xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

PHÓNG SỰ: Phóng viên Người Lao Động vào điểm nóng Covid-19

Bài và ảnh: Giang Nam

Phóng viên Báo Người Lao Động đã có mặt tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng... ở TP HCM để ghi nhận những hy sinh thầm lặng của tuyến đầu chống dịch

Gần 2 tháng qua, khu cách ly tại ký túc xá ĐHQG TP HCM ở TP Thủ Đức với hơn 20 tòa nhà cao tầng đã thực hiện cách ly cho gần 12.000 lượt người. Biết bao chuyện vui buồn đã diễn ra trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt.

Ở cùng F0

Đầu tháng 7-2020, một cặp vợ chồng cùng cô con gái 6 tuổi ở quận 12 vào khu cách ly tại ký túc xá ĐHQG TP HCM. Ít ngày sau, người mẹ có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 nên buộc phải tách 2 cha con ra và đưa người mẹ đi điều trị.

PHÓNG SỰ: Phóng viên Người Lao Động vào điểm nóng Covid-19 - Ảnh 1.

Phút thư giãn hiếm hoi của các nhân viên y tế ở khu cách ly ký túc xá ĐHQG TP HCM

PHÓNG SỰ: Phóng viên Người Lao Động vào điểm nóng Covid-19 - Ảnh 2.

Người cách ly ra nhận cơm, đưa tay chào khi nhận thấy phóng viên

Hai cha con ở được vài ngày thì đến lượt người cha dương tính, buộc phải đi điều trị ở nơi khác. Khi đó, hai vợ chồng rất lo lắng. Người cha kiên quyết không đi điều trị nếu không được mang theo con gái. Lúc này, ban giám đốc khu cách ly quyết định đưa bé qua cách ly tại Bệnh viện (BV) Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp và tìm người thân đến chăm sóc bé. Ngay trong chiều hôm đó, một chiếc xe cứu thương tức tốc chạy về An Giang, đưa ông ngoại bé lên trong đêm. Tuy nhiên, tình huống bất ngờ đã xảy ra. Khi đến BV xét nghiệm lần nữa, bé lại có kết quả dương tính nên được đưa trở lại khu cách ly để theo dõi tiếp.

Chị Mai Thị Kim Ngân, điều dưỡng của BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, xung phong vào ở cùng bé - lúc này đã là F0 - để hỗ trợ, chăm sóc. Khi đó, chị Ngân chẳng nghĩ ngợi gì bởi thấy bé rất dễ thương, không quấy khóc hay sợ sệt. Camera được đưa vào trong phòng để cha mẹ bé có thể nhìn thấy con qua điện thoại, giảm bớt nỗi lo nhớ. Chị Ngân ngồi một bên trò chuyện, nhắc bé ăn, nghỉ ngơi.

"Tụi em xin đồ chơi khắp nơi, khử khuẩn sạch sẽ để bé có thể thỏa thích chơi đùa. Sau lần xét nghiệm quyết định, bé được chuyển vào điều trị cùng cha mẹ. Xe đến đưa bé đi ngay lúc đang ngủ. Em đánh thức bé dậy, bé nói: "Con muốn ở đây, ở đây vui mà". Lời nói ngây ngô của bé làm em rất xúc động. Đó là khoảnh khắc đáng nhớ nhất của em trong chuyến công tác đặc biệt này" - Ngân bộc bạch.

Vui buồn lẫn lộn

Những ngày này, bác sĩ Hồng Khánh Sơn liên tục di chuyển giữa các tòa nhà để đôn đốc, kiểm tra và hỗ trợ kịp thời khi có tình huống phát sinh. Bác sĩ Sơn đang làm trợ lý chuyên môn cho bác sĩ Phan Nhật Khánh - Phó Giám đốc BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, Phó Giám đốc khu cách ly ký túc xá ĐHQG TP HCM.

Bác sĩ Sơn nhớ như in một buổi sáng, chuông điện thoại reo lên, đầu dây bên kia là một phụ nữ đang cách ly ở tòa nhà A5. Chị khóc nghẹn, không nói thành lời. Chồng chị vừa đột ngột qua đời trong khi chị đang cách ly, con trai là F0 đang điều trị tại huyện Củ Chi. Chị lo lắng không biết ai sẽ lo hậu sự cho chồng và nằng nặc xin về nhà.

"Tôi trấn an rằng hậu sự của chồng chị sẽ có chính quyền lo. Bản thân chị đang cách ly, dù kết quả xét nghiệm là âm tính nhưng vẫn có thể đang ủ bệnh. Nếu chị về thì những người lo hậu sự sẽ có nguy cơ lây nhiễm. Tôi hiểu sự đau buồn tột độ của chị trong hoàn cảnh này nhưng nhiệm vụ phải tuân thủ quy trình cách ly, bảo vệ người có nguy cơ nhiễm và cộng đồng mới là ưu tiên hàng đầu tại đây" - bác sĩ Sơn nhớ lại.

Để chia buồn, bác sĩ Sơn chủ động mua hương hoa, trái cây và nến. Rồi ông lập bàn thờ "dã chiến" cho người phụ nữ thắp nén nhang bái biệt chồng.

Trong khu cách ly này, những "chuyện vặt" xoay quanh việc ăn uống, sinh hoạt nhiều vô kể. Một số người lớn tuổi ăn uống khó nên những ngày đầu hay phàn nàn cơm cứng, sống, thức ăn nguội... Do lực lượng ở đây ít người nên khi nhận được phản ánh, họ phải chia nhau gọi điện thoại giải thích, động viên, nhiều khi chuyển lên cho người cách ly mì gói, trái cây để ăn chêm cho đỡ ngán. Cơm đặt theo suất ăn công nghiệp, có lúc không được như ý nhưng sau khi được các bác sĩ giải thích, mọi người cũng thông cảm vì biết trong tình hình dịch bệnh thế này, khó mà chu toàn mọi thứ.

Khu cách ly ký túc xá ĐHQG TP HCM có 170 y - bác sĩ và 360 chiến sĩ đang ngày đêm căng sức chống dịch Covid-19. Những vui buồn cá nhân ít được bộc lộ nhưng sâu thẳm trong lòng, họ rất nhớ và lo lắng cho người thân ở nhà. Công việc cứ cuốn lấy từ sáng đến khuya nên tranh thủ giờ cơm trưa, nhân viên y tế gọi điện thoại về nhà. Lo cha mẹ lớn tuổi không biết cách đặt hàng online nên họ đành nhờ bạn bè ở gần đặt hộ, đồng thời động viên người thân ở nhà phòng dịch, hạn chế ra đường.

Bác sĩ Hà Thị Minh Trang (BV Y học dân tộc TP HCM) bày tỏ niềm vui lớn nhất trong ngày là tiễn những người hoàn thành thời gian cách ly, đủ điều kiện về nhà. Buồn nhất là khi ban giám đốc thông báo chuẩn bị tiếp nhận người vào cách ly. "Người cứ vào ra liên tục nên có thể nói, ngày nào chúng tôi cũng vui buồn lẫn lộn. Hôm nào có nhiều người được về nhà thì vui nhiều hơn buồn. Mà những ngày gần đây, số lượng vào cách ly giảm hẳn, là tín hiệu đáng mừng" - bác sĩ Trang bộc bạch.

Nhiều người hoàn thành cách ly cho biết họ cảm nhận được sự chăm lo tận tình của đội ngũ y - bác sĩ, chiến sĩ trong khu cách ly. Chị Phạm Ngọc Thạnh Nghi (ngụ quận Tân Bình) chia sẻ chị có con nhỏ nên hay xin thuốc, sữa; bất kể ngày đêm đều được đáp ứng nhanh chóng. Tầng chị ở có người mang thai gặp sự cố gọi cho bác sĩ là được thăm khám rất chu đáo, nhiệt tình...

"Họ bịt kín mít mình trong bộ đồ bảo hộ nóng bức và khó chịu. Chúng tôi rất nể phục và kính trọng những người như vậy. Cảm ơn tất cả anh chị đã ngày đêm phục vụ chúng tôi bất chấp hiểm nguy" - chị Nghi xúc động. 

Kỳ tới: 12 giờ "xây" bệnh viện dã chiến

Buổi họp giao ban của nhóm y - bác sĩ tòa nhà G1 diễn ra vào sáng 18-7 do bác sĩ Võ Diệp Hoàng Minh, quản lý tòa nhà, chủ trì.

Bác sĩ Minh cho hay nhóm đã làm việc ở đây đủ 5 tuần như quyết định trước khi lên đường nhận nhiệm vụ của ban giám đốc BV, nghĩa là nhóm có thể về. "Tuy nhiên, hiện cả thành phố đang căng mình chống dịch. Nhân lực y tế đang phải chia tách để chi viện cho nhiều nơi. Vì thế, tôi sẽ tiếp tục ở lại, ai về thì đăng ký để tôi báo lên ban giám đốc" - bác sĩ Minh dứt lời thì đồng loạt các cánh tay giơ lên đều xin ở lại.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo