xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Từng bước xã hội hóa cách ly

Phan Anh - Nguyễn Thạnh - Ca Linh

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý mở rộng xã hội hóa, đóng góp tự nguyện trong điều kiện cách ly tập trung chống lây nhiễm SARS-CoV-2. Do đó, xã hội hóa việc cách ly tập trung có thu phí cần được áp dụng từng bước để chia sẻ gánh nặng với nhà nước

Tại TP HCM, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết hiện mỗi ngày có 1.300 - 1.700 người ở nước ngoài về nước qua sân bay Tân Sơn Nhất. Do đó, các đơn vị liên quan phải chuẩn bị cơ sở vật chất ngay từ bây giờ, gồm cả chỗ cách ly và ăn uống.

7 điểm đầu tiên ở Cần Giờ

Ngoài việc tổ chức các khu cách ly tập trung, TP cũng đang áp dụng hình thức cách ly tại các cơ sở lưu trú du lịch để qua đó giảm tải phần nào cho các khu cách ly tập trung.

Theo Sở Du lịch TP, thời gian qua, các sở, ngành đã phối hợp UBND các quận, huyện vận động, khảo sát và lựa chọn các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn đáp ứng các tiêu chí để huy động nguồn lực vật chất tham gia phục vụ việc cách ly.

Hiện TP đã vận động 10 cơ sở lưu trú du lịch, khu nghỉ dưỡng tại huyện Cần Giờ tham gia với gần 400 phòng và 500 giường. Các cơ sở này gồm: Resort Cần Giờ, Resort Phương Nam, nhà nghỉ Phi Lao, nhà nghỉ Kỳ Nam và các khách sạn: Mangrove, Tân Thái Dương, Tâm Tâm, Thái Dương, Khánh Vân 1, Kỳ Nam. Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết trước mắt sẽ chọn những khách sạn ở ngoại ô như Cần Giờ…, còn cách ly ở nội ô là phương án cuối cùng.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) TP, đến ngày 24-3, tại Cần Giờ số cách ly tập trung có thu đang tăng với 248 trường hợp. Trong đó, khu cách ly tập trung tại Bệnh viện Cần Giờ có 59 trường hợp, khu khách sạn Phương Nam: 58 trường hợp, Resort Cần Giờ: 49 trường hợp, Resort Mangrove: 82 trường hợp.

Đại diện UBND huyện Cần Giờ cho biết hiện có 7 resort, khách sạn ở huyện đủ điều kiện đón người đến cách ly theo hình thức có trả phí, gồm: 2 resort Cần Giờ và Phương Nam cùng 5 khách sạn: Mangrove, Thái Dương , Tân Thái Dương, Tâm Tâm và Khánh Vân 1, với tổng cộng 321 phòng. Giá dịch vụ lưu trú du lịch dao động từ 350.000 đến 500.000 đồng/ngày, suất ăn một bữa 50.000 đồng; giá trọn gói bộ drap, gối là 2,4 triệu đồng.

Như vậy, nếu người từ nước ngoài về chọn hình thức cách ly có trả phí và được đưa về đây thì phải thanh toán chi phí cố định từ 9,4 triệu đến 10,1 triệu đồng; cao nhất là 10,8 triệu đồng. Nếu người cách ly cần thêm các nhu cầu ăn uống bổ sung hoặc sử dụng dịch vụ khác thì phải chi thêm các khoản phát sinh đó. Riêng chủ resort Phương Nam đã cho huyện Cần Giờ mượn khu nghỉ dưỡng làm nơi cách ly tập trung nên không phải thanh toán tiền phòng, chi phí giảm còn 4,5 triệu đồng.

Về quy trình cách ly có thu phí, theo Trung tâm KSBT TP, trước khi đến khách sạn, người đến cách ly đã được kiểm tra dịch tễ trên tờ khai y tế ngay tại sân bay lúc vừa đáp xuống từ các chuyến bay quốc tế. Trong tờ khai, khách được lựa chọn về khu tập trung của TP theo yêu cầu và không tính phí hoặc về khu cách ly là các khách sạn có trả phí. Bộ phận y tế sẽ xác nhận khách đến từ những vùng dịch trên thế giới hay không, tình trạng sức khỏe thế nào… để quyết định phân bổ.

Từng bước xã hội hóa cách ly - Ảnh 1.

Khu cách ly resort Phương Nam ở huyện Cần Giờ, TP HCM (TP HCM)Ảnh: Hoàng Triều

Cần Thơ chuẩn bị triển khai cách ly có thu phí

Ngày 24-3, lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP Cần Thơ cùng các sở, ngành họp khẩn trực tuyến với các quận, huyện, triển khai kế hoạch đáp ứng với từng cấp độ dịch bệnh Covid-19.

Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đến thời điểm này, Cần Thơ có 6 cơ sở lưu trú đăng ký tự nguyện làm khu cách ly, có thu phí. Sở đã phối hợp với Trung tâm KSBT và các cơ quan chuyên môn khảo sát, bảo đảm đầy đủ các điều kiện để trình UBND TP Cần Thơ.

"Trước mắt, có thể sử dụng 2 khách sạn với số lượng 100 phòng. Những người cách ly tập trung tại Ô Môn nếu có nhu cầu thì có thể đăng ký và bắt buộc đáp ứng yêu cầu về sức khỏe, có kết quả xét nghiệm âm tính" - ông Tùng nói. Các khu cách ly có thu phí đang trong quá trình hoàn thiện, khi nào đáp ứng đủ điều kiện về vật chất, y tế và nhân lực thì mới có thể triển khai.

Đại tá Lương Văn Bền, Phó Giám đốc Công an TP Cần Thơ, cho biết số người cách ly tại nhà cơ bản chấp hành đúng các quy định. Tuy nhiên, qua kiểm tra, một số người trong thời gian cách ly tại nhà vẫn đi ra ngoài, thậm chí tham dự đám tiệc. Vì vậy, ông Bền đề xuất phải có biện pháp chế tài đối với trường hợp không thực hiện đúng trong thời gian cách ly 14 ngày tại nhà.

Phương án hợp lý

GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, đánh giá: "Không riêng TP Cần Thơ, các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long đã có những ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Số lượng người trong diện cách ly tập trung sẽ tăng cao, do vậy nguồn lực công không thể nào cáng đáng toàn bộ trong thời gian dài. Những người bị cách ly mà có điều kiện kinh tế - tài chính tốt, cần không gian thoải mái và tiện nghi hơn thì có thể chọn những nơi có thu phí, đáp ứng nhu cầu. Do đó, lúc này việc đưa các cơ sở lưu trú vào làm nơi cách ly tập trung có đóng phí là phù hợp. Nhưng những nơi này phải bảo đảm các điều kiện do nhà nước quy định".

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng ở nhiều nước trên thế giới, họ thu phí điều trị, xét nghiệm rõ ràng. Cách ly cũng trong diện phải đóng tiền cho dịch vụ, dù công hay tư. Vì vậy, xã hội hóa cách ly tập trung và có thu phí, đáp ứng nhu cầu một bộ phận người trong diện cách ly do nghi nhiễm là nên làm. Các giới, ngành và người dân nói chung nên chia sẻ với nhà nước và sau lời kêu gọi của Trung ương MTTQ Việt Nam mới đây, chúng ta có thể thấy tinh thần cộng đồng của người Việt Nam là rất cao, tham gia ủng hộ vật chất khá lớn. Ngoài ra, nhà nước cần giám sát chặt những cơ sở lưu trú đăng ký làm điểm cách ly sao cho bảo đảm không vì lợi nhuận mà chiều theo khách, gây nguy cơ lây lan bệnh". 

Yêu cầu đóng cửa hàng loạt

Ngày 24-3, UBND TP HCM đã có công văn khẩn gửi các sở, ngành và 24 quận, huyện về việc tạm dừng một số hoạt động trên địa bàn TP. Theo đó, tạm dừng mọi hoạt động các khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, quán beer club; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (công suất phục vụ từ 30 người trở lên), câu lạc bộ bida, phòng tập thể hình (gym), cơ sở làm đẹp, uốn tóc, hớt tóc trên địa bàn TP kể từ 18 giờ ngày 24-3 đến hết 31-3.

Cùng ngày, ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Châu Đốc (tỉnh An Giang), cho biết từ 0 giờ ngày 25-3, Châu Đốc tạm ngưng các hoạt động tổ chức trong Khu Du lịch quốc gia Núi Sam; tạm dừng việc đón khách và thu phí tham quan cho đến khi ổn định.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng vừa có văn bản hỏa tốc về việc tạm dừng các hoạt động dịch vụ giải trí trên địa bàn như quán bar, vũ trường, karaoke, massage, chiếu phim... Đối với các phòng tập thể hình, yoga..., đề nghị người dân khi tham gia phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của ngành y tế.

Tại cuộc họp khẩn của lãnh đạo TP Cần Thơ với các ban, ngành, ông Lê Quang Mạnh, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, yêu cầu không tổ chức các lễ hội, sự kiện tập trung đông trên 50 người và tạm dừng các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng từ 0 giờ ngày 25-3 cho đến khi có thông báo mới. Trưởng Ban Tôn giáo phối hợp các địa phương vận động các tôn giáo tu hành tại gia, tránh tập trung đông người.

Tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu tạm đóng cửa toàn bộ quán bar, karaoke, khu di tích.

Nhóm PV

Khi cần thiết sẽ vận động thêm

Chiều 24-3, Trung tâm Báo chí TP HCM cho biết hiện các sở, ngành chưa triển khai tiếp việc sử dụng cơ sở lưu trú du lịch làm địa điểm cách ly phòng chống dịch Covid-19. Khi cần thiết, các sở, ngành sẽ phối hợp các địa phương tiếp tục triển khai vận động, khảo sát và lựa chọn cơ sở lưu trú du lịch làm địa điểm cách ly phòng chống dịch Covid-19.

Như vậy, ngoài 10 địa điểm ở Cần Giờ, TP HCM tạm thời chưa triển khai tiếp nhận thêm các cơ sở lưu trú du lịch khác làm địa điểm cách ly phòng chống dịch Covid-19.

Tối 24-3, Ủy ban MTTQ TP HCM cho biết tính đến 17 giờ cùng ngày, đã có 110 tập thể, cá nhân, đăng ký ủng hộ phòng chống dịch bệnh Covid-19 số tiền là hơn 76 tỉ đồng.

Sống có trách nhiệm, đâu khó!

Ngay bây giờ, không chỉ riêng tôi mà ắt hẳn các bạn ai cũng mong đất nước ta sẽ vượt qua thành công "2 tuần quyết định" trong việc phòng chống dịch Covid-19 như những gì các chuyên gia y tế đã nhận định.

Không mong mỏi sao được khi nhìn ra thế giới đã có hàng ngàn người phải thiệt mạng về dịch bệnh này, kéo theo đó là kinh tế toàn cầu đang lao dốc không phanh. Vì vậy, vượt qua dịch Covid-19 sớm ngày nào sẽ ít thiệt hại ngày ấy. Ở Việt Nam, kinh tế có thiệt hại nhưng chúng ta chưa có ca tử vong dù đã có hơn 100 ca mắc và hàng chục ngàn trường hợp đang cách ly theo dõi.

Nói vậy để thấy hệ thống y tế, hệ thống chính trị và bản thân chúng ta đã rất quyết liệt để phòng chống Covid-19 ngay từ khi dịch mới xuất hiện. Thế nên, đến thời khắc quyết định này, chúng ta cần phải làm tốt và quyết liệt hơn nữa mới mong giữ vững kết quả bước đầu đã đạt được.

Qua theo dõi tình hình phòng chống dịch Covid-19 trên thế giới cũng như ở Việt Nam, ai cũng dễ dàng nhận thấy việc tuyệt đối tuân thủ biện pháp cách ly mang yếu tố quyết định cho sự thành bại. Vậy mà, thời gian gần đây, đây đó xuất hiện những trường hợp cá biệt: khai báo gian dối, trốn khỏi khu cách ly, tự ý di chuyển ra cộng đồng khi đang phải cách ly tại gia... Đây là hành động rất đáng bị lên án.

Để người đang cách ly bỏ trốn, dĩ nhiên người có trách nhiệm theo dõi, giám sát người cách ly phải chịu trách nhiệm theo quy định. Điều tôi và nhiều người mong mỏi chính là không còn những trường hợp cá biệt như vừa qua. Để làm được điều này, người đang được cách ly, các cơ quan chức năng dĩ nhiên đã biết phải làm gì, nghĩ cũng không cần nhắc lại.

Chỉ xin đóng góp một giải pháp "mềm", đó là đã đến lúc mọi người cùng chung tay giám sát và lên tiếng báo ngay cho chính quyền khi phát hiện những trường hợp bất chấp, không tuân thủ biện pháp cách ly. Trong cuộc chiến này, thành công hay thất bại không chỉ dựa vào chiến lược, chiến thuật của Chính phủ và hệ thống y tế mà còn tùy thuộc rất nhiều vào ý thức và trách nhiệm của từng người dân.

Sống có trách nhiệm trong mùa dịch Covid-19 có khó không? Không khó, khi chúng ta ai cũng biết, cũng nghe về cách phòng chống dịch bệnh được tuyên truyền thường xuyên, liên tục. Với thiển nghĩ của tôi, chỉ cần tuân thủ những gì ngành y tế, chính quyền đã khuyến cáo là chúng ta đã là những người sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Đức Huy

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo