đến khi về già như chú Mười Lạng mới thôi chứ giờ còn khỏe thì vẫn cứ đi".

TRỌN ĐỜI BÁM BIỂN (*): Không còn là chuyện mưu sinh - Ảnh 3.

Ông Mười Lạng tại nghĩa địa cá Ông của làng chài Phước Hải

Mỗi chuyến biển của ông Lợi thường từ 20 ngày đến 1 tháng mới quay về bờ nên cuộc sống của ông chủ yếu trên tàu cá. Là thuyền trưởng, ông từng đối mặt với bao bất trắc, hiểm nguy nhưng cũng chính nghề đã cho ông hiểu hơn trọng trách của ngư dân trên biển. "Khi đánh bắt ngoài khơi, mỗi ngư dân là một đại diện cho Tổ quốc, mỗi tàu cá là một mốc chủ quyền. Đối mặt với sóng gió là một phần, ngư dân còn phải đối mặt với sự uy hiếp của tàu nước ngoài. Chính những điều đó đã "tôi luyện" cho chúng tôi ý thức, ý chí và thấy bản thân cần có trách nhiệm hơn với đất nước" - ông Lợi nói.

Cũng nhờ vậy mà trong những năm qua, ông Lợi cùng ngư dân Phước Hải vẫn kiên trì bám biển. Đặc biệt, mỗi chuyến biển, ông Lợi đều mang theo nhiều cờ Tổ quốc.

"Không phải tôi đâu, nhiều bà con khác cũng vậy, để khi gặp sự cố, cờ bị gió giật rách hay sờn cũ là thay ngay. Khi treo cờ Tổ quốc trên tàu, chúng tôi thấy tự tin hơn nhiều. Cảm xúc rất đặc biệt, thiêng liêng khi ở nơi đầu sóng ngọn gió, mắt dõi theo cờ, trái tim hướng về quê hương. Cứ như thế, chúng tôi thấy mình đang làm chủ vùng biển mà bao đời cha ông đã giữ gìn, bảo vệ" - ông chia sẻ thêm. 

Những người như ông Mười Lạng, cả đời gắn bó với biển. Vậy nên, ở tuổi thất thập, không thể tiếp tục ra khơi nữa, ông Mười ở nhà nhận nhiệm vụ canh giữ và chăm sóc nghĩa địa cá Ông (nằm trên bãi biển, sát Tỉnh lộ 44, thị trấn Phước Hải). Với những người dân đi biển, cá Ông là con vật linh thiêng. Họ luôn có niềm tin mãnh liệt rằng trong mỗi chuyến ra khơi, cá Ông che chở, giúp vượt qua sóng to gió lớn, phù hộ đánh bắt được nhiều tôm, cá. Vì thế, việc bảo vệ hàng chục ngôi mộ ở nghĩa địa cá Ông cũng chính là trách nhiệm của ông Mười Lạng và ngư dân Phước Hải để chở che con cháu của mình dưới muôn trùng sóng gió.

Giúp ngư dân chuyển đổi khai thác, an tâm đánh bắt

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, toàn tỉnh hiện có gần 6.000 tàu cá. Để phát triển bền vững nghề cá, thời gian qua, tỉnh thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu đánh bắt theo hướng phát triển đánh bắt xa bờ, giảm dần những nghề khai thác gần bờ, gây suy kiệt nguồn lợi thủy sản, số lượng tàu hoạt động các nghề lưới câu, rê, vây ổn định so các năm trước. Nhờ sự chuyển đổi này, đến nay, số lượng tàu đánh bắt xa bờ toàn tỉnh đạt 2.902 chiếc. Trong năm 2019 , các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác thủy sản xa bờ tiếp tục được tỉnh triển khai có hiệu quả, qua đó kịp thời động viên ngư dân yên tâm bám biển. Bà con ngư dân cũng ngày càng nhận thức được việc thành lập các tổ đoàn kết trong đánh bắt, bảo quản hải sản sau khai thác trên biển. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 346 tổ, đội đoàn kết trên biển với 2.350 tàu cá, thu hút 2.158 thành viên tham gia. Ngoài ra, tỉnh còn có 3 hợp tác xã với 22 xã viên; 63 tàu cá và 1 nghiệp đoàn khai thác cá cơm với 40 tàu cá thành viên.

Sản lượng khai thác năm 2019 toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 343.000 tấn, vượt kế hoạch đề ra, tăng 1,8% so với năm 2018; giá trị sản xuất khai thác thủy sản tăng 4,18%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-5

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo