xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vẹn nguyên một "mảnh hồn làng"

Bài và ảnh: Võ Quý Cầu

Dân ở quê của nhà thơ Tế Hanh giờ nhiều người bỏ nghề chài lưới nhưng vạn chài Đông Yên thì còn đó. Khách phương xa mỗi bận về cũng dừng lại thăm vạn chài ngắm sông Trà Bồng

Từ ngã ba Lý Bình ở thị trấn Châu Ổ (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), tôi rẽ hướng Đông để về làng Đông Yên (xã Bình Dương, huyện Bình Sơn) - quê hương của nhà thơ Tế Hanh. Không còn "Tôi , con đường nhỏ chạy thênh thang/ Kéo nỗi buồn không dạo khắp làng" (trong bài "Lời con đường quê" của Tế Hanh), thay vào đó là con đường trải nhựa chạy giữa hai bên những ngôi nhà ngói, nhà tầng.

Bình yên qua nắng mưa

Thầy Cao Ngọc Bảo, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Bình Dương (xã Bình Dương), sau vài câu chuyện đã hào hứng cùng tôi đến ngôi nhà xưa - nơi nhà thơ Tế Hanh (dân làng ở đây quen gọi là anh Hai Phố) cất tiếng khóc chào đời. Đó là ngôi nhà rường ba gian, hai chái, nằm trong con đường nhỏ, phía trước có cây sạp ba ngọn, bình yên qua nắng mưa. Gian chính ngôi nhà là bàn thờ tổ tiên và song thân của nhà thơ. Hai gian tả, hữu có đôi bộ phản làm bằng cây bời lời. Một bức hình của nhà thơ Tế Hanh đặt trên bộ phản bên hữu, vài chiếc ấm chén.

Vẹn nguyên một mảnh hồn làng - Ảnh 1.

Thầy Cao Ngọc Bảo (bìa phải) cùng ông Nguyễn Văn Vàng bên bức ảnh của thi sĩ Tế Hanh trong ngôi nhà xưa

Ông Nguyễn Văn Vàng, em phía ngoại của ông Hai Phố, 86 tuổi, lâu nay trông coi nhà thờ, kể: "Dòng họ Trần của anh Hai Phố là dòng họ lớn. Ngày xưa nhiều người học hành và làm thuốc cứu người. Chỉ tính trong 4 người có bằng tú tài Tây ở huyện Bình Sơn thì họ này đã có hai người là thi sĩ Tế Hanh và một người tên Trần Hoàng. Anh Hai Phố mất đã 12 năm rồi nhưng với tui thì như vẫn còn ở đây. Đời anh đi nhiều nơi, từ lúc rời quê ra Huế học, rồi Cách mạng Tháng Tám thành công, tham gia công tác và tập kết ra Bắc cho đến khi đất nước thống nhất, trở về thăm quê nhưng giọng nói vẫn đặc sệt của người làng Đông Yên, chứ có lai tạp từ nào đâu".

Bà Trần Thị A, em họ của nhà thơ Tế Hanh, ở gần nhà thờ họ, cũng 86 tuổi. Nhắc đến nhà thơ Tế Hanh, bà ngậm ngùi: "Anh tui có đôi mắt sáng và hiền lành như đếm. Thời trai trẻ, ảnh viết những bài thơ nổi tiếng trên thi đàn dân tộc. Về quê bao giờ cũng là đứa con yêu". Rồi bà kể có lần về thăm quê, những người cùng trang lứa hỏi nhà thơ Tế Hanh "chứ Hai Phố có được cha mẹ cho của nả gì không?". Nhà thơ cười: "Cha mẹ cho đi học là cho của nả rồi". Nói thế thôi mà mọi người nhớ mãi.

Mà đâu phải chuyện quê hương, ngay cả chuyện thơ văn, nhà thơ Tế Hanh cũng rất đỗi hiền lành.

Vẹn nguyên một mảnh hồn làng - Ảnh 2.

Bến sông quê - nơi có chợ Hôm đã đi vào thơ của nhà thơ Tế Hanh

Năm 1986, có lần khi về thăm Huế nói chuyện cùng những bạn thơ văn và sinh viên ở giảng đường Trường Đại học Sư phạm Huế, nhà thơ vẫn nguyên một chất giọng của người làng Đông Yên, nên có khi sinh viên người Quảng Ngãi đã trở thành phiên dịch bất đắc dĩ những lời ông nói. Sau chuyện về thơ văn, có sinh viên xin phép hỏi: "Thời đi học ở Huế, rồi tập kết xa quê, thi sĩ viết những bài thơ dạt dào tình quê. Nhưng những năm sau ngày đất nước thống nhất, nhiều lần thi sĩ về thăm quê nhưng chẳng thấy xuất hiện bài thơ nào đạt "đỉnh" như bài "Nhớ con sông quê hương?". Nhà thơ đáp: "Thì xa quê, nhớ quê nên trong thơ dạt dào cảm xúc. Đất nước thống nhất được trở về thăm quê, thăm người làng thì nỗi nhớ có dồn nén đâu".

Câu trả lời hồn nhiên của nhà thơ Tế Hanh năm ấy làm cả hội trường xúc động. Chẳng ai bảo ai, tất cả đồng loạt đứng lên vỗ tay tạm biệt người được mệnh danh là thi sĩ của quê hương.

Về thăm quê, ông Hai Phố chẳng thơ phú gì đâu. Sau khi thắp hương trên bàn thờ ông bà, tổ tiên, ông vận đồ bà ba đi dạo khắp làng, hỏi thăm người quê ai còn ai mất. Đạo diễn Đoàn Huy Giao (Đài Truyền hình Đà Nẵng) nhớ có lần mời ông về thăm quê để thực hiện một phim tài liệu về ông. Hồi đó, ở chợ Châu Ổ có ông Đảnh mù bẩm sinh, đánh đờn cò mưu sinh. Xa quê nhiều năm nhưng nghe tiếng bước chân của thi sĩ, ông Đảnh đờn cò đã nhận ra nên dừng khúc nhạc, hỏi: "Ai? Có phải là Hai Phố đó không? Đích xác là Hai Phố rồi!". Hai người bạn gặp lại nhau khi đầu đã bạc, mừng mừng, tủi tủi, ôm choàng lấy nhau, nước mắt rưng rưng.

Hầu như lần nào về quê, ông Hai Phố cũng đến thăm trường làng, nơi tuổi thơ ông học, để chuyện trò với các thầy cô. Ông Hai Phố dặn các thầy cô giáo: "Người quê mình hiếu học. Các thầy cô gắng dạy dỗ các em". Thầy Cao Ngọc Bảo nhớ những câu thơ ông viết tặng trường vào năm 1993 với nhiều kỷ niệm: "Trường Đông Yên tuổi nhỏ quê ta/ Trường bảy mươi, ta bảy ba/ Ruộng lúa vườn cây xanh bốn hướng/ Con sông bến nước mát từ xa...".

Dạt dào tình quê

Làng Đông Yên quê ông Hai Phố nằm ở bờ Bắc hạ lưu sông Trà Bồng. Dân làng này xưa làm nghề chài lưới. Phía dưới chợ là bến ghe bầu, thuyền nan. Cứ chiều hôm trước, dân làng hối hả ra khơi đánh bắt, sáng hôm sau lại hối hả trở về bến sông này. Con cá, con tôm không chỉ nuôi sống bao phận người mà còn là nguồn cảm hứng dạt dào để nhà thơ từ khi rời quê ra Huế học cho đến những năm "tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến" (Nhớ con sông quê hương - Tế Hanh) trong thơ ông vẫn dạt dào tình quê.

Những năm cuối đời, khi còn khỏe, nhiều lần về thăm quê, gặp bạn bè cùng trang lứa, ông say sưa kể rằng ngày xưa sông Trà Bồng nước trong như gương. Phía trước vạn Đông Yên là dòng sông, bà con trồng dừa dọc bờ. Còn chếch về hướng Tây, từ bao đời, tre trồng dày thành lũy để ngăn xói lở, để mùa hạ về soi bóng xuống dòng sông, nên ông mới viết "Nước gương trong soi tóc những hàng tre". Nhiều lúc dân làng gặp ông Hai Phố đứng ngây người nhìn một khúc sông. Người quê hiểu, ông đang sống nhiều về ký ức, nên hãy để yên không làm xao động.

Vẹn nguyên một mảnh hồn làng - Ảnh 3.

Nhà xưa của nhà thơ Tế Hanh

Dân ở quê của nhà thơ Tế Hanh giờ nhiều người bỏ nghề chài lưới. Nhưng vạn chài Đông Yên thì còn đó với xuân, thu nhị kỳ đèn đuốc sáng trưng. Khách phương xa, theo lời thơ của nhà thơ nên mỗi bận tìm về cũng dừng lại thăm vạn chài Đông Yên, ngắm sông Trà Bồng có "bầy chim non bơi lội trên sông" trong mùa hạ, khi chiều xuống.

Tôn vinh người con yêu

Tại làng Đông Yên, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, có xây cổng làng. Dân làng cho hay khi xây cổng, nhớ đến những bài thơ của ông Hai Phố viết về làng nên sau nhiều lần bàn bạc, họ thống nhất phía trên chiếc cổng xây một biểu tượng về chiếc thuyền buồm. Trên nền của biểu tượng, ghi đôi câu thơ: "Cánh buồm trương, to như mảnh hồn làng/ Rướn thân trắng bao la thâu góp gió". Đó là một câu trong bài thơ "Quê hương" của nhà thơ Tế Hanh.

Vẹn nguyên một mảnh hồn làng - Ảnh 4.

Cổng làng có khắc đôi câu thơ của nhà thơ Tế Hanh

Thầy Cao Ngọc Bảo cũng cho hay một nhóm những người trẻ, quê ở xã Bình Dương, từng đề nghị địa phương dành một miếng đất phía trước làng Đông Yên, nằm bên sông Trà Bồng, để đầu tư xây dựng một khuôn viên chừng 1.000 m2. Trong đó, đặt một bức tượng bán thân của nhà thơ Tế Hanh, trồng những luống hoa tươi và xếp nhiều chiếc ghế đá để những người quê sau ngày bận rộn trên đồng hay khách phương xa về thăm sẽ ngắm nhìn dòng sông mà nhớ đến nhà thơ Tế Hanh. Tất cả âu cũng là sự tôn vinh một người con yêu của quê hương Quảng Ngãi.

Tiến sĩ Mai Bá Ấn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi, cho biết nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Tế Hanh (20.5.1921-20.5.2021), hội có kế hoạch kết hợp Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học về cuộc đời và sự nghiệp thơ của ông nhưng do dịch Covid-19 nên đành dừng lại. Thay vào đó, hội ra mắt tập san chuyên đề về Tế Hanh với nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu, nhà thơ, nhà văn trong cả nước. Đồng thời, trong dịp kỷ niệm, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi sẽ tổ chức thăm ngôi nhà xưa, có bức hình lưu niệm của thi sĩ nơi làng Đông Yên. 

Sâu đậm nhất là đề tài quê hương

Nhà thơ Tế Hanh một đời làm thơ, viết nhiều chủ đề khác nhau nhưng sâu đậm nhất vẫn là đề tài quê hương. Cũng chính vì thế, ngày ông về cõi vĩnh hằng, trong nhóm người đại diện cho quê hương ra Hà Nội đưa tang, có mang theo bức liễn với đôi dòng chữ: "Dân làng tôi ghi ơn Hai Phố. Dòng sông Trà in bóng Tế Hanh". Rồi con đường bên bờ Bắc của hai dòng sông Trà Khúc và Trà Bồng đều được đặt tên nhà thơ Tế Hanh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo