xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trọn vẹn với rừng

Bài và ảnh: Hoàng Thanh

Ngoài vất vả, mệt nhọc, cán bộ quản lý bảo vệ rừng ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh còn đối mặt với vô vàn nguy hiểm khác, nhất là bị rắn hay nhện độc cắn hoặc cây gãy đổ gây thương tích

Cao nguyên Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) với vùng lõi bao trùm cả diện tích Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Nơi đây có nhiều loại cây gỗ, động vật quý hiếm - nguy cấp cần được bảo tồn, gìn giữ. Chính vì vậy, xưa nay rừng ở đây luôn bị "lâm tặc" và thợ săn nhòm ngó. Việc quản lý, bảo vệ rừng cũng vì thế trở nên khốc liệt hơn.

Nguy hiểm luôn rình rập

Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có 9 trạm quản lý bảo vệ rừng nằm rải rác ở các cửa ngõ vào rừng.

Tại các trạm, mỗi tháng đều có kế hoạch để cử lực lượng vào rừng tuần tra tại diện tích trạm được giao bảo vệ. Việc tuần tra nhằm phát hiện dấu hiệu "lâm tặc" khai thác gỗ, người dân phát nương làm rẫy hoặc những thợ săn bắn động vật rừng để kịp thời ngăn chặn. Mỗi chuyến tuần tra như vậy thường kéo dài 2-3 ngày.

Trọn vẹn với rừng - Ảnh 1.

Các cán bộ quản lý bảo vệ rừng ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh trong một lần tuần tra rừng

Để chuẩn bị cho chuyến tuần tra lần này, từ sáng sớm, ông Hoàng Trọng Thái, Phó Chỉ huy trưởng Lực lượng quản lý bảo vệ rừng Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, phải tất bật chuẩn bị đồ dùng, thức ăn, thuốc và đặc biệt là hạt đậu lào chuyên dùng hút độc, không cho độc tố lan ra khi không may bị rắn cắn trong quá trình tuần tra. Chuẩn bị xong thì trời cũng vừa sáng rõ. Ông Thái điều khiển chiếc xe máy bánh cuốn dây xích, tiến thẳng vào vùng rừng của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.

Đường rừng ở đây chỉ vừa lọt bánh xe nên việc đi lại rất khó khăn. Nhiều đoạn lên dốc, ông Thái cài số nhỏ rồi vít ga thật mạnh, thậm chí vừa tăng ga vừa phải xuống xe dùng sức đẩy đến mướt mồ hôi. Khi xuống dốc còn khó hơn vì phải ghì chặt tay lái, về số nhỏ, đạp thắng cho xe khỏi ngã, khỏi lao xuống vực. Nhiều nơi phải qua suối lớn, sâu, xe máy không qua được thì mang theo đồ đạc, lội bộ qua rồi tiếp tục đi kiểm tra.

Cứ đi, đến tối thì dừng lại mắc võng lên cây mà ngủ, không thì tìm chòi rẫy của người dân để nghỉ chân. Lâu dần, những nơi thường phải nghỉ chân cũng được lực lượng dựng lên căn lều tạm để anh em thuận tiện cho việc nghỉ ngơi.

Ngoài vất vả, mệt nhọc, cán bộ quản lý bảo vệ rừng như ông Thái còn đối mặt với vô vàn nguy hiểm khác trong những chuyến tuần tra rừng. Nguy hiểm thường gặp nhất là bị rắn độc, nhện độc cắn hoặc cành cây gãy đổ trúng người gây thương tích.

Trọn vẹn với rừng - Ảnh 2.

Nhiều đoạn đường tuần tra phải băng qua suối sâu

Năm 2015, anh Nguyễn Văn Thưởng, Trạm trưởng Trạm số 5 (xã Đắk Krong, huyện Kbang), dừng chân nghỉ ngơi sau một ngày tuần tra. Khi đang lấy củi để nấu cơm, không may anh Thưởng bị rắn độc cắn vào tay trái. Thấy vậy, người cán bộ đi cùng vội lấy hạt đậu lào đắp vào vết thương, xé áo lấy vải cột caro rồi tức tốc đưa anh Thưởng tới bệnh viện cấp cứu.

Đường rừng xa, trời tối khó đi, nên phải mất khá nhiều thời gian anh Thưởng mới được đưa tới bệnh viện. Khi bác sĩ tháo caro ra để chữa trị thì người anh Thưởng đã tím tái, huyết áp tụt. Trong tình thế nguy cấp, anh được chuyển gấp đến Bệnh viện Đa khoa TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) cấp cứu, may là còn kịp.

Nguy hiểm còn đến từ "lâm tặc". Một lần, trong quá trình tuần tra tại xã Hà Đông, huyện Đắk Đoa, tổ công tác của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh phát hiện nhóm "lâm tặc" đang chở gỗ ra khỏi rừng nên yêu cầu dừng lại để xử lý. Trong rừng vắng, thấy tổ cán bộ chỉ có 3 người nên nhóm "lâm tặc" tổ chức hành hung để cướp gỗ. Thấy nhóm "lâm tặc" manh động, các cán bộ tạm thời lánh đi, tới nơi có sóng điện thoại thì gọi lực lượng chi viện. Thấy vậy, nhóm "lâm tặc" mới bỏ gỗ lại hiện trường, tháo chạy.

Năm 2011, chốt chặn lối vào Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh phát hiện nhóm người chở gỗ từ trong rừng đi ra nên chặn bắt. Thấy số "lâm tặc" này bị bắt, một nhóm đối tượng đã lôi kéo, kích động người dân cả một làng gần đấy đến gây rối, đánh đập làm một số cán bộ bảo vệ rừng bị thương.

Chỉ mong vợ hiểu, thông cảm

Trước khi là Giám đốc Trung tâm Cứu hộ - Bảo tồn - Phát triển sinh vật của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, ông Trần Văn Thụ đã làm cán bộ quản lý bảo vệ rừng từ khi vườn được thành lập. Ngóc ngách nào của vườn cũng đều từng có dấu chân ông đến.

Ông Thụ nhớ nhất là vào năm 2003, khi vừa về nhận công tác ở đây thì được giao nhiệm vụ canh giữ cánh rừng ở xã Hà Đông của huyện Đắk Đoa. Đây là một trong những xã xa nhất của tỉnh Gia Lai, giao thông đi lại khó khăn. Quãng đường chỉ chưa đầy 100 km nhưng 7 giờ sáng ông đi xe máy từ nhà thì 3-4 giờ chiều mới đến nơi. Do đó, có khi hàng tháng trời ông Thụ mới về nhà một lần.

Trọn vẹn với rừng - Ảnh 3.

Bữa ăn trưa trên đường tuần tra

"Có đêm đi tuần tra, tôi và một đồng nghiệp ngủ lại chòi rẫy của người dân. Đêm tôi không ngủ được, nằm nhớ đứa con nhỏ mới 7 tháng tuổi. Không có đồng hồ, điện thoại như bây giờ nên hai anh em phải nằm kể chuyện cho nhau nghe. Hết kể chuyện thì lại đố nhau xem đã mấy giờ, đố qua đố lại mãi cho đến khi trời sáng" - ông Thụ kể.

Thậm chí, dạo vợ sinh đứa con thứ hai, ông Thụ biết tin nhưng cũng không về được, do đang trên đường tuần tra. Trong đêm, người ta tìm được ông để báo tin, lòng ông như lửa đốt. Không thể về nhà ngay được, ông tìm cách liên lạc nhờ bạn bè tới nhà đưa vợ đi bệnh viện. Hôm sau, ông Thụ về tới nhà thì cũng là khi vợ ông vừa kịp sinh nở "mẹ tròn con vuông".

Có lần, vợ bị tai nạn phải đi cấp cứu nhưng đúng lúc ông Thụ đang ở trong rừng. Dạo ấy, tuy đã có điện thoại di động nhưng vào sâu trong rừng thì không có sóng nên người nhà không biết cách nào để thông báo cho ông. Hết cách, người nhà đành phải tìm tới cơ quan ông, nhờ người vào rừng tìm báo tin.

"Về nhà, vợ tôi có hỏi, lỡ không may em mệnh hệ gì thì anh có hối hận không? Mình nghe cũng nghẹn lòng. Không nói được lời nào. Nhiều lúc nghĩ thương vợ lắm nhưng vì đặc thù công việc hay phải đi xa nhà nên cũng không biết làm sao. Chỉ mong vợ hiểu, thông cảm cho mình" - ông Thụ tâm sự.

Các cán bộ trong lực lượng bảo vệ rừng của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đến giờ vẫn chưa quên được chuyện anh M. - một cán bộ của Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 3 ở xã Krong, huyện Kbang. Khi hấp hối, cha anh M. muốn gặp con để trăng trối. Người nhà tìm mọi cách gọi điện báo tin nhưng anh M. đang trực trạm, ở trạm thì không có sóng điện thoại. Trong đêm, người nhà phải vào tận trạm để báo tin. Đến khi anh M. về được nhà thì cha đã qua đời.

Dành trọn tuổi thanh xuân

Qua 20 năm công tác, số lượt đi rừng tuần tra là một trong những thứ mà ông Thái không thể nào nhớ hết. Chỉ biết là ông và nhiều người nữa đã dành trọn cả tuổi thanh xuân để gắn bó nơi này, bảo vệ cho rừng cây. Những cán bộ quản lý bảo vệ rừng ở đây đều hiển nhiên là "ngủ ở rừng nhiều hơn ở nhà", nên rất cần sự thấu hiểu, chia sẻ của người thân.

Ông Thái khẳng định với những cán bộ đã nhiều năm làm nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ rừng, gia đình, người thân phải là hậu phương vững vàng thì họ mới có thể yên tâm gắn bó với công việc.

"Không thực sự yêu rừng thì rất khó bám trụ lâu dài với công việc" - ông Thái nói và cho biết đã nghe rất nhiều cán bộ quản lý bảo vệ rừng ở đây nói câu này. Cũng vì công việc khó khăn, thường xuyên phải xa nhà, ngủ rừng nhưng lương thì thấp nên nhiều năm qua, không chỉ tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh mà Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng đều rất khó tuyển được cán bộ. Một số người chỉ chấp nhận về nhận công tác để làm "bước đệm" rồi tìm cách chuyển tới vị trí tốt hơn.

Theo ông Hoàng Trọng Thái, hiện nay, các cán bộ ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh mỗi lần đi tuần tra đều phải mang theo 10-20 lít nước mới đủ sử dụng nên rất cần thành lập những chốt chặn tại các điểm cao để tiện cho công tác quản lý bảo vệ rừng. Tại các điểm này cần khoan giếng, lắp đặt hệ thống điện mặt trời để phục vụ lực lượng bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, cần có chế độ đãi ngộ tốt hơn, thu hút thêm cán bộ trẻ về công tác. 

"Để cao nguyên Kon Hà Nừng được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, rất nhiều thế hệ cán bộ quản lý bảo vệ rừng ở các đơn vị đã đánh đổi bằng mồ hôi, thậm chí cả tính mạng của mình.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo