xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Từng bước... xóa sổ rừng

HỒ PHI

Trước các vụ phá rừng liên tiếp, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Trà My kiểm tra, xử lý.

Văn bản của Chi cục Kiểm lâm nghe khá quen tai, bởi chỉ trong một thời gian ngắn, những văn bản như trên của các cơ quan chức năng cũng đã được ban hành. Thế nhưng dù cứ nhắc lại "điều tra, xử lý", rừng ở Quảng Nam vẫn liên tiếp bị đốn hạ. Trong năm 2019, vào tháng 4, rừng phòng hộ Đắk Mi (thuộc lâm phận xã Phước Đức, huyện Phước Sơn) bị phá; kế đó là vụ phá rừng ở xã Cà Dy (huyện Nam Giang); phá rừng phòng hộ Sông Tranh (xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My). Liên quan đến vụ phá rừng này đã có 1 đồn phó Bộ đội Biên phòng và 2 kiểm lâm bị khởi tố.

Từng bước... xóa sổ rừng - Ảnh 1.

Người dân phá rừng gần đồn biên phòng để lấy đất sản xuất Ảnh: BẮC CÔNG

Đó là chỉ riêng Quảng Nam, hàng loạt các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên như Khánh Hòa, Phú Yên, Đắk Lắk, Kon Tum... rừng vẫn chảy máu hằng ngày. Theo công bố hiện trạng rừng toàn quốc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối năm 2018, cả nước có gần 14,5 triệu ha diện tích đất có rừng, trong đó hơn 10,2 triệu ha rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng. Diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỉ lệ che phủ toàn quốc là gần 13,8 triệu ha, tỉ lệ che phủ là 41,65%, thấp hơn mục tiêu đề ra là 43%.

Đối tượng phá rừng thì thiên hình vạn trạng. Lâm tặc ngày nay đâu đơn giản là những người dân bình thường vác cưa vào rừng hạ cây như trước nữa. Nay lâm tặc có thể là những ông chủ xưởng gỗ giàu sụ ở thành thị chưa một ngày bước chân vào rừng. Cũng có thể là cán bộ địa phương với thú chơi đồ gỗ cầu kỳ, là những đại gia muốn đưa rừng về vườn chỉ để thỏa mãn thú vui trọc phú và cả những người mặc sắc áo bảo vệ rừng. Nhưng đáng ngại hơn cả là những lâm tặc cứ nhăm nhăm vào những mảnh rừng mà lập dự án kinh tế lớn như thủy điện, du lịch, trang trại... Rừng ở những dự án này bị tiêu diệt có khi cả trăm, cả ngàn ha. Từ rừng giàu trở thành rừng nghèo, rừng nghèo trở thành bê-tông.

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, Chính phủ đã có những chủ trương lớn nhằm bảo vệ và nâng diện tích che phủ rừng. Gần đây nhất, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ra lệnh đóng cửa rừng tự nhiên. Từ đó đến nay, tuy nạn phá rừng có giảm nhưng diện tích rừng bị mất vẫn rất nghiêm trọng. Theo thông tin được công bố trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, 7 tháng của năm 2019, diện tích rừng bị thiệt hại là 1.740,5 ha (gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước), trong đó diện tích rừng bị cháy là 1.409,9 ha (gấp 3,8 lần). Với tốc độ mất rừng như thế này, chẳng mấy chốc rừng tự nhiên cạn kiệt.

Chúng ta không thể ỷ lại vào diện tích rừng trồng, bởi mục đích chính của loại rừng này là kinh doanh. Rừng trồng không thể thay thế được rừng tự nhiên, bởi yếu tố sống còn và quan trọng nhất của rừng chính là bảo tồn sự đa dạng sinh học, vấn đề này liên quan trực tiếp đến sự phát triển của hệ sinh thái quốc gia, sự sinh tồn của con người. Bảo vệ rừng mà thủ phạm vẫn nhởn nhơ, người quản lý không truy được trách nhiệm thì sẽ đến lúc chẳng còn rừng để bảo vệ. Lúc đó, hối tiếc cũng đã muộn và hậu quả thì đã nhãn tiền. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo